Sự cân bằng lực - Quán tính
Chuyên đề Vật lý lớp 8: Sự cân bằng lực - Quán tính được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo. Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh học tốt môn Vật lý lớp 8 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.
Lý thuyết: Sự cân bằng lực - Quán tính
A. Lý thuyết
1. Hai lực cân bằng
- Hai lực cân bằng là hai lực cùng tác dụng lên một vật, có cường độ bằng nhau, phương nằm trên cùng một đường thẳng, chiều ngược nhau.
Ví dụ: Khi đặt một quyển sách trên mặt bàn nằm ngang, trọng lực P→ có phương thẳng đứng, hướng xuống và lực nâng N→ của mặt bàn tác dụng lên quyển sách có phương thẳng đứng, hướng lên. Trọng lực P→ và lực nâng N→ cân bằng nhau, kết quả là quyển sách nằm yên trên mặt bàn.
- Dưới tác dụng của các lực cân bằng:
+ Một vật đang đứng yên sẽ tiếp tục đứng yên.
Dây thừng nằm yên dưới tác dụng của hai lực cân bằng
+ Một vật đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều.
Người trượt patin đang chuyển động thẳng đều trên mặt sàn trơn nhẵn do chịu tác dụng của hai lực cân bằng là trọng lực P→ và phản lực của mặt sàn N→
2. Quán tính
Khi có lực tác dụng, mọi vật đều không thể thay đổi vận tốc đột ngột được vì mọi vật đều có quán tính. Có thể nói quán tính là tính chất giữ nguyên vận tốc và hướng chuyển động của vật.
- Lực tác dụng càng lớn thì sự biến đổi chuyển động diễn ra càng nhanh.
Ví dụ: Người ngồi trên xe ô tô có xu hướng chúi về phía trước khi ô tô phanh đột ngột do có quán tính.
- Vật có khối lượng càng lớn thì sự biến đổi chuyển động diễn ra càng chậm.
Ví dụ: Hai ô tô có khối lượng khác nhau đang chuyển động với cùng một vận tốc. Nếu hãm phanh với lực có cùng độ lớn thì ô tô có khối lượng lớn hơn sẽ lâu dừng lại hơn.
B. Trắc nghiệm
Bài 1: Hai lực cân bằng là:
A. Hai lực cùng đặt vào một vật, cùng cường độ, có chiều ngược nhau.
B. Hai lực cùng đặt vào một vật, cùng cường độ, có chiều ngược nhau, có phương nằm trên hai đường thẳng khác nhau.
C. Hai lực cùng đặt vào hai vật khác nhau, cùng cường độ, có phương cùng trên một đường thẳng, có chiều ngược nhau.
D. Hai lực cùng đặt vào một vật, cùng cường độ, có phương cùng trên một đường thẳng, có chiều ngược nhau.
Hai lực cùng đặt vào một vật, cùng cường độ, có phương cùng trên một đường thẳng, có chiều ngược nhau
⇒ Đáp án D
Bài 2: Dấu hiệu nào sau đây là của chuyển động theo quán tính?
A. Vận tốc của vật luôn thay đổi.
B. Độ lớn vận tốc của vật không đổi.
C. Vật chuyển động theo đường cong.
D. Vật tiếp tục đứng yên hoặc tiếp tục chuyển động thẳng đều
Dấu hiệu của chuyển động theo quán tính là vật tiếp tục đứng yên hoặc tiếp tục chuyển động thẳng đều
⇒ Đáp án D
Bài 3: Khi xe ô tô đang chuyển động trên đường đột ngột phanh (thắng gấp). Hành khách trên xe bị xô về phía trước là do
A. ma sát B. quán tính C. trọng lực D. lực đẩy
Khi xe ô tô đang chuyển động trên đường đột ngột phanh (thắng gấp). Hành khách trên xe bị xô về phía trước là do quán tính
⇒ Đáp án B
Bài 4: Trong các chuyển động sau chuyển động nào là chuyển động do quán tính?
A. Hòn đá lăn từ trên núi xuống.
B. Xe máy chạy trên đường.
C. Lá rơi từ trên cao xuống.
D. Xe đạp chạy sau khi thôi không đạp xe nữa.
Chuyển động của xe đạp chạy sau khi thôi không đạp xe nữa là chuyển động do quán tính
⇒ Đáp án D
Bài 5: Một vật đang đứng yên trên mặt phẳng nằm ngang. Các lực tác dụng vào vật cân bằng nhau là:
A. Trọng lực P của Trái Đất với lực ma sát F của mặt bàn.
B. Trọng lực P của Trái Đất với lực đàn hồi.
C. Trọng lực P của Trái Đất với phản lực N của mặt bàn.
D. Lực ma sát F với phản lực N của mặt bàn.
Một vật đang đứng yên trên mặt phẳng nằm ngang. Các lực tác dụng vào vật cân bằng nhau là trọng lực P của Trái Đất với phản lực N của mặt bàn
⇒ Đáp án C
Bài 6: Vì sao hành khách ngồi trên ô tô đang chuyển động thẳng bỗng thấy mình bị nghiêng sang bên trái?
A. Vì ô tô đột ngột giảm vận tốc.
B. Vì ô tô đột ngột tăng vận tốc.
C. Vì ô tô đột ngột rẽ sang trái.
D. Vì ô tô đột ngột rẽ sang phải.
Vì sao hành khách ngồi trên ô tô đang chuyển động thẳng bỗng thấy mình bị nghiêng sang bên trái vì ô tô đột ngột rẽ sang phải
⇒ Đáp án D
Bài 7: Khi có lực tác dụng, mọi vật đều không thể thay đổi vận tốc đột ngột được vì mọi vật đều có:
A. ma sát B. trọng lực C. quán tính B. đàn hồi
Khi có lực tác dụng, mọi vật đều không thể thay đổi vận tốc đột ngột được vì mọi vật đều có quán tính
⇒ Đáp án C
Bài 8: Một xe ô tô đang chuyển động thẳng thì đột ngột dừng lại. Hành khách trên xe sẽ như thế nào?
A. Hành khách nghiêng sang phải
B. Hành khách nghiêng sang trái
C. Hành khách ngả về phía trước
D. Hành khách ngả về phía sau
Một xe ô tô đang chuyển động thẳng thì đột ngột dừng lại. Hành khách trên xe ngả về phía trước
⇒ Đáp án C
Bài 9: Khi xe đạp, xe máy đang xuống dốc, muốn dừng lại một cách an toàn nên hãm phanh (thắng) bánh nào?
A. Bánh trước
B. Bánh sau
C. Đồng thời cả hai bánh
D. Bánh trước hoặc bánh sau đều được
Khi xe đạp, xe máy đang xuống dốc, muốn dừng lại một cách an toàn nên hãm phanh (thắng) bánh sau
⇒ Đáp án B
Bài 10: Một vật đang chuyển động thẳng đều với vận tốc v dưới tác dụng của hai lực cân bằng F1→ và F2→ theo chiều của lực F2→. Nếu tăng cường độ của lực F1→ thì vật sẽ chuyển động với vận tốc:
A. luôn tăng dần
B. luôn giảm dần
C. tăng dần đến giá trị cực đại rồi giảm dần
D. giảm dần đến giá trị bằng không rồi đổi chiều và tăng dần.
Nếu tăng cường độ của lực F1→ thì vật sẽ chuyển động với vận tốc giảm dần đến giá trị bằng không rồi đổi chiều và tăng dần
⇒ Đáp án D
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết Vật lý 8: Sự cân bằng lực - Quán tính. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Chuyên đề Vật lý 8, Giải bài tập Vật lý lớp 8, Giải bài tập Vật Lí 8, Tài liệu học tập lớp 8 mà VnDoc tổng hợp và giới thiệu tới các bạn đọc