Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

Lý thuyết Lịch sử lớp 9: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp các câu hỏi lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Lịch sử lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.

Lý thuyết bài: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

I. Chương trình khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp

* Nguyên nhân: sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ.

* Mục đích: bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra, để nhanh chóng khôi phục địa vị kinh tế, chính trị, Pháp tăng cường bóc lột nhân dân Pháp, đồng thời đẩy mạnh khai thác thuộc địa (trong đó có Việt Nam) với quy mô lớn và tốc độ nhanh.

* Nội dung khai thác:

- Vốn đầu tư của Pháp vào Đông Dương tăng mạnh, tăng cường vào nông nghiệp (tập trung vào hai ngành: cao su và khai mỏ).

- Nông nghiệp: số vốn Pháp đầu năm 1927 lên tới 400 triệu phrăng. Diện tích trồng cao su tăng từ 15 nghìn ha năm 1918 lên 120 nghìn ha năm 1930; nhiều công ty cao su ra đời.

- Công nghiệp: tăng cường khai thác mỏ than (lập thêm nhiều công ty than mới: công ty than Hạ Long, Tuyên quang, Đông Triều…). Mở thêm nhiều cơ sở công nghiệp mới (sợi Hải Phòng, Nam Định, đường Tuy Hòa, gạo Chợ Lớn…)

- Thương nghiệp phát triển hơn trước, Pháp dựng hàng rào thuế quan để độc chiếm thị trường.

- Giao thông vận tải được mở rộng để phục vụ cho cuộc khai thác (đường sắt xuyên Đông Dương được nối liền nhiều đoạn: Đồng Đăng - Na Sầm, (1922), Vinh - Đông Hà (1927).

- Đánh thuế nặng, nhiều loại thuế (từ 1912 – 1930, ngân sách Đông Dương tăng 3 lần).

- Ngân hàng Đông Dương - thế lực của tư bản tài chính Pháp, nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế.

* Đặc điểm của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp

+Diễn ra rất nhanh, có điểm mới là: tăng cường đầu tư vốn, kỹ thuật, mở rộng sản xuất để kiếm lời.

+ Hạn chế công nghiệp phát triển, nhất là công nghiệp nặng, nhằm cột chặt kinh tế Đông Dương vào kinh tế Pháp, biến Đông Dương thành thị trường độc chiếm của Pháp.

+ Kinh tế Việt Nam phát triển thêm một bước nhưng vẫn bị kìm hãm và lệ thuộc vào kinh tế Pháp.

Tư bản pháp ở việt namNguồn lợi của tư bản Pháp ở Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ hai.

II. Chính sách chính trị, văn hóa, giáo dục

* Mục đích: Phục vụ cho việc thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần hai đạt kết quả cao.

* Chính trị:

+Mọi quyền hành thâu tóm trong tay người Pháp, vua quan Nam triều chỉ là bù nhìn, tay sai.

+Thực hiện chính sách chia để trị: chia nước ta làm ba kỳ, chia rẽ các dân tộc , tôn giáo.

+Triệt để lợi dụng bộ máy cường hào, địa chủ.

* Văn hóa – giáo dục:

- Thi hành chính sách văn hóa nô dịch nhằm gây tâm lý tự ti, khuyến khích tệ nạn xã hội.

- Hạn chế mở trường học, chủ yếu là trường tiểu học, trung học ở các thành phố lớn.

- Xuất bản nhiều sách báo tuyên truyền cho chính sách “ khai hóa “ của Pháp.

III. Xã hội Việt Nam phân hóa

Cùng với chuyển biến về kinh tế, xã hội Việt Nam có sự phân hóa sâu sắc. Bên cạnh giai cấp cũ (địa chủ phong kiến, nông dân) xuất hiện những tầng lớp, giai cấp mới (tư sản, tiểu tư sản, công nhân) với những lợi ích riêng và thái độ chính trị khác nhau.

1. Giai cấp địa chủ phong kiến

- Là chỗ dựa của Pháp nên thế lực tăng mạnh, ra sức đè nén, bóc lột nông dân.

- Một số địa chủ vừa và nhỏ, có tinh thần yêu nước

2. Tầng lớp tư sản

- Tầng lớp tư sản ngày càng đông nhưng phải đến mấy năm sau chiến tranh, giai cấp tư sản mới ra đời.

- Ra đời sau 1918, bị Pháp chèn ép, số lượng không đông, thế lực kinh tế yếu (vốn bằng 5% vốn tư bản nước ngoài).

- Dần dần phân hóa thành hai bộ phận:

+ Tư sản mại bản có quyền lợi gắn chặt với Pháp và là một thế lực phản cách mạng.

+ Tư sản dân tộc kinh doanh độc lập, có tinh thần dân tộc dân chủ nhưng dễ thỏa hiệp với Pháp.

3. Tiểu tư sản thành thị

- Sau 1918 phát triển nhanh, gồm có sinh viên, học sinh, trí thức, viên chức, tiểu thương, tiểu chủ… bị Pháp chèn ép, bạc đãi, đời sống bấp bênh.

- Họ có tinh thần yêu nước cao, nhạy bén với những tư tưởng dân tộc dân chủ, là lực lượng cách mạng quan trọng.

4. Giai cấp nông dân: chiếm 90% dân số, bị áp bức, bóc lột dẫn đến bần cùng hóa và phá sản, là lực lượng cách mạng hăng hái, đông đảo nhất.

5. Giai cấp công nhân: ra đời trước 1918, phát triển nhanh sau Thế chiến thứ nhất về số lượng và chất lượng (tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga).

* Đặc điểm riêng của giai cấp công nhân Việt Nam:

+ Bị ba tầng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến và tư sản Việt Nam.

+ Có quan hệ gần gũi với nông dân.

+ Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất.

+ Sống tập trung tại các trung tâm kinh tế quan trọng, dễ tổ chức đấu tranh, có ý thức tổ chức, kỷ luật cao.

+ Sớm tiếp thu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác –Lênin.

+ Đời sống vật chất, tinh thần hết sức thấp kém và khổ cực nên có tinh thần đấu tranh cách mạng rất triệt để.

- Vì vậy giai cấp công nhân VN sớm trở thành lực lượng chính trị độc lập, nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

* Kết luận: Vậy xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản:

- Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp (mâu thuẫn các dân tộc).

- Mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, phong kiến (mâu thuẫn giai cấp).

- Hai mâu thuẫn này vừa là nguồn gốc vừa là động lực làm nảy sinh và thúc đẩy các phong trào yêu nước chống Pháp và phong kiến ở nước ta.

- Do đó, cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ là chống đế quốc và chống phong kiến, nhưng nhiệm vụ chủ yếu hàng đầu là đánh đuổi thực dân Pháp và tay sai phản động để giành độc lập, tự do.

Câu hỏi thực hành và đáp án bài: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất

1/ Tại sao thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông Dương ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?

Trả lời:

Thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông Dương ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất vì:

Nước Pháp tuy là nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng đất nước bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ. Do đó tư bản độc quyền Pháp phải đẩy mạnh khai thác thuộc địa, trong đó Đông Dương và Việt Nam để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra và để bóc lột, kiếm lời nhiều nhất.

2/ Nội dung khai thác Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, công thương nghiệp?

Trả lời:

* Nông nghiệp:

- Pháp tập trung vốn đầu tư vào nông nghiệp, chủ yếu là trồng và khai thác cao su

- Năm 1927, số vốn đầu tư vào nông nghiệp lên tới 400 triệu phrăng, gấp nhiều lần vào thời kỳ trước chiến tranh.

- Diện tích trồng cao su tăng từ 15 ngàn hecta năm 1918 lên 120 ngàn hecta năm 1930.

- Nhiều công ty cao su ra đời.

* Công, thương nghiệp:

- Tư bản Pháp chú trọng đến khai mỏ, chủ yếu là mỏ than.

- Các công ty than có từ trước đều được bỏ vốn thêm và hoạt động mạnh hơn.

- Nhiều công ty than mới nối tiếp nhau ra đời.

- Mở thêm một số cơ sở công nghiệp như các nhà máy sợi Hải Phòng, Nam Định, nhà máy rượu Hà Nội, Nam Định, Hà Đông, nhà máy diêm Hà Nội, Hàm Rồng, Bến Thủy, nhà máy đường Tuy Hòa, nhà máy xay xát gạo Chợ Lớn....

- Thương nghiệp phát triển hơn trước thời kì chiến tranh. Để nắm chặt thị trường Việt Nam và Đông Dương, tư bản độc quyền Pháp đánh thuế nặng hàng hóa các nước nhập vào nước ta, chủ yếu là của Trung Quốc, Nhật Bản. Nhờ đó, hàng hóa của Pháp nhập vào Việt Nam tăng lên rất nhanh.

3/ Vì sao Pháp tập trung vốn đầu tư nhiều nhất vào việc khai thác cao su và than?

Trả lời:

Pháp tập trung vốn đầu tư nhiều nhất vào việc khai thác cao su và than vì sau Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước tập trung vào khôi phục, phát triển kinh tế nên cao su và than là hai mặt hàng có nhu cầu lớn tại thị trường Pháp và trên thế giới.

4/ Hãy cho biết nội dung khai thác Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng?

Trả lời:

Ngân hàng Đông Dương, đại diện thế lực của tư bản tài chính Pháp, có cổ phần trong hầu hết các công ty và xí nghiệp lớn, đã nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế ở Đông Dương

5/ Chương trình khai thác lần thứ hai của Pháp trong các lĩnh vực?

Trả lời:

- Tăng cường đầu tư vốn mở rộng sản xuất

- Nông nghiệp: chủ yếu là đồn điền cao su

- Công nghiệp: chủ yếu là khai thác than đá, mở rộng một số cơ sở công nghiệp chế biến : nhà máy sợi Nam Định, rượu Hà Nội, nhà máy xay xát gạo ở Chợ Lớn,...

- Thương nghiệp: để nắm chặt thị trường Việt Nam và Đông Dương, tư bản Pháp đánh thuế nặng hàng hóa các nước nhập vào nước ta.

- Giao thông vận tải: đầu tư phát triển thêm đường sắt xuyên Đông Dương, nối liền nhiều đoạn: Đồng Đăng - Na Sầm (1922); Vinh - Đông Hà ( 1927)

- Tài chính: ngân hàng Đông Dương nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế

- Thuế khóa: Đánh thuế nặng và đặt nhiều thứ thuế.

6/ Dựa vào lược đồ hình 27 (SGK), em hãy cho biết chương trình khai thác Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp tập trung vào những nguồn lợi nào?

Trả lời:

Chương trình khai thác Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp tập trung vào những nguồn lợi sau:

- Về nông nghiệp: Cao su, cà phê, chè, lúa gạo

- Về công nghiệp:

+ Khai thác mỏ than, mỏ vàng, thiếc, chì, kẽm, vônphơram

+ Sửa chữa tàu thủy.

- Về hàng tiêu dùng: Rượu, bia, thuốc lá, xay xát gạo, giấy, diêm, đường, vải, tơ, sợi, thủy tinh, gỗ.

7/ Em có nhận xét gì về chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp so với lần thứ nhất?

Trả lời:

Điểm mới trong chương trình khai thác lần thứ hai so với trước là tăng cường đầu tư vốn, kĩ thuật và mở rộng sản xuất để kiếm lời. Tuy nhiên, về cơ bản, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp không thay đổi so với trước kia: vẫn hạn chế công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp nặng; tăng cường thủ đoạn bóc lột, vơ vét tiền của của nhân dân ta bằng cách đánh thuế nặng như thuế ruộng đất, thuế thân, thuế rượu, thuế muối, thuế thuốc phiện và hàng trăm thứ thuế khác.

8/ Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp có tác dụng như thế nào với nền kinh tế Việt Nam?

Trả lời:

- Kinh tế tư bản thực dân được tiếp tục mở rộng, song vẫn duy trì nền kinh tế phong kiến.

- Các ngành kinh tế Việt Nam có bước phát triển mới trong phạm vi hạn hẹp của nền kinh tế tư bản thực dân, song thực dân Pháp hết sức hạn chế công nghiệp phát triển, nhằm cột chặt kinh tế Việt Nam vào kinh tế Pháp và biến Việt Nam thành thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.

9/ Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành ở Việt Nam những thủ đoạn chính trị nào?

Trả lời:

- Mọi quyền hành đều bị thâu tóm trong tay người Pháp, vua quan Nam triều chỉ làm bù nhìn tay sai. Nhân dân ta không được hưởng chút quyền tự do, dân chủ nào, mọi hành động yêu nước đều bị đàn áp, khủng bố.

- Pháp thi hành chính sách "chia để trị": chia nước ta thành 3 kì: Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì với ba chế độ khác nhau; đồng thời còn chia rẽ các dân tộc đa số và thiểu số, giữa các tôn giáo.

- Triệt để lợi dụng bộ máy cường hào ở nông thôn để củng cố uy quyền và bảo vệ sự thống trị của Pháp.

10/ Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành ở Việt Nam những thủ đoạn gì về văn hóa, giáo dục?

Trả lời:

- Triệt để thi hành chính sách văn hóa nô dịch nhằm gây tâm lí tự ti, ra sức khuyến khích các hoạt động mê tín, dị đoan, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè,...

- Trường học mở rất hạn chế, chủ yếu là các trường tiểu học, các trường trung học chỉ có ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Huế, Sài Gòn). Các trường Đại học và cao đẳng ở Hà Nội thực chất chỉ là những trường chuyên nghiệp.

- Sách, báo xuất bản công khai được lợi dụng triệt để vào việc tuyên truyền chính sách "khai hóa" của thực dân và gieo rắc ảo tưởng hòa bình hợp tác với thực dân cướp nước và vua quan bù nhìn bán nước.

11/ Thực dân Pháp thi hành các thủ đoạn chính trị, văn hóa, giáo dục nói trên nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Mục đích của các thủ đoạn trên là để phục vụ cho công cuộc đẩy mạnh khai thác, bóc lột và củng cố bộ máy chính trị của thực dân Pháp ở Việt Nam

12/ Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của đế quốc Pháp đã tác động đến tình hình xã hội Việt Nam như thế nào?

Trả lời:

Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của đế quốc Pháp đã tác động đến tình hình xã hội Việt Nam:

- Đẩy mạnh sự phân hóa các giai cấp trong xã hội Việt nam và làm nảy sinh những giai cấp mới; giai cấp công nhân ra đời trong cuộc khai thác lần thứ nhất đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong công cuộc khai thác lần thứ hai còn có tiểu tư sản và tư sản trở thành giai cấp.

- Mỗi giai cấp trong xã hội có địa vị kinh tế và quyền lợi xã hội khác nhau nên thái độ chính trị và khả năng cách mạng cũng khác nhau.

13/ Xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã có sự phân hóa giai cấp như thế nào?

Trả lời:

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sự phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc:

- Giai cấp địa chủ phong kiến ở nông thôn ngày càng câu kết chặt chẽ hơn với thực dân Pháp để thống trị, bóc lột. Giai cấp địa chủ có sự phân hóa thành các bộ phận địa chủ lớn, địa chủ vừa và địa chủ nhỏ.

- Giai cấp tư sản Việt Nam mới ra đời, phần đông trong số này là những tiểu chủ đứng trung gian làm thầu khoán, cung cấp nguyên liệu, vật liệu hay đại lý hàng hóa cho tư bản Pháp, khi đã chiếm được số vốn khá, họ đứng ra kinh doanh riêng và trở thành những nhà tư sản như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu,.... Giai cấp tư sản Việt Nam phân hóa thành hai bộ phận: Tầng lớp tư sản mại bản và tầng và tầng lớp tư sản dân tộc.

- Tầng lớp tiểu tư sản thành thị tăng nhanh về số lượng. Họ cũng bị tư sản Pháp ráo riết chèn ép, bạc đãi, kinh rẻ, đời sống bấp bênh, dễ bị xô đẩy vào con đường phá sản và thất nghiệp.

- Giai cấp nông dân chiếm trên 90% dân số, bị thực dân, phong kiến áp bức bóc lột nặng nề nên bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn.

- Giai cấp công nhân phát triển khá nhanh trong thời kì khai thác lần thứ hai cả về số lượng lẫn chất lượng, phần lớn công nhân tập trung tại các vùng mỏ, đồn điền cao su và các thành phố công nghiệp, bị ba tầng áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến và tư sản người Việt.

14/ Em hãy cho biết thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất?

Trả lời:

Thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thứ nhất:

- Giai cấp địa chủ phong kiến ở nông thôn ngày càng câu kết chặt chẽ hơn với thực dân Pháp, là đối tượng của cách mạng cần phải đánh đổ. Tuy nhiên cũng có một bộ phân, nhất là địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước nên cũng tham gia vào các phong trào yêu nước khi có điều kiện.

- Giai cấp tư sản Việt Nam phân hóa thành hai bộ phận: Tầng lớp tư sản mại bản và tầng có quyền lợi gắn liền với đế quốc nên câu kết chặt chẽ về chính trị với chúng và tầng lớp tư sản dân tộc có khuynh hướng kinh doanh độc lập nên ít nhiều có tinh thần dân tộc, dân chủ, chống đế quốc và phong kiến nhưng thái độ không kiên định, dễ thỏa hiệp.

- Tầng lớp tiểu tư sản thành thị tăng nhanh về số lượng, đặc biệt là bộ phận trí thức, sinh viên, học sinh có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng văn hóa tiến bộ bên ngoài nên có tinh thần hăng hái cách mạng và là một lực lượng trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta.

- Giai cấp nông dân chiếm trên 90% dân số, bị thực dân, phong kiến áp bức bóc lột nặng nề, bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn nên đây là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.

- Giai cấp công nhân phát triển khá nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, bị ba tầng áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, tư sản người Việt nên có tinh thần cách mạng triệt để và nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

15/ Vì sao giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta?

Trả lời:

Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam còn có những đặc điểm riêng: bị ba tầng áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, tư sản người Việt; có quan hệ tự nhiên gắn bó với giai cấp nông dân; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc. Trên cơ sở đó, giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.

Trên đây là bài Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Giải bài tập Lịch sử 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Lịch sử lớp 9 và một số bài Giải bài tập Lịch Sử 9 ngắn nhất, Giải Vở BT Lịch Sử 9. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết Lịch sử 9

    Xem thêm