Ôn tập giữa kì 2 Tiếng Việt 4 Cánh Diều Tiết 3
Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 trang 65 Cánh Diều
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm các hành vi sao chép với mục đích thương mại
A. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng
Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, đoan thơ khoảng 85-90 tiếng hoặc đọc thuộc lòng một đoạn thơ (bài thơ) đã học.
B. Đọc và làm bài tập: Trứng bọ ngựa nở
Sau cơn mưa, cành chanh bên cửa sổ đung đưa, xanh mát. Mấy quả chanh non mới đậu nom dễ thương lạ. Bỗng một sự việc xảy ra khiến tôi phải đặc biệt chú ý: Trứng bọ ngựa nở.
Tôi đến tận gốc chanh chăm chú theo dõi. Từng đợt, từng đợt, bảy, tám con một lúc, những chú bọ ngựa bé tí ti như con muỗi, màu xanh cốm, ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thao láo lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình,... rồi nhẹ nhàng tọt khỏi ổ trứng, treo lơ lửng trên một sợi tơ rất mảnh bay bay theo chiều gió. Mới ra khỏi ổ trứng, các chú nằm đỡ một lát, rồi ngọ nguậy. Các chú càng cựa quậy thì sợi tơ càng dài ra, từ từ thả các chú xuống phía dưới.
Chú bọ ngựa con đầu đàn “nhảy dù” trúng một quả chanh non. Chú đứng hiên ngang trên quả chanh tròn xinh, giương giương đôi tay kiếm nhỏ xíu, mình lắc lư theo kiểu võ sĩ, ngước nhìn từng loạt, từng loạt đàn em mình đang “đổ bộ” xuống hết sức chính xác và mau lẹ. Đàn bọ ngựa mới nở chạy tíu tít, lập tức dàn quân ra khắp cây chanh, mỗi con mỗi ngả, bắt đầu một cuộc sống dũng cảm, tự do.
(Vũ Tú Nam, trang 65 SGK Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Cánh Diều)
Trả lời câu hỏi:
Câu 1 trang 66 SGK Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Cánh Diều: Tìm từ ngữ, hình ảnh miêu tả hình dáng các chú bọ ngựa con khi mới trườn ra khỏi trứng.
Trả lời:
Từ ngữ, hình ảnh miêu tả hình dáng các chú bọ ngựa con khi mới trườn ra khỏi trứng:
- những chú bọ ngựa bé tí ti như con muỗi, màu xanh lá cốm
- Ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thô lố lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ
- cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình, rồi nhẹ nhàng tọt ra khỏi ổ, treo lơ lửng trên một sợi tơ
Câu 2 trang 66 SGK Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Cánh Diều: Các chú bọ ngựa làm cách nào để tuột xuống dưới cành chanh?
Trả lời:
Các chú bọ ngựa tuột xuống dưới cành chanh bằng cách: ngọ nguậy liên tục, khiến sợi tơ chúng đang bám vào dài ra, từ từ thả chúng xuống dưới
Câu 3 trang 66 SGK Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Cánh Diều: Hình ảnh chú bọ ngựa con đầu đàn gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời:
Hình ảnh chú bọ ngựa con đầu đàn gợi cho em suy nghĩ: về một anh cả mạnh mẽ, dũng cảm và cũng rất đỗi quan tâm, yêu thương các em của mình
Câu 4 trang 66 SGK Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Cánh Diều: Tìm hình ảnh nhân hóa được tác giả sử dụng để tả các chú bọ ngựa.
Trả lời:
Hình ảnh nhân hóa được tác giả sử dụng để tả các chú bọ ngựa là:
- ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thao láo lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình,... rồi nhẹ nhàng tọt khỏi ổ trứng,
- các chú nằm đỡ một lát, rồi ngọ nguậy
- Chú bọ ngựa con đầu đàn “nhảy dù” trúng một quả chanh non.
- Chú đứng hiên ngang trên quả chanh tròn xinh, giương giương đôi tay kiếm nhỏ xíu, mình lắc lư theo kiểu võ sĩ, ngước nhìn từng loạt, từng loạt đàn em mình đang “đổ bộ” xuống hết sức chính xác và mau lẹ.
- Đàn bọ ngựa mới nở chạy tíu tít, lập tức dàn quân ra khắp cây chanh, mỗi con mỗi ngả, bắt đầu một cuộc sống dũng cảm, tự do.
Câu 5 trang 66 SGK Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Cánh Diều: Vì sao tác giả dùng các từ dũng cảm, tự lập để nói về các chú bọ ngựa?
Trả lời:
Vì tác giả xem các chú bọ ngựa như những người bạn nhỏ vừa bắt đầu cuộc sống tự lập, nên đã nhân hóa chúng bằng các từ ngữ dũng cảm, tự lập để làm tăng sự sinh động cho con vật được miêu tả