Bộ đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng việt năm học 2019 - 2020
Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 năm học 2019 - 2020 được VnDoc sưu tầm, tổng hợp các bộ đề ôn tập có đáp án và bảng ma trận đề thi học kì 1 theo TT 22 kèm theo giúp các em học sinh ôn tập, nắm chắc kiến thức cơ bản môn Tiếng Việt, đồng thời cũng là tài liệu để các thầy cô giáo tham khảo ra đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5. Sau đây mời thầy cô cùng các em cùng tham khảo, tải về xem bản đầy đủ.
Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5
- Đề bài: Đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 1
- Đáp án: Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 1
- Đề bài: Đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 2
- Đáp án: Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 2
- Đề bài: Đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3
- Đáp án: Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3
- Bảng ma trận đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng việt
Đề bài: Đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 1
A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10Đ)
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Nội dung kiểm tra: Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc và trả lời câu hỏi các bài tập đọc đã học (Từ tuần 11 đến tuần 17) đọc đúng, đọc hay, tốc độ khoảng 100 tiếng/phút.
(Học sinh trả lời 1 câu hỏi về nội dung đoạn, bài đọc).
- Hình thức kiểm tra: Giáo viên ghi tên bài, số trang trong SGK TV5 vào phiếu, cho HS bốc thăm và đọc đoạn văn do giáo viên yêu cầu.
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng việt: (7 điểm)
2.1. Đọc thầm bài văn sau:
Mưa cuối mùa
Nửa đêm, Bé chợt thức giấc vì tiếng động ầm ầm. Mưa xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng nghiêng ngả trong ánh chớp nhoáng nhoàng sáng lóe và tiếng sấm ì ầm lúc gần lúc xa.
Hơi nước mát lạnh phả vào ngập gian phòng. Mưa gió như cố ý mời gọi Bé chạy ra chơi với chúng. Mấy lần định nhổm dậy, sau lại thôi. Bé kéo chăn trùm kín cổ mơ mơ màng màng rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau lúc trở dậy, Bé vui sướng nhặt lên chiếc lá bồ đề vàng rực rơi ngay cạnh chân giường Bé nằm. Bé chạy đến bên cửa sổ, ngước nhìn lên đỉnh ngọn cây bồ đề. Đúng là chiếc lá vàng duy nhất ấy rồi. Mấy hôm nay Bé đã nhìn thấy nó, muốn ngắt xuống quá mà không có cách gì ngắt được. Giữa trăm ngàn chiếc lá xanh bình thường, tự nhiên có một chiếc lá vàng rực đến nao lòng.
Sau trận mưa to đêm ấy, suốt mấy tuần lễ tiếp sau, trời trong veo không một gợn mây. Mong mỏi mắt, cơn mưa cũng không quay trở lại. Lúc bấy giờ Bé mới chợt nhận ra mùa mưa đã chấm dứt. Thì ra, cơn mưa đêm ấy chính là cơn mưa cuối cùng để bắt đầu chuyển sang mùa khô.
Bé ân hận quá. Bé rất yêu trời mưa và trận mưa đêm hôm ấy đã đến chào từ biệt Bé. Mưa đã mời gọi Bé suốt mấy tiếng đồng hồ mà Bé chẳng chịu ra gặp mặt. Chiếc lá bồ đề vàng óng từ tít trên cao, mưa đã ngắt xuống gửi tặng cho Bé, Bé chẳng nhận ra sao? Trần Hoài Dương
2.2. Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng và hoàn thành các bài tập sau:
Câu 1: (1,0đ) Điều gì khiến Bé thức giấc lúc nửa đêm?
A. Những ánh chớp chói lòa.
B. Tiếng động ầm ầm.
C. Mưa gió mời gọi Bé.
D. Hơi nước mát lạnh phả vào ngập gian phòng.
Câu 2: (1,0đ) Sáng hôm sau lúc trở dậy, Bé vui sướng vì điều gì?
A. Chiếc lá bồ đề vàng rực rơi ngay cạnh chân giường Bé nằm.
B. Nhìn thấy chiếc lá vàng rực trên đỉnh ngọn cây bồ đề.
C. Nhờ có cơn mưa mà Bé đã có một giấc ngủ ngon.
D. Trời trong veo không một gợn mây.
Câu 3: (1,0đ) Bé có cảm xúc gì khi thấy chiếc lá vàng rực giữa trăm ngàn lá xanh?
A. vui sướng.
B. thương xót.
C. nao lòng.
D. lo lắng
Câu 4: (0,5đ) Cặp từ nào trong các cặp từ sau mang nghĩa chuyển?
A. mưa xối xả/ mưa gió
B. cơn mưa / mưa to
C. mưa tiền/ mưa bàn thắng
D. Trận mưa/ cơn mưa
Câu 5: (0,5đ) Dòng nào dưới đây không gồm các cặp từ trái nghĩa?
A. Mưa – nắng, đầu – cuối, thức – ngủ, vui – buồn.
B. Đầu tiên – cuối cùng, đỉnh – đáy, ngọn – gốc, mưa – nắng.
C. Đầu – cuối, trước – sau, ngủ - ngáy, sáng suốt – tỉnh táo.
D. Đầu – cuối, trước – sau, cao- thấp, mưa – nắng, trên – dưới.
Câu 6: (0,5đ) Dòng nào sau đây gồm các từ láy?
A. Xối xả, ì ầm, nghiêng ngả, mùa mưa.
B. Xối xả, ì ầm, nghiêng ngả, mỏi mắt.
C. Xối xả, ì ầm, nghiêng ngả, trời trong.
D. Xối xả, ì ầm, mơ mơ màng màng
Câu 7: (0,5đ) Từ ngữ in đậm trong câu sau thuộc từ loại nào ?
Mưa đã mời gọi Bé suốt mấy tiếng đồng hồ mà Bé chẳng chịu ra gặp mặt.
a. Danh từ
b. Động từ
c. Tính từ
d. Đại từ
Câu 8: (1,0đ) Tìm 5 từ miêu tả mái tóc của người:
………………………………………………………………………………………………………….
Câu 9: (1,0đ) Đặt câu có từ “bàn” là từ đồng âm. (Đặt một hoặc hai câu).
…………………………………………………………………………………………………………….
B/ KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
I. Viết chính tả: (2đ) (nghe – viết)
Bài viết: “Chữ nghĩa trong văn miêu tả ” - Sách TV Lớp 5 tập 1(trang 160)
Viết đoạn đầu: (từ: Miêu tả một em bé……. của người da đen.)
II - Tập làm văn: (8đ) Chọn một trong hai đề sau:
Đề 1: Em hãy tả hình dáng và tính tình một người thân trong gia đình em.
Đề 2: Em hãy tả một em bé ở tuổi tập nói, tập đi.
Đáp án: Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 1
A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10Đ)
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng việt: (7 điểm)
Câu 1: (1,0đ) Điều gì khiến Bé thức giấc lúc nửa đêm? B. Tiếng động ầm ầm.
Câu 2: (1,0đ) Sáng hôm sau lúc trở dậy, Bé vui sướng vì điều gì?
A. Chiếc lá bồ đề vàng rực rơi ngay cạnh chân giường Bé nằm.
Câu 3: (1,0đ) Bé có cảm xúc gì khi thấy chiếc lá vàng rực giữa trăm ngàn lá xanh?
C. nao lòng.
Câu 4: (0,5đ) Cặp từ nào trong các cặp từ sau mang nghĩa chuyển?
C. mưa tiền/ mưa bàn thắng
Câu 5: (0,5đ) Dòng nào dưới đây không gồm các cặp từ trái nghĩa?
C. Đầu – cuối, trước – sau, ngủ - ngáy, sáng suốt – tỉnh táo.
Câu 6: (0,5đ) Dòng nào sau đây gồm các từ láy?
D. Xối xả, ì ầm, mơ mơ màng màng
Câu 7: (0,5đ) Từ ngữ in đậm trong câu sau thuộc từ loại nào ?
Mưa đã mời gọi Bé suốt mấy tiếng đồng hồ mà Bé chẳng chịu ra gặp mặt.
b. Động từ
Câu 8: (1,0đ) Tìm 5 từ miêu tả mái tóc của người:
Óng ả, mượt mà, đen nhánh, mềm mại, đen bóng, hoa râm, muối tiêu, bạc phơ, …
Câu 9: (1,0đ) Đặt câu có từ “bàn” là từ đồng âm. (Đặt một hoặc hai câu).
Mọi người ngồi vào bàn để bàn công việc.
II/- KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1- Chính tả: (2 điểm):
- Tốc độ đạt yêu cầu, chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm.
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm.
* Lưu ý: Nếu viết chữ hoa không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, trình bày không sạch đẹp,... trừ 0,25 điểm toàn bài.
2. Tập làm văn (8đ):
- Điểm thành phần được chia như sau:
+ Mở bài: 1 điểm.
+ Thân bài: 4 điểm (Nội dung: 1.5đ; kĩ năng: 1.5 đ; Cảm xúc: 1đ).
+ Kết bài: 1 điểm.
+ Chữ viết, chính tả: 0,5 điểm.
+ Dùng từ, đặt câu: 0,5 điểm.
+ Sáng tạo: 1 điểm.
* Gợi ý đáp án như sau:
a/ Mở bài: 1 điểm.
Giới thiệu được người sẽ tả: Ai? Có quan hệ với em thế nào? ….
(GT trực tiếp hoặc gián tiếp).
b/ Thân bài: 4 điểm.
* Tả hình dáng: (2đ)
- Tả bao quát: tầm thước, tuổi tác, cách ăn mặc, …..
- Tả chi tiết: gương mặt, đầu tóc, da dẻ, mắt, mũi, răng, tai, …...
* Tả tính tình, hoạt động: (2đ)
Thông qua lời nói, cử chỉ, việc làm, …..
Điểm thành phần được chia như sau: Nội dung: 1.5đ; Kĩ năng: 1.5 đ; Cảm xúc: 1đ
c/ Kết bài: 1 điểm.
Nói lên được tình cảm của mình về người vừa tả (yêu quý, mơ ước, trách nhiệm).
Đề bài: Đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 2
A- KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
1. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
Học sinh bốc thăm để đọc một trong các bài Tập đọc đã học từ tuần … đến tuần … (Sách Tiếng Việt 5, tập 1). Trả lời câu hỏi có liên quan đến nội dung bài đọc do giáo viên yêu cầu.
2. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt: (7 điểm)
CHUYỆN BÁN HÀNG
Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này, "ớt của anh (chị) có cay không?", gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?
Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay, như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.
Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào.
Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng: "Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia". Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói: "Không cần đâu!" Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp...
Quả nhiên chính là hỏi câu đó: "Ớt của chị có cay không?" Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: "Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!" Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi. Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu.
Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: "Ớt của chị có cay không?" Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói... Lần này bà chủ trả lời: "Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!" Quả nhiên, người mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa. Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch.
Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ: "Lần này xem chị còn nói thế nào đây?" Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: "Ớt có cay không?" Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: "Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!". Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nêm mềm nhũn đi. Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng: "Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi". Thật là thần kỳ vậy! Chỉ cần một chút khéo léo, bà chủ đã bán ớt nhanh hơn.
Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:
Câu 1: Mở đầu câu chuyện cho em biết người bán ớt luôn gặp phải câu hỏi nào? ?
a. Ớt của anh (chị) có thế nào?
b. Ớt của anh (chị) có cay không?
c. Ớt của anh (chị) có ngon không?
d. Ớt của anh (chị) là ớt cay hay ớt ngọt?
Câu 2: Câu hỏi “Ớt của chị có cay không?” là của ai ?
a. Của chị bán ớt.
b. Của người qua đường.
c. Của người mua ớt.
d. Của người đứng xem.
Câu 3: Lần đầu tiên chị bán ớt nói cho khách hàng mua ớt lựa chon theo tiêu chí nào?
a. Màu đỏ thì cay, màu xanh thì không cay.
b. Màu vàng thì cay, màu nhạt thì không cay
c. Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay
d. Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay
Câu 4: Lần thứ ba, chị bán ớt nói cho khách mua ớt lựa chon theo tiêu chí nào?
a. Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay
b. Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay
c. Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay
d. Quả lớn thì cay, quả nhỏ thì không cay
Câu 5: Em thấy chị bán ớt là người như thế nào qua cách bán ớt của chị?
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
Câu 6: Từ câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân ?
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
Câu 7: Trong câu: Chị bán ớt là người thông minh, khéo léo. Từ đồng nghĩa với từ thông minh là:
a. dại dột
b. sáng dạ
c. kiên trì
d. chăm chỉ
Câu 8: Trong câu"Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!” Từ “cay” mang nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?: …………………………………………………………………………….
Câu 9: Chỉ cần một chút khéo léo, bà chủ đã bán ớt nhanh hơn. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu điền vào các cột phân loại dưới đây:
Trạng ngữ | Chủ ngữ | Vị ngữ |
Câu 10 (M4): Đặt một câu thể hiện mối quan hệ tương phản?
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
B. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Chính tả(nghe-viết): (2 điểm)
Bài: Thầy cúng đi bệnh viện
(từ "Cụ Ún làm nghề thầy cúng .....mới chịu đi" - Sách Tiếng Việt 5, tập 1, tr 158)
2. Tập làm văn:(8 điểm) Chon 1 trong hai đề sau:
Đề: Hãy tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ ...) của em hoặc người bạn mà em yêu mến.
Đáp án: Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 2
A- KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
1. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
Học sinh bốc thăm để đọc một trong các bài Tập đọc đã học từ tuần … đến tuần … (Sách Tiếng Việt 5, tập 1). Trả lời câu hỏi có liên quan đến nội dung bài đọc do giáo viên yêu cầu.
2. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt: (7 điểm)
Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:
Câu 1: Mở đầu câu chuyện cho em biết người bán ớt luôn gặp phải câu hỏi nào? ? (M1)
b. Ớt của anh(chị) có cay không?
Câu 2: Câu hỏi “Ớt của chị có cay không?” là của ai ?(M1) c. Của người mua ớt.
Câu 3: Lần đầu tiên chị bán ớt nói cho khách hàng mua ớt lựa chon theo tiêu chí nào?(M2)
d. Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay
Câu 4: Lần thứ ba, chị bán ớt nói cho khách mua ớt lựa chon theo tiêu chí nào?(M2)
c. Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay
Câu 5: Em thấy chị bán ớt là người như thế nào qua cách bán ớt của chị?(M3)
Đ/A. Có thể:Thông minh và rất khéo léo trong việc bán hàng. …(phù hợp với bài đọc là được)
Câu 6: Từ câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân ?(M4)
HS nêu được bài học cho bản thân qua câu chuyện của chị bán ớt là được
Câu 7 (M1): Trong câu: Chị bán ớt là người thông minh, khéo léo. Từ đồng nghĩa với từ thông minh là: b. sáng dạ
Câu 8 (M2): Trong câu"Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!” Từ “cay” mang nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?: Từ “cay” trong câu mang nghĩa gốc
Câu 9 (M3): Chỉ cần một chút khéo léo, bà chủ đã bán ớt nhanh hơn. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu điền vào các cột phân loại dưới đây:
Trạng ngữ | Chủ ngữ | Vị ngữ |
Chỉ cần một chút khéo léo | bà chủ | đã bán ớt nhanh hơn |
Câu 10 (M4):Đặt một câu thể hiện mối quan hệ tương phản?
HS đặt được 1 câu có mối quan hệ tương phản là được
B. KIỂM TRA VIẾT:
Chính tả (2 điểm)
1. Đánh giá cho điểm chính tả:
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng trình bày đúng đoạn văn xuôi: 2,0 điểm
- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai - lẫn phụ âm đầu hoặc vần thanh; không viết hoa đúng quy định), trừ 0,25 điểm.
* Lưu ý: nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn,... bị trừ 0,25 điểm toàn bài.
2: Tập làm văn: (8 điểm)
- Đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Viết được bài văn tả người đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài đúng các yêu cầu của đề bài.
+ Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng thể loại văn miêu tả.
+ Chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả. Trình bày bài viết sạch sẽ.
Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về cách diễn đạt, chữ viết có thể cho các mức điểm: 8; 7,75; 7,5; .......1,75; 1,5; 1,25; 1,0; 0,75; 0,5; 0,25.
Đề bài: Đề kiểm tra học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3
A. KIỂM TRA ĐỌC
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
GV chuẩn bị phiếu có ghi sẵn nội dung các bài tập đọc trong chương trình học kì 1 và cho HS bốc thăm, đọc và trả lời câu hỏi liên quan đến nội dung bài đọc.
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt: (7 điểm)
Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
Chú lừa thông minh
Một hôm, con lừa của bác nông dân nọ chẳng may bị sa xuống một chiếc giếng cạn. Bác ta tìm mọi cách để cứu nó lên, nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không được, lừa ta vẫn kêu be be thảm thương dưới giếng.
Cuối cùng, bác nông dân quyết định bỏ mặc lừa dưới giếng, bởi bác cho rằng nó cũng đã già, không đáng phải tốn công, tốn sức nghĩ cách cứu, hơn nữa còn phải lấp cái giếng này đi. Thế là, bác ta gọi hàng xóm tới cùng xúc đất lấp giếng, chôn sống lừa, tránh cho nó khỏi bị đau khổ dai dẳng.
Khi thấy đất rơi xuống giếng, lừa bắt đầu hiểu ra kết cục của mình. Nó bắt đầu kêu gào thảm thiết. Nhưng chỉ mấy phút sau, không ai nghe thấy lừa kêu la nữa. Bác nông dân rất tò mò, thò cổ xuống xem và thực sự ngạc nhiên bởi cảnh tượng trước mắt. Bác ta thấy lừa dồn đất sang một bên, còn mình thì tránh ở một bên.
Cứ như vậy, mô đất ngày càng cao, còn lừa ngày càng lên gần miệng giếng hơn. Cuối cùng, nó nhảy ra khỏi giếng và chạy đi trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người.
(Theo Bộ sách EQ- trí tuệ cảm xúc)
Em hãy khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng nhất cho từng câu hỏi dưới đây:
Câu 1: Ban đầu, khi thấy chú lừa bị sa xuống giếng, bác nông dân đã làm gì?
a. Bác để mặc nó kêu be be thảm thương dưới giếng.
b. Bác đến bên giếng nhìn nó.
c. Bác ta tìm mọi cách để cứu nó lên.
Câu 2: Khi không cứu được chú lừa, bác nông dân gọi hàng xóm đến để làm gì?
a. Nhờ hàng xóm cùng cứu giúp chú lừa.
b. Nhờ hàng xóm cùng xúc đất lấp giếng, chôn sống chú lừa.
c. Cùng với hàng xóm đứng nhìn chú lừa sắp chết.
Câu 3: Khi thấy đất rơi xuống giếng, chú lừa đã làm gì?
a. Lừa đứng yên và chờ chết.
b. Lừa cố hết sức nhảy ra khỏi giếng.
c. Lừa dồn đất sang một bên còn mình thì đứng sang một bên.
Câu 4: Dòng nào dưới đây nói đúng nhất về tính cách của lừa ?
a. Nhút nhát, sợ chết.
b. Bình tĩnh, thông minh.
c. Nóng vội, dũng cảm.
Câu 5: Em hãy đóng vai chú lừa trong câu chuyện để nói một câu khuyên mọi người sau khi chú thoát chết:
....................................................................................................................................
Câu 6: Gạch chân các quan hệ từ có trong câu:
- Bác ta thấy lừa dồn đất hất sang một bên còn mình thì tránh ở một bên.
Câu 7: Tìm 1 từ đồng nghĩa có thể thay thế từ sa trong câu: “Một hôm, con lừa của bác nông dân nọ chẳng may bị sa xuống một chiếc giếng cạn.”
Đó là từ: ...................................................................
Câu 8: Tiếng lừa trong các từ con lừa và lừa gạt có quan hệ:
a. Đồng âm
b. Đồng nghĩa
c. Nhiều nghĩa
Câu 9: Xác định từ loại của các từ được gạch chân trong câu sau:
- Bác ta quyết định lấp giếng chôn sống lừa để tránh cho nó khỏi bị đau khổ dai dẳng.
Câu 10: Bộ phận chủ ngữ trong câu:“Một hôm, con lừa của bác nông dân nọ chẳng may bị sa xuống một chiếc giếng cạn.” là:
a. Một hôm
b. Con lừa
c. Con lừa của bác nông dân nọ
B. KIỂM TRA VIẾT
1. Chính tả (Nghe - viết). (3 điểm) Giáo viên đọc cho học sinh viết bài Mùa thảo quả - Sách Tiếng Việt 5 - Tập một, trang 113 (từ Sự sống … đến từ đáy rừng).
2. Tập làm văn: (7 điểm)
Tả một người thân trong gia đình (hoặc một người bạn) mà em quý mến nhất.
Đáp án: Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3
A. Bài kiểm tra đọc (10 điểm):
1. Đọc thành tiếng: (3 điểm)
Cách đánh giá, cho điểm:
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng) : 1 điểm
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm
2. Đọc hiểu văn bản: (7 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm): ý c
Câu 2 (0,5 điểm): ý b
Câu 3 (1 điểm): ý c
Câu 4 (1 điểm): ý b
Câu 5 (1 điểm): Học sinh biết nói câu khuyển mọi người cần bình tĩnh tìm cách giải quyết. Ví dụ: Mọi việc đều có cách giải quyết, tôi khuyên các bạn nên bình tĩnh.
Câu 6 ( 0,5 điểm): Có các quan hệ từ: còn, thì, ở.
Câu 7 ( 0,5 điểm): Có thể điền một các từ sau: rơi, sảy, ngã, ...
Câu 8 (0,5 điểm): ý a
Câu 9 (1 điểm): bác ta (DT), lấp (ĐT), lừa (DT), nó (đại từ), dai dẳng (TT)
Câu 10 (0,5 điểm): ý c
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI KIỂM TRA VIẾT
I. Chính tả: (3 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1,5 điểm.
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1,5 điểm
- Với mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định, viết thiếu tiếng), từ lỗi thứ 6 trở lên, trừ 0, 2 điểm/lỗi. Nếu 1 lỗi chính tả lặp lại nhiều lần thì chỉ trừ điểm 1 lần.
Nếu chữ viết không đúng độ cao, khoảng cách hoặc trình bày bẩn có thể trừ 0,5 – 0,25 điểm cho toàn bài, tùy theo mức độ.
II. Tập làm văn: 7 điểm
* Đảm bảo các yêu cầu sau:
- Viết được một bài văn tả người có 3 phần (MB, TB, KB) đúng yêu cầu của đề bài.
- Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc quá nhiều lỗi chính tả.
- Chữ viết rõ ràng, trình bày bài viết sạch sẽ.
* Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết có thể cho điểm dựa vào tiêu chí sau:
TT | Điểm thành phần | |
1 | Mở bài (1 điểm) | |
2a | Thân bài (5 điểm) | Nội dung (1,25 điểm) |
2b | Kĩ năng (1,25 điểm) | |
2c | Cảm xúc (0,5 điểm) | |
2d | Chữ viết, chính tả (0,5 điểm) | |
2e | Dùng từ đặt câu (0,5 điểm) | |
2g | Sáng tạo (1 điểm) | |
3 | Kết bài (1 điểm) |
Bảng ma trận đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng việt
Mạch kiến thức, kĩ năng | Số câu và số điểm | Mức 1 | Mức 2 | Mức 3 | Mức 4 | Tổng | |||||
TN | TL | TN | TL | TN | TL | TN | TL | TN | TL | ||
Đọc thành tiếng | Số điểm | 3đ | |||||||||
Đọc hiểu văn bản | Số câu | 2 | 1 | 1 | 1 | 4 | 1 | ||||
Câu số | 1, 2 | 3 | 4 | 5 | |||||||
Số điểm | 1đ | 1đ | 1đ | 1 đ | 3đ | 1đ | |||||
Kiến thức văn bản | Số câu | 1 | 1 | 1 | 2 | 3 | 2 | ||||
Câu số | 7 | 8 | 10 | 6, 9 | |||||||
Số điểm | 0,5đ | 0,5đ | 0,5đ | 1,5đ | 2đ | 1đ | |||||
Viết chính tả | Số câu | 1 | 1 | ||||||||
Câu số | 1 | ||||||||||
Số điểm | 3đ | 3đ | |||||||||
Tập làm văn | Số câu | 1 | 1 | ||||||||
Câu số | 2 | ||||||||||
Số điểm | 7đ | 7đ | |||||||||
Tổng | Số câu | 3 | 1 | 1 | 2 | 1 | 2 | 2 | 7 | 4 | |
Số điểm | 1,5đ | 0,5đ | 1đ | 3,5đ | 1đ | 1,5đ | 8đ | 5đ | 15đ |
Bộ đề thi học kì 1 lớp 5 môn Tiếng việt năm học 2019 - 2020 theo có đáp án và bảng ma trận đề thi bao gồm 4 phần: Đọc hiểu trả lời câu hỏi, Chính tả, Tập làm văn có đáp án chi tiết cho từng phần cho các em học sinh tham khảo nắm được cấu trúc đề thi học kì Tiếng Việt lớp 5.
Ngoài đề thi môn Tiếng Việt bên trên, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 5 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục và các dạng bài ôn tập môn Tiếng Việt 5. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 5 những đề ôn thi học kì 1 chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.