Đề cương ôn tập học kì 2 môn Địa lý lớp 4 năm 2018 - 2019

Đề cương ôn tập học kì 2 môn Địa lý lớp 4

Đề cương ôn tập học kì 2 môn Địa lý lớp 4 bao gồm chi tiết các dạng câu hỏi trong chương trình học môn Địa lý lớp 4 cho các em học sinh tham khảo, củng cố kiến thức, các dạng bài tập chuẩn bị cho các bài thi cuối học kì 2 đạt kết quả cao.

Câu hỏi ôn tập học kì 2 môn Địa lý lớp 4

I . PHẦN TỰ LUẬN

Câu 1: Đồng bằng Nam Bộ nằm ở phía nào của nước ta? Do phù sa của các con sông nào bồi đắp nên?

Trả lời: Đồng bằng Nam Bộ nằm ở phía nam nước ta

Do phù sa của hệ thống sông Mê Công và sông Đồng Nai bồi đắp tạo nên.

Câu 2: Em hãy nêu một số đặc điểm tự nhiên của đồng bằng Nam Bộ.

Trả lời: Một số đặc điểm tự nhiên của đồng bằng Nam Bộ là:

+ Là đồng bằng lớn nhất cả nước, diện tích lớn gấp hơn ba lần đồng bằng Bắc Bộ.

+ Phần Tây Nam Bộ có nhiều vùng trũng dễ bị ngập nước như Đồng Tháp Mười, Kiên Giang, Cà Mau.

+ Có nhiều đất phèn, đất mặn cần phải cải tạo

+ Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, không có đê ven sông để ngăn lũ như ở đồng bằng Bắc Bộ.

+ Mùa khô kéo dài, đồng bằng rất thiếu nước ngọt.

Câu 3: Kể tên một số dân tộc và những lễ hội nổi tiếng ở đồng bằng Nam Bộ.

Trả lời: + Các dân tộc chủ yếu ở đồng bằng Nam Bộ là: Kinh, Khơ–me, Chăm, Hoa.

+ Những lễ hội nổi tiếng của người dân ở đồng bằng Nam Bộ là: lễ hội Bà Chúa Xứ, hội xuân núi Bà, lễ cúng Trăng, lễ tế thần cá Ông.

Câu 4: Nhà ở của người dân Nam Bộ có đặc điểm gì?

Trả lời:

+ Nhà cửa đơn sơ, làm bằng gỗ, tre, lá.

+ Nhà được làm dọc theo các sông ngòi, kênh rạch

+ Ngày nay nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng ngày càng nhiều.

Câu 5: Em hãy nêu những thuận lợi để ĐBNB trở thành vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước.

Trả lời: Những thuận lợi để ĐBNB trở thành vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước:

+ Có đất phù sa màu mỡ được bồi đắp hàng năm, diện tích rộng lớn.

+ Khí hậu nóng ẩm quanh năm, có thể làm nhiều vụ lúa mỗi năm.

+ Nguồn nước sông ngòi dồi dào, thuận lợi làm thủy lợi

+ Người dân cần cù lao động.

Câu 6: Em hãy nêu dẫn chứng cho thấy ĐBNB có công nghiệp phát triển nhất nước ta.

Trả lời: ĐBNB có công nghiệp phát triển nhất nước ta thể hiện:

+ Hàng năm, đồng bằng tạo ra được hơn một nửa giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Các ngành công nghiệp nổi tiếng: Khai thác dầu khí, sản xuất điện, hóa chất, phân bón, cao su, chế biến lương thực, thực phẩm, dệt, may mặc,..

Câu 7: Em hãy mô tả chợ nổi trên sông ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời: Chợ nổi trên sông ở đồng bằng sông Cửu Long thường họp ở những đoạn sông thuận tiện cho việc gặp gỡ của xuồng, ghe từ nhiều nơi đổ về. Từ sáng sớm, việc buôn bán đã diễn ra tấp nập.

Mọi thứ hàng hóa đều có thể mua bán trên xuồng ghe.

Câu 8: Em hãy kể tên một số nghành công nghiệp chính, một số nơi vui chơi, giải trí của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời: + Một số nghành công nghiệp chính của thành phố Hồ Chí Minh là: điện, luyện kim, cơ khí, điện tử, hóa chất, dệt may, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng…

+ Một số nơi vui chơi, giải trí của thành phố Hồ Chí Minh là:

- Thảo Cầm Viên

- Đầm Sen

- Suối Tiên

Câu 9: Em hãy nêu đặc điểm vị trí thành phố Cần Thơ.

Trả lời: Đặc điểm vị trí thành phố Cần Thơ

+ Ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, nằm bên bờ sông Hậu

+ Giáp các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

+ Có thể giao thông thuận lợi với nhiều tỉnh khác bằng đường ô tô, đường sông, đường biển và đường không.

Câu 10: Em hãy nêu một số đặc điểm địa hình của các đồng bằng duyên hải miền Trung.

Trả lời: Một số đặc điểm địa hình của các đồng bằng duyên hải miền Trung.

Diện tích nhỏ, hẹp.

Ven biển thường có các cồn cát cao 20-30m, có các đầm, phá.

Đất kém màu mỡ hơn đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ.

Câu 11: Nêu đặc điểm khí hậu vùng đồng bằng duyên hải miền Trung.

Trả lời: Đặc điểm khí hậu vùng đồng bằng duyên hải miền Trung.

+ Phía Bắc dãy núi Bạch Mã có mùa đông lạnh, phía Nam dãy núi Bạch mã nóng quanh năm.

+ Mùa hạ thường khô, nóng và bị hạn hán. Cuối năm thường có mưa lớn và bão dễ gây ngập lụt.

Câu 12: Vì sao dân cư tập trung khá đông đúc tại đồng bằng duyên hải miền Trung? Ở đây có các dân tộc nào?

Trả lời: Dân cư tập trung khá đông đúc tại đồng bằng duyên hải miền Trung vì ở đây có điều kiện đất đai, khí hậu tương đối thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất

+ Ở đây có người Kinh, người Chăm và một số dân tộc ít người khác.

Câu 13: Em hãy kể tên một số ngành công nghiệp có ở các tỉnh duyên hải miền Trung.

Trả lời: Một số ngành công nghiệp có ở các tỉnh duyên hải miền Trung là: đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền, sản xuất đường mía, chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng.

Câu 14: Vì sao Huế được gọi là thành phố du lịch?

Trả lời: Huế được gọi là thành phố du lịch vì:

+ Có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp: sông Hương, núi Ngự…

+ Có nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị nghệ thuật cao, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

+ Nổi tiếng với các làn điệu dân ca độc đáo.

Câu 15: Vì sao Đà Nẵng thu hút nhiều khách du lịch?

- Đà Nẵng thu hút nhiều khách du lịch bởi có nhiều bãi biển đẹp liền kề núi Non Nước ( còn gọi là Ngũ Hành Sơn), có bảo tàng Chăm với những hiện vật của người Chăm cổ xưa.

Câu 16: Nêu vai trò của biển, đảo và quần đảo đối với nước ta?

Trả lời: Vai trò của biển, đảo và quần đảo đối với nước ta:

Điều hòa khí hậu làm cho mùa hè bớt khô, mùa đông bớt lạnh.

Là kho muối vô tận cho đời sống nhân dân, cho công nghiệp.

Cung cấp khoáng sản (dầu, khí), hải sản để phát triển công nghiệp, xuất khẩu…

Tạo thuận lợi cho việc giao thông giữa nước ta với các nước khác trên thế giới.

Thuận lợi cho việc phát triển du lịch, nuôi thủy sản.

II. PHẦN TRẮC NGHIỆM ĐỊA LÍ 4

Khoanh vào trước câu trả lời đúng

Câu 1: Đồng bằng lớn nhất nước ta là?

a. Đồng bằng Bắc Bộ.

b. Đồng bằng duyên hải miền Trung.

c. Đồng bằng Nam Bộ.

Câu 2: Những loại đất nào có nhiều ở đồng bằng Nam Bộ?

a. Đất phù sa, đất mặn.

b. Đất mặn, đất phèn.

c. Đất phù sa, đất phèn.

Đất phù sa, đất mặn, đất phèn.

Câu 3: Các dân tộc sống ở đồng bằng Nam Bộ là:

a . Người Kinh, Thái, Mường.

b. Người Kinh, Khơ –me, Chăm, Hoa.

c. Người kinh, ba- na, Ê-đê.

Câu 4: Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân miền Tây Nam Bộ là:

a. Xe ngựa.

b. Xuồng, ghe.

c. Ô tô

Câu 5: Nơi sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất nước ta là:

a. Thành phố Đà Nẵng.

b. Đồng bằng Bắc Bộ

c. Đồng bằng Nam Bộ.

Câu 6: Chợ nổi có ở:

a. Vùng núi phía Bắc

b. Đồng bằng ven biển miền Trung.

c. Đồng bằng sông Cửu Long.

Câu 7: Các ngành công nghiệp nổi tiếng ở đồng bằng Nam Bộ:

a. Khai thác dầu khí, sản xuất điện.

b. Hóa chất, phân bón, cao su

c. Chế biến lương thực, thực phẩm, dệt may mặc

d. Tất cả các ý trên.

Câu 8: Từ Thành phố Hồ Chí Minh có thể đi tới các nơi khác bằng:

a. Đường ô tô.

b. Đường sông.

c. Đường hàng không.

d. Đường sắt.

e. Đường biển.

f. Tất cả các loại đường trên.

Câu 9: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp:

a. Lớn của nước ta.

b. Lớn bậc nhất nước ta.

c. Lớn nhất cả nước .

Câu 10: Thành phố Sài Gòn được mang tên là thành phố Hồ Chí Minh từ năm nào?

a. 1974

b. 1975

c. 1976

d. 1977

Câu 11: Thành phố cần Thơ nằm bên sông:

Sông Hương.

Sông Hàn.

Sông Hậu

Câu 12: Đồng bằng duyên hải miền Trung nhỏ hẹp vì:

a. Đồng bằng nằm ở ven biển.

b. Đồng bằng có nhiều cồn cát.

c. Đồng bằng có nhiều đầm phá.

d. Núi lan ra sát biển.

Câu 13: Các dân tộc sống ở đồng bằng duyên hải miền Trung

a. Người Chăm, Hoa

b. Người Kinh và một số dân tộc ít người khác.

c. Người Kinh, Chăm.

a. Người Kinh, Chăm và một số dân tộc ít người khác.

Câu 14: Thành phố Huế thuộc tỉnh nào?

a. Quảng Bình.

b. Quảng Trị.

c. Thừa Thiên – Huế

d. Quảng Nam.

Câu 15: Một số địa danh của thành phố Huế là:

a. Sông Hồng, Lăng Tự Đức, Chợ Đông Ba, Cầu Tràng Tiền.

b. Sông Hàn, Lăng Tự Đức, Chợ Đồng Xuân, Cầu Tràng Tiền.

c. Sông Hương, Lăng Tự Đức, Chợ Đông Ba, Cầu Tràng Tiền.

Câu 16: Từ Đà Nẵng có thể đi tới các nơi khác ở trong nước và nước ngoài bằng.

a. Đường ô tô.

b. Đường sắt.

c. Đường hàng không.

d. Đường biển.

e. Tất cả các loại đường trên.

Câu 17: Quần đảo Hoàng sa và Trường Sa thuộc:

a. Vùng biển phía Bắc.

b. Vùng biển phía Nam và Tây Nam.

c. Vùng biển miền Trung.

Câu 18: Nước ta đang khai thác những loại khoáng sản nào ở Biển Đông?

a. A-pa-tít, than đá, muối.

b. Dầu, khí, cát trắng, muối.

c. Than, sắt, bô-xít, muối.

Ngoài Đề cương ôn tập học kì 2 môn Địa lý lớp 4 trên, các bạn luyện giải bài tập SGK Tiếng Việt 4 hay SGK môn Toán lớp 4 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 4, đề thi học kì 2 theo Thông tư 22 mới nhất được cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo đề thi, bài tập mới nhất.

Đánh giá bài viết
59 15.863
Sắp xếp theo

    Đề thi học kì 2 lớp 4

    Xem thêm