Kết bài Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

Kết bài Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân là tài liệu hay gồm những mẫu kết bài mới nhất được VnDoc biên soạn kỹ lưỡng. Mời các bạn tham khảo!

1. Kết bài Người lái đò sông Đà - Mẫu 1

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm đạt được chuẩn mực của cái hay, cái đẹp đẽ sẽ “Vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Đã hơn sáu mươi năm kể từ khi ra đời, thiên tùy bút sông Đà vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc, tiêu biểu cho phong cách nghệ sĩ tài hoa của Nguyễn Tuân, mang dấu ấn đậm nét trên văn đàn Việt Nam. Dù thời gian có trôi đi thì “chất vàng mười” của “Người lái đò sông Đà” vẫn vẹn nguyên và tỏ sáng rực rỡ trên bầu trời văn học nước nhà.

2. Kết bài Người lái đò sông Đà - Mẫu 2

Nguyễn Đình Thi từng phán về cụ Nguyễn là nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật”, tự nhận mình là người “sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”. Đọc “Người lái đò sông Đà”, người ta càng hiểu lý do vì sao cái đẹp trong văn của Nguyễn Tuân được gọi là cái đẹp đạt đến độ hoàn thiện, hoàn mỹ. Bằng tình yêu thiên nhiên đất nước và tâm hồn nhạy cảm với văn chương, Nguyễn Tuân đã mang đến cho độc giả hình của một con sông đà độc đáo, khác lạ và chưa từng gặp lại mình trong bất kỳ trang văn nào. Trang sách đã khép lại rồi mà dường như tâm hồn của bạn đọc vẫn đang trôi mênh mang trên một dòng sông “hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”

3. Kết bài Người lái đò sông Đà - Mẫu 3

Một điệu tâm hồn, như Nguyễn Tuân, luôn luôn yêu quý, nâng niu và trân trọng cái Đẹp. Phải chăng vì thế người ta gọi ông là “người duy mỹ” (nghệ thuật vị nghệ thuật)? Thông qua thiên tùy bút về sông Đà, ngòi bút của Nguyễn Tuân đã thật sự nở hoa trên trang giấy trong sự hoà phối diệu kì giữa cái đẹp của ngôn từ và ánh sáng tuyệt mĩ của chiều sâu hình ảnh, dẫn dắt người đọc đến với “chất vàng mười” của thiên nhiên Tây Bắc, nhất là vẻ đẹp nơi tâm hồn con người mà nhà văn tập trung khắc họa qua hình tượng người lái đò. Văn chương của Nguyễn Tuân là vậy, những áng văn đã đưa chúng ta một chân trời huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của sự tài hoa và uyên bác…

4. Kết bài Người lái đò sông Đà - Mẫu 4

Khi viết về sự tài hoa qua từng con chữ của Nguyễn Tuân, Tạ Tỵ đã từng nhận xét: “Nguyễn Tuân viết mà giống như nhà điêu khắc cần cù chạm trổ vào mặt đá quý những đường nét trác tuyệt.” Quả thật, khép lại trang văn “Người lái đò Sông Đà”, người đọc vẫn đắm chìm trong hành trình khám phá thẩm mỹ ấy, cảm quan thiên nhiên, đất nước thiết tha, mạnh mẽ như được bồi đắp lên qua từng con chữ. Sông Đà quả là một quà tặng vô giá của thiên nhiên là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân. Như nhà thơ Quang Lâm cũng viết về Sông Đà - con sông quê hương như một nét kiêu hãnh của miền núi rừng Tây Bắc:

“Đẹp ngàn đời biển trời xanh bát ngát

Cá dầm xanh, anh vũ nhảy theo mùa

Khi mùa lũ thác reo gầm dữ dội

Thư chớm lạnh sóng nước lặng tờ trôi.”

5. Kết bài Người lái đò sông Đà - Mẫu 5

Một Sông Đà, một Nguyễn Tuân - một thiên nhiên dữ dội, một người nghệ sĩ tài hoa. Càng đọc tùy bút, tôi càng trân quý công sức của Nguyễn Tuân khi cố gắng góp một giọng lạ vào dòng sông văn chương màu mỡ Việt Nam. Để từ đó sức sống Sông Đà và những câu văn của ông bay lên trên trang chữ và làm nên dáng hình chữ S muôn đời. Sông Đà quả là một quà tặng vô giá của thiên nhiên là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân. Phải chăng đó chính là cái độc đáo tài hoa của Nguyễn Tuân - “Định nghĩa đầy đủ nhất về một người nghệ sĩ”.

.......................................................................

Ngoài bài viết trên, kho tài liệu của VnDoc vẫn còn rất nhiều tài liệu phong phú, bổ ích luôn sẵn sàng cho bạn đọc ghé thăm tại Ngữ văn lớp 12, Văn mẫu lớp 12.VnDoc luôn là trợ thủ đắc lực cho các bạn học sinh trong quá trình học tập! Chúc các bạn đạt được kết quả cao!

Đánh giá bài viết
1 52
Sắp xếp theo

    Mở bài lớp 12 hay

    Xem thêm