Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 ngoài chương trình
Mời các bạn tham khảo Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 ngoài chương trình có đáp án do VnDoc sưu tầm và đăng tải sau đây. Tài liệu gồm nhiều mẫu đọc hiểu Ngữ văn 7 bao gồm cả Thơ và Truyện, cho các em tham khảo ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới đạt kết quả cao. Đây cũng là tài liệu hay cho thầy cô hướng dẫn học sinh ôn tập.
Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 ngoài chương trình có đáp án
I. Đọc hiểu Ngữ văn 7 phần Truyện
ĐỀ 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
Quà của bà
Bà tôi bận lắm, cặm cụi công việc suốt ngày. Nhưng chả lần nào đi chợ mà bà không tạt vào thăm hai anh em tôi, cho chúng tôi khi thì tấm bánh đa, quả thị, khi thì củ sắn luộc hoặc mớ táo. Ăn quà của bà rất thích, nhưng ngồi vào lòng bà nghe bà kể chuyện còn thích hơn nhiều.
Gần đây, bà tôi không được khỏe như xưa nữa. Đã hai năm nay, bà bị đau chân. Bà không đi chợ được, cũng không đến chơi với các cháu được. Thế nhưng lần nào chúng tôi đến thăm bà, bà cũng vẫn có quà cho chúng tôi: khi thì mấy củ dong riềng, khi thì cây mía, quả na, hoặc mấy khúc sắn dây, toàn những thứ tự tay bà trồng ra. Chiều qua, đi học về, tôi chạy đến thăm bà. Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!
Bà ơi bà! Ô mai sấu bà cho, cháu sẽ chia cho bố cháu, mẹ cháu và anh cháu… Cháu biết rồi, bà ơi… Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái. Rồi bà rửa, bà ngâm muối, bà phơi. Bà gói thành từng gói nhỏ, bà đợi các cháu đến bà cho…
(Theo Vũ Tú Nam)
Câu 1 : Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Tìm một cụm chủ - vị có vai trò mở rộng câu trong câu: “Cứ sáng sớm, sau mỗi đêm mưa gió, bà lại lần ra sân, nhặt những quả sấu rụng ở quanh gốc cây sấu bà trồng từ thời con gái.”
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Bà ngồi dậy, cười cười, rồi tay bà run run, bà mở cái tay nải của bà, đưa cho tôi một gói quà đặc biệt: ô mai sấu!”
Câu 4 : Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua văn bản trên?
Câu 5: Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ), nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bà và tình cảm của nhân vật “tôi” đối với bà.
GỢI Ý:
1 | Phương thức biểu đạt chính: Tự sự |
2 | HS tìm được 1 cụm C-V theo yêu cầu của đề bài. VD: bà trồng, … |
3 | Biện pháp tu từ: Liệt kê. Liệt kê cử chỉ, hoạt động của bà: ngồi dậy, cười cười, mở, đưa |
Tác dụng: Thể hiện hình ảnh người bà hiền hậu với tình thương yêu trìu mến của bà dành cho người cháu; luôn quan tâm và dành cho cháu những món quà “đặc biệt” mà cháu thích. | |
4 | Đây là câu hỏi mở, tùy học sinh lựa chọn bức thông điệp miễn là lí giải hợp lí. Dưới đây là một số nội dung gợi ý: - Tình cảm của bà cháu là tình cảm gia đình thiêng liêng quý giá vì đây là tình cảm làm cơ sở cội nguồn cho tình yêu quê hương đất nước. - Chúng ta cần yêu thương và có hiếu với bà vì tình yêu thương của bà dành cho cháu là sâu nặng vô bờ bến. - Cần kính yêu, tự hào và giữ gìn trân trọng tình cảm bà cháu. Vì đó là tình cảm thiêng liêng, là điểm tựa cho cuộc đời của mỗi chúng ta... - Người cháu thấu hiểu và cảm nhận được tình cảm của bà dành cho mình và rất mực yêu thương, kính trọng bà nên đã viết về bà với thái độ trân trọng ngợi ca bà… (HS cần nêu ít nhất 2 nội dung) |
5 | a. Đảm bảo thể thức đoạn văn, số chữ qui định. |
b. Xác định đúng nội dung đoạn văn: Hình ảnh người bà | |
c. Nội dung: - Hình ảnh người bà: nhân hậu, yêu thương các cháu hết lòng, dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn đến thăm cháu và khi chân đau không thể tiếp tục đến thăm cháu được, bà vẫn luôn có quà cho cháu, làm ô mai sấu cho cháu… - Tình cảm của nhân vật “tôi”: gần gũi, thấu hiểu những tình cảm bà dành cho mình, từ đó rất mực yêu thương, kính trọng, tự hào ngợi ca bà. |
ĐỀ 2: Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:
HAI CON GÀ TRỐNG
“ Có hai con gà cùng một gà mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, đủ lông đủ cánh trở thành hai con gà trống, chúng lại hay cãi vã nhau. Con nào cũng tự cho mình là đẹp đẽ, oai phong hơn, có quyền làm Vua của Nông Trại.
Một hôm, sau khi cãi nhau, chúng đánh nhau kịch liệt, định rằng hễ con nào thắng sẽ được làm Vua của Nông Trại. Sau cùng, dĩ nhiên một con thắng và một con bại.
Con gà thắng trận vội nhảy lên hàng rào, vỗ cánh và cất tiếng gáy vang, ca tụng sự chiến thắng của mình. Chẳng ngờ tiếng gáy của con gà làm một con chim ưng khi bay ngang qua đấy chú ý đến. Thế là, con chim ưng xà xuống bắt con gà thắng trận mang đi mất. Trong khi đó con gà bại trận vẫn còn nằm thoi thóp thở.”
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên trên.
Câu 2: Xác định biện pháp tu từ có trong văn bản?
Câu 3: Trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện bằng đoạn văn khoảng 7- 9 câu:
GỢI Ý:
Câu 1:
PTBĐ: tự sự
BPTT: nhân hóa
3* Hình thức: Đoạn văn khoảng 7- 9 câu, trình bày mạch lạc...
* Nội dung:
- Câu chuyện kể về 2 anh em nhà gà cãi vã, đánh nhau vì tranh nhau làm vua Nông Trại.
- Câu chuyện đề cập đến vấn đề: Tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình. Anh em cùng cha mẹ sinh ra phải thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn nhau, không nên cãi vã, tranh giành sẽ mang lại hậu quả xấu. Đồng thời, câu chuyện cũng phê phán thói kiêu ngạo, hiếu thắng.
ĐỀ 3: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
Bố tôi
Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ nơi núi đồi hiểm trở, ông luôn dõi theo tôi.
Bao giờ cũng vậy, ông mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất, xuống núi vào cuối mỗi tuần. Ông rẽ vào bưu điện để nhận những lá thư tôi gửi. Lặng lẽ, ông vụng về mở nó ra. Ông xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông. Rồi lặng lẽ như lúc mở ra, ông xếp nó lại, nhét vào bao thư. Ông ngồi trầm ngâm một lúc, khẽ mỉm cười rồi đi về núi.
Về đến nhà, ông nói với mẹ tôi: “Con mình vừa gửi thư về”. Ông trao thư cho bà. Bà lại cẩn thận mở nó ra, khen: “Con mình viết chữ đẹp quá! Những chữ tròn, thật tròn, những cái móc thật bén. Chỉ tiếc rằng không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm?”. Ông nói:“Nó là con tôi, nó viết gì tôi đều biết cả”. Rồi ông lấy lại thư, xếp vào trong tủ cùng với những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm mặt rồi cất vào, không thiếu một lá, ngay cả những lá đầu tiên nét chữ còn non nớt…
Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đại học. Một ngày khai trường đầu tiên không có bố. Bố tôi đã mất. Nhưng tôi biết bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả hành trình cuộc đời.
(Theo Nguyễn Ngọc Thuần)
Câu 1(0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0.5 điểm): Tìm một cụm chủ - vị có vai trò mở rộng câu trong câu: “Nhưng tôi biết bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả hành trình cuộc đời.”
Câu 3 (0.1 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Ông xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông.”
Câu 4 (0.1 điểm): Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua văn bản trên?
Câu 5 (2.0 điểm): Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ), nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bố và tình cảm của nhân vật “tôi” đối với bố.
GỢI Ý:
1.Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
2.HS tìm được 1 cụm C-V theo yêu cầu của đề bài.
VD: bố sẽ đi, tôi sẽ đi…
3.Biện pháp tu từ: Liệt kê các hành động, cử chỉ của người cha: xem, chạm vào, ép, …Tác dụng: Thể hiện được sự nâng niu, trân trọng những lá thư của con và sâu thẳm hơn chính là tình thương yêu quý mến của người cha dành cho con.
4.Đây là câu hỏi mở, tùy học sinh lựa chọn bức thông điệp theo cảm nhận của cá nhân, miễn là lí giải hợp lí. Dưới đây là một số nội dung gợi ý:
- Tình cảm cha con là tình cảm thiêng liêng quý giá vì đây là tình cảm làm cơ sở cội nguồn cho tình yêu quê hương đất nước.
- Chúng ta cần yêu thương trân trọng kính yêu bố của mình vì tình cảm bố dành cho chúng ta là vô cùng lớn lao, cao cả.
- Người con yêu thương, thấu hiểu về bố nên viết về bố với tấm lòng trân trọng ngợi ca tự hào…
(HS cần nêu ít nhất 2 nội dung)
5.Nội dung:
- Người bố trong văn bản luôn dành cho con những tình thương yêu sâu nặng, luôn dõi theo từng bước đi của con thể hiện qua sự nâng niu, trân trọng và gìn giữ những lá thư của con như một vật báu.
- Tình cảm của người con: Kính yêu, trân trọng, tự hào về bố, cảm thấy xót xa hụt hẫng nuối tiếc khi bố không còn.
II. Đọc hiểu Ngữ văn 7 phần Thơ
ĐỀ 1: Đọc kĩ phần trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cảm ơn mẹ vì luôn bên con
Lúc đau buồn và khi sóng gió
Giữa giông tố cuộc đời
Vòng tay mẹ chở che khẽ vỗ về.
Bỗng thấy lòng nhẹ nhàng bình yên
Mẹ dành hết tuổi xuân vì con
Mẹ dành những chăm lo tháng ngày
Mẹ dành bao hi sinh để con chạm lấy ước mơ.
Mẹ là ánh sáng của đời con
Là vầng trăng khi con lạc lối
Dẫu đi trọn cả một kiếp người
Cũng chẳng hết mấy lời mẹ ru…
(Trích lời bài hát Con nợ mẹ, Nguyễn Văn Chung)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt ?
Câu 2: Chỉ ra các từ láy có trong phần trích ?
Câu 3: Trong khổ thơ thứ hai xuất hiện biện pháp tu từ gì ?
Câu 4: Các từ vì, và, để trong phần trích thuộc từ loại gì ?
GỢI Ý:
1.Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
2.Từ láy: vỗ về, nhẹ nhàng.
3.BPTT: Điệp ngữ (Mẹ dành).
4.Các từ và, vì, để là: Quan hệ từ
ĐỀ 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Anh dắt em vào cõi Bác xưa
Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa
Có hồ nước lặng sôi tăm cá
Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa.
Có rào râm bụt đỏ hoa quê
Như cổng nhà xưa Bác trở về
Có bốn mùa rau tươi tốt lá
Như những ngày cháo bẹ măng tre...
(Thăm cõi Bác xưa - Tố Hữu)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2. Em hãy cho biết dấu chấm lửng được sử dụng cuối câu thơ: Như những ngày cháo bẹ măng tre... có tác dụng gì?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong đoạn thơ.
Câu 4. Đoạn thơ giúp em cảm nhận gì về Bác?
GỢI Ý:
1 | Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm |
2 | Dấu chấm lửng được sử dụng cuối câu thơ: Như những ngày cháo bẹ măng tre... có công dụng: Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng chưa liệt kê hết. |
3 | Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ: Điệp từ “ có” được nhắc lại bốn lần. |
4 | Học sinh có thể có rất nhiều cảm nhận về Bác, nhưng tất cả đều cần làm nổi bật đức tính giản dị, hi sinh quên mình vì dân vì nước của Bác, sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên . |
ĐỀ 3: Đọc đoạn trích sau và thực hiện những yêu cầu:
“Cảm ơn mẹ vì luôn bên con
Lúc đau buồn và khi sóng gió
Giữa giông tố cuộc đời
Vòng tay mẹ chỏ che, khẽ vỗ về.
Bỗng thấy lòng nhẹ nhàng bình yên
Mẹ dành hết tuổi xuân v ì con
Mẹ dành những chăm lo tháng ngày
Mẹ dành bao hi sinh để con chạm lấy ước mơ
Mẹ là ánh sáng của đời con
Là vầng trăng khi con lạc lối
Dẫu đi trọn cả một kiếp người
Cũng chẳng hết mấy lời mẹ ru”
(Trích lời bài hát “Con nợ mẹ”- Nguyễn Văn Chung)
Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2: (1,0 điểm) Tìm và nêu giá trị biểu đạt của các từ láy có trong đoạn trích trên.
Câu 3:(1,0 điểm) Em hiểu thế nào về nghĩa của từ ‘đi” trong câu: Dẫu đi trọn cả một kiếp người
Câu 4:(1,5 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong những câu thơ sau:
Mẹ dành hết tuổi xuân v ì con
Mẹ dành những chăm lo tháng ngày
Mẹ dành bao hi sinh để con chạm lấy ước mơ
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm tài liệu học tập lớp 7 khác như Ngữ văn 7 , Toán 7 và các Đề thi học kì 1 lớp 7 , Đề thi học kì 2 lớp 7 ... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.