Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên (Lần 1) gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn cùng hướng dẫn làm bài đi kèm, giúp các bạn luyện tập và củng cố kiến thức môn Văn hiệu quả, từ đó, chuẩn bị tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Lục Nam, Bắc Giang

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lào Cai

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

SỞ GD & ĐT THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG THPT

LƯƠNG NGỌC QUYẾN

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 1 - 2016

Môn: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Phần I: Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Anh/ chị hãy đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4. Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong ngày được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Mẹ và Quả - Nguyễn Khoa Điềm).

1. Bài thơ trên chủ yếu sử dụng phương thức biểu đạt nào?

2. Nêu nội dung chính của bài thơ?

3. Xác định biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ đó:

"Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống"

4. Viết một đoạn văn khoảng 5 đến 7 câu bộc lộ cảm xúc của anh/chị khi đọc hai câu thơ cuối bài.

Anh/chị hãy đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

Lễ kỉ niệm 65 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên sáng 9 - 1 bắt đầu bằng một tiết mục thật đặc sắc: các ca khúc quen thuộc của ngày xưa và ngày nay được sắp xếp xen kẽ thành liên khúc, và những người biểu diễn thuộc nhiều thế hệ cũng đứng xen kẽ, nối nhau tràn từ sân khấu xuống hàng ghế khán giả.

Tất cả, từ những diễn viên tuổi đôi mươi đến những diễn viên đã từng đôi mươi từ mấy mươi năm trước, đều cùng một màu áo trắng tinh, cùng một lời hát "hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào", cùng một ánh mắt bừng sáng...

Người tham dự đứng phía dưới nổi gai ốc. Ý niệm về sự trao truyền, tiếp nối lí tưởng được thể hiện rất rõ.

(Dẫn theo Phạm Vũ, Chờ ở tuổi trẻ, http://www.tuoitre.vn, ngày 10-1-2015)

5. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn?

6. Nêu những ý chính của đoạn văn?

7. Chỉ rõ hiệu quả của những từ ngữ in đậm trong việc thể hiện ý chính của đoạn văn?

8. Viết một đoạn văn ngắn (không quá 05 câu) để trình bày suy nghĩ của anh/chị về lí tưởng của thế hệ cha, anh trưởng thành trong chiến tranh giải phóng dân tộc?

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp.

Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp của đoạn văn sau:

Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: "Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?". Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên" Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình" của "một người tình nhân chưa quen biết" (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang trôi những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.

(Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr.191 -192)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016

Phần I.

Câu 1

Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là biểu cảm

Câu 2:

Nội dung chính: Thể hiện cảm động tình mẫu tử thiêng liêng: tình mẹ dành cho con và tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn chân thành của người con đối với mẹ

Câu 3:

Những biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong câu hai câu thơ: Nhân hóa ( bí và bầu cũng "lớn"), đối lập ( Lớn lên, lớn xuống); hoán dụ (tay mẹ)

Tác dụng: ("Bí và bầu" là thành quả lao động "vun trồng" của mẹ ; "Con" là kết quả của sự sinh thành, dưỡng dục, là niềm tin, sự kỳ vọng của mẹ) => Nhấn mạnh sự hi sinh thầm lặng và công lao trời bể của mẹ, đồng thời thể hiện nỗi thấu hiểu và lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ đối với mẹ.

Câu 4:

Đoạn văn đúng chủ đề: Cảm xúc của bản thân trước nỗi niềm lo âu, hoảng hốt của tác giả khi nghĩ ngày mẹ khong còn mà mình chưa trưởng thành như lòng mẹ mong mỏi; có cấu trúc chặt chẽ, đúng chính tả, dùng từ, đặt câu chính xác.

Câu 5:

Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 6:

Nội dung chính của đoạn văn:

  • Tiết mục biểu diễn độc đáo trong Lễ kỉ niệm 65 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên năm 2015.
  • Cảm xúc của người xem, cảm nhận về ý nghĩa của tiết mục.

Câu 7:

Ngôn từ thể hiện cảm xúc Hiệu quả: Mô tả cụ thể, chi tiết cảm nhận về ý nghĩa của tiết mục và cảm xúc của người xem.

Câu 8:

Đoạn văn phải thể hiện được quan điểm cá nhân một cách cụ thể, nghiêm túc vè sự nối tiếp lí tưởng của thế hệ cha anh trong hoàn cảnh mới. có cấu trúc chặt chẽ, không sai lỗi chính tả, dung từ, đặt câu.

Phần II.

Câu 1.

Viết một bài văn trình bày ý kiến về nhận định: Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp

a, Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b, Xác định đúng vấn đề nghị luận: Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp

c, Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận,kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.

* Giải thích: Nghề nghiệp: là cách nói khái quát về nghành nghề, công việc của mỗi người trong xã hội.

  • Cao quý: có giá trị lớn về tinh thần, rất đáng trân trọng.
  • Ý kiến khẳng định mọi nghề nghiệp trong xã hội đều quan trọng; giá trị cao quý của nghề nghiệp là do con người quyết định chứ không phải do nghề nghiệp.

* Bàn luận:

  • Khẳng định ý kiến đúng: Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người.
    • Bản thân nghề nghiệp không làm nên sự cao quý của con người, sự cao quý ấy phải do tự than con người làm nên trong trong quá trình nghề nghiệp của mình.
    • Trong xã hội không có nghề tầm thường, bất cứ nghề nào mang lại lợi ích cho cộng đồng đều dược xã hội trọng vọng, tôn vinh.
  • Chính con người làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp
    • Thước đo giá trị nghề nghiệp là hiệu quả và phẩm chất dạo đức của người lao động trong công việc.
    • Sự cao quý là do con người đem hết tài năng, sức lực ra để phục vụ mọi người.

* Bài học nhận thức và hành động:

  • Cần chọn nghề phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường của bản thân
  • Cần nuôi dưỡng niềm say mê, tình cảm với nghề để có thể tận tâm cống hiến cho xã hội được nhiều nhất.

d, Sáng tạo: có suy nghĩ sâu sắc, có sự diễn đạt mới mẻ, ấn tượng về vấn đề nghị luận

e, Đảm bảo đúng chính tả, đúng ngữ pháp

Câu 2:

Viết bài văn trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn văn sau trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân.

a, Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b, Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Đà qua đoạn văn thấm đẫm cảm xúc lãng mạn với nhiều liên tưởng độc đáo, phong phú, ngôn từ gợi cảm, gợi hình, giàu chất nhạc, chất thơ, chất họa.

c, Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận,kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

  • Người lái đò sông Đà là một tùy bút rất đặc sắc của Nguyễn Tuân rút từ tập Sông Đà. Hình ảnh con sông Đà với 2 đặc tính nổi bật là hung bạo và trữ tình được tác giả khắc họa đậm nét trong tùy bút.
  • Khi miêu tả tính cách hung bạo của sông Đà, tác giả sử dụng những câu văn mang nhịp điệu dồn dập, kính thích. Nhưng khi ca ngợi dòng sông Đà trữ tình gợi cảm ông lại dùng những câu văn dài, êm ả, nghe như tiếng hát ngân nga. Văn của Nguyễn Tuân luôn chứa hai thái cực như thế, tiêu biểu là đoạn văn từ "Thuyền tôi trôi.....dòng trên" (trích dẫn.)

* Vẻ đẹp của đoạn văn được thể hiện ở 03 ý:

  • Nội dung của đoạn văn nói về vẻ thơ mộng của sông Đà ở quãng trung lưu.
    • Thác ghềnh lúc này chỉ còn lại trong nỗi nhớ. Thuyền được trôi êm: câu văn mở đầu đoạn hoàn toàn là thanh bằng gợi cảm giác lâng lâng, mơ màng; ý lặng tờ nhắc lại trùng điệp tạo chất thơ.
    • Thiên nhiên hài hòa mang vẻ trong trẻo nguyên sơ, kì thú: Cỏ gianh đồi núi đang ra những búp non, đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương
    • So sánh bờ sông hoang dại như bờ tiền sử,hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa mở ra những liên tưởng về sự bát ngát, lãng mạn, hư hư thực thực của dòng sông.
    • Người với cảnh có sự tương giao, hư thực đan xen: Tiếng còi, con hươu ngộ ngẩng đầu nhìn và hỏi ông khách sông Đà.
    • Cảnh làm cho vị tình nhân non nước sông Đà xúc động trong thực và mơ.
  • Nghệ thuật của ngòi bút lãng mạn tài hoa, tinh tế: Nhà văn hiến cho độc giả hình ảnh sống động, ấn tượng sâu sắc:
    • Lấy động tả tĩnh: Cá quẫy đủ khiến ta giật mình.
    • Cái tĩnh hàm chứa sự bất ngờ bởi sự biến hóa liên tiếp: thuyền thả trôi, con hươu thơ ngộ vểnh tai, áng cỏ sương, tiếng còi sương, đàn cá dầm xanh quẫy vọt. Cảnh và vật đều ở trạng thái động, không chịu ép mình và đều mang hơi thở vận động của cuộc sống nhiều chiều
  • Nhà văn đã trải lòng mình với dòng sông, hóa thân vào nó để lắng nghe nhịp sống cuộc đời mới, để nhớ, để thương cho dòng sông, cho quê hương đất nước:
    • Thưởng ngoạn vẻ đẹp sông Đà, lòng ông dậy lên cảm giác liên tưởng về lịch sử, về tình cảm đối với cố nhân, nhắc tới đời Lí đời Trần.
    • Trước vẻ đẹp hoang dại nhà văn suy nghĩ về về tiếng còi tàu, cuộc sống hiện đại
    • Trải lòng, hóa thân vào dòng sông trong đắm đuối của tình non sông đất nước: Nhớ thương hòn đá thác, lắng nghe giọng nói, trôi những con đò mình nở

* Đánh giá về giá trị

  • Qua đoạn trích thấy cảnh vật và con người gắn quyện với nhau chặt chẽ; thấy những đặc sắc của văn Nguyễn Tuân
  • Quý trọng tài năng và tấm lòng của con người suốt đời đi tìm cái đẹp, làm giàu có đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta.

d, Sáng tạo: có suy nghĩ sau sắc, có sự diễn đạt mới mẻ, ấn tượng về vấn đề nghị luận

e, Diễn đạt: Đảm bảo không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm