Rủi ro trong thương mại điện tử

VnDoc xin giới thiệu bài Rủi ro trong thương mại điện tử được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Một số rủi ro chính doanh nghiệp có thể gặp phải trong thương mại điện tử

Rủi ro trong thương mại điện tử có thể chia thành bốn nhóm cơ bản sau:

  • Nhóm rủi ro dữ liệu
  • Nhóm rủi ro về công nghệ
  • Nhóm rủi ro về thủ tục quy trình giao dịch của tổ chức
  • Nhóm rủi ro về luật pháp và các tiêu chuẩn công nghiệp

Các nhóm rủi ro này không hoàn toàn độc lập với nhau mà đôi khi chúng đồng thời cùng xảy đến và không xác định tách bạch rõ ràng được. Nếu các rủi ro này đồng thời xảy ra, thiệt hại đối với tổ chức có thể rất lớn cả về uy tín, thời gian và chi phí đầu tư để khôi phục hoạt động trở lại bình thường.

2. Một số dạng tấn công chính vào các website thương mại điện tử

Trong thương mại điện tử, ngoài những rủi ro về phần cứng do bị mất cắp hay bị phá hủy các thiết bị (máy tính, máy chủ, thiết bị mạng...), các doanh nghiệp có thể phải chịu những rủi ro về mặt công nghệ phổ biến như sau:

* Virus

Virus tấn công vào thương mại điện tử thường gồm 3 loại chính: virus ảnh hưởng tới các tệp (file) chương trình (gắn liền với những file chương trình, thường là .COM hoặc .EXE), virus ảnh hưởng tới hệ thống (đĩa cứng hoặc đĩa khởi động), và virus macro. Virus macro là loại virus phổ biến nhất, chiếm từ 75% đến 80% trong tổng số các virus được phát hiện. Đây là loại virus đặc biệt chỉ nhiễm vào các tệp ứng dụng soạn thảo, chẳng hạn như các tệp ứng dụng của MS Word, Excel và Power Point . Khi người sử dụng mở các tài liệu bị nhiễm virus trong các chương trình ứng dụng, virus này sẽ tự tạo ra các bản sao và nhiễm vào các tệp chứa đựng các khuôn mẫu của ứng dụng, để từ đó lây sang các tài liệu khác.

Các loại virus có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng, đe dọa tính toàn vẹn và khả năng hoạt động liên tục, thay đổi các chức năng, thay đổi các nội dung dữ liệu hoặc đôi khi làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động của nhiều hệ thống trong đó có các website thương mại điện tử. Nó được đánh giá là mối đe dọa lớn nhất đối với an toàn của các giao dịch thương mại điện tử hiện nay.

* Tin tặc (hacker) và các chương trình phá hoại (cybervandalism)

Tin tặc hay tội phạm máy tính là thuật ngữ dùng để chỉ những người truy cập trái phép vào một website, một cơ sở dữ liệu hay hệ thống thông tin. Thực chất mục tiêu của các hacker rất đa dạng. Có thể là hệ thống dữ liệu của các website thương mại điện tử, hoặc với ý đồ nguy hiểm hơn chúng có thể sử dụng các chương trình phá hoại (cybervandalism) nhằm gây ra các sự cố, làm mất uy tín hoặc phá huỷ website trên phạm vi toàn cầu.

* Rủi ro về gian lận thẻ tín dụng

Trong thương mại điện tử, các hành vi gian lận thẻ tín dụng xảy ra đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Nếu như trong thương mại truyền thống, việc mất thẻ hoặc thẻ bị đánh cắp là mối đe dọa lớn nhất đối với khách hàng thì trong thương mại điện tử mối đe dọa lớn nhất là bị “mất” (hay bị lộ) các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng hoặc các thông tin giao dịch sử dụng thẻ tín dụng trong quá trình thực hiện các giao dịch mua sắm qua mạng và các thiết bị điện tử. Các tệp chứa dữ liệu thẻ tín dụng của khách hàng thường là những mục tiêu hấp dẫn đối với tin tặc khi tấn công vào website thương mại điện tử. Hơn thế, những tên tội phạm có thể đột nhập vào các cơ sở dữ liệu của website thương mại điện tử để lấy cắp các thông tin của khách hàng như tên, địa chỉ, điện thoại… với những thông tin này chúng có thể mạo danh khách hàng thiết lập các khoản tín dụng mới nhằm phục vụ những mục đích phi pháp.

* Tấn công từ chối dịch vụ

Tấn công từ chối dịch vụ (DOS - Denial Of Service attack, DDOS – Distributed DOS hay DR DOS) là kiểu tấn công khiến một hệ thống máy tính hoặc một mạng bị quá tải, dẫn tới không thể cung cấp dịch vụ hoặc phải dừng hoạt động. Sơ khai nhất là hình thức DoS (Denial of Service), lợi dụng sự yếu kém của giao thức TCP, tiếp đến là DDoS (Distributed Denial of Service) - tấn công từ chối dịch vụ phân tán, và gần đây là DRDoS - tấn công theo phương pháp phản xạ phân tán (Distributed Reflection Denial of Service).

Những cuộc tấn công DoS có thể là nguyên nhân khiến cho mạng máy tính ngừng hoạt động và trong thời gian đó, người sử dụng sẽ không thể truy cập vào các website thương mại điện tử. Những tấn công này cũng đồng nghĩa với những khoản chi phí rất lớn vì trong thời gian website ngừng hoạt động, khách hàng không thể thực hiện các giao dịch mua bán. Đồng thời, sự gián đoạn hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và tiếng tăm của doanh nghiệp, những điều không dễ dàng gì lấy lại được. Mặc dù những cuộc tấn công này không phá huỷ thông tin hay truy cập vào những vùng cấm của máy chủ nhưng tạo ra phiền toái, gây trở ngại cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

* Kẻ trộm trên mạng (sniffer)

Kẻ trộm trên mạng (sniffer) là một dạng của chương trình theo dõi, nghe trộm, giám sát sự di chuyển của thông tin trên mạng. Khi sử dụng vào những mục đích hợp pháp, nó có thể giúp phát hiện ra những yếu điểm của mạng, nhưng ngược lại, nếu sử dụng vào các mục đích phi pháp, các phần mềm ứng dụng này sẽ trở thành các mối hiểm hoạ lớn và rất khó có thể phát hiện. Kẻ trộm sử dụng các phần mềm này nhằm lấy cắp các thông tin có giá trị như thư điện tử, dữ liệu kinh doanh của các doanh nghiệp, các báo cáo mật…từ bất cứ nơi nào trên mạng.

Xem lén thư điện tử là một dạng mới của hành vi trộm cắp trên mạng. Kỹ thuật xem lén thư điện tử là sử dụng một đoạn mã (ẩn) bí mật gắn vào thông điệp thư điện tử, cho phép người nào đó có thể giám sát toàn bộ các thông điệp chuyển tiếp được gửi đi cùng với thông điệp ban đầu. Chẳng hạn một nhân viên phát hiện thấy lỗi kỹ thuật trong khâu sản xuất, anh ta lập tức gửi một báo cáo thông báo cho cấp trên về phát hiện của mình. Người này sau đó sẽ tiếp tục gửi thông báo đến tất cả các bộ phận có liên quan trong doanh nghiệp. Một kẻ nào đó sử dụng kỹ thuật xem lén thư điện tử có thể theo dõi và biết được toàn bộ thông tin trong bức thư điện tử gửi tiếp sau đó bàn về vấn đề này.

* Phishing – “ kẻ giả mạo”

Phishing là một loại tội phạm công nghệ cao sử dụng email, tin nhắn pop-up hay trang web để lừa người dùng cung cấp các thông tin cá nhân nhạy cảm như thẻ tín dụng, mật khẩu, số tài khoản ngân hàng. Thông thường các tin tặc thường giả mạo là các công ty nổi tiếng yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin nhạy cảm này. Các website thường xuyên bị giả mạo đó là Paypal, Ebay, MSN, BestBuy, American Online….Kẻ giả mạo thường hướng tới phishing những khách hàng của ngân hàng và người tiêu dùng thường mua sắm trực tuyến. Những thông tin ăn cắp được sẽ được kẻ giả mạo dùng để truy cập với mục đích xấu, nếu là thông tin về tài khoản thanh toán thì sẽ dùng vào mục đích mua hàng hoặc rút tiền. Bất cứ ai cũng có thể phishing được vì phần mềm phishing là có nhiều trên mạng với hướng dẫn chi tiết cùng với danh sách địa chỉ email. Công nghệ phishing là đã có từ những năm 1987, tuy nhiên nó chỉ thực sự biết đến rộng rãi vào năm 1996. AOL là công ty đầu tiên đã bị kẻ giả mạo tấn công ăn cắp thông tin của khách hàng.

- Ngoài ra, tội phạm TMĐT được thực hiện dưới nhiều hình thức sau: phát triển các mạng máy tính ma (bots network) để tấn công DOS, gửi thư rác, gửi thư rác với quy mô lớn (dịch vụ thư rác), thuê hacker phá hoại website của đối thủ cạnh tranh, thu thập thông tin người sử dụng bằng spyware.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Rủi ro trong thương mại điện tử về một số dạng tấn công chính vào các website thương mại điện tử, một số rủi ro chính doanh nghiệp có thể gặp phải trong thương mại điện tử...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Rủi ro trong thương mại điện tử. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 498
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm