Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường THPT Triệu Sơn 4 lần 2 có đáp án
Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Văn năm 2021
VnDoc giới thiệu Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường THPT Triệu Sơn 4, Thanh Hóa lần 2 có đáp án. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh ôn luyện và thử sức, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới đạt kết quả cao.
Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường THPT Triệu Sơn 4 lần 2 nằm trong bộ đề ôn thi THPT Quốc gia trên VnDoc. Tài liệu bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.
SỞ GD&ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 4
THI KSCL LỚP 12 LẦN 2 NĂM HỌC 2020 - 2021
Môn: NGỮ VĂN. Lớp 12
Thời gian: 120 phút. (Không kể thời gian giao đề)
Mã đề: 121
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.
(Trích Phố ta, Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Trong đoạn trích, nhà thơ đã dùng những hình ảnh nào để gọi nhân vật trữ tình em?
Câu 3. Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong những câu thơ sau:
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với lời khẳng định “Bác thợ mộc nói sai rồi” trong đoạn trích trên không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của những điều tốt đẹp bình dị trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích diến biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)./.
- HẾT -
Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn Triệu Sơn 4
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ : Tự do
Câu 2. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh nào để gọi nhân vật trữ tình em: con chim sẻ, con chim sẻ tóc xù, con chim sẻ cuả phố ta
Câu 3. Tác dụng:
- Phủ định cuộc sống không chỉ toàn chuyện xấu đồng thời khẳng định những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc đời này. Câu hỏi tu từ đã thể hiện niềm tin và tình yêu cuộc sống của nhà thơ.
- Tạo tính nhạc, giọng điệu thiết tha cho những câu thơ.
Câu 4.
* Đồng tình: bởi vì:
- Câu thơ là lời phủ định quan điểm của bác thợ mộc, bởi theo tác giả đó là một suy nghĩ không đúng.
- Cuộc đời này không phải toàn chuyện xấu xa. Cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp và đáng sống. Đó là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mang tới cho ta cảm giác bình yên và thư thái. Đó là những việc tử tế của con người dù bình dị nhỏ nhoi mang tới cho ta niềm tin yêu, hứng khởi. Đó là những yêu thương ta nhận từ bao người như một món quà vô giá. Vì thế “dù ai có nói với bạn điều gì đi chăng nữa, hãy tin rằng cuộc đời luôn kì diệu và đẹp đẽ.”
(Thí sinh có thể có lập luận khác, đảm bảo chặt chẽ, logic, thuyết phục thì vẫn cho điểm tối đa)
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý sau:
- Những điều tốt đẹp bình dị sẽ khơi dậy và bồi đắp cho chúng ta tình yêu cuộc sống, giúp ta tin rằng cuộc sống mến thương luôn tươi đẹp và đáng sống.
- Những điều tốt đẹp bình dị sẽ thức tỉnh chúng ta về những giá trị sống mà mình đeo đuổi. Thành công, hạnh phúc không phải là những điều lớn lao, vĩ đại mà có khi chỉ là những điều tốt đẹp nhỏ bé, bình dị.
- Những điều tốt đẹp bình dị sẽ ươm mầm cho những giá trị lớn lao cao cả sinh sôi, nảy nở góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
- Những điều tốt đẹp dẫu bé nhỏ bình dị nhưng có ý nghĩa, giá trị lớn lao. Trân trọng, nâng niu và phát huy những điều tốt đẹp bình dị là cách để góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt
Câu 2.
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ.
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
3.1. Giới thiệu về tác giả - tác phẩm.
- Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ trước năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành quả quan trọng trong sáng tác văn học, nhất là về đề tài miền núi.
- Truyện Vợ chồng A Phủ là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952), đánh dấu độ chín của phong cách nghệ thuật Tô Hoài. Tác phẩm viết về cuộc sống tăm tối và khát vọng sống mãnh liệt của người dân miền núi dưới ách thống trị của thực dân phong kiến.
- Để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc là diễn biến tâm lí và hành động Mị cởi trói cho A Phủ, cũng là cởi trói cho chính mình khỏi những đọa đày đau khổ của kiếp làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra.
3.2. Phân tích.
a. Giới thiệu sơ lược về A Phủ.
- A Phủ là một chàng trai mồ côi, lớn lên giữa núi rừng Tây Bắc, tuy cuộc sống nghèo khổ, lam lũ nhưng vô tư, yêu đời, yêu lẽ phải.
- Vì bất bình, đánh A Sử mà bị phạt vạ, trở thành kẻ ở trừ nợ trong nhà thống lí Pá Tra.
- Do đánh mất bò vì mải mê bẫy nhím mà A Phủ bị phạt trói đứng giữa những ngày đông lạnh giá…
→ Giữa Mị và A Phủ có nhiều điểm tương đồng. Họ đều là những con người giàu nghị lực, khát khao tự do; đều là nạn nhân của cường quyền và thần quyền; đều phải chịu những đọa đày khổ ải về tinh thần và thể xác.
b. Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị…
* Tâm trạng của Mị trước đêm cởi trói cho A Phủ.
- Sau cuộc nổi loạn trong đêm tình mùa xuân, Mị trở về với cuộc sống đọa đày khổ cực, có phần khắc nghiệt hơn trước.
- Thời gian đọa đày khiến Mị vốn lặng câm lại càng lặng câm hơn trước. Mị vô cảm trước cuộc đời, cứ lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.
- Những đêm đầu khi A Phủ bị phạt trói đứng, Mị ra thổi lửa hơ tay, tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện. Bị A Sử đánh ngã xuống bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước.
- Trong lòng, Mị rất sợ những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn.
- Khi trong nhà đã ngủ yên, Mị tìm đến bếp lửa. Đối với Mị, nếu không có bếp lửa ấy, cô sẽ chết héo. Hành động vẫn ra sưởi lửa hé lộ tinh thần phản kháng trong Mị.
* Thương người cùng cảnh ngộ.
- Chính nhờ ngọn lửa, đêm ấy, Mị trông sang A Phủ và nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh chảy xuống gò má đã xám đen lại của A Phủ. Dòng nước mắt ấy khiến Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được.
→ Dòng nước mắt của A Phủ đã giúp Mị nhớ ra mình, xót thương cho mình.
- Mị xót xa cho A Phủ như xót xa cho chính bản thân mình. Mị thương cho A Phủ không đáng phải chết.
- Giả định: A Phủ trốn, Mị bị trói đứng vào thế chỗ, phải chết trên cái cọc ấy Mị cũng không sợ. Lòng thương A Phủ còn lớn hơn nỗi thương mình và vượt lên trên nỗi sợ hãi. Lòng vị tha đã chiến thắng vị kỉ.
→ Tình thương ấy khiến cô đi đến hành động cởi trói cho A Phủ.
* Từ cứu người đến cứu mình.
- Sau khi cứu A Phủ, Mị đứng lặng → nội tâm giằng xé giữa một bên là ý thức về thân phận, một bên là khát vọng sống, khát vọng giải thoát.
- Khi nỗi sợ hãi tìm về đúng lúc lòng thương mình chưa mất đi, ý thức về cuộc sống không ra sống còn hiện hữu, Mị vùng lên chạy theo A Phủ.
- Hành động tự cứu mình của Mị là hành động có tính chất tự phát, nhưng cội nguồn sâu sa của nó là khát vọng sống mãnh liệt. Nó làm thay đổi vị thế hai con người, từ nô lệ, cam chịu đến tự do, nổi loạn.
c. Đặc sắc nghệ thuật. (0.5 điểm)
- Tạo tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.
- Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tài tình.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật sinh động, có cá tính.
- Ngôn ngữ sinh động, sáng tạo, giàu tính tạo hình.
- Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường THPT Triệu Sơn 4 lần 2 có đáp án. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được đề thi và đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường Triệu Sơn 4 lần 2. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12. Để giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn cùng tham khảo thêm kiến thức tài liệu học tập các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.