Bộ 7 đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Tải nhiều

Bộ Đề thi Tiếng Việt lớp 5 học kì 1 được VnDoc biên soạn, sưu tầm, tổng hợp các bộ đề ôn tập có đáp án và bảng ma trận đề thi học kì 1 theo thông tư 22, giúp các em học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức cơ bản môn Tiếng Việt, đồng thời cũng là tài liệu để các thầy cô giáo tham khảo ra đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5.

A. Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt theo Thông tư 22

Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Số 1

Phần 1. Kiểm tra đọc hiểu (3 điểm)

I. Đọc thầm

Thanh lách qua cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán do bên ngoài trời nắng gắt, rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà. Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa.

Thanh bước lên thềm, đặt vali trên chiếc trường kỷ, rồi ngó đầu nhìn vào trong nhà: bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ chàng đem ở ngoài trời vào; Thanh chưa nhìn rõ thấy gì cả; một lát, quen bóng tối, chàng mới nhận thấy cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày chàng đi.

(trích Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam)

II. Dựa trên nội dung bài đọc, chọn ý đúng trong các câu trả lời sau:

1. Bài văn trên viết về nhân vật chính là ai?

A. Thanh
B. Thành
C. Thánh

2. Đâu không phải là hình ảnh của con đường dẫn lối vào nhà bà Thanh?

A. Con đường lát gạch bát tràng rêu phủ
B. Bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà
C. Những bóng đèn sáng rực nhấp nháy nhiều màu

3. Trong bài văn có bao nhiêu cặp từ trái nghĩa? Hãy chỉ ra cặp từ đó.

A. 1 cặp từ
B. 2 cặp từ
C. 3 cặp từ

(Đó là ….……………………………………………)

4. Vì sao trên trán Thanh lại có nhiều mồ hôi?

A. Vì ngoài trời có nắng gắt
B. Vì chàng vừa chạy bộ về
C. Vì chàng vừa làm ruộng về

5. Bài văn trên có xuất hiện 6 từ láy, đó là:

A. nhẹ nhàng, phảng phất, thong thả, không khí, ồn ào, rực rỡ
B. nhẹ nhàng, phảng phất, thong thả, ồn ào, man mát, rực rỡ
C. nhẹ nhàng, phảng phất, thong thả, ồn ào, mơn man, rực rỡ

6. Trong câu Trên con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì?

A. Nhân hóa
B. So sánh
C. Tương phản

Phần 2. Kiểm tra viết (7 điểm)

A. Chính tả: Nghe viết (3 điểm)

Thanh lách qua cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí.

B. Tập làm văn (4 điểm)

Hãy tả lại cảnh mẹ của em đang nấu ăn ở trong bếp.

 >> Để xem toàn bộ đáp án, mời các bạn tải file về máy << 

Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Số 2

Phần 1. Kiểm tra đọc hiểu (3 điểm)

I. Đọc thầm

Vào đầu mùa xuân, khi những bông hoa cải dầu vàng (còn được gọi là cải dầu) nở rộ, cả vùng đất đẹp tựa chốn thần tiên. Cánh đồng xanh ngát khi nào giờ đây được bao phủ bởi những bông hoa cải dầu vàng rực rỡ, trải dài đến tận chân trời. Cả rừng hoa cải với những cánh hoa mỏng manh rung rinh trước gió, từ xa nhìn lại như “làn sóng” dập dềnh mãi không thôi. Xen kẽ giữa rừng hoa cải dầu vàng rực là những ngọn đồi lớn nhỏ nhấp nhô, bao quanh bởi núi đá chập chùng, làn mây mờ ảo và ánh nắng mặt trời lấp lánh.

Khi hoa cải nở rộ cũng là mùa nuôi ong lấy mật của người dân địa phương. Hàng loạt trang trại nuôi ong ngắn hạn được dựng lên giữa cánh đồng cải. Cho đến khi mùa hoa kết thúc, những trang trại này mới được chuyển đến các địa điểm khác, nơi có nhiều hoa dại, đủ cung cấp mật hoa nuôi ong.

(trích Vẻ đẹp của vườn hoa cải Luoping)

II. Dựa trên nội dung bài đọc, chọn ý đúng trong các câu trả lời sau:

1. (0,25 điểm) Bài văn trên kể về loại thực vật nào?

A. Cây cải dầu
B. Cây cải thìa
C. Cây cải bẹ

2. (0,25 điểm) Vào mùa xuân, cánh đồng hoa cải dầu chuyển từ màu xanh sang màu gì?

A. Màu vàng
B. Màu đỏ
C. Màu tím

3. (0,25 điểm) Cánh hoa cải dầu được tác giả miêu tả có đặc điểm như thế nào?

A. Mỏng tanh
B. Mỏng manh
C. Mỏng nhẹ

4. (0,25 điểm) Bao quanh những cánh đồng hoa cải dầu là gì?

A. Những ngọn đồi lớn nhỏ nhấp nhô
B. Những núi đá chập chùng
C. Những dòng sông rộng lớn

5. (0,5 điểm) Mùa nuôi ong lấy mật của người dân địa phương bắt đầu khi nào?

A. Khi cánh đồng hoa cải đơm bông
B. Khi cánh đồng hoa cải tàn lụi
C. Khi cánh đồng hoa cải nở rộ

6. (0,5 điểm) Khi mùa hoa cải kết thúc, điều gì xảy ra với những trang trại nuôi ong ở đó?

A. Các trang trại nuôi ong đóng cửa, chờ đến mùa hoa cải năm sau sẽ tiếp tục hoạt động
B. Các trang trại nuôi ong chuyển đến các địa điểm khác, nơi có nhiều hoa dại, đủ cung cấp mật hoa nuôi ong
C. Các trang trại nuôi ong chuyển sang khâu chế biến, đóng hộp và vận chuyển mật ong thu được đến các cửa hàng

7. (0,5 điểm) Từ tựa trong câu cả vùng đất đẹp tựa chốn thần tiên có thể được thay thế bằng từ nào sau đây?

A. Là
B. Như
C. Nếu

8. (0,5 điểm) Bài văn trên có sử dụng 7 từ láy, đó là:

A. Rực rỡ, mỏng manh, rung rinh, dập dềnh, mây mờ, chập chùng, lấp lánh
B. Rực rỡ, mỏng manh, rung rinh, trang trại,, nhấp nhô, chập chùng, lấp lánh
C. Rực rỡ, mỏng manh, rung rinh, dập dềnh, nhấp nhô, chập chùng, lấp lánh

Phần 2. Kiểm tra viết (7 điểm)

A. Chính tả: Nghe viết (3 điểm)

Xen kẽ giữa rừng hoa cải dầu vàng rực là những ngọn đồi lớn nhỏ nhấp nhô, bao quanh bởi núi đá chập chùng, làn mây mờ ảo và ánh nắng mặt trời lấp lánh.

B. Tập làm văn (4 điểm)

Hãy tả lại cảnh học sinh đang tập thể dục trên sân trường.

>> Để xem toàn bộ đáp án, mời các bạn tải file về máy <<

Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Số 3

Phần 1. Kiểm tra đọc hiểu (3 điểm)

I. Đọc thầm

Những bông lúa vàng mới cắt xong đều xếp rải rác từng hàng trên bờ ruộng, trong đám cỏ xanh mọc dày. Mỗi khi gặt được vài lượm lúa, người thợ hái ôm sát bó lúa thơm vào người, đem ra xếp vào chỗ lúa trước. Rồi họ lại trở vào ruộng, đứng theo hàng những người bạn gặt. Tiếng hái đưa vào gốc lúa xoàn xoạt như tiếng trâu bò ăn cỏ.

Chăm chú vào công việc đang làm, Tân không để ý gì đến cảnh vật chung quanh. Chàng cũng không thấy mệt nữa, tuy ánh nắng chiếu trên lưng nóng rát, và mồ hôi từng giọt nhỏ ở trên trán xuống. Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm lại phảng phất lẫn với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu. Tân lại cố hết sức gặt, chỉ lo không theo kịp hàng những người thợ khác.

(trích Những ngày mới - Thạch Lam)

II. Dựa trên nội dung bài đọc, chọn ý đúng trong các câu trả lời sau:

1. (0,5 điểm) Nhân vật Tân đang làm gì?

A. Gặt lúa
B. Trồng lúa
C. Phơi lúa

2. (0,5 điểm) Những bông lúa vừa gặt xong sẽ được xếp ở đâu?

A. Xếp ở dọc bờ sông chảy qua ruộng lúa
B. Xếp rải rác từng hàng trên bờ ruộng, trong đám cỏ xanh mọc dày
C. Xếp ở trong những chiếc thúng tre to như cái buồng ngủ

3. (0,5 điểm) Những vất vả, khó khăn mà Tân đang đối mặt khi gặt lúa là gì?

A. Mưa to, khiến ruộng lầy lội, người thì ướt hết, vô cùng mệt mỏi
B. Trời đất tối om, thật khó để nhìn thấy đường đi hay ngọn lúa để cắt
C. Ánh nắng chiếu trên lưng nóng rát, mồ hôi từng giọt nhỏ ở trên trán xuống

4. (0,5 điểm) Vì sao Tân lại quên đi hết những mệt nhọc đang gánh chịu?

A. Vì lo không theo kịp hàng những người thợ khác
B. Vì quá tập trung vào công việc đang làm
C. Vì từ nhỏ đã thường xuyên chịu vất vả nên đã quen rồi

5. (0,5 điểm) Tác giả đã so sánh mùi hương gì với mùi men rượu?

A. Mùi lúa chín thơm cùng mùi mít chín
B. Mùi lúa chín thơm lẫn mùi rạ ướt mới cắt
C. Mùi lúa non thơm nồng lẫn mùi rạ ướt mới cắt

6. (0,5 điểm) Bài văn trên có sử dụng 6 từ láy, đó là:

A. Rải rác, xoàn xoạt, chăm chỉ, nhanh nhẹn, phảng phất, say sưa
B. Rải rác, xoàn xoạt, chăm chú, nhanh nhẹn, phung phí, say sưa
C. Rải rác, xoàn xoạt, chăm chú, nhanh nhẹn, phảng phất, say sưa

Phần 2. Kiểm tra viết (7 điểm)

I. Chính tả: Nghe viết (3 điểm)

Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm lại phảng phất lẫn với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu. Tân lại cố hết sức gặt, chỉ lo không theo kịp hàng những người thợ khác.

II. Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy miêu tả cảnh các bạn học sinh đang tập trung làm bài thi.

>> Để xem toàn bộ đáp án, mời các bạn tải file về máy <<

Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Số 4

Phần 1. Kiểm tra đọc hiểu (3 điểm)

I. Đọc thầm

Lúa vàng phủ sân phơi
Lúa vàng nong, vàng thúng
Ụ rơm như quả đồi
Khoác áo vàng rất thụng.

Rơm vàng ra tận ngõ
Rơm vàng ra khắp vườn
Lúa vàng hanh nắng gió
Lúa vàng dọc con đường.

Mái Vàng cùng con nhỏ
Ăn no dắt đi chơi
Lên ụ rơm trượt ngã
Mẹ con phá lên cười.

(trích Mùa gặt - Nguyễn Lãm Thắng)

II. Dựa trên nội dung bài đọc, chọn ý đúng trong các câu trả lời sau:

1. (0,5 điểm) Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

A. Thơ lục bát
B. Thơ năm chữ
C. Thơ bốn chữ

2. (0,5 điểm) Màu sắc gì được nhắc đến nhiều nhất trong bài thơ trên?

A. Màu vàng
B. Màu xanh
C. Màu tím

3. (0,5 điểm) Rơm vàng được phơi lên những nơi nào?

A. Bờ sông, bờ ao
B. Khắp vườn, ngõ
C. Trên mái nhà

4. (0,5 điểm) Ụ rơm vàng được so sánh với hình ảnh gì?

A. Ngọn đồi
B. Khoác áo vàng
C. Quả núi

5. (0,5 điểm) Mái Vàng là danh từ dùng để chỉ loài động vật nào?

A. Chú gà mái vàng
B. Chú chó lông vàng
C. Chú mèo lông vàng

6. (0,5 điểm) Khổ thơ thứ 3 đã sử dụng biện pháp tu từ nào?

A. So sánh
B. Nhân hóa
C. Không sử dụng

Phần 2. Kiểm tra viết (7 điểm)

I. Chính tả: Nghe viết (3 điểm)

Nghỉ hè bé lại thăm quê
Được đi lên rẫy, được về tắm sông
Thăm bà, rồi lại thăm ông
Thả diều, câu cá... sướng không chi bằng
Đêm về ngồi ngắm ông trăng
Nghe ông kể chuyện chị Hằng ngày xưa
Bà rang đậu lạc thơm chưa
Mời ông bà, bé say sưa chuyện trò.

II. Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy miêu tả cảnh người nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng.

>> Để xem toàn bộ đáp án, mời các bạn tải file về máy <<

Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Số 5

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

  1. Chuyện một khu vườn nhỏ (Trang 102 – TV5/T1)
  2. Tiếng vọng (Trang 108 – TV5/T1)
  3. Hành trình của bầy ong (Trang 117 – TV5/T1)
  4. Người gác rừng tí hon (Trang 124 – TV5/T1)
  5. Chuỗi ngọc lam (Trang 134 – TV5/T1)
  6. Buôn Chư Lênh đón cô giáo (Trang 144 – TV5/T1)
  7. Thầy cúng đi viện (Trang 158 – TV5/T1)
  8. Ca dao về lao động sản xuất (Trang 168 – TV5/T1)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Cây lá đỏ

Vườn nhà Loan có rất nhiều cây ăn quả. Riêng ở góc vườn có một cây, chẳng hiểu là cây gì. Hồi còn ở nhà, chị Phương rất quý nó và gọi nó là “cây lá đỏ”, vì cứ vào dịp gần Tết là lá cây ấy lại đỏ rực lên như một đám lửa.

Một lần, đang nằm thiu thiu ngủ, Loan láng máng nghe mấy ông bàn với bà và bố mẹ định trồng cây nhãn Hưng Yên nhưng vườn chật quá. Có lẽ phải chặt cây lá đỏ đi. Loan lo quá, liền nhắn tin cho chị Phương biết. Ba hôm sau, Loan nhận được thư của chị Phương: “Chị phải viết thư ngay cho em kẻo không kịp. Loan ơi, em nói với ông bà và bố mẹ hộ chị là đừng chặt cây lá đỏ ấy đi em nhé! Tuy quả nó không ăn được nhưng chị rất quý cây đó. Em còn nhớ chị Duyên không? Chị bạn thân nhất của chị hồi xưa ấy mà! Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị đi học sư phạm còn chị Duyên đi xung phong chống Mĩ cứu nước. Một lần, chị Duyên đem về cho chị một nắm hạt cây lá đỏ. Chị Duyên bảo ở vùng rừng núi, nơi chị ấy làm việc có nhiều thứ cây ấy lắm. Cứ nhìn thấy cây lá đỏ, chị Duyên lại nhớ đến chị, nhớ những kỉ niệm của thời học sinh thật là đẹp đẽ. Sau lần gặp ấy, chị Duyên đã anh dũng hy sinh giữa lúc đang cùng đồng đội lấp hố bom cho xe ta ra chiến trường, em ạ…”

Loan đọc lá thư của chị Phương giữa một buổi chiều mưa. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra, em bỗng thấy cây lá đỏ đẹp hơn và thấy quý cây lá đỏ hơn bao giờ hết.

Theo Trần Hoài Dương.

1. Cây lá đỏ trồng ở góc vườn nhà Loan là do ai đem về? (0.5 điểm)

A. Chị Phương
B. Ông của Loan
C. Mẹ của Loan
D. Chị Duyên

2. Vì sao ông bàn với bà và bố mẹ định chặt cây lá đỏ? (0.5 điểm)

A. Vì lá cây rụng nhiều hằng ngày gia đình Loan phải mất rất nhiều thời gian quét lá.
B. Vì cây lá đỏ không ra quả để thu hoạch
C. Vì muốn có đất để trồng nhãn
D. Vì sợ cây lá đỏ đem lại điều không may mắn cho gia đình

3. Đối với chị Duyên, cây lá đỏ có ý nghĩa như thế nào? (0.5 điểm)

A. Gợi nhớ những ngày ở chiến trường ác liệt nhiều lửa đạn.
B. Gợi nhớ một vùng rừng núi đẹp đẽ, nơi chị Duyên làm việc.
C. Gợi nhớ đến quê hương và những ngày tháng hạnh phúc bên gia đình
D. Gợi nhớ đến chị Phương và tình bạn đẹp đẽ thời đi học.

4. Vì sao đọc xong thư của chị Phương, Loan bỗng thấy cây lá đỏ đẹp và thấy quý hơn bao giờ hết? (0.5 điểm)

A. Vì cây lá đỏ gợi cho Loan nhớ về quê hương với những kỉ niệm tuổi thơ trong sáng
B. Vì Loan cảm phục sự hi sinh cao quý của chị Duyên và tình bạn đẹp của hai chị.
C. Vì cây lá đỏ gợi nhớ nơi xa xôi mà chị Phương đang công tác.
D. Vì Loan khâm phục sự dũng cảm của chị Phương, thêm yêu quý người chị gái của mình.

5. Dòng nào dưới đây nếu đúng nghĩa của từ kỉ niệm trong cụm từ “nhớ những kỉ niệm của thời học sinh thật là đẹp đẽ.” (0.5 điểm)

A. Cái hiện lại trong trí óc về những sự việc đáng ghi nhớ đã qua.
B. Cái hiện lại trong trí óc về những việc diễn ra hằng ngày.
C. Vật được lưu giữ lại để gợi nhớ những sự việc đang diễn ra.
D. Vật được lưu giữ lại để gợi nhớ hình ảnh của người đã khuất.

6. Dòng nào dưới đây có các từ cây đều được dùng theo nghĩa gốc? (0.5 điểm)

A. Cây rau, cây rơm, cây hoa
B. Cây lấy gỗ, cây cổ thụ, cây bút
C. Cây lá đỏ, cây xanh, cây ăn quả
D. Cây mít, cây đàn, cây đèn bàn

7. Tìm các quan hệ từ có trong đoạn văn sau? (1 điểm)

Loan đọc lá thư của chị Phương giữa một buổi chiều mưa. Ngồi bên cửa sổ nhìn ra, em bỗng thấy cây lá đỏ đẹp hơn và thấy quý cây lá đỏ hơn bao giờ hết.

8. Xác định chủ ngữ và vị ngữ của câu sau: “Vườn nhà Loan có rất nhiều cây ăn quả.” (1 điểm)

9. Tìm và ghi lại ba danh từ riêng, ba danh từ chung có trong bài văn trên. (1 điểm)

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Quà tặng của chim non

Trên các cành cây xung quanh tôi cơ man là chim. Chúng kêu líu ríu đủ thứ giọng. Tôi đưa tay lên miệng bắt đầu trổ tài bắt chước tiếng chim hót. Tôi vừa cất giọng, nhiều con bay đến đậu gần tôi hơn. Thế là chúng bắt đầu hót. Hàng chục loại âm thanh lảnh lót vang lên. Không gian đầy tiếng chim ngân nga, dường như gió thổi cũng dịu đi, những chiếc lá rơi cũng nhẹ hơn, lơ lửng lâu hơn. Loang loáng trong các lùm cây, những cánh chim màu sặc sỡ đan đi đan lại… Đâu đó vẳng lại tiếng hót thơ dại của chú chim non, cao lắm, xa lắm nhưng tôi vẫn nghe rất rõ.

(theo Trần Hoài Dương)

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Tả lại một người bạn thân của em

>> Để xem toàn bộ đáp án, mời các bạn tải file về máy <<

Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Số 6

A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10 Đ)

I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)

- Nội dung kiểm tra: Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc một đoạn văn khoảng 100 chữ thuộc chủ đề đã học từ tuần 11 đến tuần 17.

- Hình thức kiểm tra: Giáo viên ghi tên bài, số trang trong SGK TV5 vào phiếu, cho HS bốc thăm và đọc đoạn văn do giáo viên yêu cầu.

II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng việt: (7 điểm)

2.1. Đọc thầm bài văn sau:

Cổ tích về ngọn nến

Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng.

Mọi người đều trầm trồ: “Ồ ngọn nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lùi bóng tối xung quanh. Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình: “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”.

Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm.

Mọi người trong phòng nhốn nháo bảo nhau: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bỗng một người đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu”. Đèn dầu được thắp lên, còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ.

Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến.

Theo Nguyễn Quang Nhân

2.2. Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng và hoàn thành các bài tập sau:

Câu 1: (0,5đ) Khi mang lại ánh sáng cho căn phòng và được mọi người khen ngợi thì ngọn nến cảm thấy thế nào ?

a. Tự mãn và hãnh diện
b. Hân hoan, vui sướng.
c. Buồn thiu vì thiệt thòi.
d. Lung linh cháy sáng.

Câu 2: (0,5đ) Tại sao ngọn nến lại nương theo gió và tắt phụt đi ?

a. Vì nó đã cháy hết mình.
b. Vì nó cảm thấy mình không còn cần thiết nữa.
c. Vì đã có đèn dầu.
d. Vì nó cảm thấy thiệt thòi.

Câu 3: (1,0đ) Thân phận của nến ra sao khi đèn dầu được thắp lên?

a. Bị bỏ vào ngăn kéo tủ, khó có dịp được cháy sáng.
b. Nến càng lúc càng ngắn lại.
c. Nến vui sướng vì không phải cháy sáng nữa.
d. Nến bị gió thổi tắt phụt đi.

Câu 4: (1,0đ) Nến buồn thiu và chợt nhận ra điều gì?

a. Thấy mình chỉ còn một nửa.
b. Chẳng bao lâu nữa sẽ tàn mất thôi.
c. Hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người.
d. Ánh sáng của nó đã đẩy lùi bóng tối xung quanh.

Câu 5: (1,0đ) Từ nào sau đây trái nghĩa với từ “vui sướng”?

a. vui buồn
b. sung sướng
c. sầu não
d. hãnh diện

Câu 6: (1,0đ) Từ ngữ in đậm trong câu sau thuộc từ loại nào?

Thế là từ nay sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa.

a. Danh từ
b. Động từ
c. Tính từ
d. Đại từ

Câu 7: (1,0đ) Tìm 5 từ miêu tả làn da của người:

Câu 8: (1,0đ) Đặt câu có từ “cổ” là từ đồng âm. (Đặt một hoặc hai câu).

B/ KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

I. Viết chính tả: (2đ) (nghe – viết),

Bài viết: “Chữ nghĩa trong văn miêu tả ” - Sách TV Lớp 5 tập 1 (trang 160)

Viết đoạn đầu: (từ: Trong miêu tả,…….giữa không trung.)

II - Tập làm văn: (8đ) Chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Em hãy tả hình dáng và những nết tốt một bạn trong lớp em được nhiều người quý mến.

Đề 2: Em hãy tả một em bé ở tuổi tập nói, tập đi.

>> Để xem toàn bộ đáp án, mời các bạn tải file về máy <<

Đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Số 7

I. ĐỌC HIỂU

TÔI YÊU BUỔI TRƯA

Buổi sáng, rất nhiều người yêu nó, yêu màn sương lãng mạn, yêu sự sống đang hồi sinh, yêu bầu không khí trong lành mát mẻ...

Buổi chiều, ngọn gió mát thổi nhẹ, hoàng hôn với những vệt sáng đỏ kì quái, khói bếp cùng với làn sương lam buổi chiều... Những điều này tạo nên một buổi chiều mà không ít người yêu thích.

Tôi thích buổi sáng, và cũng thích buổi chiều, nhưng tôi còn thích cái mà mọi ngưòi ghét : buổi trưa. Có những buổi trưa mùa đông ấm áp, buổi trưa mùa thu nắng vàng rót mật rất nên thơ, buổi trưa mùa xuân nhẹ, êm và dễ chịu. Còn buổi trưa mùa hè, nắng như đổ lửa, nhưng chính cái buổi trưa đổ lửa này làm tôi yêu nó nhất.

Trưa hè, khi bước chân lên đám rơm, tôi thấy mùi rơm khô ngai ngái, những sợi rơm vàng óng khoe sắc, tôi thấy thóc đã khô theo bước chân đi thóc của bố mẹ tôi. Rồi bố mẹ tôi cứ thức trông thóc mà chẳng dám nghỉ trưa. Nhờ buổi trưa này mà mọi ngưòi có rơm, củi khô đun bếp, nhờ buổi trưa này mà thóc được hong khô, mọi người được no ấm, và hơn tất cả, nhờ buổi trưa này mà tôi hiểu ra những nhọc nhằn của cha mẹ tôi và của những người nông dân suốt đời một nắng hai sương. Tôi yêu lắm những buổi trưa mùa hè !

(Nguyễn Thuỳ Linh)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng :

Câu 1. Bạn nhỏ trong bài cho rằng nhiều người yêu buổi sáng vì lí do gì ?

a. Có màn sương lãng mạn, sự sống đang hồi sinh.
b. Có bầu không khí trong lành, mát mẻ.
c. Cả hai ý trên.

Câu 2. Theo bạn nhỏ, nhiều người yêu buổi chiều vì lí do gì ?

a. Có ngọn gió mát thổi nhẹ, có ánh sáng hoàng hôn.
b. Có khói bếp cùng với làn sương lam.
c. Cả hai ý trên.

Câu 3. Dòng nào nêu đúng thời gian bạn nhỏ yêu thích nhất ?

a. Buổi trưa.
b. Buổi trưa mùa hè.
c. Buổi trưa mùa đông.

Câu 4. "Nhẹ, êm và dễ chịu" là đặc điểm của buổi trưa mùa nào ?

a. Mùa xuân
b. Mùa đông
c. Mùa thu

Câu 5. Lí do quan trọng nhất để bạn nhỏ yêu thích buổi trưa mùa hè là gì ?

a. Nhờ buổi trưa hè mà mọi người có rơm, củi khô để đun bếp.
b. Nhờ buổi trưa hè mà thóc được hong khô, mọi người được no ấm.
c. Nhờ buổi trưa hè mà bạn nhỏ hiểu được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ và của những người nông dân suốt đời một nắng hai sương.

Câu 6. Bài viết nhằm mục đích gì ?

a. Tả cảnh buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều ở làng quê.
b. Ca ngợi những người nông dân suốt đời một nắng hai sương và thấm thía một nỗi biết ơn họ.
c. Kể ra những công việc người nông dân cần làm để tạo ra hạt thóc hạt gạo.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1. Đi thóc trong bài có nghĩa là gì ?

a. Đem thóc ra phơi.
b. Vun thóc lại thành đống.
c. Dùng chân rê trên mặt sân có thóc đang phơi để trở đều cho thóc chóng khô.
d. Giẫm lên thóc.

Câu 2. Thành ngữ nào không đồng nghĩa với Một nắng hai sương ?

a. Thức khuya dậy sớm.
b. Cày sâu cuốc bẫm.
c. Đầu tắt mặt tối.
d. Chân lấm tay bùn.

Câu 3. Tìm các từ chỉ thiên nhiên có trong bài văn trên.

Câu 4. Câu "Tôi yêu lắm những buổi trưa mùa hè !" thuộc kiểu câu gì ?

a. Câu kể
b. Câu cảm
c. Câu khiến

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Dựa vào ý của câu cuối bài, hãy viết tiếp để hoàn chỉnh đoạn văn nêu rõ lí do em yêu thích mùa hè :

Trưa mùa hè không dịu êm như mùa xuân, không rót mật nên thơ như mùa thu, không ấm áp như trưa mùa đông. Trưa hè, nắng như đổ lửa nhưng em yêu nó nhất vì những buổi trưa này đã giúp em hiểu ra rằng...

III. TẬP LÀM VĂN

Câu 1. Em hãy viết đoạn văn tả mảnh sân nhà em giữa trưa hè trong mùa thu hoạch, có phần mở đầu như sau :

Trưa hè, nắng như đổ lửa xuống sân...

Câu 2. Hãy viết đoạn văn tả một buổi trong ngày.

>> Để xem toàn bộ đáp án, mời các bạn tải file về máy <<

B. Đề thi học kì 1 lớp 5 Tất cả các môn

C. Đề cương ôn tập học kì 1 lớp 5 Tất cả các môn

D. Bộ đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt theo Thông tư 22

>> Mời bạn tham khảo và tải trọn bộ hơn 30 đề thi có đáp án chi tiết tại đây Tuyển tập đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5

—-------------------------------------------------

Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 5 , Giải SGK Tiếng Việt lớp 5 Giải VBT Tiếng Việt lớp 5 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 5 , Bài tập Luyện từ và câu 5 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 .

Đánh giá bài viết
436 155.179
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nguyễn Phúc Hưng
    Nguyễn Phúc Hưng

    ko ai nói à

    Thích Phản hồi 20:12 07/12

    Đề thi học kì 1 lớp 5

    Xem thêm
    Chỉ từ 79.000đ trải nghiệm VnDoc không quảng cáotải toàn bộ tài liệu trên VnDoc với tốc độ cao. Tìm hiểu thêm
    Hoặc không cần đăng nhập và tải nhanh tài liệu Bộ 7 đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng Việt năm 2023 Tải nhiều