Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai
Lý thuyết Lịch sử lớp 9: Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp các câu hỏi lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Lịch sử lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Lý thuyết môn Lịch sử lớp 9 bài 11
Lý thuyết bài: Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai
I. SỰ HÌNH THÀNH TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI
*Hoàn cảnh: vào giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ hai, ba cường quốc Xô -Mỹ- Anh họp Hội nghị cấp cao ở I -an -ta (Liên Xô) từ 4 đến 11-2-1945, để giải quyết những vấn đề sau chiến tranh.
Nguyên thủ 3 nước (Từ trái qua phải) Mỹ (Ru dơ ven), Anh (Sớc sin), Liên Xô (Xtalin) họp hội nghị quốc tế ở I-an-ta (Liên Xô)
- Hội nghị đã thông qua những quyết định quan trọng về việc phân chia khu vực ảnh hưởng giữa các cường quốc thắng trận: Liên Xô, Mĩ, Anh,...
*Ở châu Âu
+ Liên Xô chiếm đóng và kiểm soát Đông Đức, Đông Âu.
+ Mỹ – Anh chiếm đóng và kiểm soát Tây Đức và Tây Âu.
*Ở châu Á
+ Mỹ kiểm soát Nam Triều Tiên, Liên Xô kiểm soát Bắc Triều Tiên (vĩ tuyến 38 là ranh giới phân chia Nam Bắc Triều Tiên)
+ Trả lại cho Trung Quốc: Đài Loan và Mãn Châu, thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc gồm Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc
+ Tôn trọng độc lập của Mông Cổ.
+ Trả lại cho Liên Xô miền nam đảo Xa-kha-lin.
+ Đông Nam Á và Nam Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây cũ.
Bản đồ phân chia khu vực ảnh hưởng của các nước Đồng minh
- Ngoài ra Hội nghị I-an-ta còn đưa ra quyết định quan trọng đó là thành lập một tổ chức quốc tế - Liên hợp quốc để duy trì hòa bình và an ninh thế giới.
=> Những thoả thuận ở trên giữa các cường quốc đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới, gọi là "Trật tự hai cực I-an-ta"
II. SỰ THÀNH LẬP LIÊN HỢP QUỐC
- 24-10-1945 Liên Hiệp Quốc thành lập, trụ sở đặt tại New York
Biểu tượng của tổ chức Liên hợp quốc
* Nhiệm vụ
- Duy trì, hòa bình và an ninh thế giới.
- Phát triển hữu nghị hợp tác giữa các nước trên cơ sở bình đẳng giữa các quốc gia.
- Thực hiện sự hợp tác quốc tế về kinh tế về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân đạo
* Vai trò của Liên Hiệp Quốc: duy trì hòa bình, an ninh thế giới, đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giúp đỡ các nước phát triển kinh tế, văn hóa.
* Mối liên hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc
- Tháng 9 -1977 VN gia nhập Liên hiệp quốc.
*Các tổ chức Liên hiệp quốc hoạt động tại Việt Nam
+ UNICEF: Quỹ Nhi Đồng Liên hiệp quốc.
+ UNESCO: Tổ chức Văn hóa- Khoa Học – Giáo dục Liên hiệp quốc.
+ WHO: Tổ chức Y tế thế giới.
+ FAO: Tổ chức Lương – Nông.
+ IMF: Quỹ tiền tệ quốc tế.
+ ILO: Lao động quốc tế.
+ UPU: Bưu chính.
+ ICAO: Hàng không
+ IMO: Hàng hải.
+ IAEA: Năng lượng nguyên tử
III. CHIẾN TRANH LẠNH
- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hai cường quốc Liên Xô và Mĩ đã chuyển sang tình trạng đối đầu, mâu thuẫn. Đó là tình trạng "Chiến tranh lạnh" giữa hai phe: Tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, kéo dài trong suốt nửa sau thế kỉ XX.
Vậy "Chiến tranh lạnh" là gì?
- Chiến tranh lạnh là chính sách thù địch về mọi mặt của Mĩ và các nước đế quốc trong quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
*Biểu hiện: Mỹ và các nước đế quốc chạy đua vũ trang; thành lập các khối quân sự và căn cứ quân sự; đàn áp phong trào giải phóng dân tộc; tiến hành chiến tranh xâm lược.
* Hậu quả: vô cùng nặng nề, thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh mới. Hơn nữa, chi phí mà các nước bỏ ra đề sản xuất vũ khí, xây dựng căn cứ quân sự hết sức tốn kém trong bối cảnh loài người vẫn đang phải chịu đựng rất nhiều khó khăn: đói nghèo, bệnh tật, thiên tai,...
IV. THẾ GIỚI SAU CHIẾN TRANH LẠNH
- Sau 4 thập niên chạy đua vũ trang, 12-1989 Tổng thống Mỹ Bu-sơ (cha) và Gooc- ba- chop tuyên bố chấm dứt “chiến tranh lạnh"
Bức tường Berlin - biểu tượng của Chiến tranh lạnh sụp đổ
- Xu hướng của thế giới sau Chiến tranh lạnh.
+ Một là hòa hoãn và hòa dịu trong quan hệ quốc tế.
+ Hai là sự tan rã của trật tự 2 cực Ianta, thế giới tiến tới một trật tự thế giới đa cực nhiều trung tâm. Mỹ lại chủ trương "thế giới đơn cực" để thống trị thế giới.
+ Ba là dưới tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật các nước điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
+ Bốn là ở nhiều khu vực xảy ra nhiều xung đột quân sự hay nội chiến
- Xu thế chung là hòa bình ổn định và hợp tác phát triển kinh tế. Đó vừa là thời cơ, vừa là thách thức với các dân tộc trên thế giới khi bước vào thế kỉ XXI.
* Chủ trương của Đảng trong bối cảnh mới.
- Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
- Tăng cường quốc phòng an ninh.
- Đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
- Đối ngoại hòa bình, hữu nghị hợp tác.
Câu hỏi thực hành và đáp án bài: Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai
1/ Bối cảnh lịch sử dẫn đến việc triệu tập Hội nghị I-an-ta?
Trả lời:
- Đầu năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, trong nội bộ phe Đồng minh có nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận, có liên quan đến tình hình hòa bình, an ninh và trật tự thế giới mới sau chiến tranh.
- Trong bối cảnh đó, một Hội nghị quốc tế ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh được triệu tập tại I-an-ta (Liên Xô) từ ngày 4 đến 11/2/1944 để giải quyết những vấn đề sau chiến tranh.
2/ Cho biết thành phần tham dự Hội nghị I-an-ta?
Trả lời:
Thành phần tham dự Hội nghị I-an-ta gồm 3 nguyên thủ của ba cường quốc trong phe Đồng minh đó là:
- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô I.Xtalin
- Tổng thống Mĩ Ph.Ru-dơ-ven
- Thủ tướng Anh U.Sớc-sin
3/ Hội nghị I-an-ta đã có những quyết định quan trọng nào?
Trả lời:
- Hội nghị I-an-ta đã thông qua những quyết định quan trọng sau:
- Thống nhất mục tiêu chung là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật ở châu Á
- Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình, an ninh và trật tự thế giới sau chiến tranh
- Thỏa thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải pháp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa các nước chiến thắng ở châu Âu và châu Á.
4/ Các nước tham dự Hội nghị I-an-ta đã phân chia khu vực ảnh hưởng giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ như thế nào?
Trả lời:
- Ở châu Âu: Liên Xô chiếm đóng và kiểm soát vùng Đông nước Đức và phía đông châu Âu (Đông Âu); vùng Tây nước Đức và Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ và Anh.
- Ở châu Á: Hội nghị chấp nhận những điều kiện của Liên Xô là duy trì nguyên trạng Mông Cổ (tức là tôn trọng nền độc lập của Mông Cổ). Trả lại cho Liên Xô phía nam đảo Xa-kha-lin; trao trả cho Trung Quốc những đất đai đã bị Nhật chiếm đóng trước đây (như Đài Loan, Mãn Châu....); thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc gồm Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Triều Tiên được công nhận là một quốc gia độc lập nhưng tạm thời quân đội Liên Xô và Mĩ chia nhau kiểm soát và đóng quân ở Bắc và Nam vĩ tuyến 38.
- Các vùng còn lại ở châu Á (như Đông Nam Á, Nam Á..) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.
5/ Những quyết định và những thỏa thuận giữa các cường quốc trong Hội nghị I-an-ta đã dẫn đến hệ quả gì?
Trả lời:
Toàn bộ những thỏa thuận quy định của Hội nghị I-an-ta đã trở thành khuôn khổ của một trật tự thế giới mới được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà lịch sử gọi là Trật tự hai cực I-an-ta do Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi cực.
Những quyết định của Hội nghị I-an-ta đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới từng bước được thiết lập sau chiến tranh, thường được gọi là "Trật tự hai cực I-an-ta" đứng đầu là Liên Xô và Mĩ.
6/ Vì sao nói Hội nghị I-an-ta là một "Hội nghị lịch sử "?
Trả lời:
Hội nghị I-an-ta là một "Hội nghị lịch sử " vì: Hội nghị đã thông qua những quyết định quan trọng trong việc phân chia khu vực ảnh hưởng giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ, hình thành một trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai mà lịch sử thường gọi là "Trật tự hai cực I-an-ta" đứng đầu là Liên Xô và Mĩ.
7/ Liên hợp quốc ra đời trong hoàn cảnh nào?
Trả lời:
Theo quyết định của Hội nghị I-an-ta về việc thành lập một tổ chức quốc tế mới là Liên hợp quốc, từ ngày 25-4 đến 26-6-1945, một hội nghị quốc tế họp tại Xan Pran-xi-co (Mĩ) với sự tham gia của các đại biểu 50 nước, để thông qua bản Hiến chương và tuyên bố thành lập tổ chức Liên hợp quốc.
8/ Những nhiệm vụ chính của Liên hợp quốc là gì?
Trả lời:
Nhiệm vụ chính của Liên hợp quốc là:
- Duy trì hòa bình và an ninh thế giới
- Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các dân tộc
- Thực hiện sự hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa và nhân đạo
9/ Liên hợp quốc hoạt động dựa trên những nguyên tắc nào?
Trả lời:
Liên hợp quốc hoạt động dựa trên những nguyên tắc:
- Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc
- Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào
- Chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa năm cường quốc (Liên Xô-nay là Liên bang Nga, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc).
10/ Vai trò của Liên hợp quốc kể từ khi thành lập đến nay như thế nào?
Trả lời:
Trong hơn nửa thế kỉ qua, Liên hợp quốc đã có vai trò quan trọng là:
- Duy trì hòa bình và an ninh thế giới
- Giải quyết các vụ tranh chấp, xung đột ở nhiều khu vực
- Đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
- Giúp đỡ các nước phát triển kinh tế, văn hóa, nhất là đối với các nước Á, Phi và Mĩ La-tinh
11/ Việt Nam tham gia tổ chức Liên hợp quốc khi nào?
Trả lời
Vào lúc 18h30 ngày 20-9-1977, Chủ tịch khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, thứ trưởng ngoại giao Nam Tư La-da Moi-xốp trịnh trọng nói: "Tôi tuyên bố Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận là thành viên của Liên hợp quốc". Việt Nam là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc
12/ Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kì nào?
Trả lời
Ngày 16-10-2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kì 2008-2009
13/ Nêu những việc làm của Liên hợp quốc giúp đỡ nhân dân Việt nam mà em biết?
Trả lời:
- Chăm sóc trẻ em, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ; tiêm chủng phòng dịch, đào tạo nguồn nhân lực, các dự án trồng rừng, cải cách hành chính, giúp đỡ các vùng bị thiên tai, lũ lụt, ngăn chặn đại dịch AIDS
- Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP viện trợ không hoàn lại 270 triệu USD, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF giúp khoảng 300 triệu USD, Quỹ Dân số thế giới và UNFPA giúp 86 triệu USD, tổ chức nông lâm thế giới giúp 76,7 triệu USD.
14/ Em hiểu như thế nào là "Chiến tranh lạnh"?
Trả lời:
- "Chiến tranh lạnh" là chính sách thù địch về mọi mặt của Mĩ và các nước đế quốc trong quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, kéo dài phần lớn thời gian trong nửa sau thế kỉ XX.
- Đây là cuộc chiến tranh không có xung đột trực tiếp bằng quân sự giữa hai phe nhưng diễn ra trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-tư tưởng, chạy đua vũ trang làm cho thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, phức tạp.
15/ Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng "Chiến tranh lạnh"?
Trả lời:
- Trước hết là do sự đối lập về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ:
+ Liên Xô chủ trương duy trì hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới
+ Ngược lại, Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.
- Mĩ hết sức lo ngại ảnh hưởng to lớn của Liên Xô và chủ nghĩa xã hội
- Nhưng cũng sau chiến tranh, Mĩ đã vươn lên thành một nước tư bản giàu mạnh nhất, vượt xa các nước tư bản khác, nắm độc quyền vũ khí nguyên tử. Mĩ tự cho mình có quyền lãnh đạo thế giới, làm bá chủ thế giới.
16/ Hãy nêu những biểu hiện của tình trạng "Chiến tranh lạnh"?
Trả lời:
Những biểu hiện của tình trạng "Chiến tranh lạnh":
- Mĩ và các nước đế quốc đã ráo riết chạy đua vũ trang, tăng cường ngân sách quân sự, thành lập các khối quân sự cùng các căn cứ quân sự bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
- Mĩ tiến hành nhiều cuộc chiến tranh đàn áp cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên nhiều khu vực của thế giới.
17/ Trước những hoạt động của Mĩ và các nước đế quốc, Liên Xô đã có những hành động gì?
Trả lời:
Trước tình hình bị đe dọa, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa buộc phải tăng cường ngân sách quốc phòng, củng cố khả năng phòng thủ của mình.
18/ "Chiến tranh lạnh" đã dẫn đến những hậu quả gì?
Trả lời:
"Chiến tranh lạnh" đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề. Đó là:
- Thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới.
- Tuy đang trong thời kì hòa bình, nhưng các cường quốc đã chi một khối lượng khổng lồ về tiền của và sức người để sản xuất các loại vụ khí hủy diệt, xây dựng hàng nghìn căn cứ quân sự, do đó đời sống của nhân dân nhiều nước bị giảm sút, tình hình xã hội bất ổn.
- Loài người vẫn phải chịu đựng biết bao khó khăn do dịch bệnh, đói nghèo, thiên tai.....gây ra, nhất là các nước châu Á, châu Phi.
19/ Mĩ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt "Chiến tranh lạnh" từ khi nào?
Trả lời:
Mĩ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt "Chiến tranh lạnh" vào tháng 12/1989.
20/ Vì sao Mĩ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt "Chiến tranh lạnh"?
Trả lời:
Hai siêu cường quốc Mĩ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh là vì:
- Cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn 4 thập niên đã làm cho cả hai nước quá tốn kém và suy giảm "thế mạnh" của họ trên nhiều mặt so với các cường quốc khác.
- Sự vươn lên mạnh mẽ của Đức, Nhật Bản và các nước Tây Âu đã khiến các nước này đã trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Mĩ. Còn nền kinh tế Liên Xô lúc này càng lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
- Hai cường quốc Mĩ - Xô đều cần phải thoát khỏi thế "đối đầu" để ổn định và củng cố vị thế của mình, vươn lên kịp các nước khác.
21/ Hãy nêu lên các xu thế phát triển của thế giới ngày nay?
Trả lời:
Các xu thế phát triển của thế giới ngày nay là:
- Xu thế hòa hoãn và hòa dịu trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn tránh xung đột trực tiếp, đối đầu nhau. Các cuộc xung đột quân sự nhiều khu vực được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thương lượng.
- Sự tan rã của Trật tự hai cực I-an-ta và thế giới đang tiến tới lập một Trật tự thế giới mới đa cực, nhiều trung tâm. Nhưng Mĩ lại chủ trương "thế giới đơn cực" để dễ bề chi phối, thống trị thế giới.
- Từ sau "Chiến tranh lạnh" và dưới tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật, hầu hết các nước đều ra sức chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
- Do những mâu thuẫn về dân tộc, tôn giáo và tranh chấp biên giới, lãnh thổ, ở nhiều nơi, ở nhiều khu vực lại xảy ra những vụ xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái làm cho đất nước không ổn định và gây bao đau khổ cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
22/ Tại sao nói rằng xu thế hợp tác vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc?
Trả lời:
Xu thế hợp tác vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc vì:
- Thời cơ: Các dân tộc có điều kiện để hội nhập vào nền kinh tế của thế giới và khu vực, có điều kiện khai thác các nguồn vốn đầu tư, kĩ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lí từ bên ngoài, nhất là các tiến bộ khoa học - kĩ thuật để rút ngắn thời gian xây dựng, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.
- Thách thức: Nếu không nắm bắt kịp thời cơ, không hội nhập để phát triển thì sẽ bị tụt hậu. Nhưng nếu hội nhập mà không có con đường và cách thức hợp lí thì sẽ gặp nhiều rủi ro, bất lợi như dễ bị đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
23/ Nhiệm vụ lớn nhất hiện nay của nhân dân ta là gì?
Trả lời:
Nhiệm vụ lớn nhất hiện nay của nhân dân ta là phải tập trung sức phát triển kinh tế với đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tích cực mở cửa, hội nhập thế giới làm ra nhiều của cải để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Trên đây là bài Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Giải bài tập Lịch sử 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Lịch sử lớp 9 và một số bài Giải bài tập Lịch Sử 9 ngắn nhất, Giải Vở BT Lịch Sử 9. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.