Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội: Đóng một cái đinh không xong thì đừng nói đến những việc lớn hơn

Nghị luận Đóng một cái đinh không xong thì đừng nói đến những việc lớn hơn là tài liệu văn mẫu lớp 12, tổng hợp dàn ý và những bài nghị luận hay bàn về quan điểm: Đóng một cái đinh không xong thì đừng nói đến những việc lớn hơn - Đừng xem thường tiểu tiết. Chúc các bạn học tốt!

1. Dàn ý trình bày suy nghĩ về quan điểm: Đóng một cái đinh không xong, thì đừng nói đến những việc lớn hơn

a. Mở bài:

- Xác định đúng thông điệp: Làm một chuyện nhỏ mà không chu đáo, thiếu trách nhiệm thì đừng hi vọng làm được những chuyện lớn lao.

b. Thân bài

- Bàn luận:

+ Thành công và giá trị cuộc sống thường bắt đầu từ những việc rất nhỏ chúng ta vẫn làm hàng ngày. Bởi thế đừng xem thường tiểu tiết, đừng làm những việc nhỏ với thái độ cẩu thả.

+ Hoàn thành tốt những việc nhỏ trong cuộc sống sẽ góp phần hình thành những phẩm chất cần thiết để con người có thể làm được những việc lớn lao, vĩ đại.

- Bài học: Cần có nhận thức đúng đắn và rèn luyện tinh thần trách nhiệm,... bắt đầu từ những việc làm nhỏ để có thể hướng tới những điều lớn lao.

(Học sinh cần kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để lập luận)

c. Kết bài:

- Khẳng định lại tính đúng đắn của quan điểm.

- Liên hệ thực tế bản thân

Có thể bạn quan tâm: Tuyển tập văn nghị luận hay bàn về giá trị của bản thân

2. Bài văn mẫu nghị luận về quan điểm: Đóng một cái đinh không xong, thì đừng nói đến những việc lớn hơn.

2.1. Nghị luân về quan điểm: Đóng một cái đinh không xong, thì đừng nói đến những việc lớn hơn mẫu 1

Một bài viết từ mấy tháng trước! Đó là khi cô giáo đưa cho tôi một vài cái đề nghị luận xã hội, tôi đã suy nghĩ và chọn đề bài này, vì tôi cảm thấy nó rất gần gũi với mình. Tôi đang ở tuổi trẻ, và tôi đang đứng trước những con đường, những quyết định, lựa chọn cho tương lai cuộc sống của riêng tôi. Và tôi phải suy ngẫm thật kỹ trước khi đưa ra sự lựa chọn cuối cùng. Sống thế nào đây?? Hình như đã có lúc mình vội vàng. Hình như đã có lúc mình vô tư quá. Hình như đã có một khoảng thời gian, tôi đã vướng mắc vào tình trạng tương tự. Tôi viết bài này từ những suy nghĩ chân thực nhất của mình, và từ những gì tôi quan sát được từ cuộc sống!

Gấp lại những trang kịch của Nguyễn Huy Tưởng, tôi nhận thấy Vũ Như Tô quả là một người thiếu thực tế. Dường như ông đã mơ tưởng tới một tầm quá cao về một Cửu Trùng Đài nguy nga mĩ lệ mà quên rằng còn có biết bao mảnh đời lầm than trong xã hội đang cần ngân khố để cải thiện cuộc sống. Cái đích lớn lao như vậy, thực tế, phải xuất phát từ những điều nhỏ bé là sự đóng góp và ủng hộ, dù chỉ là một xu, của nhân dân cũng như lợi ích dành cho chính họ. Như Fran KA Clark từng chiêm nghiệm: Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ.

Muốn là những khát vọng, đích đến mà mỗi người tự lựa chọn cho chính mình. Những học sinh như tôi thì mong muốn mình sẽ đỗ vào trường đại học mà mình mơ ước, bác nông dân thì mơ tới một mùa màng bội thu hay những người nghèo thì mơ tới một cuộc sống đủ cơm ăn áo mặc … Mong muốn của con người là vô tận và trong cuộc sống xung quanh ta có nhiều người ấp ủ trong mình những điều lớn lao. Đó có thể là một khát vọng lớn, thành tựu lớn hay một dấu mốc lớn có thể khiến con người đổi đời. Nhưng một cái cây lớn lên từ một hạt mầm nhỏ bé, biển cả là sự hội tụ của vô vàn những giọt nước. Cái nhỏ làm nên cái lớn lao, vĩ đại. Những điều nhỏ bé có thể là điều bình dị đời thường, những điều vụn vặt ít được chú ý hay những gì giản đơn của cuộc sống. Từ đó chúng ta cần nhận thức một điều rằng mọi cái lớn lao trên đời đều bắt nguồn, được làm nên từ cái nhỏ bé. Và bên cạnh cái lớn vẫn luôn tồn tại những điều nhỏ bé cần được quan tâm.

Điều nhỏ bé lại có thể làm nên cái lớn lao ư? Thật vậy, có thể bạn không tin nhưng đó là một quy luật tất yếu của cuộc sống. Thực tế đã chứng minh điều đó và chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của cái nhỏ. Nếu nhìn lại chặng đường lịch sử của đất nước, bạn sẽ thấy vận mệnh của Tổ quốc ta được làm nên từ sự hi sinh của những người lính. Họ không chỉ đổ máu trên những chiến trường khốc liệt mà còn hy sinh cả tuổi trẻ, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi… cho sự nghiệp dân tộc. Có những nỗi đau không thể diễn tả thành lời và dù sau này, khi đất nước đã hòa bình, cuộc sống của họ vẫn tiếp tục nhức nhối bởi những di chứng và nỗi đau chiến tranh không thể chữa lành. Hay như người nông dân làm lụng quanh năm vất vả trông mong có một mùa bội thu với những cánh đồng lúa vàng tươi trải dài tít tắp. Họ không chỉ biết: Trông trời trông đất trông mây / Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm mà còn nhờ vào đất đai phù sa màu mỡ và những hạt mầm tốt. Ai có thể đo được nỗi cực nhọc của người nông dân trong những ngày đông tìm đủ mọi cách bảo vệ lúa khỏi cái giá lạnh và sương muối ngoài trời? Cả những ngày làm đồng trưa chỉ được nghỉ vài chục phút cho ngớt mồ hôi. Điều nhỏ bé, tưởng chừng như thật vô vị lại là những điểm nhấn trong bức họa thành công của đời người.

Nếu như ta cứ mải miết sống mà quên đi những điều nhỏ bé, ta dễ bị choáng ngợp trước cái lớn. Khi đó, ta sẽ tự ti, mất đi niềm tin vào chính bản thân mình, và không dám bắt đầu hành động, không dám đứng dậy sau một lần vấp ngã. Cuộc sống khép lại với hai chữ vô nghĩa. Thậm chí, dù ta có quyết tâm hành động thì cũng sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Cuộc sống cho ta nhiều sự lựa chọn tựa như một mê cung. Quên đi những mẹo vặt, ta sẽ bị lạc giữa những lối đi đó. Điều đó cũng tương tự như việc ta sẽ không thể đưa ra một định hướng chính xác cho quá trình hành động của mình và cuối cùng ta không hoàn thành được việc gì cả. Nhiều người trong chúng ta thường không thích làm những việc nhỏ nhặt, bởi vì họ nghĩ rằng làm những công việc “không chút tiếng tăm” ấy sẽ chẳng làm cho bạn thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp. Thế nhưng nếu không làm những công việc nhỏ nhặt như vậy, chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ biết mình có thể làm được gì và tìm cho mình một vị trí thích hợp trong cuộc sống. Ngược lại, với những người nhận ra tầm quan trọng của sự tồn tại của những điều nhỏ bé trong cuộc sống thì họ lại khá tự tin và dám thử thách. Bill Gates là một trong những trường hợp như vậy. Nếu chỉ nhìn vào việc ông bỏ học tại ngôi trường danh tiếng Harvard để theo đuổi đam mê của mình thì nhiều người sẽ nghĩ ông quả là một người mạo hiểm. Vâng! Ông thực sự là một con người mạo hiểm và ưa thử thách, nhưng việc bỏ học đó không phải là một phút ngẫu hứng mà nên. Niềm đam mê của Bill Gates hình thành từ khi ông còn là một cậu học sinh trường trung học Lakeside, ở cái thời mà chả mấy ai biết máy tính là cái gì cả. Ông đã gây dựng cả một đế chế Microsoft từ cái niềm đam mê nhỏ ấy, từ việc tạo phần mềm lập thời khóa biểu cho cả trường và từ những bản hợp đồng nhỏ nhặt đầu tiên của cậu học sinh mười lăm tuổi. Nếu bỏ qua những cái đó, liệu Bill Gates có được như ngày hôm nay?

Bên cạnh cái lớn còn có cả những điều nhỏ bé đáng trân trọng. Thực tế, cuộc sống tạo nên từ những vấn đề trọng đại và vấn đề nhỏ nhặt đời thường, cả thành tựu vĩ đại và việc làm nhỏ bé. Cũng như một bữa ăn lớn không chỉ có món sơn hào hải vị mà còn có sự góp mặt của các gia vị như muối, đường hay mù tạt nữa. Chúng ta cần thấu hiểu và trân trọng giá trị của những điều nhỏ bé trong cuộc sống bởi nếu thiếu hụt chúng, ta sẽ khó có được một niềm vui trọn vẹn, một cuộc sống hoàn hảo, hạnh phúc đủ đầy. Trong cuộc sống của chúng ta ngày nay không thiếu những trường hợp như vậy. Cuộc sống ngày càng hối hả vội vã và con người nhiều khi bị cuốn theo những đam mê, suy nghĩ, mục đích của riêng mình hay lạc vào giữa dòng đời nổi trôi đầy cạnh tranh và cũng nhiều thị phi. Người ta quên mất rằng họ có một bữa tối để sum họp, một gia đình để thương yêu, có những người bạn và người thân để san sẻ. Con người làm nên thành tựu lớn thì thật đáng ghi nhận, nhưng nếu vì nó mà bỏ quên đi gia đình, bè bạn thì lại trở thành vô cảm. Đó đã, đang và sẽ là nguyên cớ khiến nhiều gia đình tan vỡ, những mối quan hệ tình thân ngày càng bị bẻ cong, mất đi giá trị đích thực. Làm sao quên được câu chuyện một gia đình kia con cái có nhà cao cửa rộng ở giữa lòng Thủ Đô mà để người cha già ốm yếu nằm ngoài cửa nhà, rồi những câu chuyện có thực về việc con cái đùn đẩy nhau trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già. Chỉ biết quan tâm đến sự nghiệp lớn mà bỏ quên những điều nhỏ, bức tranh cuộc sống của mỗi người chắc chắn sẽ thiếu đi mất cái hồn của nó.

Cái lớn đôi khi còn khiến con người ta trở nên ảo tưởng và xa rời thực tế. Khi đạt được một thành công lớn hay tạo được một dấu ấn, ta dễ cho mình là hơn người. Và không ít trong số những giá trị lớn đó là những giá trị ảo mà bởi ta tưởng tượng ra bởi tham vọng quá nhiều. Ở Việt Nam hiện tại có không ít những ca sĩ, người mẫu nổi tiếng bởi những thứ không đâu. Có khi chỉ là “vô tình” tiết lộ về cuộc sống của một nghệ sỹ khác, gợi được sự tò mò, hiếu kỳ của báo chí mà trở thành nổi tiếng và rồi họ vô tư xuất hiện tại các sự kiện và tạo dáng chụp hình. Trà Ngọc Hằng, tuy chỉ được vinh danh hoa hậu tại một cuộc thi không mấy tiếng tăm là Hoa hậu hoàn cầu lại tự tin cho rằng: “Tôi mà không đẹp thì cả làng người mẫu ai đẹp bằng tôi”. Để rồi sau đó, người ta lại dành cho cô những lời lẽ chẳng mấy hay ho. Phải chăng hào quang lớn quá khiến nhiều người ảo tưởng và mở đầu cho những thất bại sau này của họ?

Fran KA Clark đã đưa ra một suy ngẫm thật xác đáng về thực tế cuộc sống. Mọi thành quả vĩ đại đều xuất phát từ những cái nhỏ và bên cạnh những cái lớn không thể thiếu những điều nhỏ bé như vậy. Câu nói cũng là một lời khuyên về cách sống và con đường đi cho mỗi người. Ta cần có những khát vọng lớn lao để có thể vươn đến những điều tốt đẹp, những thành công rực rỡ. Nhưng ta cũng không thể bỏ quên những miếng ghép nhỏ, bình thường bởi dù lớn hay nhỏ, cuộc sống của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn nếu có đầy đủ những miếng ghép.

Cuộc sống không phải là một câu chuyện cổ tích, bỗng dưng xuất hiện một phép màu biến mọi thứ trở nên tươi đẹp và hoàn hảo. Và ngay cả trong câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”, trên đời này chẳng có cây tre nào trăm đốt cả mà chỉ có cây tre được ghép lại từ một trăm đốt tre mà thôi. Cuộc đời học sinh của tôi cũng được làm nên từ những năm tháng cắp sách đến trường, những đêm thao thức vì những bài tập khó chưa giải xong, từ niềm hứng thú với các môn học. Tôi đã tự hỏi mình rất nhiều rằng nếu trước đây, tôi bỏ qua mất niềm hứng thú với môn Tiếng Anh mà chỉ sống với quan niệm “chỉ có theo chuyên tự nhiên thì bạn mới chứng minh được mình giỏi” thì giờ này tôi đang ở đâu? Vẫn ngôi trường chuyên này hay vẫn băn khoăn đi kiếm cho mình một môn học yêu thích, một lý tưởng nào đó? Bạn hãy khát khao, ước mơ lớn nhưng đừng bỏ quên những giá trị bé nhỏ xung quanh mình để một ngày nào đó, bạn không phải thở dài và nuối tiếc.

2.2. Nghị luân về quan điểm: Đóng một cái đinh không xong, thì đừng nói đến những việc lớn hơn mẫu 2

Trong công việc ai cũng có kỳ vọng sẽ thực hiện được những thành tựu lớn lao, hoặc đạt được những kết quả khác biệt với số đông còn lại. Ngoài việc có trình độ chuyên môn vững chắc, thì tầm nhìn rộng lớn sẽ hứa hẹn cho bạn nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong doanh nghiệp. Vậy làm sao làm được việc lớn? Câu trả lời có vẻ bất ngờ: hãy bắt đầu nghiêm túc từ những việc nhỏ. Và đó cũng chính là ý nghĩa của câu nói: Đóng một cái đinh không xong thì đừng nói đến những việc lớn hơn.

Nhiều người đã từng so sánh hình ảnh bậc thang với con đường danh vọng. Cuộc sống luôn phải có điểm bắt đầu, đó chính là lý do bạn nên làm những việc nhỏ ngày hôm nay bằng một thái độ nghiêm túc và tận lực. Nhiều nhà quản lý điều hành đã chia sẻ: bất cứ khi nào chúng ta mong muốn đạt được mục tiêu lớn, mang tính chất dài lâu, thì trong đầu phải lập một kế hoạch chi tiết để biến suy nghĩ lớn của mình thành hiện thực. Lộ trình này sẽ được chia nhỏ ra thành mục tiêu trong từng năm, từng tháng, thậm chí từng ngày một. Khi đã có mục tiêu cụ thể, tất cả những gì còn lại cần làm là phấn đấu nỗ lực hoàn thành công việc một cách chu toàn nhất.

Một "câu thần chú" dành cho những người nóng vội, đó là không thể xây một cái nhà cao mà không có một nền móng vững chắc. Ngày nay nhiều bạn trẻ than phiền rằng, trong quá trình thực tập tại các doanh nghiệp, các bạn không có cơ hội học hỏi, không có cơ hội thể hiện bản thân mình. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Minh - Giám đốc điều hành công ty tư vấn đào tạo SRI chia sẻ một cách hài hước: "Tôi tin các bạn trẻ hiện đại là những người tài năng, là một viên ngọc còn ẩn trong đá. Tuy nhiên, chẳng ai thích gắn một viên ngọc thô lên ve áo mình. Các bạn nên bỏ thời gian mài dũa từng góc cạnh của mình: kỹ năng, kiến thức, cả việc xây dựng mối quan hệ trong doanh nghiệp nữa. Không có việc gì mà nhà lãnh đạo giao phó lại thừa cả. Muốn trở thành một nhân viên giỏi, thì hãy kiên nhẫn mang tiếng "dở" một thời gian đã!".

Nói tóm lại, khi bạn bắt đầu nghĩ lớn, thì hãy làm từ những việc nhỏ. Nếu bạn không thấy ngay kết quả trong ngày một ngày hai thì cũng đừng từ bỏ sự nhẫn nại của mình. Những thay đổi nhỏ nhặt sẽ đem đến cho chúng ta những thành công lớn một cách bất ngờ mà chính ta cũng không lường trước được.

Nếu có dịp tiếp xúc với anh Đỗ Tuấn Hùng Mạnh - Giám đốc điều hành resort Mỏm Đá Chim (Bình Thuận) thì sẽ thấy rõ minh chứng cho mẫu người chu toàn tỉ mỉ trong từng việc nhỏ. Anh Mạnh chia sẻ: "Nếu tôi không khuyến khích nhân viên chăm chút từng chi tiết nhỏ trong dịch vụ như: luôn nở nụ cười tươi khi khách yêu cầu dịch vụ, thêm một chút tinh dầu thơm trong phòng tắm, đặt tặng khách hàng một ít chocolate vào sáng ngày trả phòng... thì có lẽ những resort mà tôi quản lý qua, khách hàng sẽ không lưu luyến và hài lòng nhiều như vậy". Vì những sáng tạo trong quá trình quản lý, điều hành, nên dù chưa 30 tuổi, nhưng hiện anh là CEO uy tín nhất trong cộng đồng CEO các khu du lịch tại Bình Thuận, Phan Thiết.

Câu chuyện nhỏ này cho thấy một điều, một người, dù là mong muốn trở thành một nhân viên ưu tú, hay một nhà lãnh đạo tài ba, thì đừng bao giờ xem thường tiểu tiết. Thử nghĩ xem, trong hàng trăm hồ sơ xin việc của những người có trình độ, kinh nghiệm ngang bằng nhau, bỗng dưng nhà tuyển dụng bắt gặp một hồ sơ được viết bằng tay ngay ngắn, hoặc có đính kèm những hình ảnh sản phẩm thực tế thay vì những bản vẽ khô khan... chắc chắn rằng, nhà tuyển dụng sẽ chú ý đặc biệt hơn đến những hồ sơ đó. Bất cứ ai cũng yêu thích sự toàn mỹ, cho nên khi chúng ta cố gắng thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn thận tới mức tối đa, thì không khó khăn gì để đạt được sự đánh giá cao của nhà lãnh đạo.

Có đôi khi tiếp xúc với bạn bè, chúng ta thường đặt ra câu hỏi, vì sao cô ta (cậu ta) vẫn tiếp tục làm việc tại một nơi không xứng đáng với năng lực của mình, trong khi ngoài kia còn rất nhiều cơ hội để phát triển? Động lực để họ kiên trì bám trụ vị trí hiện tại là từ đâu? Có thể trả lời ngay, một trong số lý do đó là niềm đam mê.

Giá trị của công việc với một người đôi khi không chỉ nằm ở lương bổng, chức danh, mà nằm ở việc họ thỏa mãn ra sao với việc mình đang làm. Những người đã từng một lần chạm tay đến thành công lớn hẳn sẽ biết câu "Cứ đi đi, rồi sẽ đến". Không quan trọng chúng ta đang làm việc lớn hay là việc nhỏ, điều quan trọng là phải duy trì niềm đam mê trong bất cứ nhiệm vụ nào. Con người chúng ta đam mê, hưng phấn và có cảm xúc tích cực khi trong đầu óc chúng ta luôn ngập tràn hình ảnh tốt đẹp và tích cực. Niềm cảm xúc này cũng chính là nguồn động lực khiến chúng ta phấn đấu không mệt mỏi mỗi ngày, với cảm hứng từ bức tranh chi tiết về thành công của mình.

Ví dụ bạn đang muốn trở thành một MC truyền hình với mức cát-sê ngất ngưởng, là một người số một, được nhiều người yêu mến, hâm mộ... thì bạn nên đưa những hình ảnh ấy vào suy nghĩ của bạn. Ngoài việc những viễn cảnh đó làm bạn có động lực hơn, thì nó cũng sẽ tạo nên một "nguồn năng lượng" tích cực để "lôi kéo" tương lai ấy đến gần với bạn hơn, bạn sẽ dễ dàng biến nó thành hiện thực hơn. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, thì khi bạn tập trung nghĩ gì về mình, dù tiêu cực hay tích cực thì nó cũng thu hút điều đó đến gần với bạn hơn! Điều này cũng sẽ giúp bạn vượt qua bất cứ khó khăn gì xảy ra trước mắt, vì bạn biết rằng, những khó khăn này là những điều cần phải chạm trán để đạt đến cái đích cuối cùng.

Một nhân viên giỏi cũng sẽ dễ dàng vượt qua những sự nhàm chán thường đến với công việc lặp đi lặp lại trong nhiều năm, khi họ biết rằng họ đang làm điều mình đam mê.

Vậy thì, lớn hay nhỏ là tùy vào thái độ của mỗi chúng ta. Nhưng hãy tin rằng, mỗi thành công nhỏ sẽ được tích lũy thành một thành tựu lớn ngày qua ngày. Muốn thành công lớn, xin hãy khởi sự từ việc nhỏ.

---------------------------------

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và bài văn mẫu tham khảo Nghị luận xã hội: Đóng một cái đinh không xong thì đừng nói đến những việc lớn hơn. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình thêm hấp dẫn. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 hiệu quả.

Các tài liệu liên quan:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm