Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 1

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3

Đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 1 là đề kiểm tra cuối học kì 2 lớp 3 dành cho thầy cô và các em học sinh tham khảo, chuẩn bị tốt cho kiểm tra định kì cuối học kì II môn Tiếng Việt sắp tới.

Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 1

I. ĐỌC HIỂU

Đọc thầm bài thơ sau:

NGÀY HỘI RỪNG XANH

Chim Gõ Kiến nổi mõ

Gà Rừng gọi vòng quanh

Sáng rồi, đừng ngủ nữa

Nào, đi hội rừng xanh!

Tre, Trúc thổi nhạc sáo

Khe Suối gảy nhạc đàn

Cây rủ nhau thay áo

Khoác bao màu tươi non.

Công dẫn đầu đội múa

Khướu lĩnh xướng dàn ca

Kì Nhông diễn ảo thuật

Thay đổi hoài màu da.

Nấm mang ô đi hội

Tới suối, nhìn mê say:

Ơ kìa, anh Cọn Nước

Đang chơi trò đu quay!

(Vương Trọng)

Câu 1. Nối tên con vật ở cột trái với từ ngữ tả hoạt động của chúng ở cột phải cho thích hợp.

a) Chim Gõ Kiến

1. gọi vòng quanh đánh thức bạn bè

b) Gà Rừng

2. nổi mõ thúc giục đi hội

c) Công

3. diễn ảo thuật thay đổi màu da

d) Khướu

4. dẫn đầu đội múa

e) Kì Nhông

5. lĩnh xướng dàn đồng ca

Câu 2. Nối từng ô chỉ tên sự vật ở bên trái với ô thích hợp ở bên phải để thấy các sự vật tham gia ngày hội rừng xanh như thế nào.

a) Tre, Trúc

1. thay áo mới màu tươi non

b) Khe Suối

2. thổi nhạc sáo

c) Cây

3. gảy nhạc đàn

d) Nấm

4. chơi trò đu quay

e) Cọn Nước

5. mang ô đi hội

Câu 3. Bài thơ nói về điều gì?

a. Hoạt động của các con vật trong rừng.

b. Vẻ đẹp của cảnh vật núi rừng.

c. Hoạt động, niềm vui của các con vật, sự vật trong rừng vào ngày hội của mình.

Câu 4. Bài thơ "Ngày hội rừng xanh" có nhiều hình ảnh nhân hoá rất sinh động. Em thích hình ảnh nào nhất? Vì sao?

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1. Các con vật trong bài "Ngày hội rừng xanh" được nhân hoá bằng cách nào?

a. Dùng từ gọi chúng như gọi một con người.

b. Dùng từ tả hoạt động của người để tả chúng.

c. Nói chuyện với chúng như nói chuyện với con người.

Câu 2. Cọn nước trong bài thơ được nhân hoá bằng những cách nào?

a. Dùng từ gọi nó như gọi một con người.

b. Dùng từ tả hoạt động của người để tả nó.

c. Nói chuyện với nó như nói chuyện vói một con người.

Câu 3. Bộ phận nào trả lời cho câu hỏi Vì sao? trong mỗi câu sau:

a) Nói "Chim Gõ Kiến nổi mõ" vì Gõ Kiến là một loài chim dùng mỏ gõ vào thân cây tim kiến để ăn.

A. Gõ Kiến là một loài chim dùng mỏ gõ vào thân cây tìm kiến để ăn

B. một loài chim dùng mỏ gõ vào thân cây tìm kiến để ăn

C. dùng mỏ gõ vào thân cây tìm kiến để ăn

b) Vì Kì Nhông là loài thằn lằn có thể thay đổi màu da nên tác giả đã nói "Kì Nhông diễn ảo thuật, thay đổi hoài màu da".

A. có thể thay đổi màu da

B. Kì Nhông là loài thằn lằn

C. Kì Nhông là loài thằn lằn có thể thay đổi màu da

Câu 4. Điền bộ phận trả lời câu hỏi Vì sao? vào chỗ trống trong những câu sau:

a) Vì... nên tác giả bài thơ đã nói Gà Rừng gọi vòng quanh để bảo mọi người đừng ngủ nữa, dậy đi hội.

b) Tác giả viết "Tre, Trúc thổi nhạc sáo" vì...

c) Tác giả để cho "Công dẫn đầu đội múa" vì...

III. LUYỆN NÓI - VIẾT

Câu 1. Dựa vào bài thơ, em hãy kể về "Ngày hội rừng xanh".

Câu 2. Hãy viết một đoạn văn kể về một lễ hội ở quê em hoặc một lễ hội mà em biết.

Đáp án Đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Nối a - 2; b - 1; c - 4; d - 5; e - 3

Câu 2. Nối a - 2; b - 3; c - 1 ; d - 5 ; e - 4.

Câu 3. c.

Câu 4.

Bài thao khảo số 1:

Bài thơ "Ngày hội rừng xanh" có nhiều hình ảnh nhân hoá thật sinh động, trong đó em thích nhất là hình ảnh cây cối đón ngày hội:

Cây rủ nhau thay áo

Khoác bao màu tươi non

Giống như mọi vật trong rừng, cây cối nô nức đón chào ngày hội. Chúng đua nhau khoác lên mình những bộ cánh mới lạ. Mỗi cây diện một màu áo riêng, trông tươi non rất vui mắt. Màu xanh trải ra khắp rừng cây. Cả khu rừng phơi phới xanh tươi, tràn trề sức sống mới.

(Theo Trần Ngọc Thuỷ)

Bài thao khảo số 2:

Các hình ảnh nhân hoá trong bài thơ "Ngày hội rừng xanh" thật sinh động và thú vị. Em thích nhất là hình ảnh chú Kì Nhông:

Kì Nhông diễn ảo thuật

Thay đổi hoài màu da

Hai câu thơ cho ta thấy Kì Nhông rất tài tình. Chú ta có thể chuyển đổi từ màu da này sang màu da khác. Biết bao nhiêu màu sắc cứ lần lượt nối tiếp nhau hiện lên trên da Kì Nhông, từ lờ mờ rồi rõ nét hẳn. Tài biến hoá của Kì Nhông khiến ai cũng bất ngờ và thích thú. Thật là kì diệu! Kì Nhông chẳng khác nào một ảo thuật gia trong tay có bao nhiêu là phép biến hoá. Tiêt mục của Kì Nhông thật là độc đáo!

(Theo Trần Ngọc Thuỷ)

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1. b;

Câu 2. a, b;

Câu 3. a) A; b) C

Câu 4.

a) gà cất tiếng gáy báo trời đã sáng

b) người ta thường dùng cây tre, cây trúc để làm sáo

c) công là con vật múa rất đẹp

III. LUYỆN NÓI - VIẾT

Câu 1.

Bài thao khảo số 1:

Khi mùa xuân đến, trong rừng diễn ra một ngày hội đặc biệt: ngày hội rừng xanh.

Từ sáng sớm, chú Gà Rừng đã gáy "Ò... ó... o..." như muốn nói: "Đã sáng rồi các bạn ơi, hãy dậy để chuẩn bị đi hội rừng xanh nào!". Khi các đội múa, đội trống đã chuẩn bị xong thì anh Gõ Kiến nổi mõ giòn giã và cô Công đỏng đảnh dẫn đầu đội múa vừa đi vừa xoè bộ lông đuôi với bảy sắc cầu vồng lấp lánh. Tre, Trúc vi vu thổi sáo. Suối róc rách gảy đàn. Cây thay những bộ quần áo mới. Trên cành cây, anh Khướu bắt nhịp cho các loài chim hót những bản nhạc hay nhất ca ngợi cuộc sống êm đềm, tươi đẹp. Màn ảo thuật thay đổi màu da của Kì Nhông khiến các con vật trong rừng đều trầm trồ thán phục. Họ nhà nấm mang tới hội những chiếc ô sặc sỡ đủ sắc màu. Vừa đến suối, Nấm đã thấy anh Cọn Nước đang chơi trò đu quay rất vui vẻ.

Thật là một ngày hội rừng xanh tuyệt vời.

Bài thao khảo số 2:

Mùa xuân về. Muông thú trong rừng đều phấn khởi tổ chức ngày hội chào đón mùa xuân.

Sáng hôm ấy, khu rừng tĩnh mịch bỗng vang lên âm thanh "Cộc! Cộc! Cộc!" liên hồi như gõ cửa. Đó là bác Gõ Kiến đang báo hiệu ngày hội đã đến. Những anh Gà Rừng xa gần gáy váng lên "Ò! Ó! O... o...!" giục giã muôn loài tỉnh dậy. Cây cối rủ nhau diện áo mới với bao màu áo tươi non, cả khu rừng hối hả chuẩn bị đi hội rừng xanh. Giữa rừng, khoảng đất lún phún những vạt cỏ non ngăn ngắn là điểm hẹn của muông thú bỗng chốc đông đủ các loài. Đám đông lô nhô, xôn xao và háo hức chò đợi buổi diễn.

Mở đầu là các chàng Công tiến vào trong tiếng reo hò cổ vũ của đám đông dự hội. Những chàng Công hãnh diện khoe chiếc đuôi thướt tha màu xanh có tô điểm những khoang tròn nhiều màu sắc sặc sỡ, nhìn chẳng khác nào những mặt trời tí hon xinh đẹp. Các chàng Công đã trình diễn một màn múa quạt hết sức đẹp mắt. Khán giả không ngớt xuýt xoa và cứ ngẩn ngơ dõi theo khi các vũ công rời sân khấu. Tiết mục thứ hai là bản hoà ca ngợi ca mùa xuân do chị Khướu lĩnh xướng. Những tiếng xì xào im bặt khi tiếng hát du dương ca ngợi mùa xuân xinh đẹp cất lên. Giọng hát trong trẻo quá! Cao hứng, Tre, Trúc liền đệm sáo vi vút, Khe Suối cũng róc rách đệm đàn góp vui cho ngày hội. Mọi người được chiêu đãi một bữa tiệc âm thanh thịnh soạn. Gây ấn tượng nhất là tiết mục ảo thuật của chàng Kì Nhông bé nhỏ. Trước hàng trăm ánh mắt tò mò, chăm chú quan sát, Kì Nhông tự tin trổ tài biến hoá. Kì Nhông đến bên vạt cỏ non, màu da của chú bỗng đổi màu xanh hệt như vạt cỏ. Ai nấy đều ngạc nhiên thán phục. Tiếp đó, Kì Nhông chọn một chỗ đất trống, khi chàng ta đứng lên đất thì lúc sau màu da cũng chuyển sang màu nâu y chang màu đất đó. Kì Nhông nhảy lên một phiến đá, lập tức chàng ta như đã tàng hình, ẩn vào phiến đá. Phải tinh mắt lắm mới phát hiện ra. Cuối cùng, Kì Nhông tiến đến nấp sau đám hoa dại vàng tươi thì thân mình chú ta bỗng chuyển màu rực rỡ như đám hoa ấy. Thật diệu kì! Sân khấu bỗng chốc phủ đầy những bông hoa dại đủ màu mà khán giả tặng cho nhà ảo thuật tài ba.

Buổi biểu diễn kết thúc mà ai cũng còn luyến tiếc, chẳng muốn ra về. Chắc chắn mùa xuân tới, hội sẽ đặc sắc và đông vui hơn nữa.

(Theo Trần Ngọc Thuỷ)

Câu 2.

Bài thao khảo số 1:

Tháng 8 năm ngoái, em được mẹ cho đi dự lễ hội đền Kiếp Bạc ở Chí Linh. Lễ hội được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch. Từng dòng người đổ về đây trẩy hội đông như nước chảy. Ai cũng mặc những bộ quần áo thật đẹp. Lễ hội có rất nhiều trò chơi nhưng em thích nhất là trò đánh đu. Giá đu và cây đu được làm bằng cây tre già dựng lên. Cứ từng đôi một đánh đu, đưa đi đưa lại trông thật là hay. Có một đôi anh chị mặc áo tứ thân đánh đu rất đẹp, mọi người đều vỗ tay khen ngợi. Trò chơi chọi gà cũng thú vị không kém. Khi hai chú gà oai vệ như hai chàng hiệp sĩ bước ra, mọi người đều vỗ tay cổ vũ nhiệt liệt. Lúc các chú tung ra những miếng võ đẹp, tiếng trống nổi lên dồn dập làm ai cũng hồi hộp.

Lễ hội đền Kiếp Bạc đã để lại trong em nhiều ấn tượng khó quên. Đó là một lễ hội "đậm đà bản sắc dân tộc" như người lớn thường nói. Em mong năm nào cũng được đi dự hội.

Bài thao khảo số 2:

Quê em thường tổ chức lễ hội vào mùa xuân. Mọi người về dự rất đông. Mở đầu là điệu múa "hoa sen" của trường Trung học Tân Sơn. Tiếp theo là những tiết mục ném còn, thi ẩm thực, kéo co, thi hát đối đáp, thi người đẹp vùng cao và thi cắm trại.

Tiết mục em thích nhất là "Thi người đẹp các dân tộc vùng cao". Các cô gái xinh đẹp mặc những bộ quần áo đủ sắc màu của dân tộc mình. Người Dao mặc quần áo thổ cẩm, người Nùng mặc áo nhuộm chàm, trên đầu quấn khăn. Kết thúc lễ hội là một màn thả đèn trời rất đẹp. Em rất vui khi được tham gia lễ hội này.

(Nguyễn Thị Phương Nam)

Ngoài Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 3 - Đề 1 trên. Các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi hay và chất lượng, các dạng toán nâng cao hay và khó dành cho các em lớp 3 hoặc các bài tập nâng cao Tiếng Việt 3bài tập nâng cao Toán 3 mà VnDoc.com đã đăng tải. Chúc các em học tốt!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
22
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt Kết nối

    Xem thêm