Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5 tuần 30: Đề 1
Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5
Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5 tuần 30: Đề 1 hướng dẫn các em học sinh giải toàn bộ các bài tập tuần 30 lớp 5 phần Đọc, hiểu văn bản, Luyện từ và câu, củng cố kiến thức chuẩn bị cho các bài kiểm tra sắp tới. Mời các bạn tham khảo chi tiết.
Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Tuần 30 - Tiết 1
Câu 1. Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
Khát vọng bình yên
Chồng bà bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Con trai và con dâu đều hi sinh để lại cho bà một đứa cháu trai. Bà nuôi nó bằng chính phần máu thịt của mình nên càng ngày bà càng tóp đi, lưng còng xuống.
Đứa cháu lớn lên, khỏe mạnh, sớm biết thương bà nên rất chăm học, chăm làm. Tuy vậy, nó ham mê chơi diều và chơi khéo nhất làng. Còn bà, sau một ngày làm việc mệt nhọc, bà bắc chõng ra sân hóng mát, lòng thanh thản. Bà lắng nghe tiếng sáo ngân nga, nhận ra tiếng sáo của cháu bà trong, ngọt ngào và vi vu nhất.
Năm 1965, Mĩ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, ở khắp nơi, thanh niên đua nhau đi bộ đội, cháu bà nhập ngũ.
Mười năm qua đi. Suốt mười năm ấy, bà sống khắc khoải trong nỗi nhớ thương và chờ đợi. Mùa đông năm 1976 lạnh buốt và khô khốc. Bà ho sù sụ, người chỉ còn một nắm và bà đã bị lẫn.
Chiến về, bà không nhận ra. Chiến ôm chầm lấy bà, nhưng bà giãy nảy đẩy anh ra. Chiến ngỡ ngàng, sụp xuống chân bà, quỳ lạy bà, nước mắt ròng ròng.
Mùa thả diều lại đến. Một buổi chiều, khi bà đang ngồi ở chõng thì Chiến về, mang theo một đoạn tre và nói:
- Con vót cái diều chơi bà ạ.
Bà nhìn đoạn tre, nhìn Chiến một lúc lâu. Bà bàng hoàng, run rẩy khi những khoảng mờ tối trong trí nhớ loãng ra tan dần đi và bà nhận ra trong cái dáng người vót diều là cháu bà. Bà lần đến, rờ lên đầu, lên vai người cháu và hỏi:
- Chiến đấy thật ư con?
Chiến vứt chiếc nan diều vót dở sang một bên, ôm chầm lấy bà, thương xót bà đến thắt ruột. Bà lập cập kéo Chiến xuống bếp, chỉ lên gác bếp.
- Cái diều của con đây cơ mà.
Tối hôm ấy, khi cháu bà mang cái diều đi, bà lại lần ra chõng nằm. Trong nhiều tiếng sao ngân nga mát lành, bà nhận ra tiếng chiếc sáo ba của cháu bà. Ngôi sao hôm sáng lung linh giữa trời, đêm thơm nức mùi hoa. Trời sao thăm thẳm, bình yên.
(Thắng Sắc)
a) Vì sao mỗi tối bà nhận ra tiếng sáo diều của cháu mình?
b) Trong thời gian Chiến nhập ngũ bà sống như thế nào?
c) Vì sao sau 10 năm dù đã bị lẫn, bà vẫn nhận ra cháu mình?
d) Câu chuyện cho em cảm nhận gì về tình cảm bà cháu?
Câu 2. Điền dấu phẩy vào vị trí thích hợp trong các câu sau:
a)
- Nam Thành Cúc Chi là bốn bạn học sinh giỏi nhất lớp.
- Căn phòng này sạch sẽ mát mẻ.
b)
- Lúc ấy trời đã sáng.
- Mẹ ơi con đã đi học về.
c)
- Mặt trời lên sương tan dần.
- Gió thổi ào ào cây cối nghiêng ngả bụi cuốn mù mịt và một trận mưa ập tới.
Câu 3. Dấu phẩy in đậm trong câu văn sau có tác dụng gì? Khoanh vào ý em chọn.
Chiều chiều, hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi bay nhẹ đến, rồi thoáng cái lại bay đi.
(Băng Sơn)
a) Ngăn cách các bộ phận vị ngữ.
b) Ngăn cách các vế câu ghép.
c) Ngăn cách các trạng ngữ với bộ phận chính.
Đáp án: Cùng em học Tiếng Việt lớp 5 Tuần 30
Câu 1:
a. Mỗi tối bà nhận ra tiếng sáo diều của cháu mình là do mỗi tối khi lắng tai nghe tiếng sáo diều ngân nga bà phát hiện ra tiếng sáo của cháu bà trong, ngọt ngào và vi vu nhất.
b. Trong suốt mười năm Chiến nhập ngũ, bà sống khắc khoải trong nỗi nhớ thương và chờ đợi. Mùa đông năm ấy, bà ho sù sụ, người gầy rạc đi và bà đã bị lẫn.
c. Sau 10 năm dù bị lẫn, bà vẫn nhận ra chiến là bởi vì bà vẫn luôn nhớ tới hình ảnh đứa cháu mình ngồi vót diều chơi ngày nào. Cho nên chỉ cần hình ảnh ấy xuất hiện một lần nữa, bà sẽ nhận ra đó là cháu của mình.
d. Câu chuyện khiến người đọc cảm động ở tình bà cháu gắn bó thân thiết. Thuở nhỏ bà nuôi cháu bằng một phần máu thịt của mình. 10 năm xa cách, sức khoẻ và tuổi già có thể làm bà quên quên nhớ nhớ nhưng chỉ có riêng bóng dáng đứa cháu nhỏ bé ngày nào là là vẫn còn nhớ và khắc ghi trong lòng.
Câu 2: Điền dấu phẩy vào vị trí thích hợp
a. – Nam, Thành, Cúc, Chi là bốn bạn học sinh học giỏi nhất lớp.
- Căn phòng này sạch sẽ, mát mẻ.
Dấu phẩy trong trường hợp này được đặt vào để ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ trong câu.
b. – Lúc ấy, trời đã sáng.
- Mẹ ơi, con đã đi học về.
Dấu phẩy trong trường hợp này được dùng để ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.
c. – Mặt trời lên, sương tan dần.
- Gió thổi ào ào, cây cối nghiêng ngả, bụi cuốn mịt mù và một trận mưa ập tới.
Dấu phẩy trong trường hợp này được dùng để ngăn cách các vế trong câu ghép.
Câu 3: Dấy phẩy in đậm trong câu văn sau có tác dụng:
Chiều chiều, hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, lọc qua không khí rồi bay nhẹ đến, rồi thoáng cái lại bay đi.
- Dấu phẩy thứ nhất có tác dụng ngăn cách trạng ngữ chiều chiều với chủ ngữ và vị ngữ của câu.
- Dấu phẩy thứ hai và thứ ba có tác dụng ngăn cách các bộ phận cùng là vị ngữ trong câu.
Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 5 , Giải SGK và Giải VBT Tiếng Việt lớp 5 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 5 , Bài tập Luyện từ và câu 5 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 .