Bộ đề thi học kì 1 Văn 7 Cánh diều năm học 2024 - 2025
Đề thi cuối học kì 1 Văn 7 Cánh diều có đáp án
Bộ đề thi Ngữ văn lớp 7 học kì 1 sách Cánh diều bao gồm 5 đề thi khác nhau có đáp án và ma trận. Đây là tài liệu hay giúp các em ôn tập, rèn luyện nâng cao kỹ năng giải đề thi, biết cách phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý. Dưới đây là trích dẫn một số đề thi, mời thầy cô và các em tải về tham khảo trọn bộ.
Lưu ý: Toàn bộ 5 đề thi và đáp án có trong file tải về, mời các bạn tải về để xem trọn bộ tài liệu.
3. Đề thi học kì 1 Văn 7 Cánh diều - Đề 3
PHẦN I: ĐỌC-HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Dưới vỏ một cành bàng
Còn một vài lá đỏ
Một mầm non nho nhỏ
Còn nằm nép lặng im.
Mầm non mắt lim dim
Cố nhìn qua kẽ lá
Thấy mây bay hối hả
Thấy lất phất mưa phùn
Rào rào trận lá tuôn
Rải vàng đầy mặt đất
Rừng cây trông thưa thớt
Thấy chỉ cội với cành
Trích “Mầm non” - Võ Quảng
(Thơ cho thiếu nhi, NXB Văn học năm 2017, trang 45)
a. Em hãy cho biết văn bản trên được viết theo thể thơ nào? Vì sao em biết ? (1.0 điểm)
b. Xác định biên pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (1.0 điểm)
c. Tìm một phó từ có trong dòng thơ sau và cho biết nó mang ý nghĩa gì ? (1.0 điểm)
Dưới vỏ một cành bàng
d. Nêu nội dung văn bản trên. (1.0 điểm)
e. Em hãy viết một đoạn văn ( khoảng 5 câu, chủ đề thiên nhiên ) trong đó có sử dụng dấu chấm lửng, cho biết công dụng của dấu chấm lửng mà em sử dụng trong đoạn văn ấy. ( 2.0 điểm)
II - VIẾT (4.0 điểm)
Viết bài văn bày tỏ cảm xúc về người mà em yêu quý nhất (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, thầy, cô giáo, ...)
------------------------- Hết -------------------------
Đáp án
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
a | Thể loại: + Thơ năm chữ + Giải thích: vì mỗi dòng có năm chữ | 0,5 0,5 | |
b | Phép tu từ: nhân hoá - Tác dụng: sự vật hiện lên đầy sinh động, gợi tả một cách rõ nét trạng thái của mầm non, của mây,… | 0,5 0,5 | |
c | -Xác định phó từ: một - Ý nghĩa: chỉ số lượng | 0,5 0,5 | |
d | - Nội dung văn bản: Với tình yêu thiên nhiên và khả năng quan sát tỉ mỉ, tinh tế, Võ Quảng đã miêu tả thời khắc giao mùa từ đông sang xuân qua cảm nhận của một mầm non nhỏ bé. | 1,0 | |
e | HS viết đoạn văn lưu ý: - Viết đúng hình thức đoạn văn, có chủ đề , độ dài theo yêu cầu, diễn đạt khá tốt. - Có vận dụng dấu chấm lửng, xác định được công dụng của dấu chấm lửng có trong đoạn văn mình vừa viết. Tùy theo cảm nhận của HS mà GV linh hoạt cho điểm | 1,0 1,0 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn biểu cảm: Mở bài giới thiệu đối tượng, thân bài biểu lộ được cảm xúc suy nghĩ về đối tượng, kết bài khẳng định lại tình cảm về đối tượng. | 0,25 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Biểu cảm về người thân | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề HS biểu cảm bằng nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: - Giới thiệu đối tượng, - Biểu lộ được cảm xúc suy nghĩ về đối tượng: + Ngoại hình. + Tính cách. + Một số kỉ niệm mà em nhớ + Vai trò của người ấy với em - Khẳng định tình cảm của bản thân với đối tượng Tùy vào mức độ đạt được theo yêu cầu của bài làm và những lỗi học sinh mắc phải, giáo viên sẽ cho điểm cụ thể. | 3,0 0,5 2,0 0,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. | 0,25 | ||
e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lời văn biểu cảm sinh động, sáng tạo. | 0,25 |
4. Đề thi học kì 1 Văn 7 Cánh diều - Đề 4
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I
Môn: Ngữ văn lớp 7
Thời gian làm bài: 90 phút
I. ĐỌC – HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:
Tôi muốn kể với các em về thầy giáo dạy vẽ của tôi. Thầy dạy chúng tôi cách đây mười bảy năm, khi đó chúng tôi mới học lớp Năm mà thầy thì mái tóc đã bạc phơ…
[…] Chẳng hiểu vì thầy không có tài hay không gặp may, tuy thầy rất yêu hội hoạ, dành hết sức lực và tiền bạc cho nó. Vợ con thầy đều đã mất từ lâu, thầy bảo: “Giờ đây, nguồn vui của thầy chỉ là công việc và các em học sinh.”. Chúng tôi đều rất quý và thương thầy. Có lần, thầy đến lớp, vẻ nghiêm trang, xúc động, thầy nói với chúng tôi:
– Ở triển lãm mĩ thuật thành phố người ta có bày một cái tranh của tôi...
Thầy mỉm cười rụt rè, khẽ nói thêm: “Các em đến xem thử…”.
Chiều hôm ấy, mấy đứa chúng tôi trong đó có Châu và Hiển – rủ nhau đến phòng triển lãm. Trong gian phòng chan hoà ánh sáng, bức tranh của thầy Bản treo ở một góc. So với những bức tranh to lớn trang trọng khác, bức tranh của thầy thật bé nhỏ, trong một chiếc khung cũ. Bởi tranh vẽ rất cẩn thận một lọ hoa cúc, mấy quả cam, những cánh hoa vàng rơi trên mặt bàn… Mọi người đi lướt qua, chẳng ai để ý tới bức tranh của thầy. Chúng tôi ngồi xuống cạnh bàn ghi cảm tưởng của người xem: chẳng thấy ý kiến nào khen ngợi hoặc nhắc đến bức tĩnh vật của thầy giáo chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi thấy thầy Bản cũng đến, thầy đi lại trong phòng triển lãm, nhìn người xem rồi lại nhìn về cái tranh của mình, bồn chồn, hồi hộp. Rồi sau cảm thấy đứng mãi ở đấy không tiện, thầy lại lóc cóc ra lấy xe đạp, đạp đi.
Càng thương thầy, chúng tôi càng giận những người xem vô cùng. Nảy ra một ý, chúng tôi bàn khẽ với nhau, rồi mở quyển sổ ghi cảm tưởng, chúng tôi thay nhau viết:
“Trong phòng triển lãm này, chúng tôi rất thích bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Thừa Bản!”. “Bức tranh tĩnh vật của hoạ sĩ Nguyễn Thừa Bản rất đẹp. Hoạ sĩ là một người có tài năng và cần cù lao động. Kính chúc hoạ sĩ mạnh khoẻ…”
Rồi chúng tôi kí những cái tên giả dưới các ý kiến đó. Ngoài mấy đứa chúng tôi, không ai biết việc này.
Vài hôm sau, thầy Bản đến lớp. Bối rối vì cảm động, thầy báo tin:
– Các em ạ… bức tranh ở triển lãm của tôi... cũng được một số người thích... họ có ghi cảm tưởng... Ban tổ chức có đưa cho tôi đọc… tôi có ghi lại…
Thầy húng hắng ho rồi nói thêm vẻ ân hận:
– Bức tranh ấy tôi vẽ chưa được vừa ý… Nếu vẽ lại, tôi sẽ sửa chữa nhiều...
Thương thầy quá, chúng tôi suýt oà lên khóc. […]
Có lẽ đến phút cuối cuộc đời, thầy cũng không biết rằng: chính chúng tôi – những học trò nhỏ của thầy – đã viết vào quyển sổ cảm tưởng trong kì triển lãm ấy. Bây giờ thầy Bản không còn nữa!
Tối ấy, ngồi với nhau, chúng tôi nhắc nhiều và nhớ nhiều đến thầy...
“Thưa thầy giáo dạy vẽ kính yêu!
Viết những dòng này, chúng em muốn xin thầy tha lỗi cho chúng em, và muốn một lần nữa được thưa với thầy rằng: chúng em biết ơn thầy, mãi mãi biết ơn thầy...”.
(Xuân Quỳnh, Thầy giáo dạy vẽ của tôi)
Câu 1: (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?
A. Miêu tả.
B. Tự sự.
C. Biểu cảm.
D. Nghị luận.
Câu 2: (0,5 điểm) Văn bản được viết theo thể loại nào?
A. Tùy bút.
B. Du kí.
C. Truyện ngắn.
D. Tiểu thuyết.
Câu 3: (0,5 điểm) Phó từ “Mọi” trong câu “Mọi người đi lướt qua, chẳng ai để ý tới bức tranh của thầy.” bổ sung ý nghĩa gì?
A. Bổ sung ý nghĩa về số lượng.
B. Bổ sung ý nghĩa về quan hệ thời gian.
C. Bổ sung ý nghĩa về sự tiếp diễn tương tự.
D. Bổ sung ý nghĩa về phương hướng.
Câu 4: (0,5 điểm) Bức tranh của thầy được miêu tả như thế nào?
A. To lớn, trang trọng, treo ở chính giữa phòng triển lãm.
B. Độc đáo, tinh tế như một kiệt tác nghệ thuật.
C. Xinh xắn, trong một chiếc khung gỗ, treo cạnh những bức tranh lớn.
D. Bé nhỏ, trong một chiếc khung cũ, treo ở một góc.
Câu 5: (0,5 điểm) Vì sao các học trò của thầy Bản lại ghi cảm tưởng về bức tranh của thầy?
A. Vì các em thấy thầy rất có đam mê với hội họa nhưng chưa nổi tiếng.
B. Vì các em thương thầy, không thấy ai để lại ý kiến khen ngợi tranh của thầy.
C. Vì các em thấy thầy cô đơn, vợ con thầy đều đã mất từ lâu.
D. Vì các em ngưỡng mộ tài năng của thầy, xem bức tranh như một kiệt tác nghệ thuật.
Câu 6: (0,5 điểm) Thông qua bài đọc, nhân vật người thầy hiện lên như thế nào?
A. Hiền lành, dễ mềm lòng, hay suy nghĩ lo âu về mọi điều đang xảy ra.
B. Yếu đuối, dễ xúc động trước những tình cảm chân thành.
C. Say mê nghề dạy học, cống hiến hết mình cho giáo dục, thân thiện với mọi người.
D. Yêu thương học trò, tỉ mỉ trong công việc, đam mê hội họa.
Câu 7: (0,5 điểm) Dấu gạch ngang trong câu văn “Có lẽ đến phút cuối cuộc đời, thầy cũng không biết rằng: chính chúng tôi – những học trò nhỏ của thầy – đã viết vào quyển sổ cảm tưởng trong kì triển lãm ấy.” có chức năng gì?
A. Đánh dấu thành phần phụ chú.
B. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật.
C. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.
D. Đánh dấu các thành phần chính của câu.
Câu 8: (0,5 điểm) Dòng nào nói đúng về nội dung chính của văn bản?
A. Truyện kể về người thầy của nhân vật “tôi” cùng câu chuyện về bức tranh của thầy. Qua đó thấy được phẩm chất, tính cách của thầy và tình cảm của học trò dành cho thầy.
B. Truyện kể về người thầy của nhân vật “tôi” với những suy nghĩ, trăn trở về nghề giáo. Qua đó thấy được tâm huyết, lòng yêu nghề của thầy.
C. Truyện kể về người thầy của nhân vật “tôi” với kỉ niệm đẹp bên học trò. Qua đó thấy được tấm lòng bao dung, tình cảm chân thành mà thầy trò dành cho nhau.
D. Truyện kể về người thầy của nhân vật “tôi” khi có hoàn cảnh cô đơn, buồn tủi. Qua đó thấy được giá trị của cuộc sống.
Câu 9: (1,0 điểm) Tìm các phó từ bổ nghĩa cho danh từ trong những câu sau và cho biết mỗi phó từ bổ sung ý nghĩa gì:
a. So với những bức tranh to lớn trang trọng khác, bức tranh của thầy thật bé nhỏ, trong một chiếc khung cũ.
b. Mọi người đi lướt qua, chẳng ai để ý tới bức tranh của thầy.
Câu 10: (1,0 điểm) Nêu một bài học, thông điệp mà em rút ra sau khi đọc truyện.
II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết bài văn phân tích đặc điểm về một nhân vật mà em đã được học
Xem đáp án trong file tải