Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Việt lớp 4: Từ và phân loại từ

Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Việt lớp 4: Từ và phân loại từ giúp các em học sinh hệ thống lại kiến thức kèm theo các bài tập từ về phân loại và cấu tạo từ. Hi vọng tài liệu này giúp các em học sinh học tốt môn Tiếng Việt hơn, ôn thi học sinh giỏi hiệu quả hơn. Mời các em cùng tham khảo và tải về.

1. Cấu tạo từ lớp 4

1.1. Kiến thức cần ghi nhớ:

a) Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ. Tiếng có thể có nghĩa rõ ràng hoặc có nghĩa không rõ ràng.

V.D: Đất đai (Tiếng đai đã mờ nghĩa)

Sạch sành sanh (Tiếng sành, sanh trong không có nghĩa)

b) Từ là đơn vị nhỏ nhất dùng có nghĩa dùng để đặt câu. Từ có 2 loại:

- Từ do 1 tiếng có nghĩa tạo thành gọi là từ đơn.

- Từ do 2 hoặc nhiều tiếng ghép lại tạo thành nghĩa chung gọi là từ phức. Mỗi tiếng trong từ phức có thể có nghĩa rõ ràng hoặc không rõ ràng.

c) Cách phân định ranh giới từ:

Để tách câu thành từng từ, ta phải chia câu thành từng phần có nghĩa sao cho được nhiều phần nhất (chia cho đến phần nhỏ nhất). Vì nếu chia câu thành từng phần có nghĩa nhưng chưa phải là nhỏ nhất thì phần đó có thể là 1 cụm từ chứ chưa phải là 1 từ.

Dựa vào tính hoàn chỉnh về cấu tạo và về nghĩa của từ, ta có thể xác định được 1 tổ hợp nào đó là 1 từ (từ phức) hay 2 từ đơn bằng cách xem xét tổ hợp ấy về 2 mặt: kết cấu và nghĩa

- Cách 1: Dùng thao tác chêm, xen: Nếu quan hệ giữa các tiếng trong tổ hợp mà lỏng lẻo, dễ tách rời, có thể chêm, xen 1 tiếng khác từ bên ngoài vào mà nghĩa của tổ hợp về cơ bản vẫn không thay đổi thì tổ hợp ấy là 2 từ đơn.

V.D: tung cánh ⇒ Tung đôi cánh

lướt nhanh ⇒ Lướt rất nhanh

(Hai tổ hợp trên đã chêm thêm tiếng đôi, rất nhưng nghĩa các từ này về cơ bản không thay đổi, do đó tung cánhlướt nhanh là kết hợp 2 từ đơn)

Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa các tiếng trong tổ hợp mà chặt chẽ, khó có thể tách rời và đã tạo thành một khối vững chắc, mang tính cố định (không thể chêm, xen) thì tổ hợp ấy là 1 từ phức.

V.D: chuồn chuồn nước⇒ chuồn chuồn sống ở nước

mặt hồ ⇒ mặt của hồ

(Khi ta chêm thêm tiếng sống của vào, cấu trúc và nghĩa của 2 tổ hợp trên đã bị phá vỡ, do đó chuồn chuồn nướcmặt hồ là kết hợp 1 từ phức)

- Cách 2: Xét xem trong kết hợp có yếu tố nào đã chuyển nghĩa hay mờ nghĩa gốc hay không.

V.D: bánh dày (tên 1 loại bánh); áo dài (tên 1 loại áo) đều là các kết hợp của 1 từ đơn vì các yếu tố dày, dài đã mờ nghĩa, chỉ còn là tên gọi của 1 loại bánh, 1 loại áo, chúng kết hợp chặt chẽ với các tiếng đứng trước nó để tạo thành 1 từ.

- Cách 3: Xét xem tổ hợp ấy có nằm trong thế đối lập không, nếu có thì đấy là kết hợp của 2 từ đơn.

V.D: có xoè ra chứ không có xoè vào

rủ xuống chứ không có rủ lên

xoè ra, rủ xuống là 1 từ phức

ngược với chạy đichạy lại

ngược với bò vàobò ra chạy đi, bò ra là những kết hợp của 2 từ đơn

* Chú ý:

+ Khả năng dùng 1 yếu tố thay cho cả tổ hợp cũng là cách để chúng ta xác định tư cách từ.

V.D: cánh én (chỉ con chim én)

tay người (chỉ con người)

1.2. Bài tập thực hành:

Bài 1:

Tìm từ 2 tiếng trong các câu sau:

- Nụ hoa xanh màu ngọc bích.

- Đồng lúa rộng mênh mông.

- Tổ quốc ta vô cùng tươi đẹp.

Bài 2:

Tìm các từ phức trong các kết hợp được in đậm dưới đây:

Vườn nhà em có rất nhiều loài hoa: hoa hồng, hoa cúc, hoa nhài,... Màu sắc của hoa cũng thật phong phú: hoa hồng, hoa vàng, hoa trắng ,...

Bài 3:

Chép lại đoạn thơ sau rồi gạch 1 gạch dưới các từ phức:

Em mơ làm mây trắng

Bay khắp nẻo trời cao

Nhìn non sông gấm vóc

Quê mình đẹp biết bao.

2. Cấu tạo từ phức

2.1. Ghi nhớ:

* Có 2 cách chính để tạo từ phức:

- Cách 1: Ghép những tiếng có nghĩa lại với nhau. Đó là các từ ghép.

- Cách 2: Phối hợp những tiếng có âm đầu hay vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau. Đó là các từ láy.

a) Từ ghép: Là từ do 2 hoặc nhiều tiếng có nghĩa ghép lại tạo thành nghĩa chung.

T.G được chia thành 2 kiểu:

- T.G có nghĩa tổng hợp (T.G hợp nghĩa, T.G đẳng lập, T.G song song): Là từ ghép mà nghĩa của nó biểu thị những loại rộng hơn, lớn hơn, khái quát hơn so với nghĩa các tiếng trong từ.

- T.G có nghĩa phân loại (T.G phân loại, T.G chính phụ): Thường gồm có 2 tiếng, trong đó có 1 tiếng chỉ loại lớn và 1 tiếng có tác dụng chia loại lớn đó thành loại nhỏ hơn.

- Lưu ý:

+ Các tiếng trong từ ghép tổng hợp thường cùng thuộc một loại nghĩa (cùng danh từ, cùng động từ,...)

+ Các từ như: chèo bẻo, bù nhìn, bồ kết, ễnh ương, mồ hôi, bồ hóng,..., axit, cà phê, ôtô, môtô, rađiô,...có thể cho là từ ghép (theo định nghĩa) hoặc từ đơn (tuy có 2 tiếng trở lên nhưng các tiếng đó phải gộp lại mới có nghĩa, còn từng tiếng tách rời thì không có nghĩa. Những trường hợp này gọi là từ đơn đa âm).

b) Từ láy (T.L): Là từ gồm 2 hay nhiều tiếng láy nhau. Các tiếng láy có thể có 1 phần hay toàn bộ âm thanh được lặp lại.

c) Cách phân biệt các từ ghép và từ láy dễ lẫn lộn:

- Nếu các tiếng trong từ có cả quan hệ về nghĩa và quan hệ về âm (âm thanh) thì ta xếp vào nhóm từ ghép.

V.D: thúng mủng, tươi tốt, đi đứng, mặt mũi, phẳng lặng, mơ mộng,...

- Nếu các từ chỉ còn 1 tiếng có nghĩa , còn 1 tiếng đã mất nghĩa nhưng 2 tiếng không có quan hệ về âm thì ta xếp vào nhóm từ ghép.

V.D: Xe cộ, tre pheo, gà qué, chợ búa,...

- Nếu các từ chỉ còn 1 tiếng có nghĩa, còn 1 tiếng đã mất nghĩa nhưng 2 tiếng có quan hệ về âm thì ta xếp vào nhóm từ láy.

V.D: chim chóc, đất đai, tuổi tác , thịt thà, cây cối ,máy móc,...

- Lưu ý: Những từ này nếu nhìn nhận dưới góc độ lịch đại (tách riêng các hiện tượng ngôn ngữ, xét trong sự diễn biến , phát triển theo thời gian làm đối tượng nghiên cứu) và nhấn mạnh những đặc trưng ngữ nghĩa của chúng thì có thể coi đây là những từ ghép (T.G hợp nghĩa). Nhưng xét dưới góc độ đồng đại (tách ra một trang thái, một giai đoạn trong sự phát triển của ngôn ngữ làm đối tượng nghiên cứu) và nhấn mạnh vào mối quan hệ ngữ âm giữa 2 tiếng, thì có thể coi đây là những từ láy có nghĩa khái quát (khi xếp cần có sự lí giải).Tuy nhiên, ở tiểu học,nên xếp vào từ láy để dễ phân biệt . Song nếu H.S xếp vào từ ghép cũng chấp nhận.

- Các từ không xác định được hình vị gốc (tiếng gốc) nhưng có quan hệ về âm thì đều xếp vào lớp từ láy.

V.D: nhí nhảnh, bâng khuâng, dí dỏm, chôm chôm, thằn lằn, chích choè,...

- Các từ có một tiếng có nghĩa và 1 tiếng không có nghĩa nhưng các tiếng trong từ được biểu hiện trên chữ viết không có phụ âm đầu thì cũng xếp

Vào nhóm từ láy (láy vắng khuyết phụ âm đầu).

V.D: ồn ào, ầm ĩ, ấm áp, im ắng, ao ước ,yếu ớt,...

- Các từ có 1 tiếng có nghĩa và 1 tiếng không có nghĩa có phụ âm đầu được ghi bằng những con chữ khác nhau nhưng có cùng cách đọc (c/k/q ; ng/ngh ;g/gh) cũng được xếp vào nhóm từ láy.

V.D: cuống quýt, cũ kĩ, ngốc nghếch, gồ ghề,...

- Lưu ý: trong thực tế , có nhiều từ ghép (gốc Hán) có hình tức ngữ âm giống từ láy, song thực tế các tiếng đều có nghĩa nhưng H.S rất khó phân biệt, ta nên liệt kê ra một số từ cho H.S ghi nhớ (V.D: bình minh, cần mẫn, tham lam, bảo bối, ban bố, căn cơ, hoan hỉ, chuyên chính, chính chuyên, chân chất, chân chính, hảo hạng,khắc khổ, thành thực,....)

- Ngoài ra, những từ không có cả quan hệ về âm và về nghĩa (từ thuần Việt) như: tắc kè, bồ hóng, bồ kết, bù nhìn, ễnh ương, mồ hôi,... hay các từ vay mượn như: mì chính, cà phê, xà phòng, mít tinh,... chúng ta không nên đưa vào chương trình tiểu học (H.S có hỏi thì giải thích đây là loại từ ghép đặc biệt, các em sẽ được học sau)

1.2 .Bài tập thực hành:

Bài 1:

Điền các tiếng thích hợp vào chỗ trống để có:

a) Các từ ghép:

- mềm ..... 

- xinh..... 

- khoẻ..... 

- mong.... 

- nhớ..... -

- buồn..... 

b) Các từ láy:

- mềm.....

- xinh.....

- khoẻ.......

- mong.....

- nhớ.....

- buồn.....

Bài 2:

Điền các tiếng thích hợp vào chỗ trống để có:

a) T.G.T.H 

- nhỏ..... 

- lạnh..... 

- vui..... 

- xanh... 

b) T.G.P.L

- nhỏ.....

- lạnh....

- vui.....

c) Từ láy

- nhỏ.....

- lạnh.....

- vui.....

- xanh...

Bài 3:

Hãy xếp các từ sau vào 3 nhóm: T.G.P.L ; T.G.T.H ; Từ láy:

Thật thà, bạn bè, bạn đường, chăm chỉ, gắn bó, ngoan ngoãn, giúp đỡ, bạn học, khó khăn, học hỏi, thành thật, bao bọc, quanh co, nhỏ nhẹ.

* Đáp án: - T.G.T.H: gắn bó, giúp đỡ, học hỏi, thành thật, bao bọc, nhỏ nhẹ.

- T.G.P.L: bạn đường, bạn học.

- Từ láy: thật thà, chăm chỉ, ngoan ngoãn, khó khăn, quanh co.

- Lưu ý: từ bạn bè cũng có thể xếp vào nhóm từ ghép tổng hợp nhưng cần lí giải nghĩa tiếng bè trong bè đảng, bè phái

Bài 4:

Phân các từ phức dưới đây thành 2 loại: T.G.T.H và T.G.P.L:

Bạn học, bạn hữu, bạn đường, bạn đời, anh em, anh cả, em út , chị dâu, anh rể, anh chị, ruột thịt, hoà thuận , thương yêu.

Bài 5:

Cho những kết hợp sau:

Vui mừng, nụ hoa, đi đứng, cong queo, vui lòng, san sẻ, giúp việc, chợ búa, ồn ào, uống nước, xe đạp, thằn lằn, tia lửa, nước uống, học hành, ăn ở, tươi cười.

Hãy xếp các kết hợp trên vào từng nhóm: Từ ghép có nghĩa tổng hợp, từ ghép có nghĩa phân loại, từ láy, kết hợp 2 từ đơn.

*Đáp án: - T.G.T.H: Vui mừng, đi đứng, san sẻ, chợ búa, học hành, ăn ở, tươi cười

- T.G.P.L: Vui lòng, giúp việc, xe đạp, tia lửa, nước uống.

- Từ láy: cong queo, ồn ào, thằn lằn.

- Kết hợp 2 từ đơn: nụ hoa, uống nước.

Bài 6:

“Tổ quốc” là 1 từ ghép gốc Hán (từ Hán Việt). Em hãy:

- Tìm 4 từ ghép trong đó có tiếng “tổ ”.

- Tìm 4 từ ghép trong đó có tiếng “quốc ’’.

Bài 7:

Tìm 5 từ láy để miêu tả bước đi, dáng đứng của người. Đặt câu với mỗi từ tìm được.

3. Tài liệu ôn tập ở nhà nghỉ hè lớp 4

Đánh giá bài viết
134 52.463
Sắp xếp theo

Thi học sinh giỏi lớp 4

Xem thêm