Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề thi Tiếng Việt cuối kì 2 lớp 4 sách Cánh Diều

03 Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 Cánh diều năm 2024

Để chuẩn bị cho kì thi học kì 2 sắp tới, VnDoc xin giới thiệu đến các em học sinh Bộ 03 Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án chi tiết. Các em hãy thực hành giải đề, ôn tập để chuẩn bị thật tốt cho kì thi sắp tới nhé!

Đề thi Tiếng Việt cuối kì 2 lớp 4 sách Cánh Diều - Đề 1

Trường: Tiểu học……..
Lớp:.............
Họ và tên:...........................................

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI NĂM
Năm học: 2023-2024
MÔN: TIẾNG VIỆT

Điểm

Nhận xét của giáo viên

……………………………………………………………..

A. Đọc hiểu

Đọc bài tập đọc sau:

Đường đi Sa Pa

Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xoá tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

Buổi chiều, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Nắng phố huyện vàng hoe. Những em bé Hmông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.

Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái, lá vàng rơi khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.

Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.

Theo NGUYỄN PHAN HÁCH

Khoanh vào trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Những đám mây trắng được miêu tả như thế nào? (0,5đ)

A) bồng bềnh huyền ảo
B) trông rất quái lạ
C) xanh lam huyền bí
D) nhìn rất kì thú

Câu 2: Tác giả miêu tả các con ngựa có những màu sắc nào? (0,5đ)

A) đen láy, trắng muốt, đỏ thắm
B) đen huyền, trắng tuyết, đỏ son
C) đỏ tía, nâu vàng, xanh lam
D) đen tuyền, nâu vàng, trắng tinh

Câu 3: Ở Sa Pa có những em bé dân tộc nào: (0,5đ)

A) Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng.
B) Ba-na, Tu Dí, Kinh.
C) Hmông, Tu Dí, Phù Lá.
D) Kinh, Chăm, Khơ - me.

Câu 4: Vì sao tác giả gọi Sa Pa là “món quà diệu kì của thiên nhiên”? (0,5đ)

A) Vì phong cảnh của Sa Pa không hấp dẫn.
B) Vì Sa Pa có phong cảnh đẹp và sự đổi mùa trong một ngày ở Sa Pa rất lạ lùng, hiếm có.
C) Vì Sa Pa có núi non hùng vĩ.
D) Vì Sa Pa là nơi có nhiều mây.

Câu 5: Chủ ngữ trong câu “Nắng phố huyện vàng hoe.” là: (0,5đ)

A) Phố huyện
B) Nắng phố huyện
C) Nắng phố
D) Vàng hoe

Câu 6: Câu “Bông hoa này đẹp quá!”? (0,5đ)

A) Bông hoa.
B) Bông hoa này.
C) Đẹp quá.
D) Này đẹp quá.

Câu 7: Hãy đặt dấu ngoặc đơn cho phù hợp”? (1đ)

Cầu Vĩnh Tuy là một trong nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội. Vào thời điểm hoàn thành năm 2010, đây là cây cầu lớn và hiện đại nhất được người Việt Nam thực hiện ở tất cả các khâu trong xây dựng.

Câu 8: Nối câu ở cột A với trạng ngữ ở cột B cho phù hợp.(1đ)

A

B

Hôm qua, mẹ em đi chợ.

Trạng ngữ chỉ nơi chốn

Ngoài sân, cây cối đang đâm chồi, nảy lộc.

Trạng ngữ chỉ thời gian

Câu 9: Trời mưa em không đi học bằng xe đạp được, phải đi bộ. Em hãy đặt một câu trong đó có trạng ngữ (1đ)

………………………………………………………………………………………….……………………

………………………………………………………………………………………….……………………

B. VIẾT

I. LUYỆN TỪ VÀ CÂU: (3 điểm)

Câu 1 (1,0 điểm) Gạch dưới câu chủ đề trong đoạn văn sau:

Cây đa nghìn năm là cả một toà cổ kính. Chín, mười đứa bé chúng tôi bắt tay nhau ôm không xuể. Cành cây lớn hơn cột đình. Ngọn chót vót giữa trời xanh. Rễ cây nổi lên mặt đất thành những hình thù quái lạ, như những con rắn hổ mang giận dữ. Trong vòm lá, gió chiều gảy lên những điệu nhạc li kì tưởng chừng như ai đang cười đang nói.

Câu 2 (1,0 điểm). Gạch dưới từ viết sai và sửa lại cho đúng

Sau buổi tham quan, các anh chị hướng dẫn viên của công ti du lịch Cánh Buồm Nâu đã tổ chức cho các thành viên câu lạc bộ em yêu khoa học chơi một số trò chơi vận động ở bãi biển.

……………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………..

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu sau:

Cây đa nghìn năm là cả một toà cổ kính.

Chín, mười đứa bé chúng tôi bắt tay nhau ôm không xuể.

II. VIẾT (7 điểm): Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.

Đáp án:

A. Đọc hiểu: (6 đ)

Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng (3đ)

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án

A

B

C

B

B

D

Điểm

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

Câu 7: (1đ)

Cầu Vĩnh Tuy là một trong nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng (trên địa bàn Hà Nội). Vào thời điểm hoàn thành (năm 2010), đây là cây cầu lớn và hiện đại nhất được người Việt Nam thực hiện ở tất cả các khâu trong xây dựng.

Câu 8: Mỗi ý nối đúng được 0,5đ

Tiếng Việt 4 Cánh diều

Câu 9: Tùy câu của HS đặt mà GV chấm điểm (chú ý đầu câu phải viết hoa cuối câu có dấu chấm).

VD: Hôm nay, trời mưa em phải lội bộ đi học.

B. VIẾT:

I. LUYỆN TỪ VÀ CÂU: (3 điểm)

Câu 1 (1,0 điểm).

Cây đa nghìn năm là cả một toà cổ kính. Chín, mười đứa bé chúng tôi bắt tay nhau ôm không xuể. Cành cây lớn hơn cột đình. Ngọn chót vót giữa trời xanh. Rễ cây nổi lên mặt đất thành những hình thù quái lạ, như những con rắn hổ mang giận dữ. Trong vòm lá, gió chiều gảy lên những điệu nhạc li kì tưởng chừng như ai đang cười đang nói.

Câu 2 (1,0 điểm).

Công ty Du lịch Cánh Buồm Nâu; Câu lạc bộ Em yêu khoa học.

Câu 3 (1,0 điểm).

Cây đa nghìn năm / là cả một tòa cổ kính.
CN VN

Chín, mười đứa bé chúng tôi / bắt tay nhau ôm không xuể.
CN VN

II. Viết (7 điểm)

Nội dung (4 điểm): Viết được bài văn miêu tả gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài (4 điểm). Tuỳ theo nội dung học sinh viết có thể trừ dần 4->3,5->3,0->2,5….

Kỹ năng (3 điểm):

- Điểm tối đa cho kĩ năng viết chữ, viết đúng chính tả: 1 điểm. (Mắc từ 6 – 7 lỗi trừ 0.5 điểm. Mắc trên 8 lỗi: trừ 1 điểm).

- Điểm tối đa cho kĩ năng dùng từ, đặt câu: 1 điểm. (Tùy theo mức độ sai sót khi dùng từ, đặt câu, GV cho các mức điểm: 0.5 – 0).

- Điểm tối đa cho phần sáng tạo (diễn đạt đầy đủ ý, câu văn hay; cách sắp xếp câu văn hợp lí, sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp, … ): 1 điểm

Ma trận đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 Cánh diều

Tiếng Việt 4 Cánh diều

Đề thi Tiếng Việt cuối kì 2 lớp 4 sách Cánh Diều - Đề 2

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- GV cho học sinh đọc văn bản bài “Trường Sa” (trang 59) Tiếng Việt 4 Tập 2 - (Cánh diều)

- Dựa vào nội dung bài đọc, HS trả lời câu hỏi: Khổ thơ cuối cho em cảm nhận điều gì về cuộc sống của các chiến sĩ ở Trường Sa?

II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

NIỀM TIN CỦA TÔI

Chưa bao giờ tôi nghĩ là mình có khả năng viết lách. Việc viết một bài thơ, một bài tiểu luận đối với tôi còn khó hơn cả việc “lên rừng, xuống biển”. Thế nhưng tôi lại rất yêu thích công việc này, nên quyết định tham gia một lớp học rèn luyện kĩ năng sáng tác.

Cuối khóa học, thầy giáo đề nghị mỗi học sinh phải viết một bài tiểu luận dài mười lăm trang với đề tài thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Tôi thật sự căng thẳng và lo lắng khi nghe yêu cầu đó.

Sau khi tôi đứng nói chuyện điện thoại cho một người bạn nhờ giúp đỡ, một người phụ nữ đã ái ngại nói với tôi:

– Cô triển khai đề tài đó không đúng rồi!

Rồi bà nhiệt tình hướng dẫn tôi cách xây dựng và phát triển dàn ý của một bài tiểu luận. Tôi đã học được những kĩ năng kinh nghiệm viết lách mà tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi hỏi:

– Bà học cách viết ở đâu mà thông thạo vậy?

– Đó là nghề của tôi mà. Tôi là một biên tập viên, đang làm ở nhà xuất bản ở Ha-cua (Hacourt)

Vào cái ngày tôi đưa cho bà bài luận dài mười lăm trang của mình, tôi lo lắng và hồi hộp một cách khó tả. Tôi quan sát rất kĩ từng biểu hiện trên khuôn mặt của bà khi bà đọc bài luận của tôi. Cuối cùng bà cũng đọc xong. Tôi nín thở chờ đợi…

– Nếu tôi là người chấm điểm, tôi sẽ cho cô điểm xuất sắc.

– Gì cơ? Bà nói thật chứ? – Tôi ngạc nhiên thốt lên.

– Đương nhiên rồi. Bài làm thật xuất sắc.

Đó là giây phút làm cuộc đời tôi thay đổi. Cảm giác tự tin như một luồng điện chạy khắp cơ thể. Tôi tin rằng những gì bà nói là sự thật.

Sau này, tôi đã viết thêm nhiều những cuốn sách, nhưng cuốn sách đầu tay của tôi là dành tặng riêng bà, dành tặng cho người đầu tiên khơi dậy những khả năng tiềm ẩn trong tôi, là người đã tạo cho tôi tự tin để thể hiện chính mình trên những trang viết.

Nhã Khanh

Câu 1. Điều gì đã khiến tác giả hoàn thành bài luận? (0,5 điểm)

A. Được một người bạn yêu sách giúp đỡ.

B. Được một người bạn cùng lớp giúp đỡ.

C. Được một biên tập viên giỏi hướng dẫn động viên.

D. Được thầy giáo hướng dẫn.

Câu 2. Điều gì đã khiến tác giả thay đổi hẳn cuộc đời và trở thành một nhà văn? (0,5 điểm)

A. Những lời động viên khen gợi của người biên tập viên.

B. Những kiến thức thu được sau khóa học.

C. Năng lực của chính tác giả.

D. Nhờ lời động viên của thầy giáo khóa học.

Câu 3. Câu chuyện muốn nói với em điều gì? (0,5 điểm)

A. Hãy biết khơi gợi những khả năng tiềm ẩn của người khác bằng những lời

động viên chân thành của mình.

B. Hãy luôn khen gợi người khác.

C. Hãy tự tin vào chính bản thân mình.

D. Hãy dũng cảm.

Câu 4. Nêu công dụng của dấu gạch ngang trong trường hợp sau: (1 điểm)

Để trồng cây trong chậu, em hãy làm theo các bước sau:

– Chuẩn bị đất, cho một phần đất vào chậu

– Dùng xẻng nhỏ xới đất cho đất tơi xốp

– Đặt cây vào chậu, cho nốt phần đất còn lại, dùng tay ấn nhẹ đất cho chắc gốc cây

– Tưới một chút nước vào gốc cây cho đất ẩm và gốc cây chắc hơn.

..............................................................................................................................................

Câu 5. Em hãy xác định các thành phần câu và ghi “TN” dưới trạng ngữ, “CN” dưới chủ ngữ, “VN” dưới vị ngữ: (1 điểm)

a) Nửa đêm, trời nổi cơn mưa lớn.

..............................................................................................................................................

b) Hè năm ngoái, em được bố mẹ dẫn đi du lịch Bắc Kinh.

..............................................................................................................................................

Câu 6. Đặt 1 câu có trạng ngữ chỉ thời gian hoặc nơi chốn và gạch chân dưới trạng ngữ đó: (1 điểm)

..............................................................................................................................................

Câu 7. Em hãy gạch chân vào từ ngữ không cùng loại với các từ còn lại và đặt câu với từ đó: (1,5 điểm)

a) nằm, ngồi, nói, hoa sen:

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

b) uể oải, đọc, héo hon, tươi tỉnh:

..............................................................................................................................................

..............................................................................................................................................

B. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

1. Nghe – viết (4 điểm)

ĐÀN BÒ GẶM CỎ

(Trích)

Cả đàn bò rống lên sung sướng. Nhẫn cũng phải đứng dừng lại một bước, hai mắt sáng rực lên. Qua có mấy đêm mưa phùn mà cả khu đồi đã thay đổi hẳn bộ mặt. Một màu xanh non ngọt ngào, thơm ngát, trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi.

Theo Hồ Phương

2. Tập làm văn (6 điểm)

Em hãy viết bài văn tả chú chó mà em yêu thích.

Đáp án Đề thi Tiếng Việt cuối kì 2 lớp 4 sách Cánh Diều - Đề 2

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

- Đọc trôi chảy, lưu loát, ngắt nghỉ hơi đúng chỗ, tốc độ đạt yêu cầu đạt 4 điểm. Tùy theo mức độ đọc của học sinh mà giáo viên cho điểm.

- Trả lời câu hỏi: Khổ thơ cuối cho em cảm nhận cuộc sống của các chiến sĩ ở Trường Sa rất vất vả và thiếu thốn nhưng với tình yêu nước thì các chiến sĩ vẫn vui vẻ đối mặt.

II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm)

C. Được một biên tập viên giỏi hướng dẫn động viên.

Câu 2. (0,5 điểm)

A. Những lời động viên khen gợi của người biên tập viên.

Câu 3. (0,5 điểm)

A. Hãy biết khơi gợi những khả năng tiềm ẩn của người khác bằng những lời

động viên chân thành của mình.

Câu 4. (1 điểm)

- Dấu gạch ngang dùng để đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

Câu 5. (1 điểm)

a) Nửa đêm/, /trời/ nổi cơn mưa lớn.

TN CN VN

b) Hè năm ngoái/, /em/ được bố mẹ dẫn đi du lịch Bắc Kinh.

TN CN VN

Câu 6. (1 điểm)

Ở góc vườn, bà tôi trồng một cây cam.

Câu 7. (1,5 điểm)

a) nằm, ngồi, nói, hoa sen:

Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam.

b) uể oải, đọc, héo hon, tươi tỉnh:

Mỗi ngày, tôi dành 30 phút để đọc sách.

B. KIỂM TRA VIẾT: (10 ĐIỂM)

1. Chính tả (4 điểm)

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):

0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.

0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):

Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm

2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;

Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.

- Trình bày (0,5 điểm):

0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.

0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.

2. Luyện tập (6 điểm)

- Trình bày dưới dạng một bài văn, tả chú chó mà em yêu thích, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, rõ ràng: 6 điểm.

- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bày xấu, không đúng nội dung yêu cầu.

Gợi ý chi tiết:

Mở đầu:

- Giới thiệu về chú chó mà em yêu thích.

Triển khai:

- Tả bao quát chú chó: Vàng có một thân hình to cao lực lưỡng, nặng khoảng mười lăm ký.

- Tả chi tiết chú chó: (1) Toàn thân là màu vàng sậm, mượt mà. (2) Đầu chú to như cái yên xe đạp, hai tai vểnh lên. (3) Đôi mắt to tròn màu nâu. (4) Cái chóp mũi thì màu đen lúc nào cũng ướt ướt. (5) Mấy cọng ria mép chĩa ra hai bên. (6) Mõm chú to, rộng mỗi khi ngáp để lộ hàm răng trắng với mấy cái răng nanh bên khóe miệng, trông hơi dữ tợn. (7) Cái lưỡi thì màu hồng nhạt, thi thoảng lại thè ra ngoài.

- Tính tình, hoạt động của chú chó: (1) Vàng rất khôn, chú như hiểu được lời nói của bố em. Bố bảo nằm thì nó nằm, bảo ngồi dậy thì cũng ngoan ngoãn ngồi bên cạnh bố. (2) Mỗi khi có người lạ thì chú sủa inh ỏi, nhưng khi bố quát Vàng im thì chú im ngay. (3) Mỗi lúc ai trong nhà đi đâu về bất kể em, mẹ hay bố chú đều chạy đến ngoe nguẩy cái đuôi và nhảy nhảy lên người tỏ vẻ mừng rỡ.

- Lợi ích của chú chó: Trông nhà, cảnh báo trộm,...

Kết thúc

- Nêu suy nghĩ, tình cảm của em dành cho chú chó đó.

Bài làm tham khảo:

Từ trước đến giờ, nhà em nuôi cũng khá nhiều chú chó. Nhưng em thích nhất là Vàng nó sống với gia đình em khoảng ba năm rất hiền lành và khôn ngoan.

Vàng có một thân hình to cao lực lưỡng, nặng khoảng mười lăm ký. Toàn thân là màu vàng sậm, mượt mà. Đầu chú to như cái yên xe đạp, hai tai vểnh lên, nó có thể phát hiện tiếng chân người lạ khi đến nhà. Đôi mắt to tròn màu nâu. Cái chóp mũi thì màu đen lúc nào cũng ướt ướt. Mấy cọng ria mép chĩa ra hai bên. Mõm chú to, rộng mỗi khi ngáp để lộ hàm răng trắng với mấy cái răng nanh bên khóe miệng, trông hơi dữ tợn. Cái lưỡi thì màu hồng nhạt, thi thoảng lại thè ra ngoài.

Vàng rất khôn, chú như hiểu được lời nói của bố em. Bố bảo nằm thì nó nằm, bảo ngồi dậy thì cũng ngoan ngoãn ngồi bên cạnh bố. Mỗi khi có người lạ thì chú sủa inh ỏi, nhưng khi bố quát Vàng im thì chú im ngay. Mỗi lúc ai trong nhà đi đâu về bất kể em, mẹ hay bố chú đều chạy đến ngoe nguẩy cái đuôi và nhảy nhảy lên người tỏ vẻ mừng rỡ.

Thật là một chú chó tuyệt vời. Vàng rất khôn ngoan, cả nhà em ai cũng quý và coi nó như một thành viên trong gia đình. Em mong sao Vàng luôn khỏe mạnh và sống vui vẻ cùng với em.

Đề thi Tiếng Việt cuối kì 2 lớp 4 sách Cánh Diều - Đề 3

PHÒNG GD&ĐT …….

Trường Tiểu học ………

Họ và tên: ................................

Lớp 4......

BÀI KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II

Năm học: …………..

Môn : Tiếng việt

Thời gian: 40 phút

- Ngày thi: ....../…../20…

Điểm

Nhận xét của giáo viên

…………………………………………………………………

…………………………………………………………………

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

- Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

- Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm) Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Câu chuyện về mùa đông và chiếc áo khoác

Mùa đông đã tới, những cơn gió rét buốt rít ngoài cửa sổ. Ngoài đường, ai cũng bước vội vàng để tránh cái lạnh đang làm cứng đờ đôi bàn tay. Những khuôn mặt vui tươi, hớn hở biến đi đâu mất, thay vào đó là tái đi vì lạnh. Mùa rét năm nay, mẹ mua cho An một chiếc áo khoác mới, vì áo cũ của cậu đa phần đã bị rách do sự hiếu động của An. Khi nhận chiếc áo từ mẹ, An vùng vằng vì kiểu dáng và màu sắc của chiếc áo không đúng ý thích của cậu. Về phòng, cậu ném chiếc áo xuống đất, cả ngày lầm lì không nói gì.

Chiều tối hôm đó, bố rủ An ra phố. Mặc dù trời đang rất lạnh nhưng An háo hức đi ngay. Sau khi mua đồ xong, bố chở An ra khu chợ, nơi các gian hàng bắt đầu thu dọn. Bố chỉ cho An thấy những cậu bé không có nhà cửa, không có người thân, trên người chỉ có một tấm áo mỏng manh.

đang co ro, tím tái. Trong khi mọi người đều về nhà quây quần bên bữa tối ngon lành, bên ánh đèn ấm áp thì các cậu vẫn phải lang thang ở ngõ chợ, nhặt nhạnh những thứ người ta đã bỏ đi.

Bất giác, An cảm thấy hối hận vô cùng. An nhớ lại ánh mắt buồn của mẹ khi cậu ném chiếc áo khoác xuống đất. Bố chỉ nhẹ nhàng: “Con có hiểu không? Cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm. Hãy biết trân trọng thứ mà mình đang có.”

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời em chọn.

- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Vì sao An không thích chiếc áo mới mà mẹ mua cho? (0,5 điểm)

a. Vì mẹ tự đi mua áo mà không hỏi cậu trước.

b. Vì chiếc áo quá rộng so với cơ thể của cậu.

c. Vì chiếc áo bị may lỗi ở phần cánh tay.

d. Vì cậu không thích kiểu dáng và màu sắc của chiếc áo.

Câu 2. An có thái độ và hành động như thế nào khi nhận chiếc áo mới? (0,5 điểm)

a. Cậu ném chiếc áo xuống đất, cả ngày lầm lì không nói.

b. Cậu bảo mẹ mang trả lại chiếc áo cho cửa hàng.

c. Cậu không chịu mặc chiếc áo mới mẹ mua cho.

d. Cậu không nhận chiếc áo cũng không nói gì với mẹ.

Câu 3. Vì sao bố muốn An cùng đi ra phố? (0,5 điểm)

a. Bố muốn đưa An đi mua một chiếc áo khác đúng với sở thích của cậu.

b. Bố muốn An chứng kiến cảnh nhiều bạn nhỏ còn không có áo để mặc.

c. Bố muốn An hiểu được giá trị của đồng tiền và việc lao động.

d. Bố muốn An quên đi chuyện chiếc áo để tập trung học tập.

Câu 4. Ba ý nào sau đây nêu đúng lí do An cảm thấy hối hận với hành động của mình? (0,5 điểm)

a. Vì An thấy mình hạnh phúc hơn nhiều bạn nhỏ khác.

b. Vì An cảm thấy mình có lỗi với mẹ.

c. Vì An sợ bố mẹ sẽ giận và không mua áo mới cho mình nữa.

d. Vì An cảm động trước câu nói của bố.

Câu 5. Câu chuyện có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)

Câu 6. Nếu là An, em sẽ nói với bố mẹ điều gì? (1,0 điểm)

Câu 7. Dòng nào tách đúng bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu? (0,5 điểm)

a. Những cơn gió rét buốt// rít liên hồi ở ngoài cửa sổ.

b. Những cơn gió rét buốt rít //liên hồi ở ngoài cửa sổ.

c. Những cơn gió rét buốt rít liên hồi //ở ngoài cửa sổ.

d. Những cơn gió //rét buốt rít liên hồi ở ngoài cửa sổ.

Câu 8. Dấu gạch ngang trong câu văn dưới đây có tác dụng gì? (0,5 điểm) Bố nói với An:

- Hãy biết trân trọng những thứ mà mình đang có, con nhé!

a. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

b. Đánh dấu từ ngữ được dùng với nghĩa đặc biệt.

c. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.\

d. Đánh dấu phần chú thích.

Câu 9. Em hãy chuyển câu hỏi “Con có biết rằng cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm không?” thành một câu khiến. (1,0 điểm)

Câu 10. Đặt 1 câu tả cơn gió lạnh mùa đông có sử dụng so sánh hoặc nhân hóa. (1,0 điểm)

II. Kiểm tra Viết

1. Chính tả nghe – Viết (2 điểm)

Trong hiệu cắt tóc

Hiệu cắt tóc rất đông khách. Mọi người đều phải chờ theo thứ tự. Cửa phòng lại mở, một người nữa tiến vào. Tất cả mọi người đều đứng dậy chào: “Kính chào đồng chí Lê-nin”. Lê-nin chào mọi người và hỏi:“Tôi phải xếp sau đồng chí nào nhỉ?”. Không ai muốn vị đứng đầu chính phủ phải mất thời gian chờ đợi nên tất cả cùng nói: “Xin mời đồng chí cứ cắt tóc trước ạ!”. Song Lê-nin vui vẻ nói: “Cảm ơn các đồng chí, tôi cũng phải theo thứ tự chứ!”. Nói xong, ông kéo ghế ngồi và lấy tờ báo ra xem.

(Theo Hồ Lãng)

II.Tập làm văn (8 điểm) Chọn một trong hai đề sau:

Thuật lại một cuộc thi thể thao (hoặc buổi biểu diễn nghệ thuật) mà em được xem.

Đáp án Đề thi Tiếng Việt cuối kì 2 lớp 4 sách Cánh Diều - Đề 3

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Câu 1. Chọn câu trả lời d: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác d: 0 điểm

Câu 2. Chọn câu trả lời a: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác a: 0 điểm

Câu 3. Chọn câu trả lời c: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác c: 0 điểm

Câu 4. Chọn cả 3 câu trả lời a, b, c: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác: 0 điểm

Câu 5. Gợi ý:

Chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có vì xung quanh còn nhiều người thiệt thòi hơn.

Câu 6. Gợi ý:

Con xin lỗi bố mẹ. Con đã có thái độ không đúng khiến bố mẹ buồn.

Câu 7. Chọn câu trả lời b: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác b: 0 điểm

Câu 8. Chọn câu trả lời b: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác b: 0 điểm

Câu 9.

- Chuyển được câu hỏi thành câu khiến: 1,0 điểm

Ví dụ: Con cần/nên biết rằng cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm .

- Không viết được câu khiến: 0 điểm

Câu 10.

- Đặt được câu theo yêu cầu: 1,0 điểm

Ví dụ:

- Những cơn gió mùa đông đang gào lên giận dữ ngoài cửa sổ.

- Những con gió mùa đông như những chiếc roi quất vào da thịt.

- Đặt được câu có so sánh hoặc nhân hóa nhưng sử dụng từ ngữ chưa thích hợp: 0,5 điểm; không đặt được câu theo yêu cầu: 0 điểm.

B. Kiểm tra Viết

1. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

2. Tập làm văn (8 điểm)

Câu 1. Ví dụ tham khảo số 1:

Hôm qua, nhân dịp cuối tuần, em được bố mẹ dẫn đi xem ca nhạc ở nhà văn hóa thành phố.

Ngay khi mọi người ổn định chỗ ngồi, thì chương trình liền bắt đầu diễn ra. Đầu tiên, hai cô chú dẫn chương trình gửi đến khán giả lời chào thân mật rồi mới giới thiệu chương trình. Các tiết mục vô cùng đa dạng và phong phú. Có những bài hát nhẹ nhàng, lại có những ca khúc sôi động, rộn ràng. Còn có cả tiết mục rap rất mới mẻ nữa. Những ca sĩ, nghệ sĩ trên sân khấu ai cũng mặc thật đẹp, biểu diễn hết mình, đem đến cảm xúc say mê cho khán giả. Trong đó, em thích nhất là tiết mục múa ở giữa chương trình. Mười hai cô gái mặc áo dài trắng, tay cầm chiếc nón lá, múa uyển chuyển, đồng đều trên nền nhạc Bèo dạt mây trôi. Em cứ nhìn theo từng động tác của các chị mà không hề chớp mắt.

Khi kết thúc chương trình, lòng em cứ tiếc nuối mãi. Về nhà, em quyết tâm sẽ cố gắng học tập thật tốt để lại được bố mẹ dẫn đi xem ca nhạc một lần nữa.

Ví dụ số 2:

Trong Hội thi thể thao của trường, em đặc biệt yêu thích phần thi kéo co. Bởi đây là phần thi thể hiện cao nhất sức mạnh tập thể của chúng em. Mỗi lớp sẽ có một đội thi gồm tám thành viên, cả nam và nữ. Gay cấn và hồi hộp nhất chính là phần thi chung kết tranh giải nhất giữa lớp 4B và lớp 5G. Lúc này, học sinh các lớp và các đội thi khác đều có mặt để cùng quan sát và cổ vũ. Sau tiếng còi ra hiệu của trọng tài, hai đội thi ngay lập tức dùng sức, kéo căng sợi dây thừng. Chân các bạn đều bám chặt mặt đất, hơi cúi xuống để dồn sức vào chân. Hai tay thì bám chặt vào sợi dây, cố kéo thật mạnh về phía mình. Theo nhịp hô của đội trưởng, cả đội cùng nhịp nhàng kéo theo nhịp 1, 2, 1, 2… Các khán giả xung quanh cũng vô cùng nhiệt tình cổ vũ. Tiếng hô 4B và 5G vang lên liên tục, vang đến tận ngoài đường vẫn nghe thấy. Sau ba phút dằng co, cuối cùng, đội 5G đã thành công dành chiến thắng. Trận kéo co đã khiến bầu không khí của hội thao nóng lên rất nhiều và khơi dậy tinh thần đoàn kết cho những thành viên tham gia thi đấu.

Trên đây là Toàn bộ Bộ Đề thi cuối kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt Cánh Diều. Các bạn có thể xem thêm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Hân Ái Phan
    Hân Ái Phan

          🥰

    😘hay😘

          🥰

    Thích Phản hồi 20:23 01/05
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt

    Xem thêm