Bình giảng đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Văn mẫu lớp 9: Bình giảng đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng tác phẩm Mã Giám Sinh mua Kiều
Mã Giám Sinh mua Kiều là một trong những đoạn truyện có giá trị hiện thực tố cáo đanh thép và sâu sắc nhất trong Truyện Kiêu. Qua đó, Nguyễn Du đã dựng lên một cảnh mua bán như một màn kịch sống động nhằm lột trần bản chất con buôn ghê tởm họ Mã. Đồng thời thể hiện nỗi đau đớn, tủi nhục, ê chề mở đầu cho đoạn đầu mười lăm năm đầy cay đắng của nàng Kiều.
Đoạn trích kể chuyện Thúy Kiều gặp cơn gia biến, cha và em bị bắt bớ, hành hạ. Muốn giải thoát cho cha và em, cần phải có tiền, Thúy Kiều đã tự nguyện bán mình chuộc cha. Không may người đến mua nàng là một kẻ “buôn thịt bán người” Mã Giám Sinh.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Mã Giám Sinh trong màn kịch này đã đóng vai là học trò ở trường Quốc Tử Giám họ Mã đến nhà Thúy Kiều để làm lễ “vấn danh”. Gã học trò giả danh này được một “mụ nào” dẫn tới và giới thiệu là “vẫn khách”. Hắn ăn mặc thật sang trọng có cả đoàn tùy tùng “trước thầy sau tớ xôn xao” và được “rước vào lầu trang” một cách trịnh trọng. Nhưng thực ra hắn chí là một gã lưu manh không rõ quê quán mà tên họ thì rất vu vơ:
Hỏi tên rằng: Mã Giám Sinh,
Hỏi quê rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần
Anh chàng họ Mã này không có cái tên cụ thể, đích thực. Hắn chi xưng là “Giám Sinh” và cố giấu tông tích của mình. Trước thì giới thiệu là “vãn khách”, nhưng khi đi vào lễ “vấn danh” thì hắn nói là ở “huyện Lâm Thanh cũng gần”. Thực ra hắn ở huyện Lâm Tri chứ đâu ở Lâm Thanh. Hắn là bát nháo hết chỗ nói. Cái cốt cách hợm hĩnh, vô học của hắn còn thể hiện trong cách trả lời cộc lốc, nhát gừng, câu không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi gì cả. Với cách giới thiệu nhân vật họ Mã, Nguyễn Du đã bộc lộ thái độ khinh bi, căm ghét cái bản chất ghê tởm của gã đàn ông quá lứa mà còn làm dáng điệu trai tơ này.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Hình ảnh “mày râu nhắn nhụi” gợi lên sự thiếu tự nhiên, trơ lì, bất cần nhân tính. “Áo quần bảnh bao” là áo quần trưng diện theo kiểu trẻ em. Ngòi bút của Nguyễn Du đã khắc họa một cách sinh động chân dung của bọn người xấu xí, đáng ghê tởm này.
Bản chất của hắn tiếp tục lộ rõ qua cử chỉ dáng điệu:
Trước thầy sau tớ xôn xao
Nhà bồng đưa mối rước vào lầu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Thật là một cảnh nhốn nháo hết chỗ nói, đặc biệt là hành động ngồi “tót” của hắn. Dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Du đã phơi bày chân tướng họ Mã, đích thực là kẻ vô học, thiếu văn hóa. Có thể nói rằng, Nguyễn Du là bậc thầy trong bút pháp tả thực bằng các phương tiện ngôn ngữ dân gian mang ý nghĩa châm biếm sắc lạnh như “xôn xao”, “sỗ sàng”, “ngồi tót”. Nguyễn Du đã lột tẩy bản chất lưu manh của tay họ Mã bằng từ “tót” như ông đã lật tẩy tên sở Khanh bằng từ “len” và Hồ Tôn Hiến bằng từ “ngây” trong kiệt tác Truyện Kiều.
Để thấy rõ nguyên hình ảnh con buôn người họ Mã, Nguyễn Du tiếp tục khắc họa sâu thêm khi hắn tận mắt quan sát và tiếp cận với Kiều:
Đắn đo cân sắc, cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
Đôi với hắn dường như không có khoảng trống của tình cảm con người, không có trái tim yêu thương. Trong con mắt hắn, Thúy Kiều vốn “cân sắc cân tài”, hắn “ép”, hắn “thử” tài nghệ của nàng hệt như người ta mua bán một món hàng ngoài chợ. Và khi đã hoàn toàn vừa ý rồi thì hắn vẫn giữ thái độ “tùy cơ dặt dìu” khi mặc cả thật là một tên cáo già hết chỗ nói.
Để che đậy bản chất con buôn ghê tởm, hắn đã buông ra những lời lẽ mĩ miều, sang trọng:
Rằng mua ngọc đến Lam Kiều
Sinh nghi xin dạy bao nhiêu cho tường!
Lời lẽ càng hay càng chứa đựng nhiều điều giả dối, bỉ ổi. Và cuối cùng chân tướng của hắn vẫn cứ lộ ra một cách trắng trợn.
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Hai chữ “cò kè” đã bóc trần bản chất nhỏ nhen, bủn xỉn của kẻ từng trái trong việc mua bán, mà ở đây là chuyện buôn bán người thì thật là ghê tởm, đáng sợ. Hắn là tiêu biểu cho thế lực tàn ác, nhơ bẩn nhất trong thời đại của Nguyễn Du. Thời đại mà thế lực đồng tiền chi phối số phận “con người như một quy luật nghiệt ngã của định mệnh”. Chỉ cần có tiền là có tất cả: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”. Nguyễn Du đã đưa lên sân khấu một bộ mặt giả đời, lọc lõi, vô học, hợm hĩnh, lạnh lùng, vô cảm và xấu xa đê tiện. Nhưng chỉ với túi tiền, nhân vật đáng ghê tởm ấy đã mua ngay được Kiều xinh đẹp, tài hoa, trong trắng, đẩy nàng vào thanh lâu” (theo giáo sư Đặng Thanh Lê – Giảng văn Truyện Kiều).
Hình ảnh nhân vật phản diện Mã Giám Sinh được miêu ta bằng nét bút hiện thực, hoàn chỉnh cả về diện mạo và tính cách. Bức chân dung nhân vật có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc, lên án thực trạng xấu xa của xã hội đương thời, con người bị biến thành hàng hóa, đồng tiền và những thế lực tàn bạo chà đạp lên tất cả. Đối lập với bộ mặt và đê tiện của Mã Giám Sinh là hình ảnh đau thương, tủi hổ của nàng Kiều.
Nàng đau xót, tủi nhục, vì nàng đang là một tiểu thư khuê các, sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che” và đang hạnh phúc trong mối tình đầu với Kim Trọng. Nhưng rồi tai vạ ập đến bất ngờ, nàng trở thành món hàng đem ra mặc cả, hết “vén tóc, bắt tay”, lại “cân sắc cân tài”, có khi bị “ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”. Là người thông minh, nhạy cảm, Kiều cảm nhận được cảnh ngộ éo le, tủi nhục và đau đớn ê chề của mình:
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Thật bất hạnh cho con người tài sắc và lương thiện như Kiều. Giờ đây, nàng chỉ còn im lặng để chịu đựng tất cả, bởi nàng không có một con đường nào khác hơn là phải là bán mình để cứu cha già. Sự chủ động lựa chọn này là chấp nhận cảnh đời ngang trái, đau khổ trước “nỗi mình” tình duyên dang dở, bởi “nỗi nhà” bị vu oan giá họa. Bao trùm tâm trạng Kiều là sự đau đớn, tái tê: ‘Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”. Là một người ý thức được nhân phẩm, nên nàng đau khổ hơn khi đi đến quyết định lựa chọn này.
Thật đáng buồn cho một xã hội mà thế lực đồng tiền, cùng với thế lực lưu manh, thế lực quan lại đã hùa với nhau tàn phá gia đình Kiều, tàn phá cuộc đời Kiều. Tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du đã tỏ rõ thái độ của mình trước một hiện thực xã hội đen tối đó và luôn luôn theo dõi để được cùng chia sẻ những nỗi tủi nhục, bất hạnh của đời Kiều.
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một bức tranh hiện thực về xã hội Việt Nam thời Nguyễn Du đang sống. Ông nhiệt tình tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên sắc tài và nhân phẩm của người phụ nữ. Tiêu biểu cho thế lực đó là nhân vật họ Mã lưu manh, lọc lõi. Đồng thời ông cũng tỏ lòng thương cảm, xót xa về số phận con người trước hiện thực xã hội đen tối đó. Đoạn trích thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du trong bút pháp hiện thực khắc họa tính cách nhân vật qua ngôn ngữ, dáng vẽ, cử chỉ.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: