Khái niệm, đặc điểm hợp đồng điện tử
Khái niệm, đặc điểm hợp đồng điện tử được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Khái niệm, đặc điểm hợp đồng điện tử
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phát triển với tốc độ nhanh chóng và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thế giới diễn ra ngày càng khốc liệt. Việc tìm kiếm đối tác, khách hàng, tìm kiếm được thị trường mới, tổ chức được kênh cung ứng linh hoạt, gọn nhẹ, nhanh chóng với chi phí giảm cũng như khả năng phản ứng nhanh hơn với các cơ hội trong trong guồng quay của thế giới kinh doanh đó là những lợi thế không thể thiếu đối với một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển theo kịp thị trường thế giới. Thương mại điện tử nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng chính là chiếc chìa khóa dẫn các doanh nghiệp tới khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Khái niệm
Điều 24, Luật Thương mại (sửa đổi, 2005) cũng quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo đó, “Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập bằng văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”.
Về cơ bản, hợp đồng điện tử cũng giống hợp đồng truyền thống về chức năng, nội dung và giá trị pháp lý. Điểm khác biệt nổi bật là hình thức thể hiện và phương thức ký kết hợp đồng điện tử. Luật mẫu về Thương mại điện tử của UNCITRAL (1996) quy định “Về hình thức hợp đồng, trừ khi các bên có quy định khác, chào hàng và chấp nhận chào hàng có thể được thể hiện bằng thông điệp dữ liệu. Khi thông điệp dữ liệu được sử dụng để hình thành hợp đồng, hợp đồng đó không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì nó được thể hiện bằng thông điệp dữ liệu”.
Luật Giao dịch điện tử của Việt Nam cũng đã quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”.
* Khái niệm về giao kết hợp đồng điện tử
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 của Việt Nam định nghĩa “Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng”.
2. Đặc điểm của hợp đồng điện tử
Do hợp đồng điện tử được hình thành qua các thông điệp dữ liệu và truyền gửi qua Internet và các mạng viễn thông nên hợp đồng điện tử có những đặc điểm chính sau đây:
(i). Thể hiện bằng thông điệp dữ liệu: Đặc điểm nổi bật nhất của hợp đồng là hình thức thể hiện. Hợp đồng điện tử được tạo lập bởi các thông điệp dữ liệu, để hiển thị các nội dung của hợp đồng điện tử cần có các thiết bị điện tử ví dụ như máy tính, điện thoại di động… Chính đặc điểm này của hợp đồng tạo cảm giác hợp đồng điện tử là “ảo”, không dễ dàng “cầm nắm” được một cách dễ dàng.
(ii). Do các phương tiện điện tử tạo ra, truyền gửi và lưu trữ: Hợp đồng điện tử được giao kết thông qua các phương tiện điện tử nhờ sự tiến bộ của các công nghệ hiện đại như: công nghệ điện tử, công nghệ số, từ tính, quang học, mạng viễn thông không dây, mạng Internet…
(iii). Phạm vi ký kết rộng: Hợp đồng điện tử được ký kết thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông, chính các yếu tố này mở rộng phạm vi giao kết hợp đồng điện tử ra khắp thế giới. Đặc biệt là việc sử dụng mạng Internet trong quá trình giao kết hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng có thể ký kết hợp đồng từ mọi nơi trên thế giới.
(iv). Phức tạp về kỹ thuật: Bên cạnh sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí do sử dụng phương tiện điện tử và mạng viễn thông để ký kết hợp đồng. Chính những yếu tố này lại tạo ra một số khó khăn ban đầu cho việc sử dụng vì hợp đồng điện tử đòi hỏi người sử dụng cần có kiến thức và kỹ năng nhất định khi sử dụng các phương tiện điện tử.
(v). Luật điều chỉnh chưa hệ thống và chi tiết: Pháp luật truyền thống chưa đề cập đến các vấn đề như thông điệp dữ liệu, trao đổi dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, phòng tránh và xử lý các hành vi gian lận, lừa đảo, giả mạo chữ ký điện tử… Chính vì hợp đồng điện tử là một lĩnh vực mới đối với cả các bên tham gia và các cơ quan quản lý nên chưa thể có một hệ thống hoàn chỉnh để giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh.
3. Phân loại hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử hình thành và phát triển song song với sự hình thành và phát triển của thương mại điện tử. Dựa trên thực tiễn quá trình phát triển và công nghệ được sử dụng trong quá trình ký kết hợp đồng điện tử, có thể phân chia thành bốn loại hợp đồng điện tử như sau:
* Hợp đồng truyền thống được đưa lên web
Một số hợp đồng truyền thống đã được sử dụng thường xuyên và chuẩn hóa về nội dung, do một bên soạn thảo và đưa lên website để các bên tham gia ký kết. Hợp đồng điện tử loại này thường được sử dụng trong một số lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, internet, điện thoại, du lịch, vận tải, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng… Các hợp đồng được đưa toàn bộ nội dung lên web và phía dưới thường có nút “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” để các bên tham gia lựa chọn và xác nhận sự đồng ý với các điều khoản của hợp đồng. Để ký kết hợp đồng này, người mua thường có hai lựa chọn phổ biến.
* Hợp đồng điện tử hình thành qua giao dịch tự động
Trong hình thức này, người mua tiến hành các bước đặt hàng tuần tự trên website của người bán theo quy trình đã được tự động hóa. Quy trình này thông thường gồm các bước từ tìm kiếm sản phẩm, lựa chọn, đặt hàng, tính giá, chọn hình thức giao hàng, thanh toán, xác nhận hợp đồng…
Đặc điểm nổi bật của loại hợp đồng điện tử này là nội dung hợp đồng không được soạn sẵn mà được hình thành trong giao dịch tự động. Máy tính tự tổng hợp nội dung và xử lý trong quá trình giao dịch dựa trên các thông tin do người mua nhập vào. Cuối quá trình giao dịch, hợp đồng điện tử được tổng hợp và hiển thị để người mua xác nhận sự đồng ý với các nội dung của hợp đồng. Sau đó, người bán sẽ được thông báo về hợp đồng và gửi xác nhận đối với hợp đồng đến người mua qua nhiều hình thức, có thể bằng email hoặc các phương thức khác như điện thoại, fax…
* Hợp đồng điện tử hình thành qua thư điện tử
Đây là hình thức hợp đồng điện tử được sử dụng phổ biến trong các giao dịch điện tử giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), đặc biệt là trong các giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Trong hình thức này, các bên sử dụng thư điện tử để tiến hành các giao dịch, các bước phổ biến thường bao gồm: chào hàng, hỏi hàng, đàm phán về các điều khoản của hợp đồng như quy cách phẩm chất, giá cả, số lượng, điều kiện cơ sở giao hàng… Quy trình giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng tương tự quy trình giao dịch truyền thống, điểm khác biệt là phương tiện sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng là máy tính, mạng Internet và email.
Hình thức giao kết hợp đồng điện tử qua email có ưu điểm nổi bật là truyền tải được nhiều chi tiết, nhiều thông tin, tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp, phạm vi giao dịch rộng. Tuy nhiên, hình thức này có một nhược điểm là tính bảo mật cho các giao dịch và khả năng ràng buộc trách nhiệm của các bên còn thấp. Hợp đồng này thường được thiết lập qua nhiều email trong quá trình giao dịch, tuy nhiên, các bên thường tập hợp thành một hợp đồng hoàn chỉnh sau quá trình giao dịch để thống nhất lại các nội dung đã nhất trí trong quá trình đàm phán.
* Hợp đồng điện tử có sử dụng chữ ký số
Đặc điểm nổi bật là các bên phải có chữ ký số để ký vào các thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch. Chính vì có sử dụng chữ ký số nên loại hợp đồng điện tử này có độ bảo mật và ràng buộc trách nhiệm các bên cao hơn các hình thức trên. Tuy nhiên, để có thể sử dụng chữ ký số, cần có sự tham gia của các cơ quan chứng thực chữ ký số.
Quy trình cơ bản để ký kết hợp đồng điện tử có sử dụng chữ ký số bằng công nghệ khóa công khai PKI (Public Key Infrastructure) thường gồm sáu bước cơ bản:
Bước 1. Một bên (người gửi) soạn thảo hợp đồng, sau đó rút gọn hợp đồng bằng phần mềm. Quy trình này thường được gọi là quy trình rút gọn hợp đồng (Hash-Function).
Bước 2. Bên đó tiến hành tạo chữ ký số từ bản rút gọn của hợp đồng bằng cách sử dụng khóa bí mật của mình. Hai bước này thường được gọi là quá trình ký số.
Bước 3. Để đảm bảo bí mật nội dung hợp đồng và chữ ký số, bên này tiến hành mã hóa cả hợp đồng và chữ ký số vừa tạo bằng khóa công khai của bên kia. Sau đó gửi hợp đồng và chữ ký số đã được mã hóa qua Internet đến bên kia (người nhận). Bước này được gọi là “gói phong bì số”.
Bước 4. Người nhận tiến hành “mở phong bì số” bằng cách sử dụng khóa bí mật của mình để giải mã thông điệp nhận được. Bước này đảm bảo chỉ duy nhất người nhận có thể nhận được thông điệp và chữ ký số của người gửi. Khi đó người nhận sẽ có trong tay hợp đồng và chữ ký số của người gửi. Tiếp theo người nhận tiến hành xác thực tính toàn vẹn nội dung của hợp đồng và chữ ký số.
Bước 5. Người nhận tiến hành rút gọn hợp đồng và nhận được bản rút gọn thứ nhất; tiếp đó người nhận tiến hành giải mã chữ ký số bằng khóa công khai của người gửi và nhận được bản rút gọn thứ hai.
Bước 6. Người nhận tiến hành so sánh hai bản rút gọn này, nếu giống nhau chứng tỏ sự toàn vẹn của hợp đồng và chữ ký số đúng là của người gửi. Nếu có sự khác biệt chứng tỏ đã có sự thay đổi nội dung hợp đồng hoặc chữ ký số.
4. Lợi ích của hợp đồng điện tử
Sử dụng hợp đồng điện tử đem lại cho doanh nghiệp bốn lợi ích cơ bản. Thứ nhất, hợp đồng điện tử giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, đàm phán và ký kết hợp đồng. Thứ hai, sử dụng hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp giảm chi phí bán hàng. Thứ ba, sử dụng hợp đồng điện tử giúp quá trình giao dịch, mua bán nhanh và chính xác hơn. Thứ tư, sử dụng hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Hợp đồng điện tử không chỉ đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất mà còn đem lại nhiều lợi ích cho các công ty thương mại.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm, đặc điểm hợp đồng điện tử về lợi ích của hợp đồng điện tử, phân loại và đặc điểm hợp đồng điện tử....
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Khái niệm, đặc điểm hợp đồng điện tử. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.