Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 - 2017. Đây là tài liệu tham khảo hay do thư viện đề thi VnDoc sưu tầm để gửi tới quý thầy cô và các em học sinh đang trong quá trình ôn thi học sinh giỏi. Đề gồm có 2 câu với thời gian làm bài là 120 phút. Ở câu hỏi làm văn đề thi yêu cầu thí sinh đóng vai nhân vật Dế Mèn, tưởng tượng và kể lại cuộc nói chuyện của Dế Mèn và Dế Choắt nhân một ngày Dế Mèn đến thăm mộ Dế Choắt.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2014 - 2015 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2013 - 2014 huyện Lâm Thao, Phú Thọ
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 Phòng GD&ĐT Thủy Nguyên, Hải Phòng năm học 2015 - 2016
PHÒNG GD&ĐT THÁI THỤY | ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN NĂM HỌC 2016 - 2017 Môn: Ngữ văn 6 Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Câu 1: (8,0 điểm)
"Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm..."
Trích Tre Việt Nam - Nguyễn Duy; Sách Ngữ văn 6, tập hai - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016
a) Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ trên?
b) Trình bày cảm nhận của em về những dòng thơ trên bằng một bài viết ngắn gọn.
Câu 2. (12,0 điểm)
Sau cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những ngày tháng phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng cũng hết sức thú vị. Tuy vậy, bài học đường đời đầu tiên sau sự việc xảy ra với Dế Choắt vẫn ám ảnh Dế Mèn.
Em hãy đóng vai nhân vật Dế Mèn, tưởng tượng và kể lại cuộc nói chuyện của Dế Mèn và Dế Choắt nhân một ngày Dế Mèn đến thăm mộ Dế Choắt.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
PHÒNG GD&ĐT THÁI THỤY | HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN NĂM HỌC 2016 - 2017 Môn: NGỮ VĂN 6 |
I. Hướng dẫn chung
- Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh trường hợp đếm ý cho điểm hoặc bỏ sót ý trong bài làm của học sinh.
- Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có sáng tạo, có ý tưởng riêng và giàu chất văn.
- Giáo viên cần vận dụng đầy đủ các thang điểm. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm (không làm tròn).
II. Đáp án và thang điểm
Câu 1
a) Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ trên?
- Nhân hóa: Cây tre vốn là một sự vật vô tri vô giác được nhà thơ miêu tả như một con người: rễ tre siêng năng, cần cù không ngại khó; thân tre vươn mình đu trong gió; cây tre hát ru lá cành; tre biết yêu biết ghét.
- Ẩn dụ: Tre là biểu tượng đẹp đẽ cho đất nước và con người Việt Nam.
b) Trình bày cảm nhận của em về những dòng thơ trên bằng một bài viết ngắn gọn.
- Giới thiệu khái quát về đoạn thơ: giới thiệu xuất xứ của đoạn thơ, giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Duy và bài thơ Tre Việt Nam
- Cảm nhận về khổ thơ:
- Nằm trong mạch thơ được viết theo thể thơ lục bát, rất gần gũi, giản dị, đời thường; ngôn ngữ thơ cũng rất mộc mạc, giản dị.
- Đoạn thơ trước hết vẽ lên trước mắt ta một bức tranh tre xanh cao vút trên nền trời xanh, màu xanh của tre hòa quyện cùng màu xanh của bầu trời - một cảnh sắc yên bình, êm ả thân thuộc nơi làng quê Việt Nam.
- Khéo léo và tinh tế trong việc sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ Nguyễn Duy đã dựng lên hình ảnh cây tre tượng trưng cho hình ảnh con người Việt Nam với những phẩm chất vô cùng cao quý:
→ Phẩm chất siêng năng, chăm chỉ, cần cù
"Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù"
→ Tinh thần lạc quan, yêu đời
"Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành"
→ Khí phách kiên cường bất khuất, hiên ngang
"Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm"
- Cây tre đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ về đất nước và con người Việt Nam.
Câu 2
Sau cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những ngày tháng phiêu lưu đầy mạo hiểm nhưng cũng hết sức thú vị. Tuy vậy, bài học đường đời đầu tiên sau sự việc xảy ra với Dế Choắt vẫn ám ảnh Dế Mèn.
Em hãy đóng vai nhân vật Dế Mèn, tưởng tượng và kể lại cuộc nói chuyện của Dế Mèn và Dế Choắt nhân một ngày Dế Mèn đến thăm mộ Dế Choắt.
1. Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: thời gian, khung cảnh, các nhân vật tham gia.
(Học sinh có thể sáng tạo ra một tình huống để giới thiệu về câu chuyện được kể)
2. Thân bài:
Đây là một đề văn mở yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức về văn tự sự để chuyển vai kể một câu chuyện theo tưởng tượng vì thế nên sự sáng tạo của học sinh trong việc vận dụng kiến thức đã học với việc liên hệ thực tế vô cùng quan trọng. Dế Choắt tuy là một nhân vật chính trong cuộc nói chuyện tuy nhiên là một nhân vật không còn tồn tại. Học sinh có thể sáng tạo thêm các nhân vật khác cùng tham gia vào câu chuyện cho sinh động, hấp dẫn...
- Kể lại cuộc nói chuyện giữa Dế Mèn và Dế Choắt kết hợp việc miêu tả cảnh vật thiên nhiên xung quanh qua đó bộc lộ cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của Dế Mèn:
- Dế Mèn nhắc lại chuyện cũ đã gây ra với Dế Choắt: bài học đường đời đầu tiên đầy ăn năn, hối hận.
- Dế Mèn kể cho Dế Choắt nghe những tháng ngày phiêu lưu mạo hiểm với những chiến tích và những thất bại của mình cùng những người bạn khác.
- Tâm sự về những dự định trong tương lai của Dế Mèn và những lời hứa hẹn với Dế Choắt.
Khuyến khích những bài làm của học sinh giàu tính sáng tạo, có thể kể một câu chuyện cụ thể, sinh động, ấn tượng, giàu ý nghĩa.
3. Kết bài: Tình cảm, lời nhắn nhủ của Dế Mèn:
- Bài học về sự gắn bó, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
- Kêu gọi niềm đam mê nhiệt huyết của tuổi trẻ khám phá cuộc sống, khám phá thế giới xung quanh.
VẬN DỤNG CHO ĐIỂM CÂU 2
- Điểm 11 - 12: Đúng ngôi kể, ngôn ngữ sáng tạo, có sự kết hợp tốt giữa kể chuyện với miêu tả và biểu cảm, nhân vật tự thuật lại được diễn biến tâm trạng. Biết bố cục mạch lạc, diễn đạt tốt, trình bày đẹp, chữ viết đúng chính tả.
- Điểm 9 - 10: Đúng ngôi kể, có sự kết hợp giữa kể chuyện với miêu tả và biểu cảm, nhân vật tự thuật lại được diễn biến tâm trạng nhưng có thể chưa sáng tạo trong ngôn ngữ kể, có một số đoạn sao chép như văn bản, bố cục tương đối rõ.
- Điểm 7 - 8: Đúng ngôi kể, có kết hợp kể chuyện với miêu tả và biểu cảm, nhân vật tự thuật lại diễn biến tâm trạng chưa đầy đủ, có đoạn sao chép như văn bản, bố cục rõ, có thể mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 5 - 6: Đúng ngôi kể, có kết hợp kể chuyện với miêu tả và biểu cảm, nhân vật tự thuật lại được diễn biến tâm trạng nhưng chưa rõ, có đoạn sao chép như văn bản, bố cục chưa chặt chẽ, có thể mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 3 - 4: Ghi nhớ văn bản nhưng có thể chưa thật chính xác, có kết hợp với miêu tả và biểu cảm nhưng chưa rõ, ngôi kể chưa thật đúng, chưa thuật lại được diễn biến tâm trạng, có đoạn còn lạc sang kể lể lại sự việc, mắc lỗi diễn đạt.
- Điểm 1 - 2: Ghi nhớ văn bản nhưng chưa chính xác, có đoạn sao chép lại văn bản, ngôi kể chưa thật đúng, quên nhiều tình tiết, diễn đạt lủng củng, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng.