Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 2 CTST
Lý thuyết KHTN lớp 7 bài 2: Nguyên tử được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 7 sách Chân trời sáng tạo. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Nguyên tử
A. Lý thuyết KHTN 7 bài 2
1.1. Mô hình nguyên tử Rutherford - Bohr
- Các chất đều được tạo nên từ những hạt vô cùng nhỏ, gọi là nguyên tử.
Ví dụ: Mỗi thanh thép chứa hàng tỉ tỉ nguyên tử iron (sắt)
- Theo Ernest Rutherford, nguyên tử có cấu tạo gồm:
+ Hạt nhân: ở bên trong mang điện tích dương
- Hạt nhân chứa các hạt proton (kí hiệu là p) mang điện tích dương, mỗi proton mang một đơn vị điện tích dương, quy ước là +1.
- Điện tích hạt nhân bằng tổng điện tích của các hạt proton trong nguyên tử, số đơn vị điện tích hạt nhân bằng số proton của nguyên tử.
Ví dụ: Nguyên tử nitrogen có 7p trong hạt nhân, điện tích hạt nhân của nitrogen là +7, số đơn vị diện tích hạt nhân là 7.
+ Vỏ: tạo bởi một hay nhiều electron (kí hiệu là e) mang điện tích âm. Mỗi electron mang một đơn vị điện tích âm, quy ước là -1.
+ Trong nguyên tử: số hạt proton = số hạt electron
Hình 2.4. Mô hình nguyên tử của Rutherford
- Dựa trên mô hình của Rutherford, Niels Bohr đã phát triển một mô hình hoàn chỉnh hơn để mô tả về nguyên tử.
+ Nguyên tử gồm các electron được sắp xếp thành từng lớp và chuyển động xung quanh hạt nhân theo quỹ đạo tương tự như hành tinh trong hệ Mặt Trời.
+ Các electron chuyển động rất nhanh xung quanh hạt nhân và phân bố theo từng lớp với số lượng electron nhất định trên mỗi lớp ở vỏ nguyên tử.
+ Lớp đầu tiên gần sát hạt nhân chứa tối đa 2 electron, lớp thứ hai chứa tối đa 8 electron,...Các electron được sắp xếp vào các lớp theo thứ tự từ trong ra ngoài cho đến hết.
Hình 2.5. Mô hình cấu tạo của một số nguyên tử (Mô hình của Rutherford – Bohr)
- Năm 1932, khi nghiên cứu sâu hơn về nguyên tử, James Chadwick phát hiện bên trong hạt nhân còn có một loại hạt không mang điện. Ông gọi chúng là neutron.
Hình 2.6. Mô hình nguyên tử oxygen (O)
1.2. Khối lượng nguyên tử
- Khối lượng nguyên tử bằng tổng khối lượng của các hạt proton, neutron, electron có trong nguyên tử.
- Khối lượng nguyên tử rất nhỏ, để biểu thị khối lượng nguyên tử, người ta sử dụng đơn vị khối lượng nguyên tử, viết tắt là amu (atomic mass unit).
1 amu = 1,6605.10-24 gam
- Proton và neutron có khối lượng xấp xỉ bằng nhau (gần bằng 1 amu). Electron có khối lượng rất bé (khoảng 0,00055 amu). Khối lượng hạt nhân được xem là khối lượng của nguyên tử.
Ví dụ:
- Nguyên tử hydrogen có 1p trong hạt nhân nên khối lượng nguyên tử xấp xỉ là 1 amu.
- Nguyên tử carbon có 6p và 6n trong hạt nhân nên khối lượng nguyên tử xấp xỉ là 12 amu.
|
B. Bài tập minh họa
Bài 1: Mọi vật thể tự nhiên hay nhân tạo đều được tạo thành từ một số loại hạt vô cùng nhỏ bé gọi là nguyên tử. Vậy nguyên tử có cấu tạo như thế nào?
Hướng dẫn giải
- Cấu tạo của nguyên tử gồm: hạt nhân và vỏ
- Hạt nhân: mang điện tích dương
- Hạt proton (kí hiệu p) mang điện tích dương
- Neutron (kí hiệu n) không mang điện
- Vỏ: tạo bởi các electron (kí hiệu e) mang điện tích âm
Bài 2: Quan sát mô hình nguyên tử carbon và cho biết:
a) Số proton và số electron
b) Điện tích hạt nhân và số đơn vị điện tích hạt nhân
c) Số lớp electron và số electron trên mỗi lớp?
d) Xác định khối lượng nguyên tử carbon (biết số neutron bằng 6)
Mô hình nguyên tử carbon (C)
Hướng dẫn giải
a) Số p = số e = 6
b) Điện tích hạt nhân bằng +6. Số đơn vị điện tích hạt nhân bằng 6.
c) Có 2 lớp electron. Lớp 1 có 2 electron, lớp 2 có 4 electron.
d) Khối lượng hạt nhân được xem là khối lượng của nguyên tử.
Khối lượng của nguyên tử carbon: 6 + 6 = 12 (do khối lượng 1 p ≈ 1n ≈ 1 amu)
Bài 3: Nhôm (aluminium) là kim loại có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, được dùng làm dây dẫn điện, chế tạo các thiết bị, máy móc trong công nghiệp và nhiều đồ dùng sinh hoạt. Cho biết tổng số hạt trong hạt nhân nguyên tử nhôm là 27, số đơn vị điện tích hạt nhân là 13. Tính số hạt mỗi loại trong nguyên tử nhôm và cho biết điện tích hạt nhân của nhôm?
Hướng dẫn giải
- Vì hạt nhân gồm có proton và neutron
→ Tổng số hạt trong hạt nhân = số proton + số neutron
→ 27 = số proton + số neutron
- Mà số đơn vị điện tích hạt nhân = số proton = 13 = số electron
→ Số neutron = 27 – 13 = 14
Vậy trong nguyên tử nhôm có: 13 hạt electron, 13 hạt proton, 14 hạt neutron
------------------------------------
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 2: Nguyên tử CTST trên đây các bạn có thể tham khảo Toán lớp 7 tập 1 Chân trời sáng tạo và Ngữ Văn 7 Tập 1 Chân trời sáng tạo, Công Nghệ 7 CTST,...... theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT ban hành. VnDoc.com liên tục cập nhật Lời giải, đáp án các dạng bài tập Chương trình sách mới cho các bạn cùng tham khảo.