Sinh học 12 Chân trời sáng tạo bài Ôn tập chương 8
Chúng tôi xin giới thiệu bài Sinh học 12 Chân trời sáng tạo bài: Ôn tập chương 8 được VnDoc sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu giải SGK Sinh học 12 Chân trời sáng tạo nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Bài: Ôn tập chương 8
Câu 1. Một trong những phương pháp để phục hồi hệ sinh thái là đưa vào các hệ sinh thái đang bị ảnh hưởng của các yếu tố gây hại (như kim loại nặng, chất thải,...) hoặc đang bị suy thoái các loài sinh vật cần thiết như:
● Các loài vi khuẩn, thực vật, nấm có khả năng thích nghi với môi trường bị ô nhiễm.
● Các loài vi khuẩn có khả năng cố định nitrogen.
Hãy cho biết cơ sở khoa học và tác dụng của phương pháp trên.
Lời giải chi tiết:
- Các loài vi khuẩn, thực vật, nấm có khả năng thích nghi với môi trường bị ô nhiễm:
+ Cơ sở khoa học: Các loài vi khuẩn, thực vật, và nấm có khả năng sống sót hoặc loại bỏ các chất độc hại từ môi trường, giúp làm sạch và tái tạo môi trường bị ô nhiễm.
+ Tác dụng: phục hồi môi trường, tái tạo đất, trở thành quần xã tiên phong cho diễn thế sinh thái diễn ra.
- Các loài vi khuẩn có khả năng cố định nitrogen:
+ Cơ sở khoa học: Các loài vi khuẩn cố định nitrogen từ không khí vào đất, giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của sinh vật, cải thiện năng suất và khả năng phục hồi của môi trường.
+ Tác dụng: phục hồi môi trường, tái tạo đất, giúp sinh vật phát triển nhanh.
Câu 2. Một trong những phương án để bảo tồn đa dạng sinh học chính là bảo tồn các quần thể sinh vật. Trong phương án này, các nhà sinh học bảo tồn tập trung chủ yếu vào việc bảo tồn các quần thể có kích thước nhỏ và các quần thể đang bị suy thoái. Bước đầu tiên trong việc thực hiện phương án này là nghiên cứu và xác định được nguyên nhân gây nên sự suy giảm kích thước hoặc suy thoái của quần thể sinh vật.
a) Tại sao xác định nguyên nhân làm cho quần thể bị suy giảm kích thước hoặc suy thoái là việc làm cần thiết? Cho ví dụ.
b) Hãy cho biết một số nguyên nhân gây suy giảm kích thước hoặc suy thoái của quần thể sinh vật. Từ đó, đề xuất biện pháp bảo tồn quần thể sinh vật.
Lời giải chi tiết:
a) Xác định nguyên nhân gây suy giảm kích thước hoặc suy thoái của quần thể sinh vật là cần thiết vì nó giúp nhà nghiên cứu hiểu rõ vấn đề và đề xuất các biện pháp bảo tồn hiệu quả. Ví dụ, nếu một quần thể chim đang giảm kích thước do mất môi trường sống, việc xác định nguyên nhân sẽ giúp nhà nghiên cứu tìm ra cách khôi phục môi trường sống hoặc cung cấp môi trường sống mới cho chim.
b)
- Một số nguyên nhân gây suy giảm kích thước hoặc suy thoái của quần thể sinh vật:
+ Mất môi trường sống do phá rừng, biến đổi môi trường, hoặc sự thay đổi khí hậu làm giảm số lượng và đa dạng của các loài trong quần thể.
+ Tác động của con người: Sự săn bắt quá mức, khai thác không bền vững, hoặc sự phá hủy môi trường do hoạt động con người gây suy thoái quần thể.
+ Các loài ngoại lai xâm lấn: Sự xuất hiện của loài ngoại lai xâm lấn cạnh tranh với các loài bản địa, làm giảm số lượng của chúng.
+ Đột biến và giảm đa dạng gene: làm cho quần thể dễ bị tác động bởi các yếu tố môi trường và dễ mắc các bệnh di truyền.
- Để bảo tồn quần thể sinh vật, các biện pháp cần thiết bao gồm bảo vệ và khôi phục môi trường sống, quản lý bền vững việc sử dụng tài nguyên, kiểm soát sự săn bắt và khai thác sinh vật, triển khai các chương trình bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học.
Câu 3. Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Một số mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2020 được nêu trong bảng sau. Hãy tìm hiểu và cho biết vai trò của các mục tiêu này.
Lời giải chi tiết:
STT | Mục tiêu | Vai trò |
1 | Bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. | Đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm đủ đối với nhu cầu của dân số, ổn định kinh tế và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, tăng cường sự chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm bất ổn trong sản xuất nông nghiệp. |
2 | Bảo đảm cuộc sống khoẻ mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi. | Đảm bảo sức khỏe cho người dân, tăng chỉ số hạnh phúc. |
3 | Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. | Giúp mọi người đều có cơ hội học tập và tiếp cận tri thức, là động lực cho sự phát triển của quốc gia. |
4 | Đảm bảo đầy đủ và quản lí bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người. | Góp phần tăng cường sức khỏe, giáo dục và phát triển kinh tế trong cộng đồng, ngoài ra còn giảm nguy cơ lây lan của bệnh tật. |
5 | Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người. | Hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm khí thải, tạo điều kiện cho phát triển bền vững và công bằng. |
6 | Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững. | Cân bằng và phát triển hệ sinh thái biển, duy trì những lợi ích mà hệ sinh thái biển đem lại. |
7 | Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai. | Giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của thiên tai đối với người dân. |
8 | Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hoá, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất. | Cân bằng và duy trì sự phát triển của hệ sinh thái, mở ra nguồn lợi khai thác lâu dài. |
Câu 4. Cho phát biểu sau: “Hoạt động của con người là nguyên nhân chủ yếu làm thủng tầng ozone, gây biến đổi khí hậu của Trái Đất". Theo em, phát biểu đó đúng hay sai? Giải thích và cho ví dụ minh hoạ.
Lời giải chi tiết:
● Phát biểu đó là đúng. Vì nguyên nhân chính của sự suy giảm tầng ozone và lỗ thủng ozone là do các hóa chất được hình thành trong sản xuất, đặc biệt là chất làm lạnh halocarbon, dung môi, thuốc phóng và tác nhân tạo bọt (các chất chlorofluorocarbon (CFCs), HCFCs, haloalkan), được gọi là các chất làm suy giảm tầng ozon (ODS).
● Ví dụ: Sự phát thải CFCs từ các sản phẩm tiêu dùng như máy lạnh, tủ lạnh có thể gây ra sự suy giảm của lớp ozone, dẫn đến tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường.