Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài ca dao: Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

Văn mẫu: Phân tích bài ca dao: Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo các bài Ngữ văn 10 nhằm củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Dàn ý phân tích ca dao Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

1. Mở bài:

- Từ xưa, hình ảnh hòn đá quen thuộc trong tự nhiên đã đi vào văn chương.

- Bài ca dao đề cập đến tâm trạng buồn rầu, cam chịu của người phụ nữ trước những trở ngại trong tình yêu và hôn nhân dưới thời phong kiến.

2. Thân bài:

+ Hai câu đầu: Ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh hòn đá.

- Hình ảnh hòn đá đóng rong và hòn đá bạc đầu ngầm diễn tả vóc dáng tiều tuỵ, dãi dầu của cô gái vì phải sống trong đợi chờ, mòn mỏi.

- Hình ảnh dòng nước chảy và sương sa gợi lên sự tàn phá của thời gian, của những yếu tố khách quan làm cho tuổi xanh của cô gái phôi phai.

+ Bốn câu tiếp: Nguyên nhân khiến tình yêu dang dở.

- Điệp ngữ em với anh diễn tả tình yêu khăng khít, keo sơn.

- Những thành ngữ kết nghĩa giao hoà, kết tóc ở đời thể hiện ước muốn tha thiết tiến tới hôn nhân của cô gái.

- Hình ảnh biển, trời vừa thể hiện công lao to lớn của cha mẹ nhưng cũng tượng trưng cho trở lực ngăn cản tình yêu tự do.

- Điệp từ sợ và từ so sánh bằng vừa chỉ ra nguyên nhân khiến tình yêu khó thành, vừa diễn tả tâm trạng lo lắng, buồn bã của cô gái.

- Hình ảnh mây bạc miêu tả tình yêu đẹp nhưng mong manh của đôi trai gái trong xã hội đầy những ràng buộc, ngăn cản.

3. Kết bài:

- Thân phận phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thuở xưa.

- Tình cảm của cô gái thật chân thành, thuỷ chung.

Phân tích ca dao Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

Từ xưa, hình ảnh hòn đá quen thuộc trong thiên nhiên đã được đưa vào văn chương để làm cái cớ giãi bày những cung bậc tình cảm khác nhau của con người. Ví dụ hòn đá trong truyền thuyết Trầu Cau hay sự tích Đá vọng phu và nhiều tác phẩm dân gian khác như bài ca dao sau đây:

Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy,

Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa.

Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa,

Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.

Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,

Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan.

Đó là lời tâm sự của cô gái với chàng trai về những nỗi lo sợ rất thực tế của mình: Cô lo tuổi xuân trôi nhanh, lo sự ngăn cản của cha mẹ, lo mối tình mong manh; đồng thời bày tỏ lòng chung thủy đối với người mình yêu.

Bài thơ mở đầu bằng hai hình ảnh: Hòn đá đóng rong…, Hòn đá bạc đầu… Tính chất bền vững muôn thuở của đá đã trở thành ẩn dụ nghệ thuật được dùng để biểu thị sự bền vững lâu dài của tình cảm con người.

Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy,

Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa.

Hai câu đầu làm theo thể hứng (một kiểu câu từ quen thuộc của ca dao). Thể này có nhiều dạng nhưng cụ thể ở đây là đối cảnh sinh tình: yêu cảnh vật, sự việc trước, bộc lộ tâm tư tình cảm sau giữa cảnh và tình có mối tương đồng. Trước tiên, cô gái bộc lộ tâm sự thầm kín của mình trước cảnh vật, lo sợ về tuổi xuân trôi qua nhanh chóng. Trong thiên nhiên, ngay cả những vật vững bền như hòn đá cũng bị đóng rong bởi dòng nước chảy cũng bạc đầu vì bởi sương sa, tức là cũng thay đổi bởi tác động mạnh mẽ của ngoại cảnh. Huống chỉ tuổi xuân của con người, đặc biệt là của người con gái. Nỗi lo sợ này tuy cô gái không nói ra nhưng nó vẫn biểu hiện thấp thoáng sau từng hình ảnh, từ ngữ và liên quan đến những nỗi lo sợ ở bốn câu thơ sau.

Điệp từ Hòn đá được đặt ở đầu hai câu thơ gây ấn tượng mạnh. Nó tượng trưng cho người phụ nữ và tình yêu bền chặt của họ. Nhưng trong xã hội cũ, mấy khi tình yêu nam nữ được suôn sẻ dễ dàng? Hai người dù yêu nhau nồng cháy, dù thề non hẹn biển… nhưng hạnh phúc thì vẫn xa vời, khiến họ phải dằn lòng đợi chờ, mong ước. Tác giả dân gian đã khắc họa tình cảm đó bằng hai ẩn dụ độc đáo: Hòn đá đóng rong và Hòn đá bạc đẩu khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh cô gái. nhan sắc nhạt phai trước sự tàn phá của thời gian, đang mong mỏi hạnh phúc đến với mình. Dòng nước chảy và sương sa là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh của Tạo hóa, con người khó bề chống lại.

Nghĩ đến tình yêu của mình, cô gái không khỏi lo âu. Cô chân thành giãi bày tâm sự:

Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa,

Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.

Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,

Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan.

Cụm từ em với anh được lặp lại hai lần diễn tả sự gắn bó khăng khít, tâm đầu ý hợp. Cô gái trong bài ca dao tôn thờ tình yêu là vì cô mong mỏi được xây dựng hạnh phúc dài lâu, tha thiết mong được kết nghĩa giao hòa, kết tóc ở đời cùng người yêu. Điệp từ cũng muốn thể hiện quyết tâm và ước mong tha thiết của lứa đôi.

Tình yêu của họ, nguyện vọng của họ là chính đáng, lẽ ra phải được gia đình, xã hội vun đắp và ủng hộ. Nhưng trong xã hội cũ thì không đơn giản như vậy. Trong lời giãi bày của cô gái, chúng ta cảm nhận rất rõ tâm trạng đau khổ và nỗi buồn tủi xót xa cho duyên phận éo le.

Vậy những trở lực nào đã ngăn cấm tình yêu của họ? Cô gái mạnh dạn nói ra nguyên dó:

Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.

Biển – trời là hình ảnh thiên nhiên vô biên, vô tận, thường được dân gian ví với công lao to lớn của cha mẹ không gì so sánh được. Bởi vì, Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Trong tâm khảm của con cái, cha mẹ lúc nào cũng là hình ảnh cao quý mà bổn phận làm con phải tôn kính, Vậy tại sao cô gái trong bài ca dao này lại Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời? Phải chăng những hủ tục, luật lệ phỉ lý đầy rẫy trong xã hội phong kiến đã ràng buộc, ngăn cản mối tình của cô. Trong trường hợp này, có thể là cha mẹ không chấp thuận tình yêu ấy vì hai nhà không môn đăng hộ đối? Hãy vì núi sông cách trở? Hay vì cha mẹ đã trót hứa gả con gái cho một nơi nào đó? Tất cả mọi lý do trên đều là rào cản đối với tình yêu và hôn nhân của cô gái.

Nghệ thuật so sánh phóng đại đã đặc tả nỗi lo sợ ám ảnh thường xuyên trong tâm hồn cô gái đang yêu. Hai câu ca dao cuối bài thể hiện tâm trạng hoang mang, buồn bã:

Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,

Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan.

Hình ảnh mây bạc tượng trưng cho mối tình đẹp đẽ, thắm thiết của cô gái với chàng trai. Tình yêu của họ trong sáng quá, nhưng cũng mong manh quá! Nó lơ lửng giữa trời, biết đi đâu, về đâu? Sự khắc nghiệt của hoàn cảnh đã ngăn trở tình yêu, cho dù tình yêu mãnh liệt đến chừng nào. Linh cảm bất an xuất hiện trong tâm trạng của cô gái. Cô ngậm ngùi, cay đắng khi nghĩ đến tình yêu mà hai người đã dày công vun đắp khó có thể tồn tại trước những trở lực vô hình, hữu hình của gia đình và xã hội.

Những nỗi băn khoăn, lo sợ của nhân vật trữ tình bộc lộ mâu thuẫn gay gắt giữa khát khao hạnh phúc lứa đôi và thân phận phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia. Cô gái yêu thương chàng trai mà không dám nói ra, muốn kết tóc ở đời với chàng mà chưa dám nhận lời vì sợ cha, sợ mẹ. Chẳng phải vì xấu hổ – nét đáng yêu trong tính cách của người phụ nữ – mà vì vây quanh cô là bao nỗi sợ, Cứ sau mỗi ước muốn là một nỗi sợ. Sợ mẹ, sợ cha, sợ cả chính chàng trai nữa. Và nỗi sợ về chàng trai mới là điều mà cô gái lo lắng, băn khoăn nhất.

Những hình ảnh so sánh đã thể hiện các sắc thái khác nhau trong nỗi sợ của cô gái: Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời. Nỗi sợ mẹ cha được “đo” bằng những hình ảnh rộng lớn, vô biên. Theo lễ giáo phong kiến thì Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, vì vậy con cái, nhất là con gái không được tự do yêu đương. Cô gái không dám nói với cha mẹ về tình yêu và ước muốn của mình, còn với chàng trai, cô đã nói ra qua ẩn dụ bóng bẩy, tế nhị. vầng mây bạc giữa trời là ẩn dụ về tình yêu của chàng trai dành cho cô gái. Tình yêu của chàng tuy đẹp đẽ và thơ mộng nhưng cũng mong manh và mau tan như đám mây trước gió. Chữ mau tan đã phần nào dự báo một tương lai không chắc chắn, sáng sủa. Đây mới chính là nỗi lo sợ lớn nhất của cô gái dù nó không được diễn tả ở mức độ bằng biển, bằng trời và cũng chính là chỗ khó nói nhất: em sợ tình yêu của anh đẹp đẽ nhưng chẳng bền lâu. Không phải ngẫu nhiên mà nỗi sợ này cô gái lại nói đến sau cùng. Nhưng sợ thì sợ, mà thương vẫn thương. Mâu thuẫn giữa khát vọng hạnh phúc lứa đôi và thân phận “đàn bà” (bi kịch lớn của người phụ nữ trong xã hội phong kiến), được diễn tả rất sinh động, sâu sắc trong bài ca dao này.

Bài ca dao có kết cấu ngắn gọn, cách tả cảnh tả tình đặc sắc đã phản ánh tinh tế và sâu sắc tâm trạng của người con gái đang yêu. Trong nỗi xót xa vì thân phận bị ràng buộc, cô vẫn khao khát tình yêu tự do và biết yêu say đắm, biết lo lắng cho hạnh phúc lứa đôi. Bài ca dao cũng thể hiện tình yêu chân thành, chung Thủy – một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người bình dân xưa.

------------------------------------

Phân tích bài ca dao: Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết bạn đọc có thể thấy được rằng lời tâm sự của cô gái với chàng trai về những nỗi lo sợ rất thực tế của mình: Cô lo tuổi xuân trôi nhanh, lo sự ngăn cản của cha mẹ, lo mối tình mong manh; đồng thời bày tỏ lòng chung thủy đối với người mình yêu. Trước tiên, cô gái bộc lộ tâm sự thầm kín của mình trước cảnh vật, lo sợ về tuổi xuân trôi qua nhanh chóng. Điệp từ Hòn đá được đặt ở đầu hai câu thơ gây ấn tượng mạnh. Nó tượng trưng cho người phụ nữ và tình yêu bền chặt của họ. Hai người dù yêu nhau nồng cháy, dù thề non hẹn biển… nhưng hạnh phúc thì vẫn xa vời, khiến họ phải dằn lòng đợi chờ, mong ước. Những hình ảnh so sánh đã thể hiện các sắc thái khác nhau trong nỗi sợ của cô gái: Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời. Cô gái không dám nói với cha mẹ về tình yêu và ước muốn của mình, còn với chàng trai, cô đã nói ra qua ẩn dụ bóng bẩy, tế nhị. Không phải ngẫu nhiên mà nỗi sợ này cô gái lại nói đến sau cùng. Nhưng sợ thì sợ, mà thương vẫn thương. Mâu thuẫn giữa khát vọng hạnh phúc lứa đôi và thân phận đàn bà. Bài ca dao cho thấy tâm trạng của người con gái đang yêu. Trong nỗi xót xa vì thân phận bị ràng buộc, cô vẫn khao khát tình yêu tự do và biết yêu say đắm, biết lo lắng cho hạnh phúc lứa đôi. Bài ca dao cũng thể hiện tình yêu chân thành, chung Thủy – một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người bình dân xưa. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập nhé.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích bài ca dao: Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy, Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Hi vọng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm