Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Vi hành

Soạn bài lớp 11: Vi hành do Hồ Chí Minh sáng tác thuộc môn Ngữ văn lớp 11 học kỳ 1. Bài soạn dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo về những lời bình luận vô cùng thâm thúy về hành động vi hành của Khải Định bằng cách liên hệ, so sánh với các cuộc vi hành khác trong lịch sử giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 11 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

1. Soạn bài Vi hành mẫu 1

1.1. Kiến thức cơ bản

Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một sự nghiệp văn chương lớn lao về tầm vóc, phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tác. Có thể xếp tác phẩm của Người vào ba thể loại: Văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Mỗi thể loại có một đặc sắc riêng và đều có tác phẩm thành công. Văn chính luận có Tuyên ngôn Độc lập, Truyện kí có Vi hành, thơ có Nhật kí trong tù.

Vi hành là truyện ngắn xuất sắc của Hồ Chí Minh, được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân đạo - cơ quan của đảng Cộng sản Pháp - số ra ngày 19/02/1923. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc sử dụng bút pháp hiện thực phê phán trào phúng rất hợp với sở thích của độc giả Pháp. Tác phẩm được đăng báo vào đúng dịp vua Khải Định được chính phủ Pháp đưa sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Macxây. Tác phẩm hướng đến mục đích chính trị: cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ sự vô dụng của Khải Định, một tên vua bù nhìn, ngu dốt, không phải là kẻ đại diện chân chính cho nhân dân Việt Nam; đồng thời vạch trần bộ mặt xảo trá của những kẻ thực dân. Tác giả đã tạo nên những tình huống nhầm lẫn, sử dụng hình thức viết thư và dùng giọng điệu mỉa mai, dí dỏm để thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình một cách rất thành công.

1.2. Tóm tắt tác phẩm

Trên chuyến xe điện ngầm, đôi trai gái người Pháp nhìn thấy nhân vật tôi, người kể chuyện, là một người An Nam nên tưởng đó là Khải Định. Họ bàn luận nhận xét về Khải Định và coi hắn như một tên hề, một trò giải trí rẻ tiền. Đôi trai gái xuống tàu, người kể chuyện nhớ về ngày ấu thơ, về câu chuyện vi hành của Vua Pie, vua Thuấn rồi liên hệ, bình luận về cuộc Vi hành mờ ám vì mục đích riêng của Khải Định. Tác giả cũng kể về sự nhầm lẫn của người Pháp, của chính quyền thực dân. Qua đó châm biếm cách đối xử của thực dân Pháp đối với người Việt Nam yêu nước.

1.3. Rèn kĩ năng

1. Căn cứ vào mạch truyện có thể chia tác phẩm thành ba phần

Phần 1 (từ đầu đến "Nghe nói ông bầu Nhà hát múa rối có định kí giao kèo thuê đấy..."): Nhân vật tôi, người viết bức thư gửi cô em họ kể chuyện một đôi thanh niên Pháp nhầm mình là vua Khải Định. Họ tưởng tác giả không biết tiếng Pháp nên đã bình luận rất vô tư về người mà họ tưởng là Khải Định. Họ bình luận về trang phục, hình thức, tính cách và tỏ ra rất khinh thường người mà họ đang bình luận. Khải Định được coi như một trò giải trí hấp dẫn trong số rất nhiều trò giải trí và rẻ tiền của người Pháp lúc đó.

Phần 2 (Từ " Tàu đỗ, cặp trai gái bước xuống..." đến "... nếm thử cuộc đời của các cậu công từ bé?": Đoạn này là lời bình luận của nhân vật người kể chuyện về cuộc "vi hành" của Khải Định. Nhân vật tôi nhớ đến những ngày được nghe kể chuyện vi hành của các ông vua nổi tiếng vì dân vì nước trong lịch sử, rồi liên hệ, so sánh với chuyện vi hành của Khải Định. Từ đó thể hiện thái độ châm biếm mỉa mai hành động của Khải Định.

Phần 3 (các đoạn còn lại): Nhân vật tôi kể chuyện và bình luận về thái độ của người Pháp đối với mình và những người Việt Nam khác, chính quyền thực dân sai mật thám bám gót họ khắp nơi.

2. Tác giả đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, đó là tình huống nhầm lẫn. Có rất nhiều sự nhầm lẫn: cặp trai gái đi trên tàu nhầm lầm tác giả với Khải Định, người dân Pháp nhầm tất cả những người da vàng mũi tẹt đều là Khải Định, chính quyền Pháp nhầm tác giả là Khải Định. Tạo nên những nhầm lẫn, tác giả đã xây dựng được một bức chân dung rất chân thực, khách quan nhưng hài hước, châm biếm. Chính quyền thực dân Pháp cũng hiện lên với những hành động xảo trá và bỉ ổi.

Trong con mắt của đôi trai gái người Pháp, Khải Định chỉ như một tên hề rẻ tiền. Và với người Pháp hắn chỉ có tác dụng là làm thỏa mãn tính hiếu kì của họ khi mà những trò giải trí li kì đã cạn ráo cả. Trong con mắt của những người Pháp, Khải Định không phải là một ông vua của một đất nước mà là một vai hề. Với tình huống nhầm lẫn này, bức chân dung Khải Định hiện lên một cách khác quan, đầy thuyết phục với một bộ dạng thật lố bịch, thảm hại. Một vẻ bề ngoài có thể nói là không giống ai của Khải Định, cái vẻ bề ngoài xoàng xĩnh và nhố nhăng với "vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh, cả cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn". Bộ dạng thì lúng túng như gà mắc tóc cùng với đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm trên người. Không chỉ như vậy, đôi trai gái Pháp còn đem so sánh Khải Định với những trò ở đấu xảo "một cách rất khôi hài", "phải mất những nghìn rưởi phrăng để xem vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên, xem tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công gô, hôm nay chúng mình có mất tý tiền nào đâu mà được xem vua đang ngay cạnh? và họ còn cho rằng các nhà hát, nhất là các nhà hát múa rối còn có ý định ký giao kèo thuê hắn. Đó là một sự so sánh vừa hài hước, vừa đầy kịch tính có giá trị châm biếm rất sâu sắc.

3. Tác giả đã có những lời bình luận vô cùng thâm thúy về hành động vi hành của Khải Định bằng cách liên hệ, so sánh với các cuộc vi hành khác trong lịch sử. Vi hành vốn là một hành động đẹp của vua chúa thời xưa như chuyện vua Thuấn, vua Pie đã cải trang để đi vi hành với mục đích cao cả. Từ đó làm toát lên bản chất hành động vi hành của Khải Định. Đó là một chuyến đi lén lút, ám muội và hao tốn tiền của phục vụ cho mục đích xấu xa bẩn thỉu của tên vua bù nhìn Khải Định. Tác giả đã dùng cách diễn đạt dí dỏm, hài hước để bình luận và đặt ra các câu hỏi tu từ để giễu cợt và đả kích Khải Định: "Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp dưới quyền ngự trị của bạn ngài là Alechxăng đệ nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu cồn và hút nhiều thuốc phiện bằng dân An Nam dưới quyền ngự trị của ngài hay không? (...), Hay là chán cảnh làm một ông vua to, bây giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?".

4. Đoạn văn "Cái vui nhất là..." đến "một vị hoàng đế" đã thể hiện thái độ của tác giả đối với chế độ mật thám của thực dân Pháp và tên vua Khải Định. Tác giả thấy xót xa cho dân tộc Việt Nam khi phải là quê hương của Khải Định..

Tác giả còn vạch trần bộ mặt xảo trá của cả quan thầy Pháp và sự ươn hèn, bù nhìn của Khải Định bằng một giọng điệu trào phúng sâu cay. Tiếp tục tạo nên một tình huống nhầm lẫn nữa: Đến cả chính phủ Pháp cũng nhầm lẫn những người da vàng và tác giả là Khải Định nên đã "chăm sóc" rất chu đáo, một cách "thầm kín, vô tư và hết sức tận tuỵ", "đi hộ giá tuốt". Bản thân tác giả cũng được đối đãi một cách đặc biệt ân cần "có thể nói là các vị bám chặt lấy đế giày tôi, dính chặt tôi như hình với bóng. Và thật tình các vị cuống cuồng cả lên nếu mất hút tôi chỉ trong dăm phút!". Tình huống nhầm lẫn rất khó tin và tác giả cũng không có ý định làm cho độc giả tin sự nhầm lẫn đó. Đó là cách nói mỉa mai, một cách châm biếm thâm thúy của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc đối với bọn thực dân.

5. Chọn hình thức bức thư, câu chuyện có vẻ khách quan, đồng thời tác giả có thể xen vào câu chuyện những lời bình luận một cách tự nhiên. Khi sử dụng hình thức viết thư, tác giả có thể chuyển cảnh một cách linh hoạt, thời gian, không gian được dịch chuyển một cách rất thoải mái, từ nhà ga xe điện đến trường đua ngựa rồi đến cả trên đường phố... Và đặc biệt tài tình, tác giả còn cùng một lúc đả kích, châm biếm nhiều đối tượng khác, đó là bọn cướp nước xảo trá như thực dân Pháp. Hình thức viết thư còn tạo cho tác phẩm tính đa giọng điệu và tạo nên tiếng cười với nhiều sắc điệu khác nhau, từ giọng điệu giễu cợt mát mẻ, phê phán đả kích đến giọng điệu trữ tình tự sự, đã làm nên sự hấp dẫn đối với người đọc.

6. Sức mạnh đả kích của thiên truyện được tạo nên bởi giọng điệu trần thuật hài hước, tự nhiên dí dỏm và thâm thúy đã làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm, thực hiện xuất sắc thái độ châm biếm, đả kích. Tính chất đa giọng điệu với nhiều sắc điệu khác nhau, từ giọng điệu giễu cợt mát mẻ, phê phán đả kích đến giọng điệu trữ tình tự sự, đã làm nên sự hấp dẫn và sức chiến đấu của tác phẩm.

2. Soạn bài Vi hành mẫu 2

2.1. Kiến thức cơ bản

1. Xuất xứ

- Tác phẩm được viết để đả kích vua Khải Định nhân dịp ông này sang Pháp dự đấu xảo thuộc địa Mác-xây năm 1922.

- Tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 19-2-1923.

2. Mục đích của việc viết Vi hành bằng tiếng Pháp

- Lúc đó tác giả muốn vạch trần cho người dân Pháp biết những luận điệu lừa dối của giới cầm quyền Pháp đối với các nước thuộc địa. Đả kích sự độc ác và mị dân của giới cầm quyền của nhà nước thực dân Pháp.

- Đồng thời cũng phơi bày bộ mặt bù nhìn của hoàng đế An Nam trước đông đảo mọi người.

3. Hiệu quả của một truyện ngắn nhưng lại được viết dưới dạng một bức thư:

- Đây là sự cách tân thể loại độc đáo.

- Nhờ hình thức thư, tác giả mới tạo ra được lối đối thoại hữu hiệu giữa tôi với cô em họ về những tình huống nhầm lẫn khôi hài của người Pháp với vị hoàng đế An Nam.

- Cách viết này tăng tính thuyết phục rằng điều được kể là có thực.

4. Trong truyện, tình huống nhầm lẫn được sử dụng mấy lần, phân tích

-Xảy ra hai lần:

+ Lần thứ nhất: người kể chuyện xưng tôi bị đôi trai gái người Pháp nhầm là hoàng đế An Nam. Nhờ sự nhầm lẫn này mà chân dung vị vua An Nam hiện lên. rõ nét.

+ Lần thứ hai: Công chúng Pháp nhầm lẫn người da vàng với hoàng đế An Nam. Qua đó tác giả nhấn mạnh vai trò chính trị rẻ tiền của hắn.

- Nhờ các tình huống nhầm lẫn này mà chân dung vị hoàng đế An Nam hiện lên rõ nét. Đấy là một kẻ nhếch nhác, lôi thôi, lếch thếch.

+ Ngoại hình xấu xí.

+ Trang phục lố lăng, kệch cỡm như một anh hề.

+ Phong thái thấp hèn.

+ Lối sống bê tha.

+ Vai trò chính trị rẻ tiền.

5. Tình huống không nhầm lẫn được tác giả mỉa mai cho là nhầm lẫn đả kích nhà cầm quyền Pháp:

- Đấy là chính phủ nhầm bất kì người da vàng nào cũng là hoàng đế nên phái người đi hộ tống.

- Những kẻ hộ tống này thực chất là những tên mật thám theo dõi các nhà cách mạng. Chúng rất lo sợ khi để mất bóng dáng họ.

6. Nghệ thuật khắc họa và chân dung hoàng đế An Nam dưới cái nhìn của người kể xưng “tôi”.

a. Để hiểu được bản chất của một ông vua bù nhìn trong mắt của người da trắng và hiểu được sự khinh miệt mà dân “mẫu quốc” dành cho người bản xứ, người kể đóng các vai:

- Vai một người dân An Nam bình thường.

- Vai một chiến sĩ cách mạng.

b. “Tôi” có thể biết được câu chuyện khôi hài và bi đát về vị vua bù nhìn:

- Vì tôi là người dân An Nam biết tiếng Pháp.

- Vì tôi là người đang vi hành xem xét mọi cảnh lố lăng kia.

c. Hoàng đế An Nam được miêu tả qua lời kể của nhân vật “tôi”

- Phơi bày những hành vi lén lút, mờ ám của ông ta trên đất Pháp.

- Lời kể làm hiện lên một vị vua thận, ích kỉ đến tột cùng.

- Lời kể tố cáo tội làm nhục quốc thể của ông ta.

d. Tác phẩm được kể bằng những giọng điệu chủ đạo:

- Mỉa mai, châm biếm.

- Hài hước, dí dỏm.

e. Việc “xem” hoàng đế An Nam được người kể so sánh với:

- Vua hề Sác-lô.

- Vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên.

- Tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sự thánh xứ Công-gô.

g. Những vị vua được nhắc tên trong tác phẩm với nghĩa tích cực:

- Vua Thuấn của Trung Quốc.

- Vua Pi-e của Nga.

h. Điểm độc đáo nhất trong việc miêu tả vị hoàng đế An Nam:

- Tác phẩm được sáng tác nhân lúc vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo thuộc địa ở Mác-xây, nhưng toàn bộ tác phẩm không một lần nhắc đến tên ông ta.

- Điều này có lí do hoặc là tác giả ngại sự kiểm duyệt của thực dân Pháp, hoặc là dụng ý tác giả muốn khái quát lên chân dung của bất cứ vị hoàng đế dốt nát, xấu xa, bù nhìn nào trong lịch sử nô lệ.

7. Ngụ ý của tác giả khi dùng khái niệm“Mẫu quốc”.

- Người Pháp xứng với người An Nam và các thuộc địa khác của họ là mẫu quốc. Có nghĩa họ chịu trách nhiệm khai hoá, đảm bảo lợi ích và sự công bằng cho các quốc gia đó.

- Nhưng thực chất đấy là trò bịp bợm. Họ chỉ áp bức, bóc lột và khiến cuộc sống của dân các nước thuộc địa thêm tồi tệ hơn.

8. Tiếng cười trong truyện được tạo ra bởi các thủ pháp nghệ thuật:

- Các tình huống nhầm lẫn.

- Cách truyện trò dí dỏm của người kể với cô em họ.

- Sự tương phản giữa vẻ cao quý vốn có một vị hoàng đế với sự khinh miệt thầm của dân chúng.

9. Người Pháp “khai hoá văn minh” cho dân An Nam ở các lĩnh vực:

- Uống nhiều rượu.

- Hút nhiều thuốc phiện.

- Nghi kị, dò xét nhau.

10. Tính chiến đấu của tác phẩm

- Đả kích, tố cáo vị vua bù nhìn.

- Vạch trần bộ mặt thật của chính quyền thực dân Pháp.

- Phê phán thói kì thị, xem thường chủng tộc ở chính quốc.

11. Chủ đề chính của truyện

- Vạch mặt sự bịp bợm và đả kích - châm biếm một ông vua An Nam bù nhìn, trơ trẽn và các nhà cầm quyền Pháp xảo trá, ngoa ngôn.

- Tố cáo thực dân Pháp đầu độc người Việt bằng rượu và thuốc phiện.

- Lên án việc theo dõi và giám sát các chiến sĩ cách mạng của thực dân Pháp.

- Ca ngợi những vị vua tốt trong lịch sử nhân loại.

Chiếu cầu hiền là bài học nổi bật trong Tuần 7 của chương trình học theo SGK Ngữ Văn 11, học sinh cần Soạn bài Chiếu cầu hiền, đọc trước nội dung, trả lời câu hỏi trong SGK.

2.2. Tự luận

Đề bài: Cảm nghĩ của anh (chị) sau khi đọc “Vi hành”.

Gợi ý làm bài

Vi Hành được xem là truyện ngắn tiên phong cho dòng văn chương hiện đại của Việt Nam ở thế kỉ XX. Tác phẩm mang tính đối thoại độc đáo, nghệ thuật châm biếm mỉa mai sâu sắc với sự kết hợp nhuần nhuyễn sắc thái hài hước của người phương Tây với lối trào phúng, mỉa mai của dân tộc một cách nhuần nhuyễn.

Bản chất của văn chương là đối thoại. Bất kì một tác phẩm nào nếu không có khả năng đối thoại thì không thể tồn tại. Ngay lúc đang run rẩy hình thành hình hài trong tâm trí người sáng tạo, nó đã phải liên tục đối thoại với bậc sinh thành để chọn cho mình một hình thức, một phẩm chất... này chứ không phải là hình thức, phẩm chất khác. Khi ra đời, để tồn tại, nó lại phải liên tục đối thoại với bao thế hệ độc giả. Vì lẽ đó, văn bản nghệ thuật có giá trị tồn tại độc lập tự thân rất cao. Giá trị ấy, khi cọ xát với đời sống (tức tiếp xúc với người đọc) sẽ có khả năng tái sinh và phát triển không ngừng. Đây là cơ sở để giải thích tại sao một tác phẩm ra đời cách ta hàng ngàn năm mà vẫn mang lại trong ta cảm xúc, hứng thú vô cùng vô tận và ta thấy những điều tác giả cổ xưa ấy phản ánh, đề xuất vẫn rất gần gũi và thiết thực. Đặc tính đối thoại của văn bản đã mang lại cho văn chương sức mạnh này.

Có nhiều cách để tạo tính đối thoại cho tác phẩm. Nếu từ thế kỉ XIX trở về trước, nhà văn thường kể lại câu chuyện của mình thì sang thế kỉ XX, các nhà hiện đại thiên sang bút pháp miêu tả. Một trong những thành tựu cực kì vĩ đại của họ là miêu tả đối thoại. Bởi những sáng tác bậc thầy, bản thân việc miêu tả đối thoại phần nào cũng đã bao hàm được tính vấn đề. Nhờ thế, tính đối thoại của văn bản không ngừng được tăng thêm.

Vi hành là truyện ngắn độc đáo của Nguyễn Ái Quốc. Đây là truyện được tác giả sử dụng khá nhiều đối thoại. Trong tổng số 92 dòng của văn bản (theo bản dịch in trong Văn học 12, NXB Giáo dục, 2001) thì đã có đến 39 dòng đối thoại. Mở đầu truyện là đối thoại:

“- Hắn đấy!

- Đâu phải!

- Đúng mà! Anh đã bảo là chính hắn đấy.

- Chắc thật à?”

Chúng ta chưa thấy chủ thể của thoại. Đây là đặc điểm tiêu biểu của đối thoại hiện đại, nhà văn xoá mờ dấu ấn chủ thể của thoại. Những đối thoại theo kiểu này gây được tác động trực tiếp đến người đọc bởi nó khiến họ băn khoăn về việc “ai nói” và “nói điều gì”. Kiểu thoại này nở rộ vào những năm 20 của thế kỉ XX. Nhà văn được giới nghiên cứu - phê bình xếp vào đỉnh cao trong lĩnh vực thoại của thế giới lúc đó là Ơ-nít Hê-minh-uê. Hê-minh-uê có nhiều truyện ngắn được xây dựng trên đối thoại. Cách viết này đã mở ra một kỉ nguyên mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Bản chất của đối thoại đã bao hàm tính vấn đề trong nó. Mở đầu Vi hành bằng đối thoại, Nguyễn Ái Quốc đã đặt ra sự tranh luận. Tranh luận về việc có phải hắn hay không? Vẻ mơ hồ trong đối thoại và trong cả đối tượng được đối thoại đã đưa phong cách tự sự của Nguyễn Ái Quốc lên ngang hàng những cây bút tự sự xuất sắc đương thời của thế giới. Vi hành được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Pháp vào 1923, thuở mà Hê-minh-uê sang Pháp tập tành sáng tác, theo đuổi nghiệp văn chương. Nguyễn ái Quốc khi ấy cũng ở Pháp nhưng mục đích của Người là giải phóng dân tộc chứ không phải là văn chương. Người viết Vi hành là để đả kích – châm biếm một ông vua An Nam bù nhìn, trơ trẽn và các nhà cái quyền Pháp xảo trá, ngoa ngôn. Trong môi trường văn hoá Pa-ri thời ấy, bảng tài năng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã bắt đúng nhịp tư duy hiện đại của văn xuôi. Và như thế, chỉ vẻn vẹn vài trang nhưng truyện ngắn Vi hành đã mang kích thước to lớn của những áng văn khơi nguồn. Vậy nên, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên văn đàn với tư cách là một đại diện tiêu biểu cho văn học Việt Nam.

Tuy nhiên, thiết nghĩ cũng cần thừa nhận rằng, đối thoại của Vi hành không phải bỗng nhiên mà xuất hiện. Văn xuôi viết bằng chữ Hán của người Việt, từ xưa đã biết sử dụng đối thoại như một biện pháp nghệ thuật để khắc hoạ nhân vật, phản ánh thời đại và thể hiện tư tưởng của tác giả. Đọc Việt điện u linh tập, Linh nam chích quái lục,... chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Vậy thì, chính nền tảng văn hoá dân tộc đã chắp cánh cho sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận việc Nguyễn Ái Quốc học tập những thành tựu tự sự nước ngoài.

Trước hết, truyện ngắn Vi hành được viết dưới dạng một bức thư. Đặc điểm thư được thể hiện ngay ở phụ đề: Trích “Những bức thư gửi cô em họ” do tác giả tự dịch từ tiếng Nam. Song, khi đọc toàn bộ truyện, ta thấy dấu ấn của thể loại thư ấy rất ít. Đây là nét độc đáo nữa của Vi hành.

Thế kỉ XVIII, văn học phương Tây xuất hiện loại tiểu thuyết viết dưới dạng những bức thư. Giuy-li hay nàng Hê-lô-dơ mới (1761) của Giăng Giắc Ru-xô, Nỗi đau khổ của chàng Véc-te (1774) của Gớt... điển hình cho loại tiểu thuyết này. Đến thế kỉ XX, Hê-minh-uê cũng sáng tác truyện ngắn theo kiểu một bức thư. Một độc giả viết. Vi hành xuất hiện vào năm 1923, Một độc giả viết được in vào năm 1933. Sự chênh lệch nhau 10 năm này chứng tỏ sự tương đồng nghệ thuật giữa Nguyễn Ái Quốc và Hê-minh-uê. Đấy là tương đồng đồng đẳng chứ không phải tương đồng phụ thuộc.

Sự khác nhau giữa hai truyện ngắn còn ở chỗ, nếu truyện của Hê-minh-uê có đề ngày tháng năm và kết thúc có kính thư, tức những quy ước bắt buộc của một lá thư thì truyện của Nguyễn Ái Quốc đã cắt bỏ hết quy ước hình thức ấy (không đề ngày tháng, lời chào cuối thu...) mà chỉ giữ lại yếu tố cơ bản nhất: đối thoại, Nguyễn Ái Quốc trong bức thư xung tôi đối thoại trực tiếp với cô em họ, “Đấy, cô em họ thân mến của tôi! Tôi đã thuật lại y nguyên câu chuyện giữa một đôi bạn trẻ ngồi cùng toa xe với tôi”.

Qua sự xuất hiện của tôi – người kể chuyện trên – ta có thể xác định một số vị trí và đặc điểm của câu chuyện - một đôi bạn trẻ đối thoại với nhau về nhân vật hắn vắng mặt mà họ nhầm lẫn tôi chính là hắn, tôi kể lại chuyện ấy cho Cô em họ, không gian thực của truyện là trên một toa xe nhưng không gian ẩn thì lại bao trùm một không gian rộng lớn từ nước An Nam cho đến Pháp quốc. Tính chất truyện là thuật lại y nguyên câu chuyện nhưng đằng sau lại là nhiều câu chuyện khác. Qua đó ta thấy Vi hành đan lồng nhiều tầng đối thoại, đối thoại giữa đôi trai gái người Pháp và đối thoại giữa tôi và cô em họ người Nam. Đối thoại trước là đối thoại song phương (hai người cùng tham gia thoại), đối thoại sau là đối thoại đơn phương (không có lời của cô em họ). Với đặc điểm thư, Vi hành tạo nên một đối thoại lớn hơn các kiểu đối thoại trên. Đó là đối thoại ngoài văn bản, đối thoại giữa tác giả và độc giả. Nếu ở các hình thức tự sự khác, đối thoại giữa văn bản và người đọc ít khi rơi vào đối thoại trực tiếp mà thường là dạng đối thoại ngầm thông qua việc thức tỉnh lương tri, trí tuệ của người đọc thì với hình thức thư, nhân vật tôi dễ đối thoại trực tiếp với người đọc. Người đọc khi tiếp xúc với văn bản sẽ nhập vai vào vị trí đối thoại thứ hai là bạn, đối thoại với tôi. Đặc tính này khiến Vi hành, một câu chuyện hư cấu, trở nên gần gũi hơn với hiện thực và khiến người đọc thêm tin cậy điều được kể ra.

Đối thoại của Vi hành, hầu hết được xây dựng theo lối tăng cấp. Tác giả hoặc là sử dụng những từ chỉ mức độ so sánh hơn, “trông hắn có vẻ nhút nhát hơn, lúng ta lúng túng hơn cơ, có cả, thì đeo đầy...” hoặc là dùng những từ với tần suất lặp cao, “vẫn cái mũi tẹt, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh...”. Điều này tạo nên nét độc đáo cho nghệ thuật miêu tả: vừa khắc họa diện mạo nhân vật, vừa hàm ý giễu cợt.

Bên cạnh đó, ở đối thoại tác giả còn sử dụng nhiều hình thức đặt câu hỏi theo lối khẳng định. Những kiểu đối thoại bằng câu hỏi này không nhằm hướng đến lời đáp mà ngầm hướng đến sự chấp thuận của đối tượng tham gia đối thoại. Xét từ phía nhân vật (đôi trai gái trên xe lửa) trong số chín câu hỏi được họ nêu ra thì có đến bốn câu thuộc loại này, “Thế em còn nhớ buổi dạ hội thuộc địa ở Nhà hát Ca vũ đấy chứ (?)... Hôm nay chúng mình có mất tí tiền nào đầu mà được xem vua đang ngay cạnh?”.

Các câu hỏi còn lại được thực hiện theo hướng đề xuất sự tương phản. Tương phản về văn hoá, qua đó tác giả gián tiếp nói đến sự đối lập về quyền con người. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành một cuộc đối thoại văn hoá ngoạn mục nhằm nêu bật vai hề rẻ tiền của Hoàng thượng An Nam: Ngài khoe của, Ngài đeo đầy đồ trang sức, những thứ mà người Pháp chỉ vin vào để nổi tiếng vào các thế kỷ trước như Mô-li-e hay Grăng-đê của Ban-dắc,... chứ bây giờ cái mốt nổi tiếng của người Pháp là “cố tình đánh mất” đám châu báu ấy đi “để được báo chí nói đến và thế là được trở thành một ngôi sao”.

Người con trai lại đưa ra giả thuyết “Thế hay là hắn đã đem tất cả các thứ đó đến tiệm cầm đồ rồi? Nhưng mà nhìn kĩ xem kìa! Chẳng phải vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh ấy đấy à? (...) Có khi đã gửi tuốt ở kho hành lí nhà ga, để đi chơi vi hành đấy”. Người thì không thể nào gửi ở kho hành lí nhưng nhân vật người con trai đã đưa ra lời đáp như thế thì ta đã rõ anh ta xem thường Hoàng thượng An Nam và đám quần hầu kia biết nhường nào. Những người hầu ấy đồng nghĩa với đồ vật. Yếu tố mỉa mai ở đây không chỉ dành riêng cho nền văn hoá khoe của xuẩn ngốc của đám vua quan kia mà còn hướng đến cả nét văn hoá mang đậm bản sắc Pháp: văn hoá kí gửi. Người Pháp có thói quen gửi mọi thứ... kể cả con người. Ở đây đã ẩn dụ chuyện phá sản tình cảm, đạo đức.

Xứ sở ấy dường như đã khánh kiệt tình cảm, khánh kiệt mọi trò vui bởi cuộc sống của họ đầy đủ (trên máu xương của nô lệ, của xứ thuộc địa mà ngôn từ hoa mĩ của họ lúc ấy là “dân bảo hộ”) đến mức họ chỉ cần tìm trò tiêu khiển. Nhưng trò vui mãi thì cũng chán nên cần phải luôn mới, mới hơn nữa. Thì nay, xuất hiện “dân bảo hộ”:

Người con gái, “Thế còn anh, anh nghĩ gì về người dân bảo hộ của chúng ta nào?”

Người con trai, “ích cho chúng ta lắm đấy. Cái lò ở Găng-be đã bán rồi. Cái rương của Hê-ra Miếc-ten cũng đã thanh toán rồi. Vụ án người bị chặt ra từng khúc thì không thu hút được công chúng lắm vì không thuộc giới thượng lưu. Và thế là cái kho giải trí của chúng ta sắp cạn ráo như B.Đ.D. Nhật báo chẳng còn cái gì để bôi bác lên giấy cả. Đúng lúc đó thì...

- Đổi xe ở đây chứ, anh yêu ơi?

- Không, ga sau. Đúng lúc đó thì có một anh vua đến với chúng ta”.

Giá trị nghệ thuật của dấu ba chấm trong đoạn trích trên là rất lớn. Nó kéo dài sự chờ đợi của người đọc vì họ muốn biết điều gì sẽ xảy ra. Người viết đã cố tình. tạo nên độ căng trong tiếp nhận bằng cách chen lời của người con gái vào. Về lô-gích, lời này đã làm gián đoạn lời của người con trai, nhưng qua đó nó còn biểu lộ suy nghĩ của cô gái. Cô ta không muốn nghe anh nói vì ngay sau đó cô khẳng định “Em thì em thích Sác-lô hơn. Với lại, vua, thì tốn lắm”. So sánh như thế thì quả thật quá quắt, vua An Nam không bằng một anh hề. Nhưng xét từ góc độ khác có lẽ so sánh như thế thì lại quá đề cao vua An Nam vì Sác-lô là nghệ sĩ hài nổi tiếng vào hàng số một của nhân loại.

Do vậy cô gái kia có phần hạ thấp vị trí của Sác-lô. Cô bênh vực vua An Nam chỉ vì vị vua đó, cũng giống như cô và người yêu, lang thang không mục đích (đổi tàu ở ga nào cũng được). Vậy nên cả ba là đối tượng đả kích, giễu cợt của Nguyễn ái Quốc.

Cái độc đáo của câu chuyện là người kể như thể tán đồng quan điểm của đôi trai gái kia trong việc chê bai, chế nhạo vị vua thộn An Nam, nhưng thực chất người kể còn ngầm chỉ ra rằng đôi trai gái ấy cũng chẳng hơn gì ông vua mà họ bàn luận. Do vậy, Vi hành đan lồng nhiều kiểu giọng điệu, nhiều điểm nhìn bao quát, bao quát cả cái sự khôn ngoan mà đôi trai gái có vẻ hiểu biết kia tưởng chừng như đã tỏ tường hết, là điểm nhìn của tôi, người rất am hiểu tiếng Pháp và am hiểu mọi lẽ cao quý hay thấp hèn, đáng cười hay đang khóc, vinh nhục... của lẽ đời.

Vi hành có hai lớp nhân vật. Lớp xuất hiện trực tiếp là tôi, là đôi trai gái người Pháp. Lớp xuất hiện gián tiếp là cô em họ, vua nước An Nam, vua nước Pháp. Những tư tưởng chủ đề chính của câu chuyện lại tập trung vào ba nhân vật: vua An Nam, vua Pháp và tôi - chiến sĩ cộng sản. Vấn đề cốt lõi được đặt ra ở đây là quan hệ giữa hai quốc gia Pháp - Việt.

Đến đây ta thấy Vi hành đề xuất cuộc đối thoại lịch sử mang tầm quốc gia. Trong đó, vua Pháp thì cưỡng chế vua Việt, còn dân Pháp thì cho bất kì dân da vàng nào ở Pháp cũng đều là vật mua vui cả. Vậy nên toàn bộ câu chuyện là tiếng cười dài về thân phận của người dân, của ông vua một nước bị nô lệ. Song đấy cũng là tiếng cười châm biếm sự xảo trá, trịch thượng của thần dân mẫu quốc.

Cốt lõi tiếng cười là sự nhầm lẫn. Nhầm lẫn ở Vi hành được khai thác ở hai mặt đối lập: Một ông vua hoang đàng trong mắt đôi trai gái Pháp là đang vi hành, thực hiện hành động cao cả, là học hỏi văn minh tiến bộ ở nước người mang về dạy cho dân mình và một chiến sĩ cộng sản đang đấu tranh giải phóng dân tộc bị nhầm là vua nên được mẫu quốc cử người đi “bảo hộ” theo kiểu rình mò của mật thám. Ở đây, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật đánh tráo để đối thoại với thực dân Pháp về hai vấn đề: vua bù nhìn và thân phận người chiến sĩ chân chính đấu tranh cho độc lập của nước nhà. Biện pháp đánh tráo lần thứ nhất được thực hiện khi một người bình thường, da vàng được tưởng là vua, “Đến nay, tất cả những ai ở Đông Dương có màu da trắng đều là những bậc khai hoá, thì bây giờ đến lượt tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành hoàng đế ở Pháp” và lần đánh tráo thứ hai xảy ra lúc, vì nhà vua “vi hành” theo kiểu thường dân nên chính phủ bảo hộ phải phái các nhà chức trách theo “hộ giá”, “Cái vui nhất là ngay đến Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm vụ tiếp tân, Chính phủ bèn đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phải tùy tùng đi hộ giá tuốt!”

Một người dân An Nam bình thường phút chốc trở thành vua và một vị vua lại hoà lẫn trong đám người nô lệ, thuộc địa ấy. Tất cả là do chuyện vi hành mà ra. Quả là dân Pháp giàu trí tưởng tượng. Lợi dụng chuyện nhầm lẫn đó mà Nguyễn Ái Quốc đã giáng một đòn chí tử vào sự hèn hạ của một ông vua hề và và cả người đứng đầu đế quốc đang dương dương tự đắc với việc bảo hộ cho xứ man di An Nam, “Tôi không được rõ ý đồ nhà “vi hành” của chúng ta ra sao. Phải chăng ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng đệ nhất có được sung sướng, có được quyền uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không?”

Đến đây, đối thoại không còn là chuyện riêng tư giữa hai anh em nữa, không còn mang tính chất gia đình mà đã vượt sang địa phận quốc gia, dân tộc. Dân tộc này đi áp bức một dân tộc khác. Điều đó thật phi lí. Và càng phi lí hơn, núp dưới chiêu bài “khai sáng”, “truyền bá văn minh” người Pháp cho dân An Nam cái “quyền”... “uống nhiều rượu” và “hút nhiều thuốc phiện”. Câu hỏi bó lưng của Nguyễn Ái Quốc ở đây thật là mỉa mai, đau xót. Từ khung cảnh ấy tác giả gợi lại chuyện vua Thuấn, vua Pi-e. Đây cũng là phép đối thoại nữa của văn bản. Nếu đối thoại giữa vua An Nam và Tổng thống Pháp là kiểu đối thoại tương đồng: cả hai đều bịp bợm, thì đối thoại giữa vua An Nam và hai vị Thánh vương trên được đặt trong thế tương phản. Điểm giống nhau giữa họ là cải trang để vi hành. Vua Thuấn cải trang làm dân cày. Vua Pi-e cải trang làm thợ. Trong lúc cải trang Các bậc vua hiền ấy đều thực hiện mục đích cao cả. Vua An Nam thì không cải trang và việc vi hành của ông ta cũng là do đôi trai gái Pháp kia tự nghĩ ra mà thôi. Từ đầu đến cuối, ông vua ấy không hề có một thay đổi nào, trước sau ông ta vẫn cứ trong lốt vua, vẫn cứ đạp lên nỗi đau của dân tộc để tận hưởng lạc thú cho riêng mình. Đối lập với vua Thuấn và vua Pi-e, vua An Nam càng thêm thảm hại, đáng cười.

Điểm đáng lưu ý ở câu chuyện này là tại sao đôi trai gái người Pháp kia không nhầm lẫn một ai khác mà lại nhầm lẫn chính tôi (trong trường hợp này tôi ấy rất có thể là Nguyễn ái Quốc) là hoàng đế An Nam? Dòng chảy ngầm của mạch truyện đã thực hiện một cú hoán vị độc đáo. Nếu Tôi - người chiến sĩ vì độc lập tự do cho dân tộc ấy trong mắt dân mẫu quốc là vua thì bất cứ ai vì dân tộc cũng sẽ là vua theo nghĩa vi hành chân chính.

Câu chuyện, toàn bộ không một lần nhắc đến cái tên Khải Định. Tác giả chỉ sử dụng các cụm từ để định danh “hắn đấy” như sau: “đấng Hoàng thương” “anh vua”, “nhà vi hành”, “ngài”, “hoàng đế”. Những đại từ này gián tiếp nhắc đến ông vua An Nam chứ chưa một lần Vi hành gọi trực tiếp ra. Do vậy, vị vua ở đây là hoàn toàn phiếm chỉ. Nguyễn Ái Quốc không gọi ông vua ấy là Khải Định. Các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng Xã hội học, đối chiếu thời điểm xuất hiện văn bản và thời điểm lịch sử cụ thể của Việt Nam để xác định vị vua vi hành ấy là Khải Định. Điều này đúng nhưng nếu chỉ tập trung phê phán Khải Định không thôi thì sẽ làm nghèo đi những tầng ý nghĩa uyên thâm của câu chuyện. Không đề cập đến một cái tên của một vị vua cụ thể nào, Vi hành sẽ là chuyện mang ý nghĩa đối thoại với cái xấu, thói ích kỉ, sự đồi bại của con người nói chung.

Nhân Khải Định sang Pháp dự đấu xảo thuộc địa Mác-xây (1922), Nguyễn Ái Quốc viết Vi hành. Chuyện tập trung phê phán một ông vua bù nhìn nhưng bối cảnh truyện thì rộng mở hơn nhiều. Tác giả đã đề cập đến những vấn đề mang tầm quốc gia và nhân loại. Dưới hình thức thư, Vi hành là câu chuyện cười ra nước mắt của cảnh ngộ làm một người dân nô lệ.. Và nhờ đó, Vi hành sẽ trường tồn theo thời gian.

Ngoài Soạn bài Vi hành, mời các em tham khảo thêm Đề thi học kì 1 lớp 11, Soạn văn lớp 11 ngắn gọn, Soạn bài lớp 11, Học tốt Ngữ văn 11, Tài liệu học tập lớp 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn bài lớp 11

    Xem thêm