Giáo án dạy hè lớp lá: So sánh dung tích 3 đối tượng
Giáo án dạy hè lớp lá với chủ đề so sánh dung tích 3 đối tượng được thiết kế nhằm giúp các bé 5 - 6 tuổi biết so sánh dung tích của 3 đối tượng, ước lượng được bằng mắt hay dùng 1 đơn vị đo nào đó và diễn tả kết quả đo. Giáo án LQVT này là tài liệu hữu ích, mời các cô tham khảo để soạn giáo án nhanh hơn và nâng cao hiệu quả công việc.
Giáo án LQVT: So sánh dung tích 3 đối tượng
I. Mục đích - yêu cầu
*Kiến thức:
- Trẻ biết so sánh dung tích của 3 đối tượng.
* Kỹ năng:
- Trẻ ước lượng được bằng mắt hay dùng 1 đơn vị đo nào đó và diễn tả kết quả đo.
- Trẻ biết diễn đạt và trả lời câu hỏi rõ ràng mạch lạc.
* Thái độ:
- Trẻ hứng thú trong các hoạt động học tập.
II. Chuẩn bị
* Đồ dùng của cô:
- Băng hình về các nguồn nước.
- 3 cái phễu, 3 cái ca, 3 cái bát, 3 cái ly.
- Một số chai lọ thủy tinh trong suốt.
* Đồ dùng của trẻ:
- 3 chai nước có dung tích và hình dạng khác nhau.
- 3 chậu có lượng nước bằng nhau.
- 3 ly nhựa, 3 bát nhựa.
- Các thẻ số.
III. Cách tiến hành
1. Ổn định tổ chức
- Cả lớp đọc bài thơ: Mưa rơi
2. Phương pháp, hình thức tổ chức
* So sánh dung tích của 3 đối tượng có dung tích bằng nhau nhưng khác nhau về hình dạng:
- Cô đặt 3 chai có hình dạng khác nhau nhưng giống nhau về dung tích, 1 cái phễu, 1 cái ly.
- Các con có nhận xét gì về hình dạng của 3 dụng cụ đựng nước này?
- Nhìn bằng mắt thường các con có thể đoán chai nào đựng được nhiều hơn không?
- Cô đong nước vào 3 chai cho trẻ đếm số ly. Cho nhiều trẻ nhận xét và nói lên ý kiến của mình.
=> Kết luận: 3 chai nước có dung tích bằng nhau.
* So sánh dung tích của 3 đối tượng khác nhau về hình dạng và dung tích:
- Cô đặt 3 chai khác nhau: 1 cái phễu, 1 cái ly.
- Cô đong nước vào 3 chai cho trẻ quan sát đếm số ly và nhận xét.
+ Ai có nhận xét gì về dung tích của 3 chai?
=> Kết luận: Dung tích của 3 chai không bằng nhau.
- Đo dung tích bằng nhiều dụng cụ đo khác nhau.
- Cô chọn 1 chai nước, đổ ra 1 cái chậu rồi dùng 2 dụng cụ đo nước là ly – bát.
+ Các con có nhận xét gì về 2 dụng cụ đo nước này?
=> Kết luận: Dụng cụ nào có số lần đong nhiều hơn thì dung tích nhỏ hơn, dụng cụ nào có số lần đong ít hơn thì dung tích lớn hơn.
* Luyện tập:
- Cho trẻ chia làm 6 nhóm mỗi nhóm 3 bạn thực hành đong nước và nói kết quả.
- Cô đi từng nhóm động viên và giúp đỡ trẻ .
3. Kết thúc
- Cô nhận xét chung giờ học, tuyên dương và động viên trẻ.