Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải SBT Ngữ văn 10 Cánh diều bài 24

Với nội dung bài Giải SBT Ngữ văn 10 bài 24: Bài tập đọc hiểu sách Cánh diều chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 10.

Bản sắc là hành trang (Nguyễn Sĩ Dũng)

Câu 1 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Dòng nào không nêu đúng điều cần phải chú ý khi đọc hiểu văn bản nghị luận?

A. Tìm hiểu thông tin về đời tư của tác giả để vận dụng vào đọc hiểu văn bản

B. Đọc kĩ văn bản, nhận diện luận đề và hệ thống luận điểm trong bài viết

C. Ở mỗi luận điểm, tìm hiểu lí lẽ, dẫn chứng và cách lập luận để hiểu rõ mục đích, quan điểm của người viết

D. Liên hệ, kết nối để thấy ý nghĩa và tác động của vấn đề đặt ra trong văn bản đối với bản thân người đọc

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Tìm hiểu thông tin về đời tư của tác giả để vận dụng vào đọc hiểu văn bản.

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nhận định sau đây đúng hay sai: “Bản sắc là hành trang là văn bản nghị luận văn học.”?

A. Đúng

B. Sai

Trả lời:

Chọn đáp án: B. Sai

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy giải thích ý nghĩa của nhan đề Bản sắc là hành trang.

Trả lời:

Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 1995), bản sắc là những nét đặc trưng, tạo nên vẻ riêng có, độc đáo của đối tượng, còn hành trang là những cái mang theo khi đi xa. Từ nghĩa từ điển và nội dung bài viết, có thể hiểu nhan đề muốn đề cập đến những nét đặc thù, đặc sắc làm nên diện mạo, giá trị riêng của cộng đồng, dân tộc, và đây chính là những điều phải mang theo trong hiện tại và tương lai.

Câu 4 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong phần (2) của văn bản Bản sắc là hành trang, ví dụ sau được tác giả nêu ra để khẳng định điều gì? (Chọn phương án nêu đúng và đầy đủ nhất)

Ví dụ: Phố cổ Hà Nội mang bản sắc văn hóa của người Việt và là duy nhất trên thế giới nên có sức cuốn hút to lớn đối với du khách nước ngoài. Hồ Gươm cũng vậy, các gánh hàng hoa trên đường Hà Nội cũng vậy...

(1) Bản sắc là tất cả những gì đặc trưng cho dân tộc Việt Nam

(2) Bản sắc là một lợi thế cạnh tranh

(3) Bản sắc làm nên sự tồn tại của cộng đồng chúng ta

(4) Bản sắc tạo nên sự độc đáo, sự hấp dẫn

(5) Bản sắc văn hoá của Hà Nội tượng trưng cho văn hóa của người Việt

(6) Bản sắc văn hoá còn có thể bổ sung giá trị cho các hàng hoá và dịch vụ

A. (1), (2), (5)

B. (2), (3), (6)

C. (2), (4), (6)

D. (3), (4), (5)

Trả lời:

Chọn đáp án: C. (2), (4), (6)

Câu 5 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Phân tích những biểu hiện của bản sắc dân tộc Việt Nam được tác giả nêu lên trong văn bản Bản sắc là hành trang. Em có thể bổ sung những biểu hiện nào khác của bản sắc dân tộc?

Trả lời:

Trong văn bản Bản sắc là hành trang, tác giả đã đưa ra nhiều biểu hiện của bản sắc dân tộc Việt Nam, chẳng hạn: tiếng Việt - thứ ngôn ngữ do cha ông để lại và được chia sẻ bởi các cộng đồng dân tộc Việt Nam; trống đồng; tượng chùa Tây Phương; kho tàng dân ca; kho tàng văn học nghệ thuật mà tiêu biểu là Truyện Kiều; hệ thống giá trị, trong đó có tình yêu quê hương xứ sở, có đời sống tâm linh phong phú với việc thờ cúng tổ tiên theo cách của riêng mình;... Những biểu hiện này thể hiện những nét đặc trưng về văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của dân tộc ta. Qua đó, tác giả muốn khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có bản sắc văn hoá độc đáo. Có thể nêu thêm các biểu hiện khác như: tục ăn trầu - cưới hỏi; Tết đoàn viên; các lễ hội dân gian (hội Lim, hội Gióng, lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên,...); các làn điệu dân ca (quan họ Bắc Ninh, hát xoan, hát xẩm,...); chùa Một Cột, Thánh địa Mỹ Sơn...

Câu 6 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Phân tích mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống, cái riêng và cái chung được tác giả nêu lên qua ví dụ về chiếc xe Lếch-xớt và cây ô liu.

Trả lời:

Theo tác giả, “Chiếc xe Lếch-xớt” (đại diện cho sự hiện đại và sự toàn cầu hoá) và “cây ô liu” (đại diện cho bản sắc và cho truyền thống) có mối quan hệ tương hỗ, nương tựa vào nhau để cùng phát triển: “chiếc xe Lếch-xớt vẫn có thể tạo điều kiện cho việc bảo tồn cây ô liu và cây ô liu vẫn có thể trang điểm cho chiếc xe Lếch-xớt. Việc hội nhập và việc giữ gìn bản sắc cũng vậy. Không có hội nhập, nghề múa rối nước, nghề thổ cẩm của chúng ta chắc sẽ rất khó phát triển. Ngược lại, các nhà hàng, khách sạn cao cấp chắc cũng sẽ có ít sức hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài, nếu thiếu sự hiện diện của hồn văn hoá Việt”. Có thể khẳng định, ý kiến này rất mới mẻ, hiện đại, cần được vận dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.

Câu 7 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Tác giả có thái độ như thế nào đối với vấn đề bản sắc và hội nhập toàn cầu hoá? Dẫn ra một số câu văn, đoạn văn trong văn bản thể hiện rõ thái độ ấy.

Trả lời:

Bài viết cho thấy tác giả rất tự hào về bản sắc văn hoá của dân tộc. Ông viết: “Đó trước hết là tiếng Việt, thứ ngôn ngữ do cha ông để lại và được chia sẻ bởi các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đó là những thành tựu văn hoá của chúng ta. Là trống đồng, là tượng chùa Tây Phương, là kho tàng dân ca, kho tàng văn học nghệ thuật mà tiêu biểu là Truyện Kiều, là hệ thống giá trị của chúng ta, trong đó có tình yêu quê hương xứ sở, có đời sống tâm linh phong phú với việc thờ cúng tổ tiên theo cách của riêng mình...”. Nhưng người viết cũng có những băn khoăn, lo lắng khi phải thừa nhận một thực tế: “... tất cả những cái chung đang ngày một nhiều thêm lên. Cái chung nhiều thêm lên, thì cái riêng sẽ bị giảm bớt đi. Đó là một nguy cơ hoàn toàn có thật.”. Mặc dù vậy, với tầm nhìn và suy nghĩ riêng của mình, tác giả tin tưởng: “Bản sắc thậm chí là một lợi thế cạnh tranh. Bởi vì bản sắc tạo nên sự độc đáo, sự hấp dẫn. Ví dụ, phố cổ Hà Nội mang bản sắc văn hoá của người Việt và là duy nhất trên thế giới nên có sức cuốn hút to lớn đối với du khách nước ngoài. Hồ Gươm cũng vậy, các gánh hàng hoa trên đường Hà Nội cũng vậy...” hay “Bản sắc văn hoá còn có thể bổ sung giá trị cho các hàng hoá và dịch vụ của chúng ta. Nhờ đó, chúng cũng trở nên đặc biệt hơn, hấp dẫn hơn đối với khách hàng cả trong nước, lẫn ngoài nước”. Và kết lại là một thái độ kiên quyết, dứt khoát: “giữ gìn bản sắc của dân tộc không chỉ là phương châm hành động, mà còn là bản năng tồn tại của chúng ta.”.

Câu 8 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Em hiểu như thế nào về câu kết của bài viết: “Giữ gìn bản sắc của dân tộc không chỉ là phương châm hành động, mà còn là bản năng tồn tại của chúng ta.”? Vấn đề đặt ra trong văn bản có ý nghĩa gì với cá nhân em?

Trả lời:

Giữ gìn bản sắc của dân tộc không chỉ là quan điểm, nhận thức và hành động mà phải trở thành bản năng tồn tại, tức là lẽ sống, ý thức về sự sống - còn, suy nghĩ thường trực, quyết định vận mệnh của cả cộng đồng và mỗi cá nhân. Nói cách khác, nó phải thấm nhuần trong suy nghĩ, hành động của mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh sống, nhất là trong những tình huống có yếu tố quốc tế, giao lưu văn hoá. Câu văn này khẳng định lại một lần nữa ý kiến mà tác giả đã nêu ra ở phần đầu văn bản: “Bản sắc của cộng đồng chúng ta làm nên sự tồn tại của cộng đồng chúng ta. Nếu bản sắc của chúng ta bất diệt, thì chúng ta cũng ngàn đời bất diệt.”

Gió thanh lay động cành cô trúc (Chu Văn Sơn)

Câu 1 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Văn bản Gió thanh lay động cành cô trúc chủ yếu viết về:

A. Bài thơ Thu điếu

B. Bài thơ Thu ẩm

C. Bài thơ Thu vịnh

D. Chùm thơ thu

Trả lời:

Chọn đáp án: C. Bài thơ Thu vịnh

Câu 2 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Câu văn: “Cuối cùng, Thu vịnh đã kết lại bằng bức hoạ thật nhanh mà thật đọng” là......................... của bài viết Gió thanh lay động cành cô trúc.

A. Luận đề

B. Luận điểm

C. Lí lẽ

D. Dẫn chứng

Trả lời:

Chọn đáp án: B. Luận điểm

Câu 3 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng trong câu văn sau: “Chữ "năm ngoái” (gắn với hoa) vốn được Nguyễn Du sáng tạo từ chữ “y cựu” (y như cũ) trong thơ Thôi Hộ. Giờ đây, qua thời gian, nó lại trôi về Yên Đổ.”?

A. Hoán dụ

B. Ẩn dụ

C. Nhân hoá

D. So sánh

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Hoán dụ

Câu 4 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Để làm rõ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của từng cặp câu “đề, thực, luận, kết”, tác giả Chu Văn Sơn đã kết hợp những thao tác nghị luận nào? Hãy chỉ ra các thao tác ấy trong một đoạn cụ thể.

Trả lời:

Để làm rõ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của từng cặp câu “đề, thực, luận, kết”, tác giả Chu Văn Sơn đã kết hợp các thao tác nghị luận như phân tích, bình luận. Chẳng hạn, ở phần (2), tác giả đã lần lượt phân tích từng câu thơ, trong từng câu, lại phân tích, cắt nghĩa từng từ ngữ, hình ảnh: “Hai câu đề đã ghi ngay được cái thần thái của trời thu. Câu thứ nhất gợi ra cái nền phông cảnh bằng nét rộng khoáng đạt, thoáng đãng: “Trời thu xanh ngắt mây từng cao”. Chữ “xanh ngắt” gợi được cái sắc xanh riêng của mùa thu với tất cả vẻ êm ả, mát mẻ và trong xanh của nó... của thinh không.”. Từ kết quả phân tích, cắt nghĩa, người viết đã đưa ra những bình luận, đánh giá của mình: “Đó là những gợn gió thật mỏng manh, nếu không có một mĩ cảm tinh tế thì khó mà nhận biết. Đó chính là những gợn “gió thanh” từng làm xao động thân “cô trúc” của Nguyễn Khuyến đây chăng?”.

Câu 5 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Ở đoạn văn cuối (“Tất cả những điều ấy... đến thế kỉ nào?”), tác giả chủ yếu sử dụng kiểu câu nào? Theo em, kiểu câu ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện sắc thái cảm xúc của người viết?

Trả lời:

Tác giả đã lập luận theo phương pháp quy nạp. Trước khi dẫn người đọc đến nhận định của mình về những gợn gió thanh làm xao động thân cô trúc của Nguyễn Khuyến, Chu Văn Sơn đã lí giải ý nghĩa của câu thơ “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”, trong đó, đã cắt nghĩa sắc thái nghĩa của từng từ như “cần”, “lơ phơ”, “hắt hiu”.

Câu 6 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Đoạn văn sau cho thấy tác giả đã huy động những kiến thức nào vào việc đọc hiểu văn học: “Ba chữ mấy từng cao cho thấy tầm nhìn thi sĩ rộng mở cùng với các tầng trời. Nếu nền phông gợi những khoảng xa của hậu cảnh, thì ở gần tầm mắt hơn, hiện ra một tiên cảnh là cần trúc lơ phơ... Tầm nhìn dịch chuyển từ xa đến gần. Và, không phải cành trúc, ngọn trúc mà phải là cần trúc. Chữ cần là nét cong mềm mại thật hợp điệu thu. Chữ lơ phơ tả vẻ đẹp lưa thưa mà lay động. Chữ hắt hiu thật là cái hồn của gió thu.”.

Trả lời:

- Ở đoạn văn cuối (“Tất cả những điều ấy... đến thế kỉ nào?”), tác giả chủ yếu sử dụng câu hỏi tu từ. Những câu văn dạng này không nhằm tìm kiếm câu trả lời từ nội dung bài thơ hay đặt ra cho người đọc câu hỏi suy ngẫm để từ đó đi tìm đáp án mà tập trung thể hiện những suy cảm, luận giải của người viết về ý nghĩa của bài thơ và tiêu đề bài viết. Qua đó, Chu Văn Sơn cho thấy sự thấu cảm của mình với những tâm tư sâu kín (cô đơn, buồn bã, bất an) khó nói thành lời của thi hào Nguyễn Khuyến.

- Đoạn văn cho thấy tác giả đã kết hợp kiến thức về hội hoạ với những hiểu biết về ngôn ngữ và đời sống xã hội. Cụ thể: các câu văn “Ba chữ mấy từng cao cho thấy tầm nhìn thi sĩ rộng mở cùng với các tầng trời. Nếu nền phông gợi những khoảng xa của hậu cảnh, thì ở gần tầm mắt hơn, hiện ra một tiên cảnh là cần trúc lơ phơ... Tầm nhìn dịch chuyển từ xa đến gần” cho thấy người viết đã vận dụng tri thức hội hoạ để phân tích cái đặc sắc của câu thơ. Trong khi đó, với sự hiểu biết về ngôn ngữ và đời sống xã hội, Chu Văn Sơn đã cắt nghĩa: “Và, không phải cành trúc, ngọn trúc mà phải là cần trúc. Chữ cần là nét cong mềm mại thật hợp điệu thu. Chữ lơ phơ tả vẻ đẹp lưa thưa mà lay động. Chữ hắt hiu thật là cái hồn của gió thu.”.

Đừng gây tổn thương (Ca-ren Ca-xây)

Câu 1 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đừng gây tổn thương là

A. Văn bản nghị luận văn học

B. Văn bản nghị luận xã hội

C. Văn bản lịch sử

D. Văn bản phóng sự

Trả lời:

Chọn đáp án: B. Văn bản nghị luận xã hội

Câu 2 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đoạn văn sau cho thấy tác giả muốn thuyết phục người đọc điều gì?

Đừng nói với người khác những điều mà bạn không muốn nghe. Tôi muốn bạn nhớ lại câu chuyện về người phóng viên vẫn mua báo từ một kẻ bán báo vô văn hoá. Người phóng viên ấy đã lựa chọn cách cư xử tử tế ngay cả với một kẻ chẳng ra gì.

Ông ấy chọn hành động ôn hoà. Đôi lúc, chúng ta có suy nghĩ sai lầm rằng đáp trả là cần thiết. Và nó thường được ngụy biện rằng đó là sự công bằng. Nhưng hành động “ăn miếng trả miếng” chỉ cho thấy bạn là người yếu đuối và thiếu suy nghĩ. Nói đơn giản hơn là bạn chẳng được lợi gì khi đối xử với người khác không tử tế. Mỗi tình huống ta trải qua đều là cơ hội để lựa chọn con đường tương tác đúng đắn giữa ta và người khác. Chúng ta không cần phải đáp trả bằng thái độ tương tự khi ai đó đối xử tệ với mình. Chọn cách ứng xử cùng với yêu thương không quá khó so với chọn cách đáp trả tàn nhẫn. Đó chỉ là một quyết định mà thôi - quyết định mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

A. Nên “ăn miếng trả miếng” ngay với những kẻ đã có hành động không tử tế đối với bạn

B. Nên chọn cách ứng xử thật công bằng đối với những người yếu đuối và thiếu suy nghĩ

C. Nên chọn cách ứng xử nhân ái, khoan dung ngay cả đối với người không tốt với mình

D. Nên đáp trả bằng thái độ tương tự khi kẻ nào đó cố tình làm ta xấu mặt trước mọi người

Trả lời:

Chọn đáp án: C. Nên chọn cách ứng xử nhân ái, khoan dung ngay cả đối với người không tốt với mình

Câu 3 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hớt Mát về “sự ảnh hưởng của cách cư xử thiếu tử tế đối với tình trạng thể chất con người” được tác giả dẫn ra nhằm mục đích gì?

A. Khẳng định cách cư xử thiếu văn hoá (thô lỗ) gây tổn thương cho cả hai bên giao tiếp: người nói và người nghe

B. Khẳng định cách cư xử thiếu văn hoá (thô lỗ) không gây tổn hại cho người nói, mà chỉ gây tác hại với người nghe

C. Khuyến nghị các công ty cần phải xây dựng môi trường làm việc thân thiện hơn cho công nhân

D. Khuyến nghị mỗi người cần phải tự quan tâm chính mình về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần.

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Khẳng định cách cư xử thiếu văn hoá (thô lỗ) gây tổn thương cho cả hai bên giao tiếp: người nói và người nghe

Câu 4 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Dựa vào văn bản, hãy làm sáng tỏ ý kiến của tác giả nêu ở phần đầu văn bản: “Sự tổn thương ẩn nấp dưới nhiều dáng vẻ khác nhau.”.

Trả lời:

Theo tác giả, “Sự tổn thương ẩn nấp dưới nhiều dáng vẻ khác nhau”, chẳng hạn: “Không giao tiếp bằng mắt với người bạn nói chuyện hay đang được giới thiệu”, “không đáp lại khi ai đó cần bạn trả lời một câu hỏi”, “không đếm xỉa đến người đang nói trong cuộc thảo luận”, “coi nhẹ lời gợi ý của bạn thân về công việc quan trọng cả hai đang tham gia thực hiện”, “không lắng nghe khi người khác đang cố nói điều gì đó với bạn”;... Tác hại của chúng là không hề nhỏ. Ví dụ: khi chúng ta không thể hiện sự chú tâm với người đang giao tiếp hay phớt lờ người khác ra mặt đều khiến cả người bị chúng ta đối xử tệ và bản thân chúng ta bị ảnh hưởng về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần. Nó khiến mọi người xa rời nhau thay vì đoàn kết vì một mục đích chung. Chúng ta không bao giờ tìm thấy sự bình yên nếu cứ khăng khăng bảo vệ cái ốc đảo cô đơn của mình.

Câu 5 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Phân tích tác hại của việc làm tổn thương người khác và những hệ quả tích cực từ lời cam kết: “Không làm tổn thương người khác.”.

Trả lời:

Việc làm tổn thương người khác có thể đưa đến nhiều tác hại. Chẳng hạn: “coi nhẹ lời gợi ý của bạn thân về công việc quan trọng mà cả hai đang tham gia thực hiện có thể gây bất lợi cho mối quan hệ cũng như lòng nhiệt tình của người ấy”, “không lắng nghe khi người khác đang cố nói điều gì đó với bạn” khiến họ cảm thấy đau đớn không kém gì bị xâm phạm thân thể; “thái độ thô lỗ” (“giả vờ lắng nghe một cách tế nhị hay phớt lờ người khác ra mặt”) gây tổn hại tinh thần cho bất kì ai liên quan đến chúng ta trong mối tương tác, “không chỉ người bị chúng ta đối xử tệ mà bản thân chúng ta cũng bị ảnh hưởng về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần”, “khiến mọi người xa rời nhau thay vì đoàn kết vì một mục đích chung”; “không bao giờ tìm thấy sự bình yên nếu cứ khăng khăng bảo vệ cái ốc đảo cô đơn của mình”; “dùng lời nói sỉ nhục người khác gây ra những vết thương không đáng có trong tâm hồn”.

Những hệ quả tích cực từ lời cam kết “Không làm tổn thương người khác”: “cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản cả về thể chất lẫn tinh thần”, “không còn phải phỏng đoán về hậu quả của những hành động của mình, cảm giác hạnh phúc và bình yên trong cuộc sống”.

Câu 6 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Theo em, vấn đề đặt ra trong văn bản có ý nghĩa gì với cuộc sống ngày nay?

Trả lời:

Vấn đề đặt ra trong văn bản có ý nghĩa quan trọng và thiết thực với mọi người trong cuộc sống ngày nay vì nó giúp mỗi người nhận thức được những hành vi và tác hại của việc gây tổn thương cho người khác, đồng thời tự làm tổn thương sức khoẻ và thể chất của chính mình. Từ nhận thức này, con người phải thay đổi suy nghĩ và hành động, có thể thực hiện giải pháp như bài viết gợi ý để trở nên khoan dung, độ lượng, yêu thương hơn và cuộc sống cũng nhờ đó mà hạnh phúc và bình yên hơn.

>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Ngữ văn 10 Cánh diều bài 25

Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT Ngữ văn lớp 10 bài 24: Bài tập đọc hiểu sách Cánh diều. Các em học sinh tham khảo thêm Ngữ văn 10 Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Gấu Đi Bộ
    Gấu Đi Bộ

    🤗🤗🤗🤗🤗🤗🤗

    Thích Phản hồi 17:27 18/12
    • Sunny
      Sunny

      💯💯💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 17:27 18/12
      • Thùy Chi
        Thùy Chi

        😊😊😊😊😊😊😊

        Thích Phản hồi 17:27 18/12
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Giải SBT Ngữ văn 10

        Xem thêm