Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng đoạn thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa" trong bài Tiếng hát con tàu

Ngữ văn 12: Bình giảng đoạn thơ trong bài Tiếng hát con tàu

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc bộ tài liệu Bình giảng đoạn thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa" trong bài Tiếng hát con tàu, VnDoc đã cập nhật chi tiết nội dung sẽ giúp các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Học tốt Ngữ văn 12: Bình giảng đoạn thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa" trong bài Tiếng hát con tàu

Dàn ý Bình giảng đoạn thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa" trong bài Tiếng hát con tàu

I. Mở bài

Bài thơ Tiếng hát con tàu được viết năm 1960, in trong tập Ánh sáng và phù sa, tập thơ đánh dấu sự trưởng thành vững chắc của Chế Lan Viên trên con đường thơ cách mạng. Đây là thời điểm lịch sử đặc biệt của đất nước: miền Bắc vừa trải qua thời kì khôi phục kinh tế, chuẩn bị bước vào kế hoạch năm năm lần thứ nhất. Lúc này, trong giới văn nghệ sĩ đã bừng nở một ý thức nghệ thuật mới gắn liền với cuộc sống lớn của nhân dân. Tiếng hát con tàu chính là khúc hát say mê rạo rực của một tâm hồn thơ đã thoát khỏi cuộc đời nhỏ bé của cái “tôi” để đến với chân trời rộng lớn của nhân dân, của đất nước.

II. Thân bài

Đoạn trích trên đây nằm trong phần thứ hai của bài thơ - phần giãi bày những tình cảm xúc động, những suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ đối với những kỉ niệm về Tây Bắc. Đây là đoạn thơ hay, tiêu biểu cho Tiếng hát con tàu và thơ Chế Lan Viên: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

A. TÌNH CẢM VỚI TÂY BẮC, VỚI NHÂN DÂN ĐẤT NƯỚC

1. Tình cảm này được nhà thơ hình tượng hóa bằng tình yêu giữa anh và em. Mạch thơ dường như đột ngột chuyển sang một rung cảm khác, một suy tưởng khác: về tình yêu đất lạ. Đoạn thơ tưởng như không ăn nhập gì với bài thơ nhưng vẫn lôgíc, vẫn liền mạch, vẫn một giọng thơ nhất quán của Chế Lan Viên: từ những hình ảnh cụ thể dẫn đến những suy nghĩ triết luận.

2. Sự sáng tạo hình ảnh bằng những so sánh bất ngờ, mới lạ: nói về tình yêu không phải chuyện xa lạ với Chế Lan Viên và với thơ ca. Tuy nhiên, đoạn thơ vẫn hay, hấp dẫn vì khả năng sử dụng chữ nghĩa, hình ảnh, cách nói sáng tạo, độc đáo, sự liên tưởng bất ngờ, thông minh (Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét - Tình yêu ta như cánh kiến, hoa vàng - Như xuân đến chim rừng lông trở biếc...). Tất cả làm cho những câu thơ Chế Lan Viên viết về tình yêu lấp lánh những sắc màu, xôn xao những tâm trạng.

3. Khả năng phát hiện chân lí của đời sống, quy luật của tình cảm: Chế Lan Viên đã phát hiện được những quy luật của tình cảm, nói được rõ ràng nhưng biểu hiện tinh tế của tâm hồn... mà đôi khi ta chỉ cảm nhận được một cách mơ hồ. Phẩm chất này làm cho thơ Chế Lan Viên có những câu đầy sức khái quát, có lúc như một châm ngôn (Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét, Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương).

4. Tính chất triết lí: Chế Lan Viên thích triết lí, hay triết lí. Đoạn thơ cũng thể hiện rõ phẩm chất ấy. Hiện thực ở đây thực ra chỉ là cớ đế nhà thơ triết lí. Ông đã chỉ ra rằng các sự vật hiện tượng muốn tồn tại được phải có mối quan hệ khăng khít với sự vật và hiện tượng khác. Như cái rét với mùa đông, cánh kiến với hoa vàng, mùa xuân với chim rừng... Cũng như người nghệ sĩ chỉ sáng tạo được khi gắn bó khăng khít với đời sống của nhân dân. Hóa ra tình yêu ở đây không chỉ là tình yêu giữa anh và em, nó là kết tinh của tình cảm với quê hương đất nước. Nói về tình yêu giữa anh và em mà cuối cùng vẫn là nói về tình cảm với nhân dân, đất nước. Như thế, đoạn thơ vẫn nằm trong mạch suy tư, dòng cảm xúc chung của toàn bài.

B. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ ĐOẠN THƠ

Tiếng hát con tàu nói chung và đoạn trích nói riêng là thành công đặc sắc của thơ Chế Lan Viên: sự sáng tạo hình ảnh độc đáo mới lạ, những so sánh bất ngờ, thông minh tài hoa, sự hài hòa giữa tình cảm và trí tuệ, giữa cái rộn ràng bề mặt với suy tưởng bề sâu. Đây cũng là đoạn trích tiêu biểu cho phong cách thơ Chế Lan Viên.

III. Kết bài

Đoạn thơ vừa thể hiện nét tài hoa, vừa thể hiện sự đổi mới trong suy nghĩ, tâm hồn nhạy cảm của Chế Lan Viên trước những nhiệm vụ Cách mạng. Nhà thơ đã thể hiện thành công bằng nghệ thuật một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời điểm lịch sử trọng đại, đồng thời thể hiện được chủ đề tư tưởng của bài thơ: về với nhân dân là về với ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật.

Văn mẫu lớp 12: Bình giảng đoạn thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa" trong bài Tiếng hát con tàu

"Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa".

Bài làm

Tôi rất yêu thích vần thơ của thi sĩ Chế Lan Viên nói về "hương nhân ái":

"Đóa hoa sen mặt đất tỏa hương trời

Hương nhân ái thấm vào hồn ta mãi".

Tôi cũng vô cùng thú vị mỗi lần nghe ai đó nhắc lại đoạn thơ này của ông:

"Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương".

Năm 1960, tập thơ "Ánh sáng và phù sa" ra đời, một bước tiến mới về tư tưởng và nghệ thuật của Chế Lan Viên. Bài thơ "Tiếng hát con tàu" nói lên tình yêu Tây Bắc và khát vọng lên đường đi đến mọi chân trời mơ ước để hiến dâng và sáng tạo. Bài thơ gồm có 3 phần: 1. Tiếng gọi lên đường; 2. Nỗi nhớ Tây Bắc; 3. Khúc hát lên đường.

Đây là khổ thơ thứ 5 trích trong phần 2 bài "Tiếng hát con tàu" nói lên niềm hạnh phúc to lớn được gặp lại nhân dân:

"Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa".

Tư tưởng gặp lại nhân dân là một tư tường đẹp. Tư tưởng ấy được cụ thể hóa, hình tượng hóa bằng năm hình ảnh ẩn dụ so sánh vừa mới lạ, vừa giàu chất thơ. Câu thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ" là một so sánh độc đáo. Mùa đông tàn tạ, đàn nai đi kiếm ăn ở rừng xa. Nay mùa xuân đến, đàn nai trở về "suối mảnh đất đã bao đời gắn bó thân thiết yêu thương. "Nai về suối cũ" là sự thể hiện tình nghĩa thủy chung ở đời như "con gặp lại nhân dân" được sống trong lòng nhân dân. Một chữ "con" dùng rất tinh tế, đã thể hiện một tình cảm chân thành, ấm áp. Đọc lên, ai cũng cảm thấy có mình trong đó.

Câu thơ "Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa" mở ra trong lòng ta bao liên tưởng đẹp. Ba tháng mùa đông, cỏ cây tàn tạ xơ xác úa vàng. Giêng hai đem hơi ấm mùa xuân cho vạn vật; cỏ trở nên xanh mướt, tốt tươi. Mùa xuân là mùa của sắc cỏ. "Phương thảo liên thiên bích" (Cổ thi); "Cỏ non xanh tận chân trời" (Truyện Kiều). Mùa xuân cũng là mùa của chim én: "Ngày xuân con én đưa thoi" (Nguyễn Du). Én gặp mùa xuân để kết đàn, sinh sôi nảy nở... Chữ "đón" (cỏ đón giêng hai), chữ "gặp" (chim én gặp mùa) diễn tả niềm hạnh phúc được hồi sinh, phát triển, trở nên tươi đẹp. Lấy thế giới cỏ cây, chim muông để nói về niềm vui sướng hạnh phúc khi "con gặp lại nhân dân" là một cách nói thấm thìa, đậm đà. Cánh én và sắc cỏ mùa xuân trong thơ Chế Lan Viên lúc nào cũng đẹp và đáng yêu:

"Tháng giêng, hai xanh mượt cỏ đồi

Tháng giêng, hai vút trời bay cánh én".

(Ý nghĩ mùa xuân)

Còn gì vui sướng hơn, hạnh phúc hơn khi "Đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa", khi "Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa"? Dòng sữa ngọt ngào cũng là tình thương của mẹ nuôi dưỡng trẻ thơ. Cánh tay của mẹ, của bà... nhẹ đưa khi "chiếc nôi ngừng"..., đã nâng giấc ngủ bé thơ. Giấc ngủ êm đềm trong lời ru tiếng hát, trong tình yêu thương. Mẹ và bà.... đã đến với em thơ trong sự khát khao, mong đợi. Và đó cũng là niềm vui hạnh phúc được sống trong tình yêu thương như khi "con gặp lai nhân dân".

Ý tưởng con gặp lại nhân dân được thể hiện một cách phong phu, đa dạng. Gặp lại nhân dân là được sống trong hạnh phúc, trong tình nghĩa thủy chung. Là được tiếp thêm sức sống, sức mạnh mà trở nên tươi tốt, sinh sôi, phát triển. Là được sống trong tình thương san sẻ, vỗ vẽ, được thỏa nỗi chờ mong.

Đoạn thơ trên thể hiện rõ bút pháp nghệ thuật của Chế Lan Viên: giàu tính triết lí và vẻ đẹp trí tuệ. Triết lí mà không khô khan, vì nhà thơ đã sáng tạo nên nhiều hình ảnh đẹp, mới lạ và ngôn ngữ sắc sảo. Ý tưởng đẹp, hồn thơ đẹp cứ quyện lấy lòng ta.

Tư tưởng yêu nước và "thân dân" được thể hiện cảm động đó đây trong thơ ca dân tộc từ mấy trăm năm trước. Nhưng sau cách mạng tháng Tám, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, tư tưởng vĩ đại ấy đã được một số nhà thơ như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... nói lên một cách chân thành, thấm thía và sâu sắc hơn:

"Con chim biết nhớ đàn nhớ tổ,

Ta nhớ người đau khổ nuôi ta

Ơn người như mẹ như cha

Lòng dân yêu Đảng như là yêu con"...

(Tố Hữu)

"Tôi cùng xương thịt với nhân dân

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu

Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

Của triệu người yêu dấu gian lao".

(Xuân Diệu)

Đoạn thơ trên đây của Chế Lan Viên là một tiếng lòng được nâng lên thành một triết lí đẹp: Hạnh phúc khi được gặp lại nhân. Bốn câu thơ, câu nào cũng có hình ảnh đẹp, mới lạ biểu lộ một cá tính sáng tạo sắc sảo, tài hoa. Qua đó, ta mới thấm thía như một nhà thơ lớn phương Tây đã nói: "Câu thơ đẹp phải là câu thơ nói được tình cảm đẹp".

---------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Bình giảng đoạn thơ "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa" trong bài Tiếng hát con tàu. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu đề thi học kì 1 lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Toán, Thi thpt Quốc gia môn Văn, đề thi học kì 2 lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ TwitterSao chép liên kếtQuét bằng QR Code
    Mã QR Code
    Đóng