Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh - Lí Thông

Ngữ văn lớp 6: Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh - Lí Thông

Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh - Lí Thông được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các em học sinh tham khảo. Các bài văn mẫu phân tích tác phẩm Thạch Sanh Lí Thông dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh cũng như quá trình chiến đấu chống lại chằn tinh cứu công chúa và tấm lòng nhân hậu của Thạch Sanh giúp học tốt môn Ngữ văn lớp 6 và chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh - Lí Thông

1. Bố cục của truyện Thạch Sanh Lí Thông

Có thể chia truyện thành bốn đoạn với nội dung chính như sau:

  • Đoạn 1 (từ đầu đến "mọi phép thần thông"): Nguồn gốc khác thường của Thạch Sanh.
  • Đoạn 2 (tiếp theo đến "Quận công"): Thạch Sanh bị Lí Thông lừa nhưng diệt được chằn tinh.
  • Đoạn 3 (tiếp theo đến "bọ hung"): Thạch Sanh vượt qua hàng loạt các thử thách (giết đại bàng, cứu công chúa khỏi hang; cứu thái tử con vua Thủy Tề...); Lí Thông cuối cùng bị trừng trị thích đáng.
  • Đoạn 4 (phần còn lại): Thạch Sanh được vua gả công chúa cho, đánh lui quân mười tám nước, sau đó được nhường ngôi.

2. Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh

- Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh vừa bình thường (bố mẹ chặt củi đổi gạo để sinh sống, hay giúp người) lại vừa khác thường. Sự khác thường thể hiện ở các chi tiết sau:

  • Bố mẹ già mới sinh được Thạch Sanh, mẹ có mang mấy năm mới sinh ra Thạch Sanh.
  • Thạch Sanh được thần trên trời "dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông" từ khi bắt đầu biết dùng búa.

- Ý nghĩa của câu chuyện về sự ra đời và lớn lên vừa bình thường vừa kì lạ của Thạch Sanh:

  • Thạch Sanh xuất thân từ một gia đình nghèo, lương thiện, hay giúp đỡ mọi người; sớm mồ côi cha mẹ, phải tự lao động kiếm sống.
  • Sự ra đời và lớn lên kì lạ như vậy hé mở và tô đậm những tài năng và chiến công của nhân vật Thạch Sanh về sau, làm tăng sức hấp dẫn của câu chuyện.

3. Những thử thách mà Thạch Sanh đã trải qua.

- Những thử thách mà Thạch Sanh từng trải qua:

  • Bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ (thực ra là thế mạng cho Lí Thông). Thạch Sanh bổ xác chằn tinh làm hai, chặt đầu quái vật đem về; nhặt bộ cung tên bằng vàng do quái vật để lại nhưng cũng bị Lí Thông cướp công và lừa đuổi đi.
  • Theo vết máu đại bàng nên Thạch Sanh biết nơi ở của nó. Chàng tự nguyện xuống hang trong núi sâu tiêu diệt đại bàng, cứu công chúa nhưng bị Lí Thông bịt kín cửa hang không lên được. Nhưng cũng vì tìm lối lên mà Thạch Sanh còn cứu được cả thái tử - con vua Thủy Tề - bị yêu tinh đại bàng nhốt trong cũi sắt ở cuối hang. Thái tử mời chàng xuống chơi thủy phủ. Vua Thủy Tề đãi Thạch Sanh rất hậu, biếu nhiều vàng nhưng chàng chỉ nhận cây đàn.
  • Thạch Sanh bị hồn chằn tinh và đại bàng mưu hại bị nhốt trong ngục tối. Tiếng đàn của chàng giải bệnh cho công chúa, vạch tội ác của Lí Thông, minh oan cho bản thân.
  • Hoàng Tử mười tám nước đến cầu hôn công chúa nhưng không được đã kết binh trả thù. Thạch Sanh mang đàn thần ra gảy để lui binh.

- Các thử thách mà nhân vật trải qua ngày càng khó khăn hơn và theo đó, phẩm chất của Thạch Sanh được bộc lộ rõ nét hơn; vẻ đẹp của nhân vật chính hiện ra toàn diện hơn, hoàn chỉnh hơn:

  • Tính thật thà, chất phác (tin lời Lí Thông nhiều lần).
  • Tinh thần dũng cảm và tài năng (diệt chằn tinh, diệt đại bàng là những yêu quái có nhiều phép lạ).
  • Lòng nhân đạo, khoan dung (tha tội chết cho mẹ con Lí Thông, hòa hiếu và còn thiết đãi quân xâm lược thua trận).

4. Sự đối lập giữa Thạch Sanh và Lí Thông

- Thạch Sanh và Lí Thông là hai nhân vật đối lập nhau như nước với lửa. Thạch Sanh đại diện cho cái thiện, Lí Thông tiêu biểu cho cái ác. Miêu tả xung đột giữa cái thiện và cái ác là một trong những nội dung cơ bản của truyện cổ tích. Sự đối lập giữa tính cách và hành động của hai nhân vật được thể hiện.

  • Thạch Sanh vô tư / Lí Thông vụ lợi (thấy Thạch Sanh khỏe, gạ kết nghĩa anh em để bóc lột sức lao động của Thạch Sanh).
  • Thạch Sanh thật thà, chất phác / Lí Thông lừa lọc, tàn nhẫn (lừa Thạch Sanh đi canh miếu để thế mạng cho hắn; đem đầu chằn tinh nộp để lấy công; lấp cửa hang để giết Thạch Sanh và lấy công chúa, nối ngôi vua).
  • Thạch Sanh nhân hậu / Lí Thông độc ác, xảo quyệt (sẵn sàng giết chết Thạch Sanh để cướp công nhưng lại giả nhân, giả nghĩa, ngon ngọt lừa hại Thạch Sanh).

- Ở truyện cổ tích này, Thạch Sanh có nhiều loại kẻ thù khác nhau nhưng phải nói rằng Lí Thông là kẻ thù chủ yếu, nguy hiểm và lâu dài nhất của Thạch Sanh. Lí Thông đối lập với Thạch Sanh một cách toàn diện và sâu sắc. Lí Thông là một hình tượng nhân vật có giá trị khái quát cao, biểu tượng cho loại người độc ác, xấu xa nhất, bị người đời nguyền rủa, bị ông Trời trừng phạt - bị sét đánh chết, hóa thành con bọ hung dơ bẩn. (Thực ra, sét đánh chết chi tiết biểu thị thái độ trừng phạt của nhân dân đối với cái ác).

5. Ý nghĩa của chi tiết tiếng đàn và mâm cơm thần kì.

Truyện Thạch Sanh có nhiều chi tiết thần kì, trong đó đặc sắc nhất là chi tiết tiếng đàn và niêu cơm của Thạch Sanh.

- Tiếng đàn của Thạch Sanh: Tiếng đàn của Thạch Sanh cũng như tiếng sáo của Sọ Dừa, tiếng hát của Trương Chi... là những chi tiết nghệ thuật rất hay trong truyện cổ tích, thể hiện sự sáng tạo của nhân dân và túy từng truyện, nó hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ở truyện Thạch Sanh, tiếng đàn thần kì có một số ý nghĩa chính như sau:

  • Tiếng đàn giúp Thạch Sanh được minh oan: Sau khi cứu công chúa, Thạch Sanh bị Lí Thông lấp cửa hang cướp công chúa, nhưng vì thế chàng còn cứu được cả thái tử con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Trở về gốc đa, Thạch Sanh bị hồn ma chằn tinh và đại bàng trả thù, bị bắt vào ngục tối. Nhờ có tiếng đàn thần mà công chúa khỏi câm, nhận ra Thạch Sanh có cơ hội kể tội Lí Thông. Do vậy, tiếng đàn thần cũng là tiếng đàn của công lí. Sử dụng chi tiết này, tác giả dân gian đã thể hiện quan và ươc mơ về công lí của mình.
  • Tiếng đàn là vũ khí kì diệu đánh đuổi quân xâm lược: Tiếng đàn của Thạch Sanh vừa cất lên thì "quân sĩ mười tám nước bủn rủn tay chân... các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng". Ở đây, tiếng đàn là đại diện cho sức mạnh của chính nghĩa và tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. Nó là công cụ để cảm hóa lòng người, thu phục nhân tâm.

- Niêu cơm của Thạch Sanh.

  • Đây là một niêu cơm thần kì, "quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi nhưng niêu cơm bé xíu cứ ăn hết lại đầy". Những kẻ thua trận trước đó "bĩu môi không muốn cầm đũa" đến lúc này phải ngạc nhiên, thán phục.
  • Tính chất lạ kì của niêu cơm càng chứng tỏ sự tài giỏi của Thạch Sanh.
  • Đây là niêu cơm hòa bình, đẫm tinh thần nhân đạo, khoan hòa của nhân dân ta đối với kẻ bại trận.

6. Cách kết thúc truyện Thạch Sanh.

Ở phần kết thúc truyện, Thạch Sanh không những được nhà vua gả công chúa cho mà còn được vua nhường ngôi. Theo quan niệm dân gian xưa, đó là phần thưởng lớn lao dành cho nhân vật Thạch Sanh, xứng đáng với những thử thách mà nhân vật trải qua, xứng đáng với phẩm chất và tài năng mà Thạch Sanh có được - những điều không thể có trong đời sống thực tế thì nhân dân đem tặng cho nhân vật của mình. Còn mẹ con Lí Thông tuy được Thạch Sanh tha cho tội chết, về quê làm ăn nhưng cuối cùng cũng bị sét đánh và hóa thành kiếp bọ hung dơ bẩn. Đó là kết thúc có hậu thường thấy ở các truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Nó thể hiện ước mơ của nhân dân về công lí xã hội (ở hiền gặp lành, ác giả ác báo), ước mơ về sự đổi đời (cũng như ở truyện Sọ Dừa, Tấm Cám, Cây Bút Thần...)

* Truyện Thạch Sanh kể về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu công chúa, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa Lí Thông, chống quân xâm lược mười tám nước. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và tinh thần nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta. Truyện sử dụng nhiều chi tiết thần kì, độc đáo, giàu ý nghĩa (bộ cung tên vàng, cây đàn, niêu cơm...).

7. Nhận xét của em về nhân vật Lí Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh.

Truyện Thạch Sanh thuộc loại truyện cổ tích thần kì rất hấp dẫn. Đối lập với con người bất hạnh tài ba là nhân vật Lí Thông, một con người gian hiểm, nhiều mưu mô xảo quyệt. Mỗi một tình tiết của truyện như một nấc thang của tội ác mà Lí Thông leo lên, dấn thân vào, hai bàn tay thấm đầy máu và nước mắt của "người em kết nghĩa!".

Lí Thông là một kẻ nấu rượu và bán rượu. Gặp Thạch Sanh gánh củi về gốc đa. Hắn nghĩ chàng trai cô độc, nghèo khổ mà có sức khỏe cường tráng này có thể lợi dụng được. Cái âm mưu đưa Thạch Sanh về nhà và kết nghĩa anh em của Lí Thông xét đến cùng vẫn có thể cảm thông được. Vì Lí Thông mới chỉ lợi dụng sức lao động của chàng trai mồ côi mà thôi.

Lí Thông đến phiên mình phải nộp mạng cho chằn tinh. Kẻ tham sống sợ chết này đã ranh ma đánh lừa Thạch Sanh đi thế mạng, với lí do anh "dở cất mẻ rượu"... Người đời thiếu gì kẻ tham sống sợ chết như Lí Thông

Hành động Lí Thông cướp công Thạch Sanh là một hành động vô cùng trắng trợn. Hắn dọa Thạch Sanh là đã giết vật báu "vua nuôi đã lâu", tất sẽ bị "tội chết". Có vẻ "nhân đức", hắn khuyên Thạch Sanh "trốn ngay đi", mọi hậu quả hắn sẽ "lo liệu". Lí Thông đã đem đầu quái vật dâng nộp triều đình, được nhà vua trọng thưởng phong cho làm Quận công. Lòng tham vô đáy, mờ mắt vì danh lợi bổng lộc mà anh bán rượu "khôn ngoan" đánh lừa em kết nghĩa để cướp công một cách "tài tình".

Quận công đã "chém" được chằn tinh sao lại không bắt được đại bàng? Muốn trở thành phò mã, Lí Thông lại dấn sâu tội ác bằng mưu mô mới. Hắn rất "khôn ngoan" tổ chức hội hát xướng mười ngày để "kết nghĩa". Lần thứ hai, Lí Thông đã xảo quyệt cướp công Thạch Sanh. Hắn rất nhẫn tâm và dã man sai quân lính vấn đá lấp kín hang để giết Thạch Sanh, người đã xông pha nguy hiểm chém chằn tinh, giết đại bàng, cứu nàng công chúa, để Lí Thông được giàu sang, vinh hiển. Hành động sai lính lấp hang cho thấy anh bán rượu hiện nguyên hình là kẻ táng tận lương tâm, đôi bàn tay thấm đầy máu và nước mắt đồng loại.

Tiếng đàn thần là một yêu tố hoang đường kì diệu tạo nên sức hấp dẫn của truyện cổ tích Thạch Sanh; nó mang ý nghĩa như một biểu tượng về sức mạnh công lí. Tiếng đàn thần được Thạch Sanh gảy lên trong ngục tối đã chữa được bệnh "câm" của nàng công chúa, đã vạch mặt chân tướng xảo quyệt của Lí Thông trước triều đình.

Cái kết của truyện thật sâu sắc lí thú. Mẹ con Lí Thông bị lột hết mọi chức tước, bị đuổi về quê, bị sét đánh chết hóa thàn bọ hung. Lưới trời lồng lộng!

Anh bán rượu trở thành Quận công, sắp trở thành phò mã... cuối cùng biến thành bọ hung! Tham thì tham, ác giả ác báo là vậy! Tên Lí Thông đã bị người đời phỉ nhổ, chết trong nhục nhã!

Bài tham khảo 2: Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh - Lí Thông

1. Về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh

Những nhân vật chính của truyện cổ tích thường được xây dựng trên sự thống nhất giữa những nét bình thường với những nét khác thường. Những nét bình thường giúp cho nhân dân cảm thấy nhân vật của truyện thật gần gũi với họ. Những nét khác thường của nhân vật lại thu hút sự chú ý của người kể, tạo nên niềm thích thú khiến họ "tò mò" muốn theo dõi đến cùng số phận của các nhân vật - nơi họ gửi gắm tất cả tình cảm yêu ghét, những ước mơ, những buồn vui trong cuộc đời.

Những nét bình thường và cả những nét khác thường của nhân vật chính thường được giới thiệu ngay trong đoạn đầu kể về sự ra đời và lớn lên của nhân vật (Ví dụ: Sọ Dừa vừa là con một bà mẹ nghèo, lại vừa có nguồn gốc khác thường, mang một bộ dạng khác thường ngay lúc mới sinh ra). Vì thế đến với truyện Thạch Sanh, trước hết chúng ta phải tìm ra cả những nét bình thường, cả những nét khác thường ngay trong thời thơ ấu của nhân vật.

a) Những nét bình thường:

- Cha mẹ của Thạch Sanh là những người lao động nghèo khổ, sống bằng nghề kiếm củi đổi gạo nuôi thân.

- Họ là những người hiền lành, tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người, mặc dù chính mình cũng nghèo.

- Khi mới ra đời, chàng đã mồ côi bố. Khi vừa khôn lớn thì mẹ lại chết. Thạch Sanh là một nhân vật thuộc kiểu "người mồ côi" - tiêu biểu cho một hạng người khốn khổ nhất trong cuộc đời.

- Lớn lên trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, Thạch Sanh sống vừa thiếu thốn tình cảm, vừa thiếu thốn cả về vật chất (lủi thủi trong túp lều cũ dưới-gốc đa, cả gia tài chỉ có chiếc búa).

Những nét bình thường ấy gợi lên ở người nghe, người đọc một cảm giác ấm cúng, gần gũi và một niềm xót xa, thương cảm. Đó là một phần của cái tâm lí, tâm thế mà truyện cổ tích rất cần tạo nên nơi người nghe kể chuyện cổ tích - tạo nên ngay từ lúc mở đầu truyện.

b) Những nét khác thường:

- Tuy vẫn do một bà mẹ nghèo dưới trần thế sinh ra, nhưng Thạch Sanh lại chính là Thái tử trên trời, do Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai.

- Thời gian bà mẹ mang thai dài khác thường (dài đến mấy năm).

- Vừa đến tuổi trưởng thành, Thạch Sanh đã biết dùng búa (chiếc búa bình thường do cha để lại) thì lại được thiên thần dạy võ nghệ và các phép thần thông.

Nghĩa là ẩn bên trong vẻ ngoài vất vả lam lũ của một người tiều phu bình thường là một con người cao quý khác thường, có những phẩm chất khác thường. Điều đó mở ra hướng phát triển của câu chuyện: truyện sẽ kể về diễn biến của một số phận tuy bình thường mà lại khác thường. Truyện lôi cuốn người nghe một phần do cái tâm lí, tâm thế mà nó tạo nên nơi người nghe kể: tâm lí háo hức chờ theo dõi một số phận tưởng như bình thường mà lại đầy sự khác thường. Cả hai phần, hai nửa tâm lí, tâm thế ấy hợp lại thành cái mà người ta gọi là tâm lí nghệ thuật khi nghe kể chuyện cổ tích.

Những nét bình thường trộn lẫn những nốt khác thường như thế được xây dựng xuất phát từ quan niệm của nhân dân cho rằng chính những con người bình thường lại có phẩm chất khác thường, lập nên những chiến công khác thường, kì lạ.

Điều này sẽ được bộc lộ dần qua phần quan trọng nhất của truyện kể về các thử thách mà Thạch Sanh gặp phải và các chiến công mà chàng đạt được sau mỗi lần vượt qua thử thách.

2. Những thử thách và chiến công

a) Diễn biến số phận của Thạch Sanh được tạo thành bởi những trở ngại mang ý nghĩa thử thách mà chàng liên tiếp gặp phải. Đó là quá trình chàng liên tiếp lập được những chiến công thần kì, khác thường.

- Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ. Tại đây Thạch Sanh chiến đấu với chằn tinh và tiêu diệt nó.

- Xuống hang sâu cứu công chúa, Thạch Sanh chiến đấu với đại bàng tinh. Chàng chiến thắng. Nhưng lại bị Lý Thông lấp cửa hang.

- Ở dưới hang, Thạch Sanh bắn tan cũi thần của đại bàng tinh, cứu thoát thái tử.

- Bị hồn của chằn tinh và đại bàng liên kết hãm hại, Thạch Sanh bị bắt vào ngục. Nhưng rồi chàng tự giải phóng được mình nhờ có cây đàn kì diệu do vua Thủy tề ban tặng. Rồi chàng được kết hôn với công chúa.

- Binh lính của mười tám hoàng tử chư hầu bị công chúa từ hôn, kéo nhau sang đánh. Thạch Sanh lại chiến thắng họ nhờ cây đàn kì diệu giúp sức.

Những Lý Thông, chằn tinh, đại bàng và liên quân mười tám nước chư hầu là những lực lượng thù địch gây trở ngại cho Thạch Sanh. Nhưng chàng là nhân vật lí tưởng trong thế giới cổ tích nên chàng lần lượt chiến thắng mọi trở ngại do nhân vật thù địch gây ra. Những trở ngại đó càng về sau càng gay gắt hơn, và do vậy, những thử thách mà nhân vật lí tưởng trải qua cũng ngày càng khó khăn. Nhưng cũng vì thế những chiến thắng của nhân vật sau mỗi lần vượt qua thử thách - cũng ngày càng cao hơn. Đó cũng là quá trình nhân vật chính trở thành nhân vật lí tưởng. Trong quá trình ấy, nhân vật luôn được sự trợ thủ của các phương tiện thần kì.

b) Những phẩm chất mà Thạch Sanh bộc lộ qua những lần chiến thắng thử thách:

- Sự thật thà, chất phác, lòng thương người, sẵn sàng quên mình vì người khác.

- Lòng dũng cảm phi thường và tài năng khác thường (tài năng đạt đến mức thần kì - vì do thần linh ban cho, vì có sự hỗ trợ của các vật thần kì nằm trong tay nhân vật và còn vì những kẻ chiến bại như chằn tinh, đại bàng đều có nhiều phép lạ).

- Lòng nhân đạo, khoan dung (tha tội chết cho mẹ con Lý Thông, chọn con đường chiến thắng các nước chư hầu bằng phương pháp hòa bình, lại chinh phục họ bằng bữa cơm khoan dung). Nhân dân Việt Nam yêu mến Thạch Sanh, thích kể và nghe kế chuyện về Thạch Sanh chính là do họ ngưỡng mộ phẩm chất và tài năng của chàng. Họ coi đó là những phẩm chất và tài năng lí tưởng mà họ mơ ước. Thạch Sanh hội tụ những phẩm chất và những nét tính cách tiêu biểu cho nhân dân lao động Việt Nam.

3. Lý Thông - nhân vật tương phản với Thạch Sanh

Về mọi phương diện, Lý Thông đều trái ngược với Thạch Sanh. Và quả thật hắn luôn đối lập với chàng. Biểu hiện cụ thể như sau:

- Nếu Thạch Sanh thật thà, tin người bao nhiêu thì Lý Thông lại gian xảo, chỉ quen tính toán có lợi cho mình và nhiều mưu mô bấy nhiêu.

- Thạch Sanh tự mình chiến đấu để lập nên chiến công. Nhờ chiến công tự tay lập nên ấy, chàng được hưởng hạnh phúc. Lý Thông chỉ dùng mưu mẹo gian xảo để cướp công của người khác mà sống.

- Kết cục là dù được Thạch Sanh tha chết nhưng Lý Thông đã bị sét đánh chết (cùng mẹ hắn), lại còn bị biến thành bọ hung (theo quan niệm dân gian Việt Nam thì đây là con vật bẩn thỉu) trong khi Thạch Sanh được hưởng hạnh phúc.

- Sự đối lập giữa Thạch Sanh với Lý Thông là sự đối lập giữa thiện với ác, thật thà với gian xảo, vị tha với ích kỉ, tài năng với bất tài.

Xây dựng những mẫu nhân vật tương phản tuyệt đối như vậy là đặc điểm nghệ thuật của thể loại truyện cổ tích (kiểu loại truyện cổ tích thần kì). Nhân vật phản diện là đối tượng chiến thắng của nhân vật chính diện, đồng thời có tác dụng làm nổi bật nhân vật chính diện.

4. Vai trò của một số chi tiết thần kì

Truyện cổ tích thần kì không thể vắng bóng những chi tiết thần kì.

Ở truyện Thạch Sanh, đó là những phép thần thông mà thần linh dạy cho Thạch Sanh; là bộ cung tên thần kì mà Thạch Sanh có được nhờ giết chết chằn tinh; là cây đàn thần do Long Vương ban tặng mà nhờ âm thanh thần kì của nó, Thạch Sanh ra khỏi ngục, được kết hôn với công chúa và chiến thắng quân chư hầu; chiếc nồi cơm thần kì ăn hết lại đầy giúp Thạch Sanh khuất phục được hoàn toàn kẻ thù.

Đặc sắc nhất là hai chi tiết sau:

a) Cây đàn thần kì và gắn với nó là âm nhạc thần kì

- Ở truyện này, đó là tiếng đàn của công lí, nó thực hiện ước mơ về công lí của nhân dân.

- Nhưng đây cũng chính là tiếng đàn hòa bình dùng để chiến thắng và cảm hóa kẻ thù. Với ý nghĩa này, cây đàn thần kì tượng trưng cho tinh thần yêu chuộng cái thiện, yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta trong quan hệ đối ngoại.

b) Niêu cơm thần kì cũng có nhiều ý nghĩa:

- Tượng trưng cho khả năng sáng tạo vô cùng tận của nhân dân lao động;

- Biểu hiện tài năng thần kì, phi thường của nhân vật Thạch Sanh;

- Tượng trưng cho truyền thống nhân đạo của dân tộc ta trong quan hệ đối ngoại. Cả hai chi tiết thần kì này, cùng với các chi tiết thần kì khác góp phần quan trọng tạo nên vẻ đẹp kì diệu và sức hấp dẫn kì lạ của truyện cổ tích Thạch Sanh.

5. Về cách kết thúc của truyện

a) Truyện Thạch Sanh mở đầu bằng cảnh Thạch Sanh sinh ra, lớn lên trong nghèo khổ, diễn biến tiếp tục bằng việc Thạch Sanh liên tiếp gặp tai họa và phải liên tiếp đương đầu với chúng, để rồi kết thúc bằng việc chàng được kết hôn cùng công chúa, lại được lên ngôi vua. Truyện cũng kết thúc bằng sự thất bại hoàn toàn, thảm hại của các nhân vật thù địch: Chằn tinh, đại bàng tinh bị tiêu diệt, mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, hóa kiếp thành bọ hung, liên quân mười tám nước chư hầu ngoan ngoãn rút lại. Đó là kiểu kết thúc có hậu phổ biến ở các truyện cổ tích thần kì.

b) Kiểu kết thúc ấy thể hiện ước mơ về công lí xã hội (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác), ước mơ về hạnh phúc (những người lương thiện, hiền lành dù ban đầu gian nan, khổ cực nhưng cuối cùng được vinh hiển, được đền bù xứng đáng, được đổi đời), ước mơ về những mẫu người lí tưởng (đó là những người mang đầy đủ những phẩm chất đạo đức và tài năng tiêu biểu của nhân dân).

c) Kiểu kết thúc này một mặt thỏa mãn nhu cầu của nhân dân về cái đẹp (cái đẹp ở trong con người, cái đẹp ngoài cuộc đời), một mặt góp phần làm nên ý nghĩa giáo dục sâu sắc của thể loại truyện cổ tích.

Đánh giá bài viết
67 13.886
Sắp xếp theo

Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

Xem thêm