Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng đài

Soạn bài lớp 11: Vĩnh biệt Cửu Trùng đài trích trong tác phẩm Vũ Như Tô do Nguyễn Huy Tưởng sáng tác thuộc môn Ngữ văn lớp 11 học kỳ 1. Bài soạn văn 11 dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo về quan điểm của mình về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cường quyền, giữa nghệ sĩ và nhân dân và có thể là cả vấn đề về văn hoá dân tộc giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 11 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

1. Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng đài mẫu 1

1.1. Kiến thức cơ bản

Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch tài năng. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho khá giả có tinh thần yêu nước ở xã Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Nhà văn đặc biệt thành công với đề tài lịch sử ở cả hai thể loại tiểu thuyết và kịch. Tác phẩm chính: Vũ Như Tô ( kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao Lạng (kí, 1951)...

Vũ Như Tô là một vở kịch lịch sử. Qua tác phẩm này, nhà văn thể hiện quan điểm của mình về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cường quyền, giữa nghệ sĩ và nhân dân và có thể là cả vấn đề về văn hoá dân tộc. Đây là một tác phẩm thành công của Nguyễn Huy Tưởng.

1.2. Tóm tắt vở kịch

Vở kịch gồm năm hồi, viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 - 1517.

Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa kinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe doạ kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Tràng đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước, "Ông cứ xây lấy một toà đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi, nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện...". Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng đài. Nhưng Cửu Trùng đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu Trùng đài bị thiêu trụi.

1.3. Rèn kĩ năng

1. Đoạn trích thuộc hồi V của vở kịch, cảnh diễn ra trong cung cấm. Vũ Như Tô xây Cửu Trùng đài theo lời khuyên của Đan Thiềm với mục đích xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật. Đó là mục đích nghệ thuật của người nghệ sĩ. Còn điều mà nhân dân và binh lính trông thấy ngay trước mắt là Vũ Như Tô đang dùng công sức và xương máu của nhân dân để phục vụ mục đích ăn chơi sa đoạ của tên hôn quân Lê Tương Dực. Việc xây dựng Cửu Trùng đài đã khiến cho nhân dân vô cùng cực khổ. Trịnh Duy Sản đã lợi dụng tình hình dấy binh nổi loạn. Nhân dân, binh lính và thợ xây dựng Cửu Trùng đài đã nổi dậy. Chúng bắt giết Vũ Như Tô, Đan Thiềm và huỷ diệt Cửu Trùng đài.

2. Mâu thuẫn của vở kịch được thể hiện trong hồi V

Mẫu thuẫn trực tiếp thể hiện ở cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình. Đó là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa trụy lạc của Lê Tương Dực với đời sống cơ cực thống khổ của nhân dân lao động. Cao trào của mâu thuẫn này được thể hiện và được giải quyết ở vở kịch này.

Mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần tuý của muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân thể hiện ở hai mục đích xây dựng Cửu Trùng đài của Vũ Như Tô và của triều đình Lê Tương Dực. Mâu thuẫn này đã dẫn đến cái chết của Vũ Như Tô và sự ra đi của Cửu Trùng đài. Vũ Như Tô là một tài năng nhưng chính vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống mà ông đã thất bại.

Cuộc đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô ở lớp I của hồi kịch cho thấy Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chỉ biết vì nghệ thuật. Trông coi việc xây Cửu Trùng đài mà ông không biết rằng tác phẩm nghệ thuật của ông đã gây ra bao nhiêu lầm than cực khổ cho dân chúng. Mục đích nghệ thuật của ông mâu thuẫn với quyền lợi thiết thực của dân chúng mà ông lại không nhận ra. Ông là người nghệ sĩ quá quan tâm đến nghệ thuật mà quên đi quan hệ của nghệ thuật với đời sống. Vì thế ông không thể hiểu điều Đan Thiềm nói. Cuộc nổi loạn của binh lính, thợ thuyền là tất yếu. Với họ, Cửu Trùng đài đơn giản là nguyên nhân gây nên lầm than cực khổ, là biểu hiện của sự ăn chơi sa đoạ của tên hôn quân. Giữa Vũ Như Tô, người nghệ sĩ có mục đích nghệ thuật tốt đẹp và nhân dân lao động đã không có tiếng nói chung bởi người nghệ sĩ như ông Vũ không hiểu và không giải quyết được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

3. Phân tính cách và diễn biến tâm trạng của hai nhân vật Đan Thiềm và Vũ Như Tô

Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chân chính, một người có tài và có tâm với nghệ thuật. Ông nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, nhận xây dựng Cửu Trùng đài là vì mục đích nghệ thuật rất cao cả. Ông Vũ là người nghệ sĩ chỉ quan tâm đến nghệ thuật. Trong hồi kịch này, khi binh lính nổi dậy, kết tội ông và đòi hủy diệt Cửu Trùng đài ông vẫn không thể hiểu nổi tại sao lại như vậy. Vũ quá chú ý đến nghệ thuật mà quên đi quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Ông luôn ở trong tâm trạng mơ màng, ảo vọng. Ông không thể hiểu và không tin tâm huyết của mình đối với đất nước lại bị coi thường.

Đan Thiềm là một người có tâm, biết trọng người tài, tôn trọng nghệ thuật. Bà kính trọng tài năng của Vũ Như Tô, bà hiểu công việc sáng tạo nghệ thuật của Vũ. Nhưng chính Đan Thiền đã sai lầm và cuối cùng bà cũng nhận ra sai lầm của mình khi khuyên Vũ nhận lời xây dựng Cửu Trùng đài. Trước khi chết bà đã nhận ra sự thất bại của giấc mộng lớn mà bà và Vũ mong mỏi thực hiện. Nhìn cảnh Cửu Trùng đài bị đốt, Vũ Nhưu Tô bị giết, bà đã đau đớn cất lên "Đài lớn tan tành. Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biêt!".

Đan Thiềm và Vũ là hai kẻ tri âm, tri kỉ, cùng có một mục đích nghệ thuật tốt đẹp nhưng cuối cùng đều thất bại. Và cả Cửu Trùng đài, tâm huyết của hai người cũng bị phá huỷ. Hai người đáng thương, đáng trọng hơn là đáng trách. Nhà văn đã bộc lộ sự cảm thông và trân trọng của ông đối với hai con người tri âm tri kỉ và bất hạnh này.

4. Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy và lợi ích thiết thực của nhân dân là mâu thuẫn không dễ giải quyết. Vì thế, việc Nguyễn Huy Tưởng chưa giải quyết triệt để được mâu thuẫn này là điều dễ hiểu. Nhà văn để cho Vũ Như Tô bị giết mà không hiểu tại sao. Đan Thiềm, Vũ Như Tô cùng Cửu Trùng đài bị hủy diệt đã đặt ra một vấn đề lớn, vấn đề quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Với đoạn trích này, Nguyễn Huy Tưởng đã giải quyết được phần nào mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật đích thực phải thống nhất với quyền lợi của con người. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì con người. Người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật phải chú ý đến điều đó.

5. Đoạn trích có đủ các yếu tố của một vở kịch: biến cố, xung đột và giải quyết xung đột, sự kiện. Không khí, nhịp điệu của sự việc được diễn tả theo chiều tăng tiến mức độ dồn dập đã thể hiện được tính chất gay gắt của mâu thuẫn và dần đẩy xung đột kịch lên cao trào. Cửu Trùng đài và Vũ Như Tô là cái nút của mâu thuẫn. Xung đột đã được giải quyết bằng sự ra đi vĩnh viễn của cả hai. Nhà văn đã tạo nên không khí kịch thông qua lời nói – hành động và sự ra, vào liên tiếp của các nhân vật. Không khí nhốn nháo, hỗn loạn của cuộc nổi dậy đã được tái hiện qua nghệ thuật tạo tình huống và ngôn ngữ đầy kịch tính của đoạn trích.

6. Các chú thích nghệ thuật đuợc in nghiêng và đặt trong dấu ngoặc đơn được sử dụng để tạo tình huống, bối cảnh cho diễn xuất. Chú thích cảnh Cửu Trùng đài bị đốt: (chợt có ánh lửa sáng rực, cả tàn than, bụi khói bay vào); Vũ Như Tô (nhìn ra, rú lên): Đốt thực rồi... Kịch bản văn học không thế thiếu những chú thích này.

1.4. Tư liệu tham khảo

1. Về tác giả

Với lứa tuổi thiếu niên học sinh trong trường phổ thông, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dành nhiều tình cảm mến yêu và sự quan tâm sâu sắc. Ông đã góp phần quan trọng sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng và sáng tác nhiều tác phẩm đặc sắc cho thiếu nhi. Tiêu biểu nhất là cuốn truyện lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng.

Ông luôn luôn trăn trở tìm cho mình một con đường chân chính và không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã viết ra. Đối với Nguyễn Huy Tưởng... "Có cái nghề nào thú vị hơn nghề văn. Nó lấy nguyên liệu chính là con người, một cái gì đẹp nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo... Đừng viết cái gì sai trái với sự thực của con người. Người là thật. Phải thật với người... Phải tự nâng mình lên. Tự vượt mình lên. Và cải tạo xã hội..."

(Trích Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng ngày 16-6 và ngày 15-7-1956)

2. Về tác phẩm

Về truyền thống văn hóa dân tộc, vở kịch như ngầm nêu một nhật xét: Xây dựng những công trình lớn lao, điện đài tráng lệ đồ sộ, tốn kém, đâu có phải là truyền thống kiến trúc của dân tộc ta. Chính nhân vật Thái tử Chiêm Thành đã nói với một người thợ Chiêm Thành: "Nước ta (nước Chiêm Thành) bại chỉ vì nay làm đền, mai đẽo tượng, rút cục cả vua lẫn dân chết vì đền đài. Còn họ (nước Việt) chỉ nai lưng khơi sông, đắp đê, khai khẩn ruộng hoang, cho nên dân họ đông, nước họ mạnh, người họ hùng cường...", đó mới chính là mục tiêu mà cha ông ta hướng tới.

Cái bi kịch của nhà nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tộ không chỉ vì chỗ đứng. Trong vở kịch, Vũ bị trừng phạt vì đã đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, vì đã dựa vào quyền uy bạo lực của tên vua độc ác Lê Tương Dực. Điều đó dễ hiểu. Song, nếu bấy giờ Vũ được một minh quân giúp đỡ thì, biết đâu nhà nghệ sĩ chả thực hiện được khát vọng cao đẹp "xây cho nòi giống tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công... để dân ta nghìn thu được hãnh diện". Như vậy bi kịch của Vũ Như Tộ phải chăng còn là bi kịch của sự "bất phùng thời", bi kịch của những anh hùng không có đất dụng võ. Do đó, đối với những người như Vũ Như Tộ, ta không thể chê trách, trái lại ta vừa kính phục vừa xót thương thông cảm. Cuộc đời nhà nghệ sĩ khác nào một định mệnh khắc nghiệt.

2. Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng đài mẫu 2

2.1. Kiến thức cơ bản

I. Tác Giả

1. Cuộc đời

- Nguyễn Huy Tưởng sinh 6 – 5 – 1912 trong một gia đình nhà nho ở Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội).

- Sớm tham gia cách mạng và phong trào văn hoá cứu quốc.

- Nguyễn Huy Tưởng còn là đại biểu quốc hội khoá I.

2. Sự nghiệp:

Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn thành công với nhiều thể loại văn học, cụ thể:

- Kịch: Vũ Như Tổ (1941), Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948).

- Kịch bản phim Luỹ hoa (1960).

- Tiểu thuyết: Đêm hội Long Trì (1942), An Tư (1945), Sống mãi với thủ đô (1961).

- Kí: Kí sự Cao Lạng (1951)...

3. Phong cách

- Ông nổi tiếng với các tác phẩm viết về đề tài lịch sử.

- Ông có đóng góp lớn ở thể loại tiểu thuyết và kịch.

- Lối viết giản dị mà sâu sắc, trong sáng mà thâm trầm đã làm nên văn phong Nguyễn Huy Tưởng.

II. Đoạn Trích "Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài"

1. Xuất xứ

- Vĩnh biệt Cửu Trùng đài nằm trong hồi V (Một cung cấm) của vở bi kịch lịch sử Vũ Như Tô, viết xong vào mùa hè năm 1941.

2. Nội dung chính của tác phẩm Vũ Như Tô

– Kiến trúc sư tài ba Vũ Như Tô bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc với các cung nữ.

– Là nghệ sĩ chân chính, bất chấp lời đe dọa tính mạng của Lê Tương Dực nhưng Vũ Như Tô vẫn không chịu xây dựng Cửu Trùng Đài cho y.

- Cung nữ Đan Thiềm thuyết phục Vũ Như Tô nên lợi dụng quyền thế và tiền bạc của tên hôn quân để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài kì vĩ khiến nghìn năm sau người đời còn ngưỡng mộ.

Vũ Như Tô chấp nhận xây đài. Ông dồn hết tâm trí để dựng lên tòa đại thật uy nghi, tráng lệ. Việc xây đài của ông vô tình đã gây nên biết bao tai họa cho dân.

- Để có kinh phí xây dựng, triều đình đã tăng sưu thuế, bắt thợ giỏi, trừng trị nặng nề những người chống lệnh. Dân chúng căm phẫn vua vì làm cho dân cùng, nước kiệt. Thợ căm thù Vũ Như Tô vì ông cho chém những người bỏ trốn và vì có nhiều người chết do tai nạn..

- Đài gần xây xong thì cũng là lúc mâu thuẫn giữa các bên trở nên sâu sắc, không thể điều tiết..

- Lợi dụng tình hình đó, quận công Trịnh Duy Sản cầm đầu phe đối lập trong triều dấy binh nổi loạn, giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và thiêu hủy Cửu Trùng Đài.

Kịch lịch sử hay bi kịch?

- Vở kịch lấy cốt truyện từ lịch sử, dưới thời phong kiến trong khoảng 1516 - 1517.

- Nhưng mục đích của nó không tái hiện lịch sử và đề cao tinh thần, đạo đức của dân tộc,... như loại kịch lịch sử thường làm mà hướng vào bi kịch của nghệ sĩ Vũ Như Tô, người dựng xây cái đẹp và tận mắt chứng kiến sự hủy diệt cái đẹp đó. Do vậy, đây đích thực là một vở bi kịch.

3. Ý nghĩa nhan đề của đoạn trích

- Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài cũng là vĩnh biệt vẻ đẹp cao siêu, lí tưởng mà con người (trong những hoàn cảnh nhất định) khó lòng đạt tới. Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài cũng nhằm kết thúc mọi oán thán, hận thù của con người do nó mà trở nên lao khổ hay độc ác.

- Nhan đề tác phẩm chứa đựng nhiều ẩn ý nhưng cũng là một lời chào vĩnh biệt trực tiếp sự huỷ diệt của đài Cửu Trùng.

4. Mâu thuẫn cơ bản của đoạn trích

- Mâu thuẫn giữa người dân lầm than và tầng lớp vua chúa sống xa hoa phè phỡn. Do yêu cầu xây dựng Cửu Trùng Đài của hôn quân Lê Tương Dực mà cuộc sống dân nghèo và thợ thuyền càng trở nên cùng cực.

- Bao trùm và phát sinh từ mâu thuẫn trên là mâu thuẫn lớn hơn, mâu thuẫn chính của vở kịch là mâu thuẫn giữa quan niệm, ước vọng nghệ thuật duy mĩ, lí tưởng với lợi ích thiết thân đời thường của nhân dân. Cửu Trùng Đài nguy nga tráng lệ có thể “khiến dân ta ngàn thu còn hãnh diện” nhưng ngay trước mắt cũng lại khiến dân ta đói rét lầm than.

Vở kịch kết thúc khi mâu thuẫn chưa được giải quyết.

- Đan Thiềm và Vũ Như Tô, người sáng tạo cái đẹp và người trân trọng tài năng đều bị hại chết. Toà thành xây bằng mồ hôi, xương máu của nhân dân bị đốt cháy. Như vậy ước vọng của người nghệ sĩ còn đang dở dang đã tan thành mây khói nhưng cũng không vì thế mà người dân thoát khỏi cảnh lầm than.

- Đây cũng là điều mà bản thân tác giả không lí giải, giải quyết được khi bộc lộ băn khoăn “Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô?”.

- Có lẽ chân lí chỉ thuộc về Vũ Như Tô một nửa, nửa kia lại thuộc về phía quần chúng nhân dân.

5. Lập bảng xác định vai của các nhân vật.

TT

Nhân vật

Nghề nghiệp

1

Vũ Như Tô

Kiến trúc sơ

2

Đan Thiềm

Cung nữ

3

Trịnh Duy Sản

Quận công

4

Nguyễn Vũ

Đông các Đại học sĩ

5

Lê Trung Mại

Thái giám

6

Kim Phượng

Thứ phi

7

Ngô Hạch

Võ sĩ của Trịnh Duy Sản

6. Đặc điểm nhân vật

a. Vũ Như Tô

- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài hoa, khát khao sáng tạo và cống hiến,

- Gắn bó với nhân dân, không ham hố quyền lợi, Vũ Như Tô thực sự là một nghệ sĩ chân chính.

- Nhưng ông cũng là con người bi kịch khi song hành trong mình khát khao lí tưởng với những lầm lạc trong suy nghĩ, sự thoát li khỏi hoàn cảnh thực tế. Không dung hoà được cả hai điều trong cùng một hoàn cảnh chính là bi kịch của Vũ Như Tô.

b. Đan Thiềm

- Đó là người phụ nữ trọng tài. Bà cũng là người phụ nữ hiểu biết, sống tiết nghĩa, giàu cảm xúc. Đan Thiềm sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để bảo vệ người tài. Bà yêu và trọng cái đẹp đến đau đớn tâm can khi “Đài lớn tan tành!”.

- Trong lời đề tựa vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Vậy “bệnh Đan Thiềm” là gì? Đó là bệnh đam mê nghệ thuật, tôn thờ cái đẹp và kính phục "tài trời”.

c. Có thể nói Đan Thiềm và Vũ Như Tô là những tâm hồn đồng điệu không gặp đúng thời thế.

- Bi kịch lớn nhất của đời họ là

+ Một là người đam mê sáng tạo cái đẹp, một là kẻ trọng tài nhưng tại thời điểm của vở kịch, Vũ Như Tô và Đan Thiềm cùng gặp chung một bi kịch..

+ Đó là sự bất lực trước những mâu thuẫn không thể giải quyết được của ước vọng bản thân và hiện thực xã hội.

7. Trong hồi V, thời điểm nào đánh dấu xung đột kịch đã lên tới đỉnh điểm?

- Xung đột lên tới cao trào trong ba lớp cuối của đoạn trích:

+ Lớp VII: Đan Thiềm bị bắt.

+ Lớp VIII: Vũ Như Tô bị bắt đưa ra pháp trường.

+ Lớp IX: Cửu Trùng Đài cháy trong sự đau khổ đến điên loạn của Vũ Như Tô.

8. Nhịp điệu của đoạn trích

- Nhịp điệu văn bản rất nhanh, dồn dập. Điều này được tạo ra do một số yếu tố sau đây:

+ Hồi V, cũng là hồi cuối của vở kịch nên xung đột kịch được đẩy đến cao trào.

+ Câu cầu khiến và câu mệnh lệnh được sử dụng với số lượng lớn nên hơi văn rất gấp gáp.

+ Phụ để miêu tả ngoài lời thoại kịch tập trung nhấn mạnh sự nguy biến của tình hình (thở hổn hển, lật đật, tiếng quân ầm ầm, nóng ruột giậm chân gắt...).

9. Bài học người nghệ sĩ rút ra từ bi kịch của Vũ Như Tô

- Nghệ thuật không được thoát li khỏi hiện thực, phải gắn liền nghệ thuật với cuộc sống.

- Những ước vọng nghệ thuật cao đẹp của người nghệ sĩ phải gắn liền với và thích hợp với lợi ích thiết thực của nhân dân.

2.2. Tự luận

1. Bi kịch của Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài”.

Gợi ý làm bài

- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài ba: “tài kia không nên để uổng. ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”, “đừng để phí tài trời”.

- Nhưng Vũ Như Tô vì quá khao khát đam mê chìm đắm trong cái đẹp mà trở nên mơ mộng, ảo vọng. Ngay cả khi sự thật phũ phàng của cơn biến loạn dội đến, Đan Thiềm cố gắng kéo ông ra khỏi giấc mơ bằng thông tin “loạn đến nơi rồi”, bằng thái độ của dân chúng khốn khổ điêu linh đối với ông “ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khí hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông” Vũ Như Tô vẫn không “tỉnh”, ông cho là “họ hiểu nhầm”.

- Tận mắt chứng kiến Nguyễn Vũ tự sát, tên nội giám thông báo kẻ phá, người đốt Cửu Trùng Đài, họ Vũ vẫn cho là điều “Vô lí”.

- Nghe tiếng quân reo tìm mình để phanh thây, Vũ Như Tô đấu lí với số phận và cuộc đời: có lí gì để họ giết tôi. Đứng trước quân khởi loạn gươm giáo sáng loè, nhìn Đan Thiềm tuyệt vọng “Đài lớn tan tành. Xin cùng ông vĩnh biệt”, “mơ mộng” lại làm cho Vũ Như Tô trấn tĩnh: “Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một toà đài vĩ đại để tạ lòng tri kỉ”.

- Bị ra lệnh dẫn về trình chủ tướng, Vũ Như Tô đầy hi vọng sẽ có thể phân trần giảng giải cho người đời biết rõ nguyện vọng của ta. Ông dường như không hề nghe thấy tiếng cười ầm và lời quát của quân lính “mày không biết mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài, mẹ mất con, vợ mất chồng vì mày đó? Người ta oán mày hơn oán quỷ”. Ông vẫn say sưa giấc mơ Cửu Trùng Đài: “Vài năm nữa, đài Cửu Trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh Bồng Lai...”

- Chỉ đến khi kinh thành phát hoả, quân lính cho hay đó là lệnh của An Hoà Hầu, tận mắt chứng kiến “ánh lửa, sáng rực cả tàn than, bụi khói bay vào”, Vũ Như Tô mới rú lên kinh hoàng, tuyệt vọng: Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài! Rơi xuống từ một Cửu Trùng Đài vời vợi độ cao của mơ mộng ảo vọng, nỗi đau vỡ mộng trong Vũ Như Tô hoá thành tiếng kêu bị thiết, não nùng, khắc khoải.

- Đài Cửu Trùng đã biến thành một đài lửa rừng rực trong kinh thành Thăng Long đầy biến động. Vũ Như Tô đã chết trước khi ra pháp trường. Mộng lớn, Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài tất cả nối tiếp nhau dội xuống những thanh âm của đau thương, tang tóc. Nỗi đau mất mát đã hoà vào làm một, trở nên tột cùng. Thanh âm ấy trở thành chủ âm dội ngược vào toàn bộ phần trước của vở kịch.

- Bi kịch Vũ Như Tô đã thức tỉnh ý thức của chúng ta về vấn đề muôn thuở. mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

2. Phân tích các mâu thuẫn cơ bản trong đoạn trích

Gợi ý làm bài

a. Mâu thuẫn thứ nhất

– Nhân dân lao động khốn khổ lầm than>+ Quá trình phát triển của mâu thuẫn này đã chỉ ra tính chất tất yếu của hồi thứ năm. Vua cho xây Cửu Trùng đài tráng lệ là để mình cùng Kim Phượng và lũ cung nữ ăn chơi hưởng lạc. Trong những hồi trước, giữa tiếng đá đổ ghê người trên công trường xây dựng, nhiều người thợ không thể lấy được xác, mùi xú uế bốc lên, thế mà vẳng từ xa lại vẫn là tiếng đàn địch, tiếng vua và lũ cung nữ đánh trận giả trên hồ Tây. Như vậy hỏi làm sao lại không loạn, không biến? Đây là lúc tức nước vỡ bờ, dân nổi can qua, các phe cánh nổi lên như ong, trong triều, ngoài nội, đâu đâu cũng loạn. Mâu thuẫn đã phát triển thành xung đột, thành cao trào. Kết quả: hôn quân Lê Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết. Nguyễn Vũ tự sát trong trò hề ngu trung, hoàng hậu nhảy vào lửa, Kim Phượng và đám cung nữ bị bắt bớ, nhục mạ. Cửu trùng đài, hiện thân cho tham vọng ăn chơi của Lê Tương Dực bị đốt thành tro.

b. Mâu thuẫn thứ hai.

- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần tuý muôn đời và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân. Mâu thuẫn này âm ỉ, nhưng không kém phần khốc liệt, căng thẳng. Nhất là khi nó kết hợp với mâu thuẫn thứ nhất đẩy tình huống kịch lên đến cao trào. Cái chết của Đan Thiềm, Vũ Như Tô, đài Cửu Trùng trở thành hoả đài đã cho thấy tính căng thẳng, khốc liệt của mâu thuẫn đó.

- Quân khởi loạn đã kéo Vũ Như Tô ra pháp trường, thiêu rụi Cửu Trùng đài như là một chiến thắng lớn. Dân chúng vui mừng, hò reo, họ cười nhạo những điều cao siêu mà họ Vũ theo đuổi. Nhận thức của nhân dân về Vũ Như Tô vẫn không có gì thay đổi. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều lần Đan Thiềm nhấn đi nhấn lại câu nói: họ nông nổi, họ không phân biệt phải trái, họ không hiểu công việc của ông. Và chính Vũ Như Tô cũng nói “Các người không hiểu được ta”. Ông giục giã quân phản loạn đưa mình ra pháp trường vì quá đau đớn trước sự thực nghiệt ngã.

- Có lẽ đứng trước pháp trường, Vũ Như Tô cũng không bao giờ trả lời được câu hỏi “ta tội gì” khác với câu trả lời trước đó của ông "Ta không có tội”. Bởi lẽ ông chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sĩ thuần tuý, hết mình phụng sự cái đẹp. Vũ không đứng về phía Lê Tương Dực nhưng lại muốn mượn uy quyền tiền bạc của hắn để thực hiện hoài bão nghệ thuật của mình.

- Lợi ích nghệ thuật mà Vũ theo đuổi đã mâu thuẫn với thực tế đời sống của nhân dân. Kết thúc trên chỉ ra tính bi kịch không thể điều hoà của mâu thuẫn. Trên thực tế, đó là mâu thuẫn muôn thuở. Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải? Chính tác giả cũng băn khoăn vì điều đó. Chân lí chỉ thuộc về Vũ Như Tô một nửa, nửa kia lại thuộc về phía quần chúng nhân dân.

Ngoài Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng đài, mời các em tham khảo thêm Đề thi học kì 1 lớp 11, Soạn văn lớp 11 ngắn gọn, Soạn bài lớp 11, Học tốt Ngữ văn 11, Tài liệu học tập lớp 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Mời tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
4 1.268
Sắp xếp theo

    Soạn bài lớp 11

    Xem thêm