Soạn bài Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
Soạn bài: Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
Soạn bài lớp 11: Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thuộc môn Ngữ văn lớp 11 học kỳ 1. Bài soạn dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo về khái niệm, yêu cầu về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 11 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.
- Soạn bài lớp 11: Đời thừa
- Soạn bài lớp 11: Tác giả Nam Cao
- Soạn bài lớp 11: Luyện tập về phong cách ngôn ngữ báo chí
1. Soạn bài Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn mẫu 1
1.1. Kiến thức cơ bản
1. Khái niệm
Phỏng vấn là phương thức hỏi đáp trong hội thoại nhằm thu nhận thông tin trực tiếp từ một đối tượng, đối tượng đó thường là người nổi tiếng hoặc một người liên quan đến sự việc mamg tính chất thời sự, người làm chứng,... Có thể phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn bằng phiếu hỏi, phỏng vấn qua điện thoại, qua mạng Internet... hình thức thường gặp là phỏng vấn trực tiếp.
Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn đang được sử dụng khá phổ biến trên báo chí và đời sống xã hội; có tác dụng tốt giúp lứa tuổi thanh niên học sinh rèn luyện khă năng quan sát, phân tích và thái độ chủ động tự tin trong giao tiếp.
2. Yêu cầu
Đối với người phỏng vấn: với mục đích khai thác, thu nhận thông tin, người phỏng vấn cần chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc phỏng vấn. Trước khi phỏng vấn, xác định mục đích phỏng vấn, có hiểu biết về vấn đề và đối tượng phỏng vấn, xây dựng đề cương phỏng vấn với hệ thống câu hỏi phù hợp; khi phỏng vấn cần có thái độ tôn trọng người được phỏng vấn và tôn trọng các quy tắc giao tiếp, biết cách hỏi, khéo léo, biết lái nội dung câu chuyện sao cho suôn sẻ và đạt hiệu quả phỏng vấn.... Sau khi phỏng vấn, sửa chữa và sử dụng một cách trung thực nội dung thông tin đã thu nhận được có sự đồng ý của người được phỏng vấn, trình bày dưới hình thức hỏi đáp trực tiếp hoặc theo lối tường thuật.
Đối với người được phỏng vấn: cần có trách nhiệm với thông tin mà mình cung cấp, chỉ nên trả lời những gì mình đã nắm bắt rõ ràng. Có thể trả lời hoặc không trả lời câu hỏi nhưng nên có thái độ cởi mở, hợp tác trong đối thoại; cần tự tin, phản xạ nhanh trước các câu hỏi, trả lời ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu.
3. Một số lưu ý
Khi xây dựng đề cương phỏng vấn cần:
- Định hướng cụ thể, rõ ràng nội dung phỏng vấn.
- Câu hỏi đặt ra phải tập hợp được các ý tưởng của người phỏng vấn về một vấn đề nhất định, đồng thời có những câu hỏi then chốt để phát triển mạch phỏng vấn.
- Phán đoán các trước phương án trả lời của đối tượng để có những phản ứng phù hợp, đặt thêm câu hỏi phụ để có thông tin cần thiết.
1.2. Rèn kĩ năng
1. Vấn đề dự định phỏng vấn đối với mỗi đối tượng
a. Đối tượng phỏng vấn là thầy (cô) hiệu trưởng
Vấn đề dự định phỏng vấn: lịch sử truyền thống, thành tích giáo dục, đội ngũ cán bộ công nhân viên của nhà trường; sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể địa phương...
b. Đối tượng phỏng vấn là một thầy (cô) giáo đã dạy học lâu năm tại trường
Vấn đề dự định phỏng vấn: tình cảm nghề nghiệp, những học sinh, đồng nghiệp để lại ấn tượng sâu đậm cho thầy cô; những kỉ niệm sâu sắc, khó phai trong sự nghiệp dạy học, những thành tích nổi bật, ...
c. Đối tượng phỏng vấn là bác lao công, người có nhiều năm làm việc tại trường
Vấn đề dự định phỏng vấn: về sự thay đổi của nhà trường; những kỉ niệm, những tình cảm, những suy nghĩ về các cháu học sinh, công việc,...
2+4. Hệ thống câu hỏi cho từng đối tượng và dự kiến nội dung trả lời
Thầy (cô) hiệu trưởng:
- Thưa thầy (cô), thầy (cô) có thể kể cho chúng em nghe những chặng đường lịch sử truyền thống của nhà trường được không ạ? (Dự kiến thông tin có được từ câu trả lời: ngày thành lập trường, lịch sử phát triển (các mốc lịch sử quan trọng đối với nhà trường, những biến đổi về quy mô, cơ sở vật chất, số lượng giáo viên, học sinh..., một vài kỉ niệm những năm đầu thành lập trường...)
- Trong những năm học qua, trường ta đã đạt được rất nhiều những thành tích đáng ghi nhận, thầy (cô) có thể điểm qua những thành tích nổi bật nhất được không ạ? (Dự kiến thông tin có được: một số thành tích giáo dục của nhà trường về thi học sinh giỏi, thi giáo viên dạy giỏi, các danh hiệu nhà trường đã đạt được, các hoạt động TDTT, tấm gương GV và HS...).
- Giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội, vậy trong những năm qua nhà trường đã nhận được sự quan tâm như thế nào từ phía các ban ngành đoàn thể của địa phương ạ? (Dự kiến thông tin có được: Sự quan tâm, giúp đỡ phối hợp hoạt động của chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên... các hoạt động cụ thể)
Một thầy (cô) giáo đã dạy học lâu năm tại trường:
- Thưa thầy (cô), là một người đã công tác rất lâu năm tại trường, hôm nay trong không khí kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy (cô) có thể chia sẻ với chúng em những tình cảm nghề nghiệp, những suy nghĩ của thầy (cô) về các thế hệ học sinh mà thầy (cô) từng dạy dỗ được không ạ? (Dự kiến thông tin có được: Lòng yêu nghề, sự tin tưởng, tự hào; những nhận xét và tình cảm của mình đối với học sinh; một vài kỉ niệm về học sinh.)
- Thưa thầy (cô), tâm trạng của cô trong những đầu tiên đến dạy tại trường và hiện giờ có gì khác nhau không ạ? Và bây giờ thấy (cô) nghĩ gì về thế hệ học sinh chúng em? (Dự kiến thông tin có được: Kể về những ngày đầu đến dạy tại trường, nói về điểm giống và khác nhau giữa hai thời gian công tác; lòng yêu quý, sự tin tưởng đối với học sinh...).
Bác lao công, người đã có nhiều năm làm việc tại trường:
- Nêu lí do phỏng vấn, cảm ơn bác, người đã ba ngày tháng không biết mệt mỏi để giữ cho ngôi trường luôn xanh, sạch, đẹp.
- Bác đã gắn bó với nhà trường bao nhiêu năm rồi ạ? Trong thời gian qua bác thấy nhà trường có những biến đổi như thế nào a? (Dự kiến thông tin có được: Số năm công tác, những thay đổi của nhà trường, khang trang, sạch đẹp hơn...)
- Sau nhiều năm gắn bó với nhà trường, bác hãy chia sẻ cùng chúng cháu một vài kỉ niệm đáng nhớ giữa bác và nhà trường? Bác nghĩ gì về những học sinh như chúng cháu? (Dự kiến thông tin có được: một vài kỉ niệm, lòng yêu mến học sinh...)
3. Dự kiến lời mở đầu và kết thúc với mỗi đối tượng
Thầy (cô) hiệu trưởng:
- Lời mở đầu: Thưa thầy (cô), sắp đến ngày 20 -11, chúng em mong muốn có thêm hiểu biết về truyền thống dạy và học của nhà trường để đưa vào "Trang vàng truyền thống" trong tờ báo của lớp em. Vậy, mong thầy (cô) chia sẻ với chúng em một số thông tin về truyền thống dạy và học rất đáng tự hào của trường.
- Lời kết thúc: Chúng em xin cảm ơn thầy (cô) rất nhiều. Thầy (cô) đã giúp chúng em thêm tự hào về ngôi trường yêu quý của mình! Chúng em kính chúc thầy (cô) mạnh khoẻ tiếp tục thúc đẩy nhà trường đi lên trong sự nghiệp trồng người.
Một thầy (cô) giáo đã dạy học lâu năm tại trường:
- Lời mở đầu: Thưa thầy (cô), sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày mà cả đất nước tôn vinh nghề giáo, chắc hẳn thầy (cô) đang có rất nhiều tâm sự, cảm xúc. Vậy chúng em rất mong thầy (cô) sẽ chia sẻ với chuyên mục "Trang vàng truyền thống" trong tờ báo của lớp chúng em những suy nghĩ về nghề nghiệp, về tình cảm đối với học sinh chúng em.
- Lời kết thúc: Chúng em xin cảm ơn thầy (cô) rất nhiều. Qua những lời chia sẻ của thầy (cô) chúng em thêm biết ơn những tình cảm và công lao dạy dỗ của các thầy, các cô đối với chúng em; chúng em thêm tự hào về mái trường THPT... của mình. Chúng em xin kính chúc thầy (cô) dồi dào sức khoẻ để tiếp tục đón nhận nhiều hơn nữa những tình cảm chân thành sâu sắc của học sinh chúng em!
Bác lao công, người đã có nhiều năm làm việc tại trường:
- Lời mở đầu: Thưa bác, bác là một người thầy (người cô) thứ hai dạy chúng cháu những bài học rất thực tế về giữ gìn vệ sinh trường, lớp. Hôm nay trong không khí chào mừng ngày 20/11 chúng cháu rất mong bác sẽ chia sẻ đôi điều tâm sự với chuyên mục "Trang vàng truyền thống" trong tờ báo của lớp cháu. Bác đồng ý bác nhé!
- Lời kết thúc: Chúng cháu cảm ơn bác rất rất nhiều, chúng cháu hứa sẽ giữ gìn vệ sinh thật sạch sẽ để được bác tiếp tục yêu quý! Chúng cháu chúc bác mạnh khoẻ và càng ngày càng thu được ít rác ạ!
5. Trình bày bài phỏng vấn
Tham khảo bài "Thăm nhà bác "Dế Mèn"" (SGK, tr. 225) và dựa vào các nội dung trên để trình bày các bài phỏng vấn.
2. Soạn bài Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn mẫu 2
1.1. Kiến thức cơ bản
1. Khái niệm phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
- Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là một cuộc hỏi đáp có mục đích, nhằm thu thập và cung cấp thông tin về một (hoặc nhiều chủ đề) được quan tâm.
- Chẳng hạn người phỏng vấn có thể nói chuyện với một nhân vật nổi tiếng, hoặc một người có thể không có tiếng tăm nhưng đang làm một công việc quan trọng đối với xã hội, hoặc đang cần nói một điều gì đó về những vấn đề có tầm quan trọng đối với xã hội.
2. Đặc điểm của phỏng vấn
- Không phải bất cứ một cuộc trò chuyện, hỏi đáp nào cũng đều là cuộc phỏng vấn.
- Chỉ khi cuộc trò chuyện hỏi đáp ấy được thực hiện nhằm mục đích rõ ràng là để thu thập thông tin về một chủ đề, một sự kiện quan trọng nào đó, có ý nghĩa và giá trị xã hội nhất định.
3. Hoạt động phỏng vấn cần có các yếu tố cơ bản sau:
- Người phỏng vấn (người hỏi).
- Người trả lời phỏng vấn (người đáp).
- Mục đích hướng đến (hỏi để làm gì?)
- Chủ đề phỏng vấn (hỏi về vấn đề gì?)
- Phương tiện phỏng vấn (bằng phương tiện gì?)
4. Ý nghĩa và mục đích của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
- Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là một hoạt động có ý nghĩa xã hội, để hiểu một ai đó, một sự kiện quan trọng, bức thiết,... nào đó trong đời sống,
- Đáp ứng yêu cầu, mục đích của trường học, của công ty, hoặc vì quyền lợi của cá nhân người đang có nhu cầu xin học, xin việc làm…
5. Những yêu cầu cơ bản hoạt động phỏng vấn
- Chuẩn bị phỏng vấn.
- Tiến hành phỏng vấn.
- Biên tập sau khi phỏng vấn.
6. Yêu cầu đối với người phỏng vấn trong hoạt động phỏng vấn
- Cần phải tìm những cách thức hữu hiệu để khai thác được nhiều nhất những thông tin chính xác, hấp dẫn về chủ đề được hỏi:
+ Giữ cho câu chuyện liên tục, không rời rác, gián đoạn,
+ Bám sát chủ đề và đưa người nói quay về với chủ đề nếu có dấu hiệu lan man, đi xa vấn đề chính.
+ Chú ý gợi mở để người trả lời phỏng vấn nêu ý kiến rõ hơn và cung cấp thông tin nhiều hơn.
- Cần phải sử dụng tối ưu các thông tin phỏng vấn được.
- Phải giữ thái độ lịch thiệp, tôn trọng người trả lời phỏng vấn.
7. Yêu cầu đối với người trả lời phỏng vấn trong hoạt động trả lời phỏng vấn
- Hiểu biết sâu rộng lĩnh vực mình được phỏng vấn.
- Cung cấp đầy đủ những thông tin trung thực, phù hợp với chủ đề phong vân.
- Câu trả lời phải cụ thể rõ ràng và hấp dẫn
- Phải giữ thái độ lịch thiệp và tôn trọng người phỏng vấn.
8. Câu hỏi phỏng vấn cần đạt những yêu cầu sau:
- Súc tích, rõ ràng.
- Phù hợp với mục đích và đối tượng phỏng vấn.
- Chủ đề của các câu hỏi thống nhất.
- Các câu hỏi liên kết với nhau và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
Soạn bài Thương vợ là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn lớp 11 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.
1.2. Giải đáp câu hỏi, bài tập
1. Khi đi xin việc, nhà tuyển dụng tiến hành phỏng vấn nêu câu hỏi: Bạn có thể nói cho tôi nghe nhược điểm lớn nhất của mình không? anh (chị) sẽ trả lời như thế nào?
Gợi ý trả lời
- Để chứng tỏ mình trung thực, người được phỏng vấn cần phải nói cho người phỏng vấn biết nhược điểm của bản thân.
- Nhưng kèm theo đó là giải pháp để khắc phục nhược điểm đó. Có như vậy thì nhà tuyển dụng mới hiểu được những khả năng và nỗ lực nhất định của bạn. Họ sẽ hài lòng chấp nhận bạn, một con người trung thực và biết phấn đấu để vượt qua những khuyết điểm của bản thân mình.
2. Đọc bài phỏng vấn văn hào Uy-li-am Phốc-cơ-nơ (trả lời phỏng vấn. Giô-dép Phan-tơ và Rô-bốt Át-slây, năm 1962) dưới đây và trả lời các câu hỏi:
Hỏi: Thưa ông, trong diễn văn nhận giải Nô-ben ông phát biểu rằng “Đặc quyền của nhà văn để giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao lương tri họ...”. Ông có cho rằng mình đã thực hiện được nhiệm vụ ấy trong tác phẩm.
Đáp: Có khả năng là tôi chưa thực hiện được. Tôi nghĩ rằng đây là sự dâng hiến của nhà văn. Đấy là đặc quyền và cũng là sự dâng hiến của hắn, để nâng cao lương tri của con người bằng cách bày ra cho họ thấy tập hồ sơ của những trải nghiệm về lương tri của con người, sự nỗ lực tột cùng của con người trong môi trường của mình, với bè bạn, với chính bản thân, bằng một ngôn từ linh hoạt đến mức những bài học về lòng trung thực và can đảm đều hiện diện rõ ràng và không thể chối bỏ. Tôi nghĩ đây là lí do, hẳn thế, để các nhà thơ, nhà văn viết. Anh ta thành công hay thất bại thì lại chuyện khác. Ắt hẳn lí do duy nhất khiến một nhà thơ bắt tay viết một bài thơ khác là vì bài thơ anh ta vừa mới hoàn thành không đáp ứng đầy đủ mục đích anh ta đặt ra - không thực hay - vậy nên anh ta sẽ viết một bài khác.
Hỏi: Thưa ông, tôi muốn biết, trong số tất cả các phẩm mà ông đã viết ra, cuốn nào ông xem là xuất sắc nhất và điều gì khiến ông quyết định như thế.
Đáp: Điều ấy thì phải trở lại với câu trả lời tôi đã từng nói. Tôi nghĩ chẳng có một nhà văn nào lại hoàn toàn hài lòng với tác phẩm mình vừa hoàn thành, đấy là lí do để anh ta viết một cuốn khác. Nếu anh ta viết được một cuốn hoàn toàn thoả mãn với yêu cầu được đặt ra thì chẳng còn gì để nói ngoài việc gác bút và chết quách đi cho xong. Trong trường hợp của riêng tôi, cuốn sách gần gũi nhất với tôi lại là cuốn thất bại nhất, cái cuốn đã gây cho tôi nhiều gian khó nhất. Dĩ nhiên, chẳng có nhà văn nào có thể phán xét cuốn sách nào của mình là xuất sắc nhất. Điều đó như thể tình cảm của một người mẹ đối với đứa con đần độn hoặc khuyết tật bẩm sinh – đấy là đứa có được chỗ trong tim mẹ mà một đứa khoẻ mạnh, không khuyết tật không thể nào có. Điều đó có thể đúng đối với bất cứ nhà văn nào, cái cuốn mà gần gũi anh ta nhất là cuốn anh ta làm việc vất vả cực kì, vật lộn với sự thất bại, sự thất bại đau đớn nhất. Vậy nên tôi xin trả lời câu hỏi ấy rằng đây là tác phẩm đã gây cho tôi nỗi thống khổ nhất và nó là tác phẩm tôi vẫn chưa hài lòng nhất, cuốn đó có nhan đề Âm thanh và cuồng nộ.
Hỏi: Thưa ông, ông đã nói, nếu tham vọng của ông với tư cách là nhà văn đã thực hiện trọn vẹn thì ông hẳn gác bút và chết quách cho xong. Ông có tin đấy là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Ơ-nít Hê-minh-uê? Thưa ông, ông có cho rằng Hê-minh-uê tự sát vì lí do này hoặc ông cho rằng cái chết của ông ấy chỉ là do ngẫu nhiên?
Đáp: Không, tôi không cho là thế. Tôi nghĩ rằng Hê-minh-uê là một người quá tốt để trở thành nạn nhân của sự ngẫu nhiên, chỉ những kẻ yếu kém mới là nạn nhân của ngẫu nhiên ngay cả khi một ngôi nhà không đổ sụp xuống họ. Tôi nghĩ đây là con đường đã được cân nhắc kĩ càng. Tôi nghĩ chí ít con người ta ai cũng muốn tốt như những gì mình viết. Và tối thiểu về ý nghĩ rằng Ơ-nít cảm nhận như thể ở vào lúc này, điều này là đúng đắn trong thái độ và phẩm giá, để làm. Tôi không đồng ý với ông ấy. Tôi nghĩ rằng chẳng một ai có thể nói trước được, cho đến khi kết thúc cuộc đời dẫu cho đã viết ra hay chưa viết. Có lẽ điều đó xảy ra với hầu hết mỗi người vào một thời điểm nào đó rằng anh ta đã hoàn thành cuốn sách xuất sắc nhất của đời mình, rằng ấy là lúc anh ta muốn viết chữ finish (kết thúc) đối với đời mình. Tôi nghĩ Hê-minh-uê đã sai.
Hỏi: Thưa ông, trong tiểu thuyết Ab-sa-lom, Ab-sa-lom! mục đích của ông là gì khi kể câu chuyện của đại tá Sút-pen qua nhân vật Quen-tin Com-pon – để bộc lộ tính cách của Quen-tin, để khắc hoạ mình Sút-pen hay chỉ miêu tả người miền Nam?
Đáp: Công việc đầu tiên mà bất kì một nhà văn nào cũng phải đối mặt là kể cho người khác một câu chuyện, một câu chuyện từ những trải nghiệm của con người. Ý tôi là những kinh nghiệm chung, phổ quát, nỗi thống khổ, sự rắc rối và nỗi buồn trong tim nhân loại, mang ý nghĩa toàn thể, không quan tâm đến chủng tộc, thời gian và hoàn cảnh. Anh ta muốn kể với bạn đôi điều mà với anh ta dường như nó rất thực, rất sống động, hoặc hài hước, hoặc bi kịch và nó đáng để kể lại. Anh ta sẽ sử dụng những phương tiện nghèo nàn của chính mình, đấy là phương pháp vụng về của diễn ngôn, của viết lách, để kể cho bạn câu chuyện. Và đấy là nguyên nhân khiến sự sáng tạo của anh ta liên quan đến phong cách, hoặc anh ta khám phá ra những kĩ thuật khác – anh ta đơn giản đang kể cho bạn một câu chuyện mà giống với bất kì ai trong cách thức rất sống động nào đó, cách thức sống động và chân thực đến mức ai cũng sẽ nói, “Sao ư, phải – thật thể. Chuyện đó đã xảy ra với tôi thì cũng sẽ xảy ra cho bất cứ ai”. Tôi nghĩ, chẳng có nhà văn nào có đủ thời gian để vẽ bức tranh của một vùng đất hoặc thuyết giảng bất cứ điều gì – nếu anh ta đang cố thuyết giảng cho bạn một bài giảng đạo, thì anh ta không thực là nhà văn , anh ta là một kẻ tuyên truyền, gánh vác một nhiệm vụ khác. Còn nhà văn thì đơn giản đang cố kể cho bạn câu chuyện của trái tim con người trong sự xung đột với chính nó, với những kẻ khác hoặc với hoàn cảnh bằng một cách thức thật sống động. Câu trả lời có phải thể không?
Hỏi: Thưa ông, xin ông cho biết ý kiến riêng về giá trị của văn chương hiện đại, của mảng viết về quyền đi bầu của phụ nữ và sự hỗn độn của đồng tiền như hiện tại trong văn chương hiện đại?
Đáp: Tôi xem chúng như là công cụ, chất liệu của công việc; đấy là những hoàn cảnh nhà văn có thể sử dụng để khắc hoạ lương tri con người trong cuộc đấu tranh đơn giản nào đó với bản thân, với người khác và môi trường của nó. Những đặc tính xã hội, theo tôi, chỉ trùng khớp ngẫu nhiên với một câu chuyện - câu chuyện ấy vẫn là chuyện về con người, về lương tri tranh đấu. Để dũng cảm hơn nó ngại có thể là, để trung thực hơn, để xót thương hơn, để gần với hình hài ta hình dung khi nói về Chúa hơn nó có nghĩa là và có thể là. Sự mở rộng cho mọi người, sự chia tách hoặc những hoàn cảnh xã hội ấy là những công cụ đơn giản để nhà văn sử dụng nhằm phô bày lương tri con người trong cuộc xung đột với tình thế tiến thoái lưỡng nan - trong chiến trận, chiến trận là một câu chuyện nào đó. Khi cá nhân đối đầu với một khủng hoảng, thì anh ta chế ngự nó hay là để nó chế ngự anh ta? Đấy là tất cả những gì một câu chuyện hướng đến.
Hỏi: Thưa ông, cũng trong diễn từ Nô-ben, ông phát biểu: “Bi kịch ngày nay của chúng ta là nỗi sợ hãi vật chất chung và phổ quát đã được chống đỡ cho đến bây giờ lâu đến nỗi thậm chí chúng ta có thể chịu đựng được nó. Chẳng còn vấn đề gì về tinh thần nữa. Chỉ còn một câu hỏi duy nhất: “Khi nào chúng ta sẽ bị nổ tung?”. Và tôi phân vân liệu ông cảm nhận gì về thế hệ của chúng ta hiện nay, thế hệ đang sống ngay thời điểm này, đang ít quan tâm đến ý nghĩ “Khi nào chúng ta sẽ bị nổ tung?” hơn chúng ta vào năm 1950 khi ông đọc diễn từ? Ông có nhận thấy văn học của chúng ta đang phô bày điều này không?
Đáp: Tôi nghĩ rằng cánh trẻ thực sự không tin vào lời cảnh báo ấy, đấy là thực tế – một thực tế phổ quát được nhiều người lớn tuổi hơn ghi nhận, mà cánh trẻ, những người có cùng cảm nhận về cái đẹp và khát vọng sống như tôi cảm nhận khi tôi hai mươi mốt tuổi, vẫn cảm nhận điều đó. Nhưng khi tôi hai mươi mốt tuổi chúng tôi không hề có tâm trạng bi quan chung trước cảm nhận thấu đáo về việc “Khi nào chúng ta sẽ bị nổ tung?” mà dường như đang chế ngự thế giới hiện nay. Tôi không nghĩ điều đó sẽ ngăn cản bất kì ai muốn trở thành nhà thơ, nó chỉ là quá tồi tệ khi bạn phải mang gánh nặng đó. Và nó đã không được cánh trẻ xem xét – cánh trẻ không quan tâm đến những điều người già nghĩ.
Hỏi: Thưa ông, theo những gì ông vừa nói, ông có cho rằng thực trạng thế giới hiện tại sẽ truyền một cảm hứng mới về chủ nghĩa dân tộc vào văn học Mĩ?
Đáp: Nếu linh hồn của một chủ nghĩa dân tộc nào đó xâm nhập vào văn học thì văn học sẽ không còn là văn học nữa. Để tôi nói rõ hơn điều này. Ý tôi là những vấn đề mà nhà thơ viết, những vấn đề đáng để viết, hay soạn nên nhạc phẩm, hay vẽ nên bức tranh là những vấn đề thuộc về lương tâm con người mà chẳng chút liên quan đến chủng tộc, màu da của bạn – chúng là nỗi đau đớn, niềm đam mê của tình yêu, hy vọng, khả năng, là sự diệt vong của cái khối mong manh gồm thịt xương và hầu hết là nước, chúng ta, hiện thân của sự hòa hợp đó, phải chịu đựng, cùng nhau gánh chịu một điện năng bé nhỏ và một thế giới của sự trùng khớp đa phần, mà chúng ta có thể chịu đựng được tất cả. Nhưng trong ta vẫn còn điều gì đó để khiến một cá nhân lên tiếng, “Nỗi thống khổ của tôi là cao đẹp, nó có ý nghĩa”, thế là anh ta viết một bài thơ, anh ta soạn một bản nhạc, anh ta vẽ một bức tranh không nhằm để chứng minh điều gì cả, không nhằm thách thức số phận lẫn hoàn cảnh mà đơn giản chỉ bởi có điều gì đó rất chân thực và quá đỗi sống động trong hơi thở đến mức anh ta phải soạn nó ra, phải ghi nhận nó. Bạn có thể nói rằng, những gì thúc ép nhà văn, nhà thơ làm việc cật lực – anh ta biết chỉ còn ít thời gian, nhiều hơn hay mười năm, anh ta phải hoàn thành phần việc cuối cùng và sự lãng quên sau đó thì chẳng có nghĩa lí gì cả bởi chí ít anh ta cũng đã ghi lên được trên bức tường lao động dòng chữ nguệch ngoạc “Kin-roy đây”. Anh ta tin đam mê của mình là quan trọng, và chúng ta phải hoàn toàn đồng ý với anh ta. Nếu đam mê của chính chúng ta, những vấn đề của chính chúng ta là không quan trọng thì chẳng có lý do gì để chúng ta tồn tại trên chính thế gian này. Điều gì khiến chúng ta không tồn tại ở đây?
Hỏi: Thưa ông, tôi muốn biết tác giả nào ông yêu thích?
Đáp: À đấy là câu hỏi mà thực sự không có nhiều ý nghĩa đối với một nhà văn bởi nhà văn không liên quan đến việc anh ta viết gì. Dẫu sao thì với tôi, nhân vật và tác phẩm là quan trọng, còn ai viết thì không quan trọng, những người tôi biết và yêu thích là Đôn Ki-hô-tê, Sa-ra Gamp và đôi người của Côn - rát, nhiều người của Đíc-kin, Ban-dắc, nhưng đặc biệt không phải bản thân Ban - dắc, bởi tôi nghĩ đôi chỗ Ban-dắc viết kém. Đối chỗ viết lách của Côn-rát cũng kém nhưng một số nhân vật được ông ta sáng tạo thì thật tuyệt diệu và sẽ trường tồn. Vậy nên tôi nghĩ – và điều này chắc chắn đúng với bất kì nhà Văn nào – rằng anh ta phải nhìn vào cuốn sách chứ đừng xem ai viết, cũng như ai là người in ra nó.
Hỏi: Thưa ông, trong nhiều tác phẩm ông đề cập đến sự truy lạc và băng hoại của con người. Vậy thì làm sao mà ông có thể xem điều ấy là sự chấn hưng độc giả hay là tấm gương về lòng can đảm và danh dự được?
Đáp: À câu trả lời thật dễ, điều đó có thể cho họ thấy những gì tôi không nghĩ là họ sẽ làm, cách ấy là dễ dàng, nhẹ nhàng và không cần lên giọng. Tôi nghĩ vấn đề là ở chỗ nhà văn phải phô bày con người; nhà văn, nhà hoạ sĩ, nhạc sĩ muốn phô bày con người không phải trong - bộ quần áo của anh ta mặc cho ngày chủ nhật, mà phải trong mọi phương diện, mọi hoàn cảnh của anh ta rồi thì nhiều chi tiết để hiểu con người từ thái độ gốc, hoàn cảnh gốc của anh ta, và tiếp tục phô bày bước tiến của anh ta, anh ta tiếp tục, anh ta vượt qua con khủng long, anh ta sẽ vượt thoát quả bom nguyên tử và tôi được thuyết phục ngay vào lúc anh ta vượt thoát ngay cả cái bánh xe. Anh ta vẫn dựa vào hành. trình của sự bất tử và sự khác thường là một phần của lịch sử anh ta, là một phần của chính bản thân anh ta, có lẽ. Nhưng sau tất cả, đây cũng là điều khiến anh ta muốn chịu đựng, khiến anh ta tin tưởng rằng chiến tranh nên được huỷ bỏ tận gốc, sự bất công không tồn tại, trẻ con không phải chịu đau khổ.
a. Nội dung của bài phỏng vấn hướng về vấn đề gì?
- Về quan niệm và nghệ thuật viết văn.
- Về mối nguy cơ tiềm ẩn trong cuộc sống thực tại và sự cảnh báo của nhà văn về mối nguy cơ đó.
- Về vai trò của văn học và nhà văn trong cuộc chấn hưng xã hội và hướng con người đến những tiêu chí đạo đức, những giá trị sống vĩnh hằng của con người.
b. Cách thức phỏng vấn có những điểm gì đáng chú ý?
- Hỏi về những vấn đề cụ thể (mục tiêu của chính nhà văn...) đến vấn đề trừu tượng (đạo đức...).
- Phạm vi phỏng vấn tăng dần từ nước Mĩ, từ mối quan hệ với nhà văn nước Mĩ đến thế giới và các nhà văn thế giới.
- Người phỏng vấn hỏi thẳng vào các vấn đề bức xúc của thời đại và trách nhiệm cũng như quan điểm của nhà văn về các vấn đề đó.
c. Qua bài phỏng vấn anh (chị) nhận xét Phốc-cơ-nơ là nhà văn thế nào?
- Đây là một trong những nhà văn vĩ đại của nhân loại.
- Ông rất sòng phẳng khi đánh giá bản thân và các tác giả khác.
- Quan tâm đến những vấn đề lớn lao của thời đại với tư cách là một nghệ sĩ mang tầm vóc nhân loại, Phốc-cơ-nơ khao khát giải quyết được những vấn đề có liên quan đến hạnh phúc và sự tồn tại của con người trên trái đất này.
Ngoài Soạn bài Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, mời các em tham khảo thêm Đề thi học kì 1 lớp 11, Soạn văn lớp 11 ngắn gọn, Soạn bài lớp 11, Học tốt Ngữ văn 11, Tài liệu học tập lớp 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.