Bài tập tự luận Sinh học 11: Cảm ứng ở thực vật (Phần 2)
VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc Bài tập tự luận Sinh học 11: Cảm ứng ở thực vật (Phần 2). Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn học sinh học tốt môn Sinh học lớp 11 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.
Cảm ứng ở thực vật (Phần 2)
- Câu 1: Hướng tiếp xúc là gì? Hãy kể tên một số loài thực vật có hướng tiếp xúc?
- Câu 2: Những hiểu biết về hướng động được áp dụng như thế nào trong thực tiễn sản xuất?
- Câu 3: Điểm khác biệt cơ bản nhất của ứng động sinh trưởng và ứng động không sinh trưởng là gì?
- Câu 4: Em hãy phân biệt hướng động và ứng động ở thực vật?
- Câu 5: Dựa vào tác nhân kích thích, ứng động được phân loại như thế nào?
- Câu 6: Thế nào là ứng động tiếp xúc? Nêu ví dụ minh hoạ?
Câu 1: Hướng tiếp xúc là gì? Hãy kể tên một số loài thực vật có hướng tiếp xúc?
Trả lời:
Hướng tiếp xúc là phản ứng sinh trưởng đối với sự tiếp xúc. Dạng hướng động này thường có ở những cây thân leo như: mướp, bầu, bí, dưa leo, nho, đậu ván, đậu cô ve, cây củ từ…
Câu 2: Những hiểu biết về hướng động được áp dụng như thế nào trong thực tiễn sản xuất?
Trả lời:
Khi nắm vững các kiến thức về hướng động, chúng ta có thể vận dụng chúng vào thực tiễn sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, cụ thể là:
- Hướng đất: Làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, đủ ẩm để rễ cây sinh trưởng ăn sâu.
- Hướng nước: Nơi nào tưới nước thì rễ phân bố đến đó nên nếu muốn rễ lan rộng, ta tưới nước tại các rãnh, nếu muốn rễ đâm sâu, ta phun trực tiếp vào cây để nước thấm sâu vào lòng đất.
- Hướng hóa: Nguồn phân bón sẽ là tác nhân kích thích để lá và rễ cây vươn tới. Ta có thể bón phân theo tán lá hoặc nơi có nhiều rễ phụ và lông hút, bón gốc làm phát triển bộ rễ theo chiều sâu… Khi bón phân, chúng ta còn cần chú ý đến đặc điểm của bộ rễ: bón phân nông cho cây có rễ chùm, bón phân sâu cho cây có rễ cọc.
- Hướng sáng: Nhu cầu ánh sáng của mỗi loại cây là khác nhau. Do đó, ta có thể trồng xen canh cây ưa sáng và cây ưa bóng. Khi trồng nhớ chú ý đến mật độ để đáp ứng đủ nhu cầu ánh sáng của từng cá thể. Ngoài ra, ta có thể chiếu sáng sát mặt đất cho cây và cành thấp phát triển, tạo ra nhiều quả.
Câu 3: Điểm khác biệt cơ bản nhất của ứng động sinh trưởng và ứng động không sinh trưởng là gì?
Trả lời:
Ứng động sinh trưởng xuất hiện do tốc độ sinh trưởng không đồng đều của các tế bào tại mặt trên và mặt dưới của cơ quan như phiến lá, cánh hoa… dưới tác động của kích thích không định hướng từ ngoại cảnh gây nên còn ứng động không sinh trưởng xuất hiện không phải do sinh trưởng mà là do sự biến đổi sức trương nước trong các tế bào, trong các cấu trúc chuyên hóa hoặc do sự lan truyền kích thích cơ học, hóa chất gây ra.
Câu 4: Em hãy phân biệt hướng động và ứng động ở thực vật?
Trả lời:
Sự khác biệt của hướng động và ứng động thể hiện ở hai điểm:
- Hướng kích thích: Đối với hướng động là tác nhân kích thích từ một hướng còn đối với ứng động là tác nhân kích thích mọi hướng (không định hướng).
- Cấu tạo của cơ quan thực hiện: Các cơ quan thực hiện hướng động có thiết diện cắt ngang dạng hình tròn như bao lá mầm ở cây Hoà thảo, thân, cành, rễ của nhiều loài thực vật khác còn các cơ quan thực hiện ứng động là lá, cánh hoa, đài hoa, cụm hoa hoặc có cấu tạo khớp phình nhiều cấp như cây trinh nữ.
Câu 5: Dựa vào tác nhân kích thích, ứng động được phân loại như thế nào?
Trả lời:
Dựa vào tác nhân kích thích, ứng động được phân chia thành: quang ứng động, nhiệt ứng động, thuỷ ứng động, điện ứng động, hóa ứng động, ứng động tiếp xúc, ứng động tổn thương,…
Câu 6: Thế nào là ứng động tiếp xúc? Nêu ví dụ minh hoạ?
Trả lời:
Ứng động tiếp xúc là loại ứng động cơ học do tiếp xúc gây nên. Ví dụ: Ứng động tiếp xúc xuất hiện khi con côn trùng đậu trên cây gọng vó tạo ra một áp lực đè lên các lông tuyến của cây gọng vó. Các lông tuyến của cây gọng vó phản ứng đối với sự tiếp xúc con mồi bằng sự uốn cong và bài tiết enzim prôtêaza. Mức nhạy cảm của lông tuyến đối với sự kích thích cơ học rất cao. Đầu tận cùng của lông là nơi tiếp nhận kích thích, sau đó kích thích lan truyền theo tế bào chất xuống các tế bào phía dưới và tạo ra các phản ứng bắt mồi ở cây gọng vó.
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- Bài tập tự luận Sinh học 11: Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 1)
- Bài tập tự luận Sinh học 11: Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 2)
- Bài tập tự luận Sinh học 11: Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 3)
- Bài tập trắc nghiệm Sinh học 11: Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 1)
- Bài tập trắc nghiệm Sinh học 11: Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật (Phần 2)
- Chuyên đề Sinh học 11: Hướng động
- Chuyên đề Sinh học 11: Ứng động
- Bài tập tự luận Sinh học 11: Cảm ứng ở thực vật (Phần 1)
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới bạn đọc Bài tập tự luận Sinh học 11: Cảm ứng ở thực vật (Phần 2). Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc mời các bạn học sinh tham khảo Giải bài tập Sinh học lớp 11, Giải bài tập Vật lý lớp 11, Giải bài tập Hóa học lớp 11, Giải bài tập Toán lớp 11, Tài liệu học tập lớp 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.