Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Mức phụ cấp đối với cán bộ công chức kiêm nhiệm chức danh

Mức phụ cấp đối với cán bộ công chức kiêm nhiệm chức danh? Hướng dẫn cách tính chi tiết nhất về phụ cấp kiêm nhiệm? Mời các bạn tham khảo bài viết.

Cơ sở pháp lý:

  • Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
  • Thông tư 02/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ ban hành;
  • Thông tư 04/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ ban hành;
  • Thông tư 78/2005/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác do Bộ nội vụ ban hành;
  • Quyết định 128/QĐ-TW năm 2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể do Trưởng Ban Chỉ đạo Tiền lương Nhà nước ban hành;
  • Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
  • Thông tư 13/2019/TT-BNV hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành;
  • Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
  • Nghị định 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Mức phụ cấp đối với cán bộ công chức kiêm nhiệm chức danh

Câu hỏi:

Anh (Chị) cho em hỏi là công chức của đơn vị sự nghiệp nhà nước kiêm nhiệm chức danh Bí Thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Chấp Hành bên Đoàn Thanh niên thì hưởng phụ cấp như thế nào?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định 128/QĐ-TW về chế độ phụ cấp lương như sau:

“2. Phụ cấp kiêm nhiệm:

Đối với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên ở tổ chức đảng, đoàn thể cơ sở công ty nhà nước, đơn vị sự nghiệp có bố trí biên chế chuyên trách, nhưng hoạt động kiêm nhiệm, thì được phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đối với các chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan khác áp dụng theo quy định chung do Chính phủ ban hành.”

Đối với chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm tại đơn vị sự nghiệp thì mức phụ cấp chức danh lãnh đạo thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

“2. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo:

áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo cũng chỉ hưởng một mức phụ cấp.”

Như vậy, mức phụ cấp của bạn sẽ bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và thâm niên vượt khung (nếu có). Mức phụ cấp này sẽ được đảm bảo chi trả bằng ngân sách nhà nước.

Tại mục II Thông tư 78/2005/TT-BNV, Bộ Nội vụ quy định điều kiện để công chức được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo gồm: Đang giữ chức danh lãnh đạo do bầu cử hoặc bổ nhiệm ở một đơn vị, cơ quan; được cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ nhiệm kiêm nhiệm giữ một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan khác; chức danh kiêm nhiệm ở cơ quan, đơn vị khác theo cơ cấu được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

Do đó, thực tế có nhiều công chức lãnh đạo sẽ kiêm nhiệm một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo khác nhau ở cơ quan, đơn vị khác. Tuy vậy, theo quy định tại Thông tư này, một người chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm trong suốt thời gian giữ một hoặc nhiều chức danh kiêm nhiệm đó.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP: Nếu kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu thì được hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm.

Theo đó, phụ cấp kiêm nhiệm của công chức được nêu cụ thể tại mục III Thông tư 78/2005/TT-BNV theo công thức:

Phụ cấp kiêm nhiệm = (bằng) 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trong đó, mức lương hiện hưởng = (bằng) hệ số lương x (nhân) mức lương cơ sở.

Hệ số lương được nêu chi tiết tại phụ lục kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Mức lương cơ sở đang áp dụng hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng. Đồng thời, phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Chính vì vậy, nếu kiêm nhiệm nhiều chức danh thì được hưởng phụ cấp chức vụ của chức danh cao nhất và có thể được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm nếu đáp ứng yêu cầu đã nêu ở trên.

2. Hướng dẫn cách tính chi tiết nhất về phụ cấp kiêm nhiệm

Theo Mục III Thông tư 78/2005/TT-BNV nêu trên, mức hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đơn vị, cơ quan khác được tính bằng công thức:

Phụ cấp kiêm nhiệm = 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

Trong đó:

1/ Phụ cấp chức vụ lãnh đạo: Được tính theo quy định tại Thông tư 02/2005/TT-BNV:

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo = Hệ số x Mức lương cơ sở

Lương cơ sở hiện nay đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38 năm 2019.

Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo được ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định 204 năm 2004.

2/ Phụ cấp thâm niên vượt khung: Được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 204/2004 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 04/2005/TT-BNV.

Theo đó, điều kiện để công chức được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung gồm:

– Có đủ 03 năm (đủ 36 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh;

– Được xếp lương theo các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của công chức trong cơ quan Nhà nước; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, Kiểm sát tại Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11.

Về mức hưởng, Thông tư 04 nêu trên quy định, công chức được hưởng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh. Từ năm thứ 4 trở đi mỗi năm tính thêm 1% nữa.

Tóm lại, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh chỉ áp dụng với công chức lãnh đạo kiêm nhiệm thêm một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị khác và mức hưởng bằng 10% của phụ cấp chức vụ lãnh đạo cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

3. Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ công cấp xã:

Căn cứ quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BNV thì việc bố trí cán bộ cấp xã kiêm nhiệm chức danh công chức cấp xã chỉ được thực hiện khi cán bộ cấp xã đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh công chức cấp xã theo quy định.

Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP), kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:

– Loại 1: tối đa 23 người;

– Loại 2: tối đa 21 người;

– Loại 3: tối đa 19 người.

Với mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh cụ thể như sau:

– Cán bộ cấp xã đang xếp lương theo bảng lương chức vụ mà kiêm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của chức vụ kiêm nhiệm;

– Cán bộ cấp xã đang xếp lương như công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà kiêm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính đang xếp cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức vụ kiêm nhiệm;

– Cán bộ cấp xã mà kiêm nhiệm chức danh công chức cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính đang xếp của cán bộ cấp xã được bố trí kiêm nhiệm.

- Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.

Ngoài ra, cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định

Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Mức phụ cấp đối với cán bộ công chức kiêm nhiệm chức danh. Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.

Xem thêm các tài liệu Dành cho Giáo viên chi tiết:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm