Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 16

Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Văn có đáp án

VnDoc giới thiệu Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 16. Đây là tài liệu ôn thi hay dành cho các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia. Tài liệu bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Nhằm giúp các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia 2021, VnDoc giới thiệu bộ đề ôn thi THPT Quốc gia. Đây là bộ tài liệu hay cho các em tham khảo, chuẩn bị cho kì thi sắp tới đạt kết quả cao.

Tham khảo thêm: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Ngữ văn

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Ở dân tộc nào cũng có thể có chuyện nói xấu nhau, nhưng trở thành căn bệnh nói xấu sau lưng thì chỉ có thể ở những dân tộc có tính cộng đồng làng xã mạnh như Việt Nam. Trong cộng đồng, mỗi người có một vị trí nhất định nên không ai muốn mất vị trí ấy, cũng không muốn người khác hơn mình, từ đó mà sinh ra cào bằng, đố kị, kèn cựa nhau. Nói xấu sau lưng là một công cụ để thực hiện việc cào bằng, kèn cựa ấy. Bệnh nói xấu sau lưng có hai đặc điểm: Thứ nhất là người ta không bao giờ nói xấu một người thua kém mình. Với người thua kém mình, người Việt luôn có xu hướng giúp đỡ họ. Người ta cũng thường không nói xấu những người đã vượt lên cao hẳn, đã xác lập một địa vị vững chắc, ổn định trên một thang bậc trong cộng đồng. Đối tượng chịu sự nói xấu, ném đá bao giờ cũng là người ngang bằng mình đang có xu hướng vượt lên hoặc những người vừa mới vượt lên cao hơn mình ở một phương diện nào đó, mục đích là nhằm dìm người ta xuống. Đặc điểm thứ hai là việc nói xấu diễn ra lén lút sau lưng người bị hại, người bị hại không hề biết được. Nói xấu trước mặt sẽ khiến người ta mất mặt. Gây thù chuốc oán là điều mà người Việt thường né tránh. Hơn nữa khi nói thẳng sẽ phải cân nhắc, đắn đo. Còn khi nói xấu sau lưng, thì người ta có thể thả phanh nói cho sướng miệng, đơm đặt thêm thắt cho bõ ghét. Do thiếu trong sáng nên bệnh này đôi khi còn được gọi là “bệnh thối mồm”.

(Trích từ “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” – Trần Ngọc Thêm, NXB Văn hóa văn nghệ, 2016).

Thực hiện các yêu cầu:

1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ?

2. Theo tác giả, đâu là mục đích của căn bệnh “nói xấu sau lưng” ?

3. Tác giả thể hiện quan điểm, thái độ gì qua đoạn trích ?

4. Từ nội dung đoạn trích, anh / chị hãy lí giải vì sao người ta không nói xấu sau lưng những người thấp hơn mình hoặc cao hơn mình ?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về tác hại của hành động “nói xấu sau lưng” người khác.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh / chị về hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” trong hai đoạn trích sau, từ đó bình luận ngắn gọn về quá trình nhận thức của người nghệ sĩ:

1. “Lúc bấy giờ trời đầy mù từ ngoài biển bay vào. Lại lác đác mấy hạt mưa. Tôi rúc vào bên bánh xích của một chiếc xe tăng để tránh mưa, đang lúi húi thay phim, lúc ngẩng lên thấy một chuyện hơi lạ: một chiếc thuyền lưới vó mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban nãy đang chèo thẳng vào trước mặt tôi.

Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.”

2. “Gần sáng trời trở gió đột ngột, từng tảng mây đen xếp ngổn ngang trên mặt biển đen ngòm, và biển bắt đầu gào thét, sóng bạc đầu ngoài cửa lạch nổi cồn lên, cao như những ngọn núi tuyết trắng.

Trong phá, các thứ tàu thuyền đều tìm vào bờ để trú, duy ở giữa phá chẳng hiểu vì sao vẫn còn thấy một chiếc thuyền vó bè đang đậu.

Gió rú ào ào chung quanh chiếc xe Reo vừa mới ở trên rừng xuống, chưa dỡ gỗ xuống hết. Cái ông lão đã ngoài sáu mươi mà vẫn còn theo đuổi nghề sơn tràng đang ngồi bên bếp lửa giữa trời, vẫn đặt hai con mắt đầy vẻ lo lắng ra ngoài mặt phá, nơi có chiếc thuyền.

Cái bếp lửa cũng bị gió ném tung ra khắp bãi cát, những tàn lửa đỏ rực bay quẩn lên chung quanh chỗ tôi và ông lão ngồi. Tôi xem lại xoong cơm đã sống nhăn hộ ông lão đoạn gào lên:

– Chiều gió này không khéo bão cấp 11 rồi?

– Ừ, ừ…! – Ông lão lẩm bẩm, vẫn không rời mắt khỏi chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá”.

(Trích “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu)

Hết

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 16

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

2. Theo tác giả, mục đích của căn bệnh “nói xấu sau lưng” là: “Trong cộng đồng, mỗi người có một vị trí nhất định nên không ai muốn mất vị trí ấy, cũng không muốn người khác hơn mình, từ đó mà sinh ra cào bằng, đố kị, kèn cựa nhau. Nói xấu sau lưng là một công cụ để thực hiện việc cào bằng, kèn cựa ấy”.

3. Quan điểm, thái độ của tác giả qua đoạn trích: một mặt, tác giả đưa ra đánh giá khách quan về một thói quen của người Việt, nhưng mặt khác, thông qua đó tác giả cũng ngầm bày tỏ thái độ phê phán với căn bệnh “nói xấu sau lưng”.

4. Người ta không nói xấu sau lưng những người thấp hơn mình hoặc cao hơn mình là vì: những người thấp hơn mình vốn không phải là đối tượng có thể đe dọa đến vị trí của mình; ngược lại, những người cao hơn mình, đã xác lập vị trí ổn định trong xã hội là đối tượng vượt tầm mình, mình không thể vươn tới.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

– Nói xấu sau lưng người khác gây tác hại tới người nói xấu:

+ Tạo ra tâm lí hèn nhát, nhụt ý chí phấn đấu

+ Đánh mất cảm tình đối với người khác

– Nói xấu sau lưng người khác gây tác hại tới người bị nói xấu: có thể tạo ra dư luận không tốt, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nạn nhân.

– Nói xấu sau lưng người khác gây tác hại tới cộng đồng: tạo nên tình trạng phe phái, mất đoàn kết, do vậy hiệu quả công việc sẽ không cao, dẫn đến sự trì trệ của xã hội.

v.v...

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

1. Nêu những nét khái quát nhất về tác giả Nguyễn Minh Châu và “Chiếc thuyền ngoài xa”.

2. Tóm tắt nội dung tác phẩm

3. Phân tích đoạn trích:

a. Đoạn 1:

– Bối cảnh xuất hiện: chiếc thuyền xuất hiện trong một buổi bình minh, tranh sáng tranh tối, khung cảnh mờ ảo (trời đầy mù, lác đác mưa).

– Điểm nhìn: chiếc thuyền được miêu tả từ xa với những nét chấm phá: Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồn; vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc.

=> Tất cả tạo nên một khu cảnh đẹp đến hoàn hảo, khiến người nghệ sĩ vô cùng xúc động.

– Ý nghĩa của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa:

+ Chiếc thuyền là biểu tượng cho cuộc sống của người dân vùng biển.

+ Hình ảnh “chiếc thuyền” được nhìn từ xa, nhìn qua một màn sương mù, một khung cảnh tranh tối tranh sáng chính là phản ánh cách nhìn thoát li thực tế, chủ quan, lãng mạn hóa và lí tưởng hóa cuộc sống của người nghệ sĩ thời bấy giờ.

+ Chính vì “nhìn từ xa”, nên họ chỉ nhìn được cái bề ngoài tưởng chừng đẹp đẽ, thơ mộng; chứ chưa thấu hiểu được bản chất thật sự, những cái nhọc nhằn lam lũ ẩn đằng sau nó.

b. Đoạn 2:

– Bối cảnh xuất hiện: chiếc thuyền lưới vó xuất hiện trong cơn bão biển dữ dội.

– Điểm nhìn: được nhìn từ xa, nhưng tác giả không tập trung miêu tả chiếc thuyền, mà chỉ cố gắng làm nổi bật cái khung cảnh dữ dội, qua đó thể hiện sự yếu ớt, lẻ loi, cô độc của chiếc thuyền; thể hiện tình trạng hiểm nguy mà nó đang gặp phải.

– Ý nghĩa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa:

+ Chiếc thuyền ở đây vẫn là biểu tượng cho cuộc sống của người dân vùng biển.

+ Đặt chiếc thuyền trong bối cảnh của cơn bão dữ dội, tác giả muốn nói tới cuộc chiến đấu gian nan của con người với thiên nhiên: trước sức mạnh của thiên nhiên, con người thật nhỏ bé, yếu ớt; cuộc sống của con người bị đe dọa nghiêm trọng.

4. Bình luận về quá trình nhận thức của người nghệ sĩ:

– Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện hai lần phản ánh hai chặng đường khác nhau trong quá trình nhận thức của người nghệ sĩ:

+ Ở đoạn 1, hình ảnh chiếc thuyền hiện lên đẹp đẽ, tuyệt bích thể hiện cái nhìn cuộc sống từ bề ngoài, từ mặt hiện tượng. Đó là cái nhìn có phần phiến diện, bị phủ lên một màn sương mờ ảo của cảm hứng lãng mạn, thi vị hóa cuộc sống của những con người từ trong lí tưởng cách mạng bước ra, những con người vừa giành được chiến thắng. Đây là cái nhìn của con người ĐỨNG TRÊN cuộc sống, con người ngoài cuộc.

+ Ở đoạn 2, hình ảnh chiếc thuyền trong phong ba bão táp không còn là cái nhìn cuộc sống từ bên ngoài nữa, mà đó chính là sự trải nghiệm của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ dấn thân vào cuộc sống, vào sinh hoạt của người dân, để từ đó thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn thống khổ trong cuộc vật lộn mưu sinh của họ. Đây là cái nhìn của con người ĐỨNG TRONG cuộc sống, con người trong cuộc.

– Hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích thứ hai phản ánh sự trưởng thành trong nhận thức của người nghệ sĩ: nghệ thuật phải xuất phát từ đời sống; và vẻ đẹp của nghệ thuật chỉ có được khi người nghệ sĩ thực sự lăn lộn với đời sống, để chưng cất từ máu và nước mắt của con người trong cuộc mưu sinh mà làm nên tác phẩm của mình.

5. Khái quát vấn đề.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

........................

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 16. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm