Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 Có đáp án
Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án chi tiết là mẫu đề chuẩn kiến thức cho các em học sinh tham khảo, củng cố các dạng bài tập trong phạm vi Tiếng Việt lớp 4, chuẩn bị cho bài thi cuối học kì 2 đạt kết quả cao. Đồng thời, đây là mẫu đề thi minh họa cho các thầy cô ra đề thi cho các em học sinh. Mời các thầy cô cùng các em học sinh tham khảo chi tiết Đề thi học kì 2 môn Tiếng việt lớp 4:
Đề thi học kì 2 môn Tiếng việt lớp 4
Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4
A. Bài kiểm tra Đọc, Nghe và Nói – Kiến thức tiếng Việt (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
Đọc một trong các đoạn văn sau (Tiếng Việt 4, tập 2) và trả lời câu hỏi:
(1). Trống đồng Đông Sơn (từ Niềm tự hào... đến có gạc).
* TLCH: Trống đồng Đông Sơn đa dạng như thế nào?
(2). Đoàn thuyền đánh cá (3 khổ thơ cuối)
* TLCH: Em thích hình ảnh nào trong 3 khổ thơ trên? Vì sao?
(3) Con sẻ (từ Con chó chậm rãi ... đến khản đặc).
* TLCH: Hình ảnh con sẻ mẹ dũng cảm lao xuống cứu con được miêu tả như thế nào?
(4) Đường đi Sa Pa (từ Xe chúng tôi... đến lướt thướt liễu rủ).
* TLCH: Đường đi Sa Pa được tả trong đoạn văn có gì đẹp?
(5) Con chim chiền chiện (3 khổ thơ đầu)
* TLCH: Tiếng hót của chim chiền chiện được miêu tả như thế nào?
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
NẾU ƯỚC MƠ ĐỦ LỚN
Tôi chú ý đến cô bé ấy khi thấy cô rất ham mê bóng rổ. Có lần, hai bác cháu nói chuyện, cô bé bảo: “Cháu muốn vào đại học. Nhưng cháu chỉ có thể theo học nếu có học bổng. Cháu nghĩ nếu chơi bóng thật xuất sắc, sẽ nhận được học bổng. Ba cháu bảo nếu ước mơ đủ lớn, những chuyện khác chỉ là chuyện nhỏ.”
Một hôm, thấy cô bé buồn, tôi hỏi, cô trả lời:
- Các huấn luyện viên bảo cháu hơi thấp, không thể chơi cho đội hạng nhất. Như vậy thì nói gì đến học bổng được nữa!
- Ý ba cháu thế nào?
- Ba cháu bảo: “Các huấn luyện viên sai bét, vì họ không hiểu được sức mạnh của ước mơ. Nếu con thực sự muốn thì không gì có thể ngăn cản con, ngoại trừ một điều – thái độ của chính mình!”
Năm cuối bậc phổ thông, đội bóng của cô giành giải vô địch toàn quốc, cô được cấp học bổng vào đại học. Vừa vào trường, cô nhận được tin dữ: ba bị ung thư.
Trước khi qua đời, ông nắm lấy bàn tay cô, gắng sức nói: “Tiếp tục ước mơ con nhé! Đừng để ước mơ của con chết theo ba.”
Những năm tiếp theo quá khó khăn đối với cô. Nhưng cô đã hoàn tất chương trình đại học một cách xuất sắc. Bởi vì mỗi khi muốn bỏ cuộc, cô lại nhớ lời ba: “Nếu ước mơ đủ lớn, con có thể làm được mọi việc”. Và tôi nghe cô nói với bạn bè: “Nếu ước mơ đủ lớn, những điều còn lại chỉ là chuyện nhỏ.”
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:
Câu 1. Cô bé buồn phiền vì điều gì?
a. Không đủ chiều cao để chơi cho đội bóng rổ hạng nhất.
b. Không đủ tiền để tham gia khoá huấn luyện của đội bóng quốc gia.
c. Không có học bổng để theo học đại học.
d. Các huấn luyện viên không nhận vào đội bóng rổ của trường.
Câu 2. Ba dòng nào dưới đây nêu đúng điều bố cô bé đã nói với cô?
a. Nếu con thực sự muốn thì không gì có thể ngăn cản con.
b. Nếu ước mơ đủ lớn, con có thể làm được mọi việc.
c. Nếu ước mơ đủ lớn, những chuyện khác chỉ là chuyện nhỏ.
d. Cần phải biết khắc phục nhược điểm của bản thân.
Câu 3. Câu nói “Đừng để ước mơ của con chết theo ba.” ý nói gì?
a. Đừng ước mơ như ba!
b. Đừng chết theo ba!
c. Đừng ước mơ!
d. Đừng từ bỏ ước mơ!
Câu 4. Nhờ biết ước mơ, cô bé trong câu chuyện đạt được điều gì?
a. Đội bóng của cô giành giải vô địch toàn quốc, cô được cấp học bổng vào đại học và hoàn tất chương trình đại học một cách xuất sắc.
b. Đội bóng rổ của cô giành giải vô địch toàn quốc và được đi thi đấu quốc tế.
c. Cô nhận được học bổng toàn phần vào một trường đại học danh tiếng.
d. Đội bóng của cô giành giải vô địch toàn quốc, cô được cấp học bổng vào trường đại học và được một chuyến du lịch Châu Âu.
Câu 5. Theo em, ước mơ thế nào là đủ lớn?
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
Câu 6. Em cũng đã từng ước mơ. Em hãy kể một ước mơ và cho biết em đã làm gì để thực hiện ước mơ đó?
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
Câu 7. Câu nào dưới đây có bộ phận trạng ngữ?
a. Tôi chú ý đến cô bé ấy khi thấy cô rất ham mê bóng rổ.
b. Năm cuối bậc phổ thông, đội bóng của cô giành giải vô địch toàn quốc.
c. Các huấn luyện viên bảo cháu hơi thấp, không thể chơi cho đội hạng nhất.
d. Cháu nghĩ nếu chơi bóng thật xuất sắc, sẽ nhận được học bổng.
Câu 8. Dấu hai chấm trong câu sau có tác dụng gì?
Ba cháu bảo: “Các huấn luyện viên sai bét, vì họ không hiểu được sức mạnh của ước mơ”.
a. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.
b. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là lời nói của nhân vật.
c. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau là các ý liệt kê.
d. Báo hiệu bộ phận đứng sau là ý nghĩ của nhân vật.
Câu 9. Chuyển câu khiến “Đừng để ước mơ của con chết theo ba.” thành hai câu khiến mới bằng cách sử dụng từ cầu khiến khác.
a) ...........................................................................................................................
................................................................................................................................
b) ...........................................................................................................................
...............................................................................................................................
Câu 10. Viết câu văn tả hình dáng của một con vật trong đó có sử dụng từ ngữ gợi tả và biện pháp so sánh.
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
...............................................................................................................................
................................................................................................................................
B. Bài kiểm tra viết (10 điểm)
I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)
Cây cối sống qua mùa đông lạnh giá như thế nào? Chúng ta biết rằng, cây cối muốn sinh trưởng phải tiêu hao chất dinh dưỡng. Mùa xuân và mùa hè, cây sinh trưởng nhanh, chất dinh dưỡng tiêu hao nhiều hơn so với tích luỹ, vì vậy sức kháng lạnh cũng giảm. Nhưng đến mùa thu, tình hình lại ngược lại, lúc này nhiệt độ ban ngày cao. Mặt trời chiếu mạnh, quá trình quang hợp của lá diễn ra nhanh, còn ban đêm nhiệt độ thấp, cây cối sinh trưởng chậm, chất dinh dưỡng tiêu hao ít, tích lũy nhiều nên cây ngày càng “béo”, cành non biến thành chất gỗ, cây cũng dần dần có khả năng chịu lạnh.
(Theo Mười vạn câu hỏi vì sao?)
II. Tập làm văn (8 điểm)
Em đã từng đọc truyện hoặc xem một bộ phim mà trong đó nhân vật là các con vật ngộ nghĩnh, thông minh và rất dễ thương. Hãy tả lại một trong những con vật đó.
Đáp án đề kiểm tra học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4
A. Kiểm tra đọc
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (8 điểm)
1. a
2. a,b,c
3. d
4. a
5. Gợi ý:
Ước mơ đủ lớn là một ước mơ có ý nghĩa, mang lại hạnh phúc cho bản thân mình và nhiều người khác, đồng thời phải là ước mơ cho người ta phấn đấu không ngừng, cố gắng hết mình, vượt qua mọi khó khăn để đạt được.
6. Tham khảo:
Em ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành phi công, được lái chiếc máy bay bay lượn trên bầu trời. Em luôn phấn đấu học thật giỏi và chăm tập thể dục để rèn luyện sức khỏe tốt ngay từ bây giờ.
7. b
8. b
9. Gợi ý: Học sinh viết được 02 trong số những câu sau: - Chớ để ước mơ của con chết theo ba!
- Không được để ước mơ của con chết theo ba!
- Mong ước mơ của con đừng chết theo ba!
- Xin đừng để ước mơ của con chết theo ba!
10. Tham khảo:
Cô nàng vẹt có chiếc mỏ dài, nhọn hoắt, phần trên dài hơn phần dưới, khoằm xuống uốn cong như một chiếc lưỡi câu.
B. Kiểm tra viết
II. Tập làm văn (8 điểm)
Bài tham khảo
Thứ bảy tuần qua, bố mẹ về quê thăm ngoại cùng bé Ti. Em ở nhà trông nhà. Sau khi dùng điểm tâm do mẹ chuẩn bị sẵn, em vào xem ti vi. Chương trình của kênh thế giới loài vật đã làm em thấy thật thích thú.
Lần đầu tiên em được thấy một kẻ săn mồi ngộ nghĩnh đến thế. Loài chồn núi có tên khoa học không nhớ nổi này có dáng vóc như con sóc, nhỏ hơn thỏ. Thế mà lại săn thỏ đấy. Theo bình luận của người dẫn chương trình thì chúng săn mồi bằng phương pháp thôi miên. Tức là khiến con mắt bị say và mất khả năng tự vệ. Chồn núi dùng bốn chân ngắn và nhỏ như chân chuột đi qua đi lại trước mặt con mồi; sau đó nhảy thẳng người lên, kể cả chiếc đuôi cũng thẳng. Toàn thân chú như một vệt chớp loằng ngoằng màu xám chờn vờn trước cặp mắt đờ đẫn, ngơ ngác của con thỏ. Hình như chưa đúng lúc đế tiêu diệt con mồi. Chú ta còn trổ tài xiếc: chống hai chân trước, đưa hai cân sau và chiếc đuôi chổng lên trời, lộn cả thân hình tạo thành một vòng tròn. Cứ thế chồn ta ra chiêu. Thú thật rằng nhờ em nhìn qua ti vi, chứ nếu nhìn gần em cũng sẽ bị cuốn hút vào trò nhào lộn ấy mà phải chóng cả mặt. Cuối cùng, điều phải đến đã đến. Cả thân mình con thỏ như nhũn ra, ngã khuỵu xuống. Nhanh như chớp, con chồn lao nhanh về phía con mồi, há to miệng ra và ngoặm ngay cổ con thỏ rồi tha đi.
Em vô cùng thích thú với những hình ảnh có thật và sống động mà người thực hiện chương trình đã cung cấp. Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Tầm hiểu biết của em đã được mở rộng qua việc nhìn rõ những điều mắt thấy tai nghe.
Tham khảo chi tiết các bài văn mẫu Tả con vật em được nhìn thấy trên ti vi. Ngoài ra, các em học sinh tham khảo các bài văn mẫu tả loài cây ăn quả hay tả con vật nuôi trong nhà chi tiết để chuẩn bị cho bài thi cuối học kì 2 đạt kết quả cao.
Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 4 đầy đủ các môn
- Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng việt lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 2 môn Khoa học lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 2 môn Lịch sử lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 2 môn Địa lý lớp 4
- Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tin học lớp 4