Giải bài tập trang 70 SGK Sinh lớp 8: Hoạt động hô hấp
Giải bài tập trang 70 SGK Sinh lớp 8: Hoạt động hô hấp
Giải bài tập trang 70 SGK Sinh lớp 8: Hoạt động hô hấp được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết và lời giải của các câu hỏi trong sách giáo khoa về hoạt động hô hấp nằm trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 8. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.
Giải bài tập trang 60 SGK Sinh lớp 8: Vận chuyển máu qua hệ mạch, vệ sinh hệ tuần hoàn
Giải bài tập trang 67 SGK Sinh lớp 8: Hô hấp và các cơ quan hô hấp
A. Tóm Tắt Lý Thuyết:
I – Thông khí ở phổi (hình 21-1-2)
Không khí trong phổi cần thường xuyên thay đổi thì mới có đủ O2 cung cấp liên tục cho máu đưa tới tế bào. Hít vào và thở ra nhịp nhàng giúp cho phổi được thông khí.
Cứ 1 lần hít vào và 1 lần thở ra được coi là một cử động hô hấp. Số cử động hô hấp trong 1 phút là nhịp hô hấp.
Hít vào và thở ra được thực hiện nhờ hoạt động của lồng ngực và các cơ hô hấp.
II – Trao đổi khí ở phổi và tế bào
Nhờ các thiết bị chuyên dụng (hình 21-3), ngày nay người ta đã có thể đo được nhanh và chính xác tỉ lệ % của các khí trong không khí hít vào và thở ra.
Các khí trao đổi ở phổi và tế bào đều theo cơ chế khuếch tán từ nơi có nồng độ cao tới nơi có nồng độ thấp (hình 21-4).
B. Hướng dẫn giải bài tập SGK trang 70 Sinh Học lớp 8:
Bài 1: (trang 70 SGK Sinh 8)
Trình bày tóm tắt quá trình hô hấp ở cơ thể người.
Đáp án và hướng dẫn giải bài 1:
Nhờ hoạt động của lồng ngực với sự tham gia của các cơ hô hấp mà ta thực hiện được hít vào và thở ra, giúp cho không khí trong phổi thường xuyên được đổi mới.
Trao đổi khí ở phổi gồm sự khuếch tán của O2 từ không khí ở phế nang vào máu và của CO2 từ máu vào không khí phế nang.
Trao đổi khí ở tế bào gồm sự khuếch tán của O2 từ máu vào tế bào của CO2 từ tế bào vào máu.
Bài 2: (trang 70 SGK Sinh 8)
Hô hấp ở cơ thể người và thỏ có gì giống và khác nhau?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 2:
So sánh sự hô hấp ở người và thỏ
* Giống nhau:
- Cũng gồm các giai đoạn thông khí ở phổi, trao đổi khí ở phổi và trao đổi khí ở tế bào.
- Sự trao đổi khí ở phổi và tế bào cũng theo cơ chế khuếch tán từ nồng độ cao tới nơi nồng độ thấp.
* Khác nhau:
- Ở thỏ, sự thông khí ở phổi chủ yếu do hoạt động của cơ hoành và lồng ngực, do bị ép giữa 2 chi trước nên không dãn nở về phía 2 bên.
- Ở người, sự thông khí ở phổi do nhiều cơ phối hợp hơn và lồng ngực dãn nở cả về phía 2 bên.
Bài 3: (trang 70 SGK Sinh 8)
Khi lao động nặng hay chơi thể thao, nhu cầu trao đổi khí của cơ thể tăng cao, hoạt động hô hấp của cơ thể có thể biến đổi thế nào để đáp ứng nhu cầu đó?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 3:
Khi lao động nặng hay chơi thể thao làm nhu cầu trao đổi khí của cơ thể tăng cao, hoạt động hô hấp của cơ thể có thể biến đổi theo hướng vừa tăng nhịp hô hấp (thở nhanh hơn), vừa tăng dung tích hô hấp (thở sâu hơn).
Bài 4: (trang 70 SGK Sinh 8)
Thử nhìn đồng hồ và đếm nhịp thở của mình trong 1 phút lúc bình thường (thở nhẹ) và sau khi chạy tại chỗ 1 phút (thở mạnh). Nhận xét kết quả và giải thích.
Đáp án và hướng dẫn giải bài 4:
Nhận xét kết quả: học sinh tự làm.
Giải thích: khi hoạt động, nhu cầu O2 của cơ thể tăng, nên nhịp thở tăng để thỏa mãn nhu cầu O2 của cơ thể.