Phân tích nỗi nhớ mong và tâm trạng trách móc của chàng trai trong bài thơ Tương tư
Văn mẫu lớp 11: Phân tích nỗi nhớ mong và tâm trạng trách móc của chàng trai trong bài thơ Tương tư dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 11 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 11 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Nỗi nhớ mong và tâm trạng trách móc của chàng trai trong bài thơ Tương tư
Dàn ý chi tiết Phân tích bài thơ Tương tư
1/ Mở bài
Giới thiệu tác giả và bài thơ: Bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính đã đề cập tới một dạng thức sống động nhất của tình yêu, đó chính là tương tư. Đó là tâm trạng của một tâm hồn đang nhớ của một trái tim đang yêu, chàng trai trong bài thơ không chỉ có nỗi nhớ mong mà thêm vào đó là cả sự hờn giận, trách móc vô cùng nhẹ nhàng
2/ Thân bài
-Nỗi nhớ mong của chàng trai: Tác giả đã sử dụng hình ảnh của hai thôn để biểu thị cho hai cá thể, hình ảnh đó thật tinh tế, bởi nó đã phần nào cho thấy nỗi nhớ mong của chàng trai đã mênh mang, lan tỏa vào trong không gian, cảnh vật của làng quê nơi anh đang sinh sống
-Sự chờ đợi, trông ngóng của chàng trai: Căn bệnh tương tư sẽ chẳng chừa một ai khi họ đã và đang muốn dấn thân vào thứ tình yêu thương ngọt ngào xen lẫn khổ đau. Nỗi tương tư làm cho con người ta mệt mỏi, dằn vặt nhưng chính nó là gia vị và màu sắc của tình yêu
-Sự hờn giận, trách móc của chàng trai: Chàng trai hờn trách rằng hai thôn gần nhau, chẳng xa cách đáng là bao, chẳng cách trở đò ngang, sông dài mà chỉ “cách một đầu đình” mà bên ấy lại để cho bên này chờ đợi trong mòn mỏi, phải tương tư khổ sở đến thế. Phải chăng không phải ngại đường xá khó khăn mà em không sang mà là do em không muốn sang
3/ Kết bài: Ý nghĩa nỗi nhớ mong và tâm trạng trách móc của chàng trai: Có thể thấy, chàng trai tương tư của Nguyễn Bính càng yêu thương thì lại càng nhớ mong, trông ngóng, mà càng nhớ lại càng chờ đợi sự hồi âm, đáp lại tình cảm, thế nhưng càng chờ anh lại càng trách móc sự hững hờ của người con gái mình yêu.
Dàn ý chi tiết Phân tích bài thơ Tương tư
Bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính đã đề cập tới một dạng thức sống động nhất của tình yêu, đó chính là tương tư. Đó là tâm trạng của một tâm hồn đang nhớ của một trái tim đang yêu, chàng trai trong bài thơ không chỉ có nỗi nhớ mong mà thêm vào đó là cả sự hờn giận, trách móc vô cùng nhẹ nhàng, đó chính là khi trong con người chàng trai ấy đã mắc phải “căn bệnh” tương tư.
Mở đầu bài thơ, cũng như là dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh tương tư chính là sự nhớ mong, chàng trai quê chân chất với tình yêu chớm nở còn e ấp, mang trong mình nỗi nhớ nhung da diết, khắc khoải:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”
Tác giả đã sử dụng hình ảnh của hai thôn để biểu thị cho hai cá thể, hình ảnh đó thật tinh tế, bởi nó đã phần nào cho thấy nỗi nhớ mong của chàng trai đã mênh mang, lan tỏa vào trong không gian, cảnh vật của làng quê nơi anh đang sinh sống. Giống như nhà thơ Nguyễn Du đã từng nhận xét “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi con người ta nhớ mong, dường như mọi cảnh vật cũng theo đó mà mang nỗi nhớ nhung. Tuy là “thôn Đoài” nhớ “thôn Đông” nhưng thực ra là người ở thôn Đoài nhớ người ở thôn Đông, cụ thể hơn chính là chàng trai ở thôn Đoài nhớ người con gái ở thôn Đông, nhớ nhung rất nhiều. Tác giả dùng trực tiếp từ “nhớ” để diễn tả nỗi nhớ, tuy nhiên nỗi nhớ ấy lại chịu sự ngăn cách của “chín nhớ mười mong”, sự nhớ mong vừa là cầu nối lại vừa là bức ngăn cách để chàng trai tìm tới người con gái mình yêu. Số đếm trong nỗi nhớ còn có tác dụng làm cho nỗi nhớ ngày càng tăng lên gấp bội. Nỗi nhớ da diết của chàng trai khiến cho tác giả phải nhắc tới căn bệnh tương tư:
“Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
Căn bệnh tương tư sẽ chẳng chừa một ai khi họ đã và đang muốn dấn thân vào thứ tình yêu thương ngọt ngào xen lẫn khổ đau. Nỗi tương tư làm cho con người ta mệt mỏi, dằn vặt nhưng chính nó là gia vị và màu sắc của tình yêu. Chàng trai quê thật thà chất phác ấy đã không ngại mà nói về căn bệnh của mình, gió mưa là quy luật tự nhiên của trời đất, người con trai yêu nhưng không được người con gái đáp lại nên đành tương tư. Thế rồi từ nỗi nhớ mong lâu ngày, chàng trai muốn được nhìn thấy người mình yêu, anh trông ngóng chờ đợi nhưng không thấy, chàng trai bỗng nhiên buông lời trách móc nhẹ nhàng:
“Hai thôn chung lại một làng…
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”
Chàng trai hờn trách rằng hai thôn gần nhau, chẳng xa cách đáng là bao, chẳng cách trở đò ngang, sông dài mà chỉ “cách một đầu đình” mà bên ấy lại để cho bên này chờ đợi trong mòn mỏi, phải tương tư khổ sở đến thế. Phải chăng không phải ngại đường xá khó khăn mà em không sang mà là do em không muốn sang. Đã chờ đợi lâu thế rồi mà “bên ấy” chẳng chịu sang chơi “bên này”, càng chờ càng thấy vắng bóng, chàng trai càng băn khoăn. Đối với một tâm hồn đang yêu cháy bỏng mà nói, sự chờ đợi được nhân lên rất nhiều lần, dù là một ngày hay chỉ một giờ không được gặp người mình yêu cũng dài như mấy năm vậy. Sự chờ đợi của chàng trai đã trải dài theo thời gian “Ngày qua ngày lại qua ngày”, mong chờ dài đặng đến nỗi vạn vật thay đổi, lá xanh đã thành lá vàng. Màu sắc từ xanh chuyển vàng còn thể hiện sự chờ đợi của chàng trai trong héo mòn, khô úa. Sự chờ đợi đến như vậy, chàng trai làm sao tránh khỏi sự hờn trách, trách móc trong tình yêu.
Có thể thấy, chàng trai tương tư của Nguyễn Bính càng yêu thương thì lại càng nhớ mong, trông ngóng, mà càng nhớ lại càng chờ đợi sự hồi âm, đáp lại tình cảm, thế nhưng càng chờ anh lại càng trách móc sự hững hờ của người con gái mình yêu. Tâm trạng nhớ mong và trách móc của chàng trai đã thể hiện cái đẹp đẽ, đáng yêu của mối tình quê thắm thiết, bình dị.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích nỗi nhớ mong và tâm trạng trách móc của chàng trai trong bài thơ Tương tư cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 11 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 và biết cách soạn bài lớp 11 các bài Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 11 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: