Đề thi cuối kì 1 Văn 9 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025
Đề thi cuối kì 1 Văn 9 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025 có đầy đủ đáp án, được để dưới dạng file word và pdf, thầy cô có thể tham khảo ra đề và ôn luyện cho học sinh. Đây cũng là tài liệu hay cho các em học sinh ôn tập, chuẩn bị cho kì thi cuối học kì 1 lớp 9 sắp tới đạt kết quả cao. Mời thầy cô và các bạn tải về tham khảo chi tiết.
Đề kiểm tra Văn 9 cuối học kì 1 Chân trời sáng tạo
1. Đề thi học kì 1 Văn 9 Chân trời sáng tạo
PHÒNG GD&ĐT........... TRƯỜNG THCS...................... | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN 9 Thời gian làm bài: 90 phút |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện theo yêu cầu:
Tháng 8 – 2011, một cô sinh viên người Hàn Quốc đã viết thư cho báo Tuổi trẻ thể hiện sự “không hiểu nổi” về việc chẳng thấy những người đến căng tin của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. HCM) khi đó chịu xếp hàng. Ngay lập tức diễn đàn về văn hóa xếp hàng được mở ra, nhiều người thấy chuyện kì cục đó và đã có một vài nơi người ta biết xếp hàng. Nhưng hơn bốn năm sau, việc xếp hàng đang khiến nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là trào lưu, qua từng đợt rồi đâu lại vào đó. Đến những nơi công cộng hiện nay, nỗi sợ hãi vô hình của nhiều người vẫn là cảnh chen lấn, giành chỗ.
Một nhà báo sống tại Pháp có thẻ VIP khi đi máy bay kể lại cảnh “ấn tượng” tại một số sân bay ở Việt Nam: “Mặc dù được ưu tiên không phải xếp hàng làm thủ tục nhưng cảnh chen lấn thiếu ý thức từ những vị khách VIP cũng luôn xảy ra. Có lần tôi làm thủ tục ở quầy, chỉ có vài khách đang đợi đến lượt. Vậy mà một ông từ đâu xộc tới chen vào trước chỗ tôi đứng với vẻ mặt tỉnh queo. Cô nhân viên phải nhắc nhở anh ta mới chịu lùi xuống xếp hàng. Nhưng thái độ thì không có gì là mắc cỡ. Có vẻ như đó là thói quen của vị khách VIP này…
Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn. Trong cuộc sống có những điều đơn giản nhất mà đôi khi ta lại quên đi. Hãy biết làm những chuyện tử tế nhỏ để gom góp lại những chuyện tử tế lớn.
(Theo http://nghiadungkarate.com.vn. Đâu rồi, chuyện tử tế? Nguyễn Nghĩa, báo Tuổi trẻ)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên.
Câu 2. Vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn văn? Tác giả thể hiện thái độ gì khi bàn về vấn đề này.
Câu 3. Anh (chị) hãy đề xuất một vài biện pháp để nâng cao ý thức của mọi người trong vấn đề được tác giả đề cập đến trong đoạn trích.
Câu 4. Qua câu văn: Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn. Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về điều đó.
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm) : Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến: Tử tế là mạch sống tình người đừng làm nó chết.
Câu 2 (4.0 điểm): Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vai trò của tình yêu thương trong cuộc sống.
2. Đáp án đề thi học kì 1 Ngữ văn 9
I. ĐỌC HIỂU (4 Điểm)
Câu 1. – Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên là phong cách ngôn ngữ báo chí.
Câu 2. – Vấn đề xã hội được đề cập trong đoạn văn: chuyện xếp hàng ở những nơi công cộng.
– Tác giả thể hiện thái độ khi bàn về vấn đề này:
+ Khó chịu khi thấy mọi người (có cả những khách được trao thẻ VIP) cũng không có thói quen này.
+ Sợ hãi mỗi khi phải đến những nơi công cộng và phải chứng kiến thói quen không chịu xếp hàng mà chen lấn, xô đẩy, giành chỗ của một số người.
Câu 3. Anh (chị) hãy đề xuất một vài biện pháp để nâng cao ý thức của mọi người trong vấn đề được tác giả đề cập đến trong đoạn văn.
– Áp dụng cách mà nhiều nơi (như bệnh viện) đã từng làm: lấy số thứ tự và ngồi chờ đến lượt.
– Nâng cao ý thức bằng cách tuyên truyền, nêu gương điển hình ở mọi nơi, mọi lúc.
Câu 4. Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản khi viết đoạn văn. Dưới đây là một số gợi ý:
– Đồng tình vì:
+ Khi những chuyện chen lấn, giành chỗ diễn ra ở hầu khắp những nơi công cộng, mỗi ngày đi ra đường, chúng ta đều phải chứng kiến những hiện tượng như vậy, thì việc kiên nhẫn đứng xếp hàng sẽ khiến chúng ta trở nên ngớ ngẩn, lạc loài, và sẽ không bao giờ đạt được thành công, sẽ không làm được việc.
+ Đứng giữa đám đông hỗn loạn, chen lấn xô đẩy, chúng ta không còn cách nào khác là phải chen chân, giành giật. Đó là sự lựa chọn duy nhất.
– Phản đối vì:
+ Nếu ai cũng chen lấn xô đẩy và giành giật thì sẽ tạo ra cảnh hỗn loạn, mất trật tự an ninh, thậm chí xảy ra mâu thuẫn, xô xát.
+ Xếp hàng cũng là một cách để mang lại sự công bằng: ai đến trước được trước.
+ Nếu mình là người đã từng có hành vi đẹp, có văn hóa thì hãy làm thường xuyên, liên tục và nhắc nhở mọi người cùng làm theo để xã hội ngày càng văn minh hơn.
– Đề xuất ý kiến đúng đắn: Cần nâng cao văn hóa xếp hàng nơi công cộng để cuộc sống tốt đẹp hơn.
II. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
HS tham khảo nội dung dưới đây để viết đoạn văn:
1. Mở đoạn
– Tạo hóa cho mỗi người một cái mồm để nói điều mình nghĩ, chứ không phải để nói điều “người khác” nghĩ. Nếu chúng ta mãi nói dối, tôn vinh những giá trị ảo và không thật thì chúng ta góp phần vào duy trì những điều dối trá và tệ hại trong xã hội. Để cuối đời khi gần đất xa trời mới thấy hận vì mình không dám sống thật là mình. Như vậy, hơn lúc nào như lúc này, hãy khởi đầu việc sống tử tế bằng cách nói những điều thật lòng.
– Dẫn ý kiến: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết.
2. Giải thích
– Sống tử tế là sống tốt với chung quanh, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người, không chỉ biết đến cá nhân mình. Sống tử tế từ những cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng có khả năng góp phần tạo nên lối sống đẹp.
– Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết là thể hiện qua những việc làm tử tế, không loại trừ những việc tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhiều việc tử tế nhỏ góp lại thành việc tử tế lớn, làm phục hồi những giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng dồng xã hội tốt đẹp.
3. Phân tích và chứng minh
– Sống tử tế là cách sống vừa nhạy cảm, vừa năng động, vừa thích dấn thân:
+ Nhạy cảm với những bất công, cảm thông với những nỗi đau, năng động với các việc nghĩa, dấn thân vào các công việc đáng làm. Tất cả chỉ vì một tấm lòng: không thể thờ ơ, bàng quan, lãnh cảm, an phận thủ thường, hay vô tích sự.
+ Nhờ phẩm chất này, người tử tế luôn năng động, tìm kiếm các việc nghĩa để góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
– Sống tử tế sẽ không để cuộc sống của mình trôi qua một cách uổng phí và tiếc nuối:
+ Với lòng nhiệt huyết, việc nặng thành nhẹ, việc lớn thành nhỏ, việc khó thành bình thường. Nhiệt huyết vì việc nghĩa là sức sống bùng cháy, mãnh liệt như mặt trời không ngừng sự chiếu soi.
+ Với nhiệt huyết, ta mở ra cho mình các cánh cửa cơ hội của việc tốt, việc nghĩa, việc có giá trị. Nhờ đó, cuộc sống này tăng thêm gia vị tình người.
– Người tử tế nào cũng có đức tính cao thượng, bao dung, độ lượng:
+ Người cao thượng, không trói tâm mình vào danh vọng, lợi dưỡng, phục vụ cho cái tôi và phe nhóm mình.
+ Nói theo đức Phật, người tử tế với tâm cao thượng là người vì phúc lợi, vì an lạc, vì lợi ích cho số đông. Với phẩm chất cao thượng, người tử tế sống rất dung dị, gần gũi với cuộc sống, không ngừng nỗ lực phụng sự và đóng góp.
– Sống tử tế còn bao hàm nhiều phẩm chất cao quý khác như chính trực, can đảm, hy sinh, tận tụy… Lòng tử tế như một quặng mỏ, biết khai thác sử dụng sẽ làm cho nó trở nên có giá trị hơn.
4. Đánh giá và mở rộng
– Sống tử tế là rất cần thiết đối với cuộc sống mỗi người. Trở thành một người rộng lượng và đối xử tử tế với người khác không dễ dàng nhưng không phải là bất khả thi. Nếu quyết tâm đủ lớn và kiên trì thay đổi bản thân, bạn sẽ thấy mọi người đối xử với mình khác hẳn ngày xưa.
– Ai cũng có cơ hội làm được những việc tử tế nếu thường xuyên nghĩ đến nó, đến môi trường sống chung quanh chúng ta... Và luôn tâm niệm trong mình rằng: phải biết đồng cảm với người khác. Hãy hiểu rằng tất cả mọi người ai cũng đều có những khó khăn vất vả mà họ đang phải tranh đấu. Học cách chấp nhận. Hãy ngăn những phán xét tiêu cực, luôn tạo nên bầu không khí thoải mái cho người khác và cho phép họ được trở nên khác biệt.
– Hãy biết yêu thương. Tình yêu thương sẽ giúp bạn cảm thấy đồng cảm với người khác hơn và khiến cho cuộc sống bạn luôn đầy ắp sự ấm áp và ngập tràn tình yêu. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Nuôi dưỡng lòng vị tha. Sự tha thứ sẽ giúp bạn thanh thản hơn khi biết bỏ qua những lỗi lầm của người khác.
– Cần phê phán một thực tế: trong xã hội vẫn còn biết bao những việc không tử tế.
5. Bài học nhận thức và hành động
– Sống tử tế là một ý thức sống cao đẹp thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa từ ngàn đời của dân tộc ta. Tất cả chúng ta không ít thì nhiều đều được hưởng sự tử tế hay ân huệ của cuộc đời. Phải chăng đây là lúc ta cần phải quan tâm hơn nữa đến biểu hiện thiết thực của sống tử tế?
– Hãy tập làm người tử tế trong im lặng. Đừng đi quanh và nói với thế giới rằng: Tôi đang cố làm người tử tế, bạn có cảm nhận được không? Bởi mục đích của bạn là lan tỏa sự thanh thản trong tâm hồn mình đến người khác chứ không phải khoe khoang những việc tốt bạn đang làm và chờ người khác nhớ ơn.
– Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết. Câu nói đầy triết lí. Sự tử tế mang con người đến gần với nhau hơn, đó là phẩm chất cao quý của con người. Vì vậy, bạn hãy lan tỏa thiện tâm của mình để góp phần xây dựng cuộc sống muôn phần giá trị hơn.
– Hãy trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô tình, vô tâm, vô ơn, vô nghĩa. Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi. Hãy hít thở sự tử tế. Hãy tiêu hóa sự tử tế. Hãy sống với sự tử tế.
Câu 2 (4 Điểm)
1. Mở bài
Giới thiệu về tình yêu thương, ý nghĩa của nó trong cuộc sống con người
2. Thân bài
Giải thích
- Tình yêu là hạnh phúc của mỗi con người.
- Tình yêu lớn lên nhờ cho đi, đó là tình yêu thương duy nhất mà ta giữ lại được.
- Một khi biết yêu thương ta cảm thấy mình trở nên xinh đẹp nhất.
Biểu hiện
- Tình yêu thương được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.
- Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái.
- Tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò
– Những cử chỉ, hành động nhỏ:
- Sự giúp đỡ, san sẻ của những người xa lạ trong lúc khó khăn
- Sự quan tâm giúp đỡ giữa bạn bè
– Các dẫn chứng của tình yêu thương như:
- Trong văn học thì có tình yêu của Thị Nở với Chí Phèo, tình yêu thương của bà cụ tứ dành cho Thị trong Vợ Nhặt, tình yêu thương trong chiếc lá cuối cùng.
- Trong thực tế: Sự giúp đỡ, ủng hộ đồng bào miền Trung chống lũ, tình yêu thương biết ơn những cống hiến của các y bác sỹ chống dịch Covid 19.
– Ý nghĩa của tình yêu thương:
- Giúp ta thấy vui vẻ, hạnh phúc, lạc quan, yêu đời, biết sống có ý nghĩa
- Kết nối mọi người, tạo mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa người với người.
- Là động lực , ý chí, sức mạnh vượt qua khó khăn thử thách
- Được mọi người yêu mến, quý trọng, thành công trong cuộc sống.
- Nuôi dưỡng rèn luyện tâm hồn, nhân phẩm, xã hội văn minh tiến bộ.
Bàn luận
- Tránh xa lối sống vô cảm, thờ ơ với những nỗi đau của người khác.
- Phê phán lối sống ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Bài học về tình yêu thương
- Tình yêu thương có vai trò rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta.
- Biết lan tỏa tình yêu thương tới mọi người, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, ủng hộ, đồng cảm với những cảnh ngộ khó khăn trong cuộc sống.
- Cần biết trân trọng những gì mình đang có.
3. Kết bài
- Khẳng định lại tầm quan trọng của yêu thương trong cuộc sống.
- Rút ra bài học cho nhận thức và hành động cho bản thân và mọi người xung quanh.
- Kêu gọi rèn luyện phẩm chất yêu thương.