Bài tập tự luận: Sinh trưởng ở động vật (phần 3)

Mời các em học sinh tham khảo và luyện tập với bài tập tự luận Sinh học lớp 11: Sinh trưởng ở động vật (phần 3). Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh làm quen với nhiều dạng câu hỏi tự luận khác nhau, từ đó giúp học tốt môn Sinh học lớp 11 hơn. Sau đây mời các bạn tham khảo.

Câu 1: Tại sao gà trống sau khi cắt bỏ tinh hoàn thì sẽ phát triển không bình thường: mào nhỏ, không có cựa, không biết gáy và mất bản năng sinh dục?

Trả lời:

Tinh hoàn là nơi tiết ra testostêrôn – hoocmôn kích thích phân hoá tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục sơ cấp và thứ cấp ở con đực. Ở gà trống, đó là các đặc điểm như mào, cựa, tiếng gáy, bản năng “đạp mái”,…. Do đó khi cắt bỏ tinh hoàn thì sẽ dẫn đến sự thiếu hụt hoocmôn này, kết quả là gà trống xuất hiện những đặc điểm không bình thường như: mào nhỏ, không có cựa, không biết gáy và mất bản năng sinh dục…

Câu 2: Em hãy cho biết nguyên nhân và cơ chế làm phát sinh hiện tượng người bé nhỏ, người khổng lồ.

Trả lời:

- Người bé nhỏ là hậu quả do tuyến yên tiết quá ít hoocmôn sinh trưởng (GH) vào giai đoạn trẻ em còn người khổng lồ là hậu quả do tuyến yên tiết ra quá nhiều hoocmôn sinh trưởng vào giai đoạn trẻ em.

- Nếu hoocmôn sinh trưởng tiết ra ít hơn bình thường vào giai đoạn trẻ em thì sẽ làm giảm phân chia tế bào, giảm số lượng và kích thước tế bào, đặc biệt là tế bào xương. Kết quả là trẻ chậm lớn hoặc ngừng lớn (người bé nhỏ). Ngược lại, nếu hoocmôn này được tiết quá nhiều vào giai đoạn trẻ em sẽ dẫn đến tăng cường quá trình phân chia tế bào, tăng số lượng và kích thước tế bào, đặc biệt là tế bào xương. Kết quả là cơ thể phát triển quá mức và trở thành người khổng lồ.

Câu 3: Em hãy trình bày ảnh hưởng và mối tương quan giữa hai hoocmôn juvenin và ecđixơn trong quá trình biến thái ở bướm.

Trả lời:

Trong biến thái của bướm, sự có mặt đồng thời của juvenin và ecđixơn giúp kích thích quá trình lột xác ở sâu bướm. Nếu như ecđixơn vẫn duy trì ổn định về nồng độ thì juvenin lại ngược lại. Càng về cuối của quá trình lột xác, juvenin càng giảm dần nồng độ. Song song với quá trình này là tác dụng ức chế sâu hoá nhộng và biến đổi thành bướm của juvenin sẽ dần bị triệt tiêu, đồng thời tác dụng kích thích sâu biến thành nhộng và bướm của ecđixơn sẽ được giải phóng. Khi đó, dưới tác dụng của ecđixơn, sâu sẽ đi qua giai đoạn lột xác, hoá nhộng và sau đó biến đổi thành bướm trưởng thành.

Như vậy, VnDoc đã giới thiệu tới bạn đọc Bài tập tự luận: Sinh trưởng ở động vật (phần 3). Việc nắm vững kiến thức về từng chuyên đề cũng như luyện tập các bài tập về chuyên đề đó sẽ giúp các em học sinh hiểu bài sâu hơn cũng như vận dụng để làm bài tập cho những phần tiếp theo tốt hơn.

Ngoài tài liệu Sinh học mà VnDoc đã đăng tải ở trên, mời các bạn học sinh tham khảo thêm: Giải bài tập Sinh học lớp 11, Giải bài tập Vật lý lớp 11, Giải bài tập Hóa học lớp 11, Giải bài tập Toán lớp 11, Tài liệu học tập lớp 11 để có kiến thức tổng hợp và đầy đủ cho tất cả các môn học. Chúc các em học tốt.

Đánh giá bài viết
1 1.340
Sắp xếp theo

    Chuyên đề Sinh học lớp 11

    Xem thêm