Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề ôn thi học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Cánh Diều - Đề số 2

Đề thi học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Cánh Diều - Đề số 2 có đáp án, hướng dẫn chấm kèm theo giúp các em học sinh ôn tập và nắm vững cấu trúc đề thi, luyện giải đề thành thạo hơn, chuẩn bị tốt khi bước vào kì thi chính thức.

Đề thi học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Cánh Diều

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

GẤP GIẤY (trích)

Thầy Đa-vít chậm rãi bước lên bục giảng. Đột nhiên, thầy rút từ trong túi xách ra một tờ giấy A4 và khẽ gấp đôi lại.

- Các bạn nói xem, tờ giấy này còn gấp được nữa không? - Thầy Đa-vít hỏi.

- Dạ có ạ. - Cả lớp học đồng thanh.

Thầy Đa-vít gật đầu tán thành. Sau đó, thầy tiếp tục gấp đôi mảnh giấy.

Đề thi Học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Cánh diều

- Nào, còn gấp được nữa không các em?

- Dạ, gấp được ạ. - Cả lớp hô vang.

Thầy Đa-vít cười nhẹ, tỏ vẻ đồng ý, rồi thầy lại từ từ gấp tiếp mảnh giấy. - Bây giờ thì sao?

- Dạ, vẫn gấp được nữa ạ.

Sau những tiếng trả lời rôm rả của học trò, thầy Đa-vít cứ gấp tiếp, gấp tiếp... đến khi tờ giấy A4 ban đầu đã trở thành một cục nhỏ và chắc chắn, thầy thong thả bước xuống bục giảng và bảo: “Bây giờ, em nào có thể gấp tiếp cục giấy này cho thầy nào!”. Lớp học chợt sôi động, thi nhau xung phong lên gấp giấy cho thầy. Thế nhưng, kết quả là cục giấy ấy cứng đờ và không thể gấp lại được nữa.

Lúc bấy giờ, thầy mới ôn tồn giảng giải: “Các em thấy không, khi chỉ là một tờ giấy, các em có thể thỏa sức gấp nó. Thế nhưng, khi đã có nhiều nếp giấy gấp lại rất chắc chắn, như cục giấy trên tay thầy đây, các em sẽ không thể làm gì được nữa. Cũng giống như trong cuộc sống, nếu các em làm việc gì đó một mình, thì sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu ta chung sức, đồng lòng, thì chúng ta sẽ là một khối đoàn kết giành được mọi chiến thắng.”.

Thầy vừa dứt lời, cả lớp vỗ tay rào rào thán phục và cảm ơn bài học đáng quý của thầy.

Theo Nhung Ly

Câu 1 (0,5 điểm). Khi bước lên bục giảng, thầy Đa-vít đã có hành động gì?

A. Thầy gấp tờ giấy A4 trở thành một cục nhỏ.

B. Thầy phát cho mỗi bạn học sinh một tờ giấy A4.

C. Thầy rút từ trong túi sách ra một tờ giấy A4 và gấp đôi lại.

D. Thầy hỏi các bạn học sinh tờ giấy trên tay thầy còn gấp được không.

Câu 2 (0,5 điểm). Thầy Đa-vít đã gấp được gì từ tờ giấy A4?

A. Một cục giấy nhỏ cứng đờ, không gấp lại được nữa.

B. Thầy Đa-vít không gấp được gì từ tờ giấy A4 đó.

C. Một cục đá nhỏ cứng đờ, rất chắc chắn.

D. Một cục giấy to, tròn và rất chắc chắn.

Câu 3 (0,5 điểm). Vì sao các bạn nhỏ không thể gấp được cục giấy của thầy Đa-vít?

A. Vì cục giấy đó đã tạo thành một khối, cứng đờ, rất chắc chắn.

B. Vì các bạn nhỏ không biết cách gấp cục giấy đó.

C. Vì cục giấy đó rất to, cứng và chắc chắn.

D. Cả A và C đều đúng.

Câu 4 (0,5 điểm). Vì sao thầy Đa-vít lại bảo các bạn nhỏ tiếp tục gấp giấy hộ thầy?

A. Vì thầy bị đau tay nên không gấp được.

B. Vì thầy muốn các bạn được trải nghiệm gấp giấy.

C. Vì thấy muốn dạy các bạn nhỏ cách giải một bài toán khó.

D. Vì thầy muốn dạy các bạn nhỏ về sự đoàn kết trong cuộc sống.

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm). Khoanh vào đại từ trong các câu sau và cho biết chúng được dùng để làm gì.

a. Các bạn ở đây

Ai giúp một tay

Cày bừa ruộng đất?

(Võ Quảng)

b. Mẹ cho con mấy quyển vở ạ?

Câu 6 (2,0 điểm) Muốn tra nghĩa của từ cắm trong từ điển, em làm thế nào? (Đánh số thứ tự các bước vào ô trống)

☐ Đọc nghĩa của từ cắm

☐ Chọn từ điển phù hợp

☐ Tìm từ cắm

☐ Tìm mục từ bắt đầu bằng chữ C

☐ Đọc ví dụ để hiểu nghĩa và cách dùng từ cắm

B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Viết bài văn (4,0 điểm)

Đề bài: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của em về bài thơ “Tiếng chổi tre”.

Đáp án Đề thi học kì 1 Tiếng Việt lớp 5 Cánh Diều

A. TIẾNG VIỆT: (6,0điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

C

A

A

D

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm)

a. Các bạn ở đây

Ai giúp một tay

Cày bừa ruộng đất?

(Võ Quảng)

b. Mẹ cho con mấy quyển vở ạ?

Câu 6 (2,0 điểm):

4. Đọc nghĩa của từ cắm

1. Chọn từ điển phù hợp

3. Tìm từ cắm

2. Tìm mục từ bắt đầu bằng chữ C

5. Đọc ví dụ để hiểu nghĩa và cách dùng từ cắm

B. TẬP LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Câu 7 (4,0 điểm)

1. Viết được bài văn có bố cục đầy đủ, rõ ràng (2,5 điểm)

– Nêu tên câu chuyện (hoặc bài thơ) và ấn tượng chung của em về câu chuyện (bài thơ) đó.

– Nêu tình cảm, cảm xúc của em về một số chi tiết, hình ảnh nổi bật.

– Nêu ý nghĩa của câu chuyện (bài thơ), liên hệ thực tế.

2. Chữ viết đẹp, đúng chính tả, trình bày sạch đẹp, đúng quy định thể hiện qua bài viết. (0,5 điểm)

3. Sử dụng câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa, rõ nghĩa và sử dụng đúng các dấu câu trong bài. (0,5 điểm)

4. Bài viết có sự sáng tạo: có cảm xúc, ý văn rõ ràng, lôi cuốn người đọc…(0,5 điểm)

* Tuỳ từng mức độ sai sót về ý, diễn đạt và chữ viết mà GV cho điểm phù hợp.

Bài làm tham khảo 1

Bài thơ “Tiếng chổi tre” đã làm cho em cảm thấy như đang được đắm chìm trong một không gian tĩnh lặng, nơi mà những hình ảnh và từ ngữ được sắp xếp một cách tinh tế để gợi lên trong lòng em những cảm xúc sâu sắc và ý nghĩa. Hình ảnh của người phụ nữ làm việc cần cù với chiếc chổi tre vào những đêm hè và đêm đông gió rét đã khắc sâu trong trí não và lòng tự hào của em. Điều đó đã gợi lên trong em sự khâm phục và tôn trọng sâu sắc đối với những người lao động bền bỉ, những người không ngừng hi sinh và đóng góp cho cộng đồng. Mỗi câu thơ trong bài thơ đều là một cảm xúc thăng trầm, từ hình ảnh của những đêm dài vắng bóng dưới ánh trăng sáng tỏ, đến tiếng chổi tre vang vọng như một nhịp điệu của cuộc sống. Em không chỉ cảm nhận được sự bền bỉ và sức mạnh của người phụ nữ trong bài thơ, mà còn cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm sâu sắc đối với môi trường và cộng đồng. Mỗi từ, mỗi hình ảnh trong bài thơ đều khiến em cảm thấy sâu lắng và biết ơn, và nó đã thôi thúc em suy ngẫm về giá trị của lao động và sự đồng cảm với những người xung quanh.

Bài làm số 2:

Ở Bài 6, em đã được học những câu chuyện và bài thơ hay, ý nghĩa. Trong đó, “Tiếng chổi tre” của Tố Hữu là câu chuyện mà em yêu thích, có nhiều cảm xúc nhất. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, mỗi câu thơ có số tiếng dài ngắn khác nhau. Xuyên suốt bài thơ, hình ảnh người lao công hiện lên với những nhọc nhằn và vất vả thầm lặng. Khi màn đêm xuống cũng là lúc mọi người chìm vào giấc ngủ say, thì chị bắt đầu công việc của mình. Dù là đêm đông lạnh ngắt với gió rét ào ào, hay đêm hè oi ả, nóng bức, chị vẫn cần mẫn quét đường, đem lại những con đường sạch sẽ. Em rất biết ơn và trân trọng sự đóng góp, hi sinh của chị lao công cho những con phố. Cùng với đó là sự yêu thương, quý mến một người lao động chăm chỉ, chịu khó và hết lòng với công việc của mình. Ngoài chị ra, còn rất nhiều những người lao công khác cũng đêm đêm quét sạch những con đường trong thành phố. Họ đã cống hiến âm thầm và lặng lẽ cho bộ mặt của phố phường. Bài thơ “Tiếng chổi tre” đã phần nào tái hiện lại những hình ảnh đấy, để em thêm hiểu và trân trọng những con đường sạch đẹp. Đồng thời càng thêm có ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 1 lớp 5

    Xem thêm