Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo và tải về tại đây.

Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm có dàn ý và bài văn mẫu. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.

1. Dàn ý phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

1. Mở bài Giới thiệu nhân vật:

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu nhất trong số đó có thể kể đến vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Thông qua câu chuyện về bi kịch của Trương Ba, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện được nhiều quan niệm nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người.

2. Thân bài: Phân tích nhân vật Trương Ba

Câu chuyện xoay quanh bi kịch của Trương Ba khi bị chết oan, để tiếp tục sống thì buộc ông phải sống trong thân xác của người hàng thịt.

Người hàng thịt tuy chỉ là thể xác âm u đui mù nhưng lại có những nhu cầu riêng, tính cách riêng và có sức mạnh để thực hiện những nhu cầu của mình.

–> từ khi sống trong thân xác của người hàng thịt, Trương Ba dần thay đổi trong mắt của mọi người.

Trương Ba đã bị cái xác chi phối, dần trở thành con người vụng về, thô tục với những ham muốn tầm thường, dần trở nên thô lỗ.

Trương Ba không còn quan tâm đến hàng xóm láng giềng.

Những thay đổi của Trương Ba đã khiến cho người thân thất vọng, bản thân Trương Ba cũng nhận thấy sự đổi khác của mình.

Trương Ba bất lực trong việc kiểm soát hành động và những suy nghĩ không đúng đắn của bản thân.

Dù cố gắng giải quyết nhưng ông vẫn đau khổ vì không thể phủ nhận rằng mình đang dần đánh mất chính mình.

Trương Ba đã quyết định lựa chọn cái chết để trả lại xác người hàng thịt cho người hàng thịt, để bản thân được sống trọn vẹn , thống nhất.

3. Kết bài

Thông qua nhân vật Trương ba cùng bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để sống hạnh phúc, con người cần dung hòa được các nhu cầu ấy.

Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt

2. Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt mẫu 1

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nổi tiếng với những tác phẩm có nội dung giàu tính hiện thực, có tính đả kích sâu sắc và mang đậm giá trị nhân văn. Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của ông phải nhắc đến đó chính là tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt. Trong tác phẩm này những vấn đề mấu chốt và tình huống truyện đều tập trung xoay quanh nhân vật Trương Ba, một con người phải sống nhờ ở đậu trong thân xác của người khác.

Trước khi đột ngột qua đời, Trương Ba là một người đàn ông hiền lành đức độ trong gia đình, ông là một hình mẫu mực thước cho tất cả các thành viên noi theo. Chính vì vậy ông rất được vợ con yêu thương, con cháu kính trọng. Ông là người không những nho nhã, thanh lịch lại rất thông minh và hiểu biết, nước cờ ông đánh họa chăng chỉ có Đế Thích mới giải vây được. Có thể thấy được đây là con người tri thức, nền nã vừa đẹp ở tâm hồn nhân cách lại có những hành vi ứng xử văn minh.

Tuy nhiên, chỉ vì một sai sót của Nam Tào, Bắc Đẩu khi vội đi chơi mà khiến cho Trương Ba phải chết oan. Cái chết của Trương Ba đột ngột và vô lí đến nỗi khi vợ Trương Ba gặp Đế Thích để đòi lại sự công bằng Đế Thích cũng phải bối rối. Công bằng ấy được sửa chữa, vá víu bằng cách cho hồn Trương Ba nhập vào trong thân xác của hàng thịt. Thế nhưng đây cũng là lúc bắt đầu bi kịch của Trương Ba.

Trương Ba dần trở nên thô thiển hơn, có những hành động lỗ mãng, không còn giống với con người của ông trước kia. Ông trở nên tham ăn tục uống, ăn uống phàm phu tục tử, nói năng thì bỗ bã, thô thiển, hành vi thì lố bịch. Trương Ba đã làm những việc trước đây ông chưa từng làm: tát con trai, làm “gãy tiệt cái chồi non” của cây cam, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm, đã “làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cả cái diều đẹp” của cu Tị. Không chỉ vậy, trong một lần vợ hàng thịt nằng nặc đòi chồng ở lại với mình, Trương Ba đã suýt chút nữa mà nghe theo.

Sự thay đổi của Trương Ba khiến cho chính gia đình ông cũng không chấp nhận được, vợ Trương Ba chấp nhận bỏ đi để ông về sống với vợ hàng thịt. Cái Gái cháu ông thì không nhận ông, cô con dâu ngoan hiền hiểu chuyện nhất cuối cùng cũng trách cứ cha mình. Trương Ba đau khổ lắm. Không phải ông không biết những sự thay đổi đã diễn ra với mình chỉ là ông không thể làm được gì để thay đổi thực tại. Hoàn cảnh của ông đích thực là lực bất tòng tâm. Dù linh hồn của ông muốn nhưng thân xác không chịu nghe theo thì ông cũng không thể điều khiển được. Huống hồ việc ban ngày ở trong thân xác hàng thịt lâu dần khiến cho ông bị tha hóa, trở nên thô thiển, cục mịch, ngày càng giống với con người hàng thịt.

Trương Ba vô cùng đau khổ và day dứt về sự thật này nên đã gặp Đế Thích và trình bày nỗi lòng của bản thân. Có thể thấy ông là một người rất có nhân cách, lòng tự trọng. Ông đã thẳng thừng nói với Đế Thích chỉ quan tâm cho người ta sống còn sống thế nào thì Đế Thích không quan tâm. Những lời phê phán của Trương Ba rất gay gắt nhưng cũng vô cùng chính xác về Đế Thích và cách làm của ông. Trương Ba cuối cùng đau khổ lựa chọn cái chết còn hơn chấp nhận hoán đổi linh hồn mình vào một thể xác mới. Đây là một sự lựa chọn cao cả và thể hiện đúng tính cách con người ông. Ông không thể chấp nhận sự giả dối, hoán đổi, không thể sống mà trong một đằng ngoài một nẻo. Dù cho ông có được đổi sang một thân xác nào đi nữa thì đó cũng là thân xác đi mượn và rồi ông sẽ lại gặp rất nhiều rắc rối khi không được là chính mình. Cách lựa chọn này đã đưa Trương Ba trở về là chính ông dù điều đó đồng nghĩa với việc ông phải vĩnh viễn rời xa vợ con của mình.

Bi kịch của Trương Ba đã nói lên một vấn đề đó là sống nương nhờ trong thân xác của người khác. Con người phải sống là chính mình, nhất quán, đồng điệu giữa tâm hồn và thể xác không thể có chuyện linh hồn người này nhưng lại sống trong thân xác của người khác.

Cách lựa chọn giải quyết vấn đề cũng cho thấy được nhân cách cao đẹp trong con người Trương Ba, ông đã lựa chọn cái chết để được làm chính mình còn hơn cố gắng níu giữ sự sống trong khi mình dần bị tha hóa, biến đổi. Cuối cùng thì Trương Ba vẫn trở về là người chồng yêu thương vợ con, là người cha mẫu mực, người ông đáng kính trọng của tất cả con cháu trong nhà.

3. Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt mẫu 2

Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ đa tài. Ông sinh năm 1948, mất năm 1988, lần đầu tiên bén duyên với nghệ thuật từ những năm 1960 của thế kỷ trước bằng con đường thi ca. Nếu ai đã từng đọc thơ Lưu Quang Vũ ta thấy hiện lên một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn với hồn thơ trong sáng. Toàn bộ điều này được kết tinh trong trường ca "Khúc đàn bầu". Từ năm 1978, Lưu Quang Vũ chuyển từ thơ ca sang lĩnh vực sân khấu. Có thể khẳng định sân khấu là mảnh đất nghệ thuật của Lưu Quang Vũ. Ông đến với sân khấu như duyên trời định. Chỉ đến khi gặp mảnh đất này, ông thực sự thăng hoa. Những năm gắn kết với sự nghiệp sân khấu, Lưu Quang Vũ đã để lại một sự nghiệp đồ sộ đánh dấu bằng 51 vở kịch nổi tiếng. Nhắc đến sự nghiệp kịch của Lưu Quang Vũ mỗi người yêu văn không thể không nhắc đến vở kịch "Tôi và chúng ta", "Bệnh sĩ", "Nếu anh không đốt lửa", "Lời nói dối cuối cùng", "Nàng Xi-ta", "15 ngày kháng án",... Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc đến sự nghiệp kịch của Lưu Quang Vũ lại không nhắc đến "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Vở kịch này đã làm nên tên tuổi Lưu Quang Vũ không chỉ ở sân khấu Việt Nam mà còn dư vang ra cả nước ngoài. Nó tạo nên một hiện tượng của Lưu Quang Vũ. Đó là hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử sân khấu Việt Nam.

Tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy như một kiệt tác của Lưu Quang Vũ nói riêng, của thể loại rất hiếm trong chương trình giảng dạy đó là thể loại kịch. Thành công của Lưu Quang Vũ trong vở kịch này đó là ông đã đưa ra được tình huống kịch vô cùng xuất sắc. Tình huống kịch này đã tạo ra được những xung đột kịch để từ đó người yêu văn tự rút ra cho mình nhiều bài học nhân sinh, nhiều ý nghĩa triết lí thông qua vỏ bề ngoài của xung đột đó là vỏ ngôn ngữ kịch.

Cần phải khẳng định Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ vô cùng trung thực, thẳng thắn, dũng cảm. Ông thường lách sâu ngòi bút của mình vào những "mảng tối" của xã hội Việt Nam thời kì hậu chiến để từ đó nhà văn lên án, phơi bày, phê phán cái lối tư duy xưa cũ, lạc hậu, bảo thủ, cổ hủ, với đạo đức rởm đời để đưa ra những triết lí nhân sinh của cuộc sống. Một trong những vở kịch tiêu biểu nhất thể hiện rõ điều này đó là "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Như đã nói ở trên, thành công đầu tiên của Lưu Quang Vũ trong tác phẩm là ông đã xây dựng được tình huống kịch đặc sắc.

Như ta đã biết, tình huống là khoảnh khắc về thế giới, là một lát cắt của câu truyện mà ở đó hoàn cảnh truyện, mâu thuẫn truyện, tính cách nhân vật đều được bộc lộ một cách sắc nét. Nó vừa giúp cho nhà văn tổ chức được mạch truyện – kết cấu của tác phẩm. Tuy nhiên sự đặc sắc của tình huống kịch đó là nó thường được bộc lộ thông qua xung đột kịch. Có lẽ chính xung đột kịch mới tạo ra được mâu thuẫn của tác phẩm, tính cách của nhân vật cũng như ý nghĩa của vở kịch được bộc lộ thông qua xung đột kịch mà cái lớp vỏ bề ngoài để đến với độc giả bạn đọc chính là ngôn ngữ. Thế nên người viết kịch thường quan tâm đến ngôn ngữ kịch hơn nhiều so với hành động kịch.

Đầu tiên ta cần khẳng định "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" là vở kịch được Lưu Quang Vũ lấy từ tích truyện trong dân gian. Có thể nói không quá lời rằng nếu "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" chưa đến tay Lưu Quang Vũ gia công thì tích truyện dân gian này đặt bên cạnh những tích truyện dân gian khác "Tấm Cám", "Cây tre trăm đốt" khá nhạt nhòa. Nếu trong Tấm Cám có Bụt giáng trần để cứu thế thì "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" có tiên Đế Thích giáng trần để cứu thế. Tuy nhiên người yêu kịch nhận ra ngay tích truyện dân gian này là sản phẩm tâm hồn của một thế hệ nho sĩ. Nó được biểu hiện thông qua nhân vật chính trong tích truyện này là Trương Ba có tài chơi cờ.

Theo tích truyện dân gian, Trương Ba là người làm vườn rất chăm chỉ, hiền hậu nho nhã. Nhưng cái hay ở đây đó là Trương Ba có tài cờ tướng. Chỉ vì tắc trách, sơ suất, cẩu thả, vội đi ăn tiệc nên Nam Tào – vị quan trên thiên đình có chức năng trông coi việc sinh tử ở dưới hạ giới – gạch nhầm tên Trương Ba khiến Trương Ba bị chết oan. Để sửa sai, Nam Tào cùng tên Đế Thích đã để hồn ông sống nhập vào thân xác anh hàng thịt vừa chết. Nếu theo tích truyện cổ xưa thì từ ngày hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt, Trương Ba được sống một cuộc đời hạnh phúc, êm ấm bên gia đình vợ con.

Nhưng không, là một nhà viết kịch của giai đoạn mới, Lưu Quang Vũ đã không kết vở kịch của mình theo lối này. Ngược lại, ông lấy điểm kết thúc của câu chuyện dân gian làm điểm khởi đầu cho vở kich của mình, nghĩa là kể từ ngày nhập vào thân xác cồng kềnh, thô lỗ của anh hàng thịt, hồn Trương Ba bị sa vào lối sống quẩn quanh, bế tắc, tiêu điều. Đó chính là bi kịch trong tâm hồn của Trương Ba. Nhân nay ta nói qua khái niệm bi kịch. Bi kịch vốn được hiểu là những khát vọng chân chính mãnh liệt của con người nhưng không có điều kiện thực hiện trên thực tế. Cuối cùng, người mang khát vọng rơi vào kết cục của thảm kịch. Bi kịch là cuộc đấu tranh dai dẳng không khoan nhượng giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa hiện tượng và bản chất, nội dung và hình thức, bên trong một đằng bên ngoài một nẻo... Tất cả những mâu thuẫn này diễn ra trong đời sống tâm hồn của hồn Trương Ba kể từ ngày nhập vào than xác cồng kềnh, thô lỗ của anh hàng thịt.

Bi kịch đầu tiên của hồn Trương Ba đó là không được sống với cái "Tôi" toàn vẹn. Ở đây, hồn Trương Ba phải sống nhờ sống gửi, sống gá vào thân xác cồng kềnh của người khác, trái hoàn toàn với qui luật tự nhiên của cuộc sống con người. Cái tài của nhà văn Lưu Quang Vũ là miêu tả cái bi kịch của hồn Trương Ba dù bất cứ ở nơi đâu đều lạc lõng, khổ đau, thấy mình như bị xúc phạm. Trước hết, tác giả để Trương Ba ở tạm nhà anh hàng thịt. Hồn Trương Ba xuất hiện ở gia đình anh hàng thịt không chấp nhận được lối sống của gia đình với những con người sống với cái vật chất tầm thường. Cái tâm hồn thanh cao của Trương Ba không thể chấp nhận những đòi hỏi, những nhu cầu, những dục vọng rất tầm thường của vợ anh hàng thịt. Mỗi lần thấy những đòi hỏi ấy, hồn Trương Ba hoàn toàn bị xúc phạm.

Tuy nhiên, bi kịch đẩy đến đỉnh điểm khi hồn Trương Ba xuất hiện ngay tại gia đình mình. Cuộc đời con người khổ đau nhất khi bị người thân gia đình ruồng bỏ, xa lánh. Con người ta có thể bị xã hội ruồng bỏ nhưng gia đình là nơi an tâm nhất thì ở đây, Trương Ba lại bị thành viên trong gia đình từ chối, không chấp nhận. Người vợ hiền hậu là thế giờ đây cũng không thể chấp nhận được Trương Ba và đã có ý định bỏ đi. Trương Ba nhận thức được rất rõ điều này. Khi tâm sự với con dâu về vợ, Trương Ba đau đớn vô cùng. Có lẽ vợ Trương Ba thực sự rất đau khổ khi phải chôn chồng mình lúc Trương Ba chết. Có lẽ cái nỗi đau ấy cùng với năm tháng, thế giới nó sẽ làm nguội đi vết thương lòng. Nhưng giờ đây hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt. Cùng với thế giới, vợ Trương Ba không thể chấp nhận được. Người con trai không chấp nhận, không nhận bố bởi bố anh không bao giờ vũ phu, đánh anh như vậy. Đứa cháu cũng xua đuổi bóng dáng của ông đồ tể, không chấp nhận hồn Trương Ba, da hàng thịt. Ngay cả người con dâu vị tha là thế nhưng cũng hoài nghi.

Còn trong con mắt của người bạn cờ đó là Triệu Hỏa thì có lẽ Trương Ba không còn chơi nước cờ cao thượng nữa. Khi bắt đầu vào cờ, đó là lối đi cờ của Trương Ba. Nhưng chỉ cần đi thêm hai nước cờ thì không còn nước cờ của Trương Ba ngày xưa nữa, không hề khoáng đạt, phóng khoáng nữa. Nước cờ của Trương Ba khi nhập vào thân xác anh hàng thịt vụn vặt, tủn mủn, chỉ có thể có ở hạng người tiểu nhân mà thôi. Đây chính là hậu quả của hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt. Giờ đây Trương Ba chiết cây thì cây gãy, làm diều cho cu Tị thì diều hỏng. Ở đâu, Trương Ba cũng thấy mình bị lạc lõng như vậy. Toàn bộ bi kịch này, toàn bộ cảnh tượng này được kết tinh lại trong cảnh bảy của vở kịch. Trong cảnh bảy của "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", Lưu Quang Vũ đã đẩy vở kịch len đến đỉnh điểm để thắt nút vở kịch rồi cũng chính ở phần cuối cảnh người nghệ sĩ đã cởi trói vở kịch vô cùng nhân văn, vô cùng sáng tạo. Điều này chỉ có thể có ở nhà viết kich tài ba Lưu Quang Vũ.

Nếu ai đã đọc toàn bộ vở kịch này hẳn sẽ nhận thấy không phải chỉ đến cảnh bảy Trương Ba mới gặp bi kịch. Những ngày trước hồn Trương Ba vừa nhập vào thân xác anh hàng thịt đã bộc lộ bi kịch này. Ta thấy rất rõ ở xung đột kịch đầu tiên giữa hồn Trương Ba với thân xác cồng kềnh của anh hàng thịt. Cần phải khẳng định trong vở kịch này, hồn Trương Ba tượng trưng cho phần tinh túy của con người, tượng trưng cho thế giới tâm hồn. Nó thuộc vào phạm trù ý thức của con người. Nó là phần "Người" trong hai chữ "Con Người". Còn xác ở đây nó thuộc vào thế giới vật chất, là phần "Con" trong hai chữ "Con Người" mà Maxim Gorky đã trân trọng viết hoa nó. Như vậy, hai chữ "Con Người" cần phải cân đối với nhau. Ở trong cái "Tôi" toàn vẹn, một cái "Tôi" thống nhất thì hai chữ "Con" và "Người" được tôn trọng như nhau.

Tuy nhiên ở đây nó lại là nghịch cảnh. Hồn của Trương Ba lại ở trong da của anh hàng thịt, nghĩa là bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo không thống nhất nhau, hồn và xác không nằm trong cái "Tôi" thống nhất cho nên hồn và xác đầy mâu thuẫn với nhau. Thông qua xung đột đầu tiên giữa hồn và xác, tác giả đã đưa ra rất nhiều ý nghĩa. Hồn lúc đầu coi thường xác, gọi xác là "mày" xưng "ta". Đối với hồn xác chỉ là xác thịt thâm u, đui mù, không biết gì cả. Hồn khinh bỉ xác suốt ngày rượu thịt, tiết canh, lòng lợn, khấu đuôi, ngày ăn tám, chín bát cơm,... Chính vì vậy, khi vở kịch mới mở ra Trương Ba đã nói ngay là không thể trú ngụ vào cáy thân xác thô lỗ này.

Mặt khác, xác cũng có cái lí rất riêng. Xác cũng rất cao ngạo, thậm chí như trêu ngươi hồn: "Cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác." Xác lí luận rằng ngày ăn 8, 9 bát cơm không phải lỗi của xác, vấn đề là có đủ 8,9 bát cơm cho xác ăn hay không. Bên cạnh đó, mỗi lần uống rượu thịt thì hồn cũng được thưởng thức. Hồn muốn nhìn ngắm được trời đất cũng là do mắt của xác. Hồn làm được cây cũng là do tay của xác thịt. Ngay cả hồn chơi cừ được cũng là do xác thịt. Như vậy rõ ràng hồn không thể thoát được xác, buôc phải tồn tại trong một thể xác. Muốn có ý thức phải có vật chất bởi vật chất quyết định ý thức, bởi "có thực mới vực được đạo". Trước cái lí trần trụi của xác, hồn bắt đầu đuối lí. Dù hồn có nhắm mắt lại, bịt tai không muốn nghe nhưng đó là những lời lẽ rất thành thực, Vì đuối lí nên hồn đã đổi cách xưng hô từ "ta" – "mày" sang thành "anh" và "ta".

Với xung đột đầu tiên này, Lưu Quang Vũ một mặt tố cáo tầng lớp những con người Việt Nam rút ra khỏi bom đạn chiến tranh nhưng chạy theo lối sống vật chất, đồng tiền. Nếu theo giọng điệu của vở kịch này, ai đó chạy theo vật chất, đề cao vật chất, đề cao đồng tiền thì giá trị tốt đẹp chân chính của con người bị đảo lộn ngay bởi Balzac nói đồng tiền là con đĩ của xã hội. Nơi nào đề cao vật chất, đồng tiền thì nơi ấy người ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay ở người thân khi người thân chết mà Vũ Trọng Phụng có lần đã thể hiện trong "Hạnh phúc của một tang gia".

Không chỉ tố cáo những người chạy the vật chất, Lưu Quang Vũ còn tập trung vào tố cáo những con người cũng thuộc một bộ phận rất lớn trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ rút ra khỏi cuộc chiến tranh nhưng cũng giữ nguyên cái lối sống thanh cao của mình của một thời trên chiến trường. Đó là những con người đẹp như chân lí sinh ra, coi thường vật chất, coi khinh đồng tiền nhưng không thoát qua được nó. Điều này đã từng được Lưu Quang Vũ tố cáo rất mạnh trong vở kịch "Bệnh sĩ".

Ngoài ra, Lưu Quang Vũ còn khẳng định rằng nếu sống quá lâu trong thế giới vật chất tầm thường này thì ít nhiều cái đẹp sẽ bị hòa tan, bị ảnh hưởng. Ý nghĩa này gợi cho ta nhớ tới câu nói "Gần mực thì đen". Điều này được thể hiện rất rõ ở hồn Trương Ba. Từ ngày hồn cao đẹp nhập vào thân xác cồng kềnh của anh hàng thịt, hồn đã bị ảnh hưởng. Trong con mắt của con, Trương Ba giờ đây là một người vũ phu. Đối với cháu, chắt, bóng dáng Trương Ba là bóng dáng ông đồ tể. Đến cả cách chơi cờ của ông cũng tủn mủn. Nước chơi cờ giờ đây toàn nước của tiểu nhân bởi con người đang thanh cao giờ ngày nào cũng rượu thịt, tiết canh, lòng lợn,... Rõ ràng đây là hậu quả của hồn Trương Ba sống vào trong thân xác của anh hàng thịt bởi bản chất con người bên cạnh việc gieo giống, bên cạnh cái tôi của mình nó còn là do hoàn cảnh, do môt trường tạo nên. Gặp được mảnh đất tốt, con người dễ phát triển cái "Tôi" của mình. Nhưng cái "tôi" ấy, cái hạt giống tốt ấy được đặt vào mảnh đất khô cằn, môi trường tệ thì ngay lập tức nó bị ảnh hưởng.

Khi một người đang gặp bi kịch mà không nhận thức được điều này thì không còn gì để mà nói. Ở đây hồn Trương Ba đã nhận ra được điều này và cảm thấy đau đớn vô cùng. Nếu cứ phải sống nhờ thế này thì thà chết một lần để được làm người còn hơn phải chết dần chết mòn. Thế là hồn Trương Ba quyết định chết ngay lần hai và đã thắp hương gọi Đế Thích xuống. Chính điều này đã dẫn đến xung đột hai của vở kịch: xung đột giữa Trương Ba và tiên Đế Thích.

Giờ đây Trương Ba gọi Đế Thích xuống để xin chết lần hai và trả lại thân xác anh hàng thịt. Là một vị "tiên trên trời", Đế Thích không hiểu gì cả. Đế Thích cứ tưởng rằng từ ngày hồn Trương Ba nhập vào thân xác anh hàng thịt thì phải hạnh phúc sao giờ lại đòi chết? Nhưng Trương Ba đã nói rất rõ rằng Đế Thích giữ Trương Ba chẳng qua chỉ vì sự ích kỉ cá nhân để có một người hầu cờ. Trương Ba khẳng định: "Nếu còn tiếp tục sống tôi cũng chẳng thích đánh cờ với ông nữa! Đánh cờ với ông chán lắm!". Lí do của Trương Ba muốn chết là để trở về với cái "tôi" toàn vẹn chứ không thể sống nhờ như thế này. Sống như thế này không những chính Trương Ba khổ mà còn gây khổ cho cả gia đình. Trương Ba đã nói:

– Từ lúc tôi đi đến quyết định này, tôi mới thấy tôi thanh thản, tôi bỗng cảm thấy mình là Trương Ba của ngày xưa.

Nói đến cái "Tôi", Đế Thích đã nói rằng:

– Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ý? Ngay cả tôi ðây cũng đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Ngay cả Ngọc Hoàng cũng có được sống với cái "Tôi" toàn thể đâu.

Như vậy qua câu nói này, Lưu Quang Vũ muốn tố cáo cái xã hội dối trá bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, sẵn sàng bệ đỡ để lên ngôi, để được thăng quan tiến chức

Nhưng đọc kịch của Lưu Quang Vũ, người yêu kịch vẫn nhận thấy, vẫn tự tin trong đống của những con người lố nhố đang thăng quan tiến chức, đang bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo thì bỗng thấy có Lưu Quang Vũ sống thẳng thắn, trung thực hóa thân thành Trương Ba để bộc lộ quan điểm của mình. Mặc dù vậy, quan điểm của Lưu Quang Vũ, vở kịch của Lưu Quang Vũ, văn chương của Lưu Quang Vũ không hề bơi ngược dòng với luận điệu của Đảng, không hề bơi ngược dòng với văn chương Việt Nam. Thế nên những tác phẩm của Lưu Quang Vũ cứ như con thuyền xuôi mái nhưng vẫn thể hiện được ý tưởng, chính kiến của mình. Đó là những đạo đức của cuộc sống, là giá trị nhân văn của cuộc sống. Lưu Quang Vũ xứng đáng là một nhà văn lớn trên thi đàn văn chương Việt Nam.

4. Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt mẫu 3

Lưu Quang Vũ là một trong những nhà soạn kịch tài năng bậc nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, tiêu biểu nhất trong số đó có thể kể đến vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Thông qua câu chuyện về bi kịch của Trương Ba, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện được nhiều quan niệm nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được sáng tác dựa trên một câu chuyện dân gian cổ, tuy nhiên nếu như truyện dân gian chỉ kết thúc ở chi tiết hồn Trương Ba trở về với xác của mình thì vở kịch của Lưu Quang Vũ lại được phát triển từ phần kết của câu chuyện đó để truyền tải những quan niệm nhân sinh sâu sắc.

Câu chuyện xoay quanh bi kịch của Trương Ba khi bị chết oan, để tiếp tục sống thì buộc ông phải sống trong thân xác của người hàng thịt. Điều đáng nói là xác người hàng thịt tuy chỉ là thể xác âm u đui mù nhưng lại có những nhu cầu riêng, tính cách riêng và có sức mạnh để thực hiện những nhu cầu của mình, từ khi sống trong thân xác của người hàng thịt, Trương Ba dần thay đổi trong mắt của mọi người.

Trương Ba phải sống nương nhờ vào xác của người hàng thịt, vốn là người làm vườn chăm chỉ, giàu tình yêu thương, một người trí thức am hiểu, sống có trách nhiệm nhưng khi khi sống trong xác người hàng thịt, Trương Ba đã bị cái xác chi phối, dần trở thành con người vụng về, thô tục với những ham muốn tầm thường, dần trở nên thô lỗ khi dùng bàn tay và sức mạnh của người hàng thịt để đánh anh con trai đến bật máu. Cũng từ khi sống trong thân xác của người hàng thịt, Trương Ba không còn quan tâm đến hàng xóm láng giềng.

Những thay đổi của Trương Ba đã khiến cho người thân thất vọng, bản thân Trương Ba cũng nhận thấy sự đổi khác của mình nhưng lại không thể kiểm soát được thể xác tưởng chừng âm u đui mù. Trương Ba hoàn toàn bất lực trong việc kiểm soát hành động và những suy nghĩ không đúng đắn của bản thân, dù cố gắng giải quyết nhưng ông vẫn đau khổ vì không thể phủ nhận rằng mình đang dần đánh mất chính mình. Câu nói của Trương Ba với xác người hàng thịt trong sự tuyệt vọng đã thể hiện nỗi đau khổ, bất lực đến cùng cực của ông “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta”.

Không chỉ đau khổ với bi kịch không được sống là chính mình, sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo mà Trương Ba còn phải đối mặt với bi kịch bị từ chối. Trước những sự thay đổi của Trương Ba, những người thân và hàng xóm láng giềng đều không sao hiểu được, càng yêu quý, kính trọng con người trước kia của ông bao nhiêu thì họ càng không thể chấp nhận con người hiện tại của Trương Ba.

Người vợ vì hờn ghen với mối quan hệ không rõ ràng giữa Trương ba và vợ người hàng thịt mà muốn bỏ đi. Cháu gái khóc lóc và kiên quyết không chịu thừa nhận Trương ba của hiện tại là người ông hiền từ, giàu yêu thương trước đây. Chị con dâu, người thương và hiểu Trương ba nhất cũng không giấu nổi sự thất vọng khi thấy bố ngày càng đổi khác “ mỗi ngày…một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi”.

Chính bản thân của Trương ba cũng không thể chấp nhận được sự thay đổi của bản thân, để chấm dứt bi kịch sống không phải là mình, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của bản thân, Trương Ba đã quyết định lựa chọn cái chết để trả lại xác người hàng thịt cho người hàng thịt, để bản thân được sống trọn vẹn , thống nhất.

Thông qua nhân vật Trương ba cùng bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để sống hạnh phúc, con người cần dung hòa được các nhu cầu ấy.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Phân tích nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm