Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Lý thuyết Ngữ văn 6: Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp ích cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 6.

A. Nội dung bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

- Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét là các kỹ năng cần thiết khi làm bài văn miêu tả.

- Muốn làm bài văn miêu tả hay, trước hết, người ta phải biết quan sát thật kỹ lưỡng, biết nhận xét, liên tưởng, so sánh đối tượng được tả, từ đó nắm bắt được những đặc điểm tiêu biểu nhất của sự vật, hiện tượng.

- Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét là những thao tác chung, cơ bản, cần thiết nhất trong văn miêu tả. Để viết được bài văn miêu tả hấp dẫn, sinh động cần rất nhiều điều kiện và yếu tố khác. Tuy nhiên, người viết cần phải nắm được những thao tác cơ bản trên để bước đầu có được những định hướng đúng đắn trước khi làm bài văn miêu tả.

B. Bài tập bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Bài 1:

Với đề bài: “Tả cảnh mùa xuân”, em sẽ sử dụng những hình ảnh, chi tiết nào sau đây trong bài văn của mình:

a. Tiết trời lạnh giá, gió mùa đông bắc thổi ù ù.

b .Bầu trời xám xịt.

c. Ánh nắng nhẹ dịu, ấm áp.

d. Muôn hoa đua nở, chim hót líu lo.

e. Những chiếc lá vàng xào xạc trong làn gió heo may se lạnh.

g. Cơn mưa rào bất ngờ ập xuống.

h. Cả nhà xúm xít chuẩn bị gói bánh chưng.

i. Hoa đào khoe sắc làm phố phường bừng lên không khí mùa xuân.

k. Tiếng ve kêu râm ran trên các vòm cây.

l. Những chùm lộc non xanh mơn mởn đầy sức sống.

Gợi ý:

Có thể sử dụng các hình ảnh, chi tiết: c, d, h, i, l

Bài 2: Với đề bài: “Miêu tả người bạn thân của em”, hãy lựa chọn các từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống để có những câu văn miêu tả ngoại hình và hành động, cử chỉ hợp lí?

a. Câu văn tả ngoại hình:

- Đôi mắt bạn:

- Bạn có nước da:

- Vầng trán của bạn:

- Đôi má bạn:

- Bạn có nụ cười:

b. Câu văn tả hành động, cử chỉ:

- Bạn có giọng nói:

- Mỗi khi gặp bài khó, bạn:

- Khi gặp thầy cô giáo hoặc người lớn tuổi, bạn đều:

Gợi ý:

a. Câu văn tả ngoại hình:

- Đôi mắt bạn: to, tròn, sáng long lanh

- Bạn có nước da: bánh mật, trông khỏe khoắn

- Vầng trán của bạn: cao, rộng, trông rất thông minh

- Đôi má bạn: bầu bĩnh, hồng hào

- Bạn có nụ cười: tươi tắn, rạng rỡ dễ thương

b. Câu văn tả hành động, cử chỉ:

- Bạn có giọng nói: ấm áp, trong trẻo, truyền cảm

- Mỗi khi gặp bài khó, bạn: thường lấy tay chống cằm suy nghĩ, trông như một bà cụ non.

- Khi gặp thầy cô giáo hoặc người lớn tuổi, bạn đều: tươi cười, niềm nở, lễ phép, chào hỏi.

Bài 3: Với đề bài “Miêu tả cơn mưa rào”, hãy tìm các từ láy

- Gợi tả tiếng mưa rơi:

- Gợi tả trạng thái của các sự vật trong cơn mưa:

+ cây cối:

+ sấm:

+ chớp:

Gợi ý:

- Gợi tả tiếng mưa rơi: tí tách, ào ào, ầm ầm, rào rào, rả rích,...

- Gợi tả trạng thái của các sự vật trong cơn mưa:

+ cây cối: nghiêng nghiêng, ngả nghiêng, im lìm,....

+ sấm: ầm ầm, đùng đùng, đùng đoàng,...

+ chớp: loe lóe, nhằng nhịt,...

C. Trắc nghiệm bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Câu 1: Khi miêu tả cảnh bình minh trên biển chúng ta có thể lựa chọn những câu văn nào sau đây:

A. Mặt trời lên cao

B. Mặt trời thức giấc chiếu ánh nắng muôn nơi

C. Mặt trời như hòn lửa từ từ nhô lên trên mặt biển rộng lớn

D. Mặt trời mọc từ xa.

Câu 2: Trật tự giữa hai vế của một phép so sánh:

A. Có thể được đảo cho nhau cùng với từ so sánh

B. Có thể được đảo cho nhau không cần từ so sánh

C. Luôn luôn cố định

D. Không thể đảo cho nhau

Câu 3: Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phéo so sánh gồm mấy phần?

A. 4 phần

B. 3 phần

C. 1 phần

D. 2 phần

Câu 4: Muốn miêu tả được trước hết người ta cần?

A. Biết quan sát, rồi đưa ra nhận xét, liên tưởng, ví von, so sánh… để làm nổi bật lên những đặc điểm tiêu biểu của sự vật

B. Liên tưởng, tưởng tượng trước đối tượng bản thân sẽ tả

C. Đọc thông tin về đối tượng cần miêu tả, từ đó tưởng tượng, liên tưởng để tả đối tượng

D. Muốn miêu tả cần hiểu rõ đối tượng mình miêu tả

Câu 5: Khi viết văn miêu tả chúng ta cần:

A. Kể xen lẫn bộc lộ cảm xúc

B. Miêu tả kết hợp thuyết minh

C. Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét

D. Thích viết gì cũng được

Câu 6: So sánh nào không phù hợp khi tả đêm trăng?

A. Trăng sáng dịu dàng như ánh sáng của ngọn đèn đường

B. Trăng bập bùng như ánh lửa đêm đông.

C. Dưới ánh trăng, những chiếc lá sáng bóng như vừa được rẩy nước.

D. Vầng trăng trôi nhẹ nhàng trên bầu trời như một con thuyền

Câu 7: Chi tiết nào không sử dụng để tả cảnh mặt trời mọc?

A. Mặt trời tròn hồng như lòng đỏ trứng gà

B. Phía đông, chân trời đã ửng hồng

C. Bầu trời quang đãng, loáng thoáng vài gợn mây phớt hồng

D. Ánh sáng mặt trời chói chang như ngàn ánh kim lấp lánh

Đáp án

1 - C2 - A3 - A4 - A5 - C6 - B7 - D

-------------------------------------

Với nội dung bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét là những thao tác chung, cơ bản, cần thiết nhất trong văn miêu tả. Để viết được bài văn miêu tả hấp dẫn, sinh động cần rất nhiều điều kiện và yếu tố khác...

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài lý thuyết Ngữ văn 6: Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Trắc nghiệm Ngữ văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
10 686
Sắp xếp theo

    Lý thuyết ngữ văn 6 CTST

    Xem thêm