TOP 86 Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích lớp 6
Kể lại một truyện cổ tích (86 mẫu)
- 1. Lập dàn ý kể lại một truyện cổ tích lớp 6
- 2. Kể lại một truyện cổ tích Ngắn gọn (8 mẫu)
- 3. Kể lại một truyện cổ tích lớp 6 Hay nhất
- 4. Kể lại truyện Thạch Sanh bằng lời văn của em (8 mẫu)
- 5. Kể lại truyện Sọ Dừa bằng lời văn của em (6 mẫu)
- 6. Kể lại truyện Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em (6 mẫu)
- 7. Kể lại truyện Con Rồng cháu Tiên bằng lời văn của em (12 mẫu)
- 8. Kể lại truyện Sơn Tinh Thủy Tinh bằng lời văn của em (22 mẫu)
- 9. Kể lại truyện Thánh Gióng bằng lời văn của em (11 mẫu)
- 10. Kể lại truyện Tấm Cám bằng lời văn của em (6 mẫu)
- 11. Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em (2 mẫu)
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Đề bài: Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích.
1. Lập dàn ý kể lại một truyện cổ tích lớp 6
1. Mở bài: Giới thiệu:
- Tên truyện
- Lý do muốn kể lại truyện
2. Thân bài
- Trình bày:
- Các nhân vật chính
- Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện
- Kể lại các sự việc xảy ra theo trình tự thời gian
3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về câu chuyện vừa kể
>> Tham khảo thêm các dàn ý chi tiết khác tại đây Dàn ý kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em
2. Kể lại một truyện cổ tích Ngắn gọn (8 mẫu)
Kể lại một truyện cổ tích lớp 6 Ngắn gọn Mẫu 1
Cây khế là câu chuyện cổ tích mà em xung phong kể lại cho các bạn ở lớp cùng nghe. Vì đó là câu chuyện mà em yêu thích nhất.
Câu chuyện kể về hai anh em trai trong một gia đình. Người em hiền lành, thật thà, chăm chỉ nên ai cũng quý. Còn người anh thì hoàn toàn ngược lại, đã lười biếng lại còn tham lam, dối trá. Khi cha vừa mất, anh ta lập tức giở trò, lấy tư cách anh cả ra để đuổi em trai ra khỏi nhà, độc chiếm gia sản. Anh ta chỉ cho em mình một cây khế già và túp lều rách nát cạnh đó. Dù vậy, người em vẫn không hề oán giận, mà chịu khó làm lụng, kiếm sống qua ngày. Năm đó, cây khế già có rất nhiều trái ngọt, thu hút một con chim thần đến ăn. Chim đã chở người em ra hòn đảo ngoài khơi xa để lấy vàng, trả cho số khế nó đã ăn. Nhờ vậy, người em trở nên giàu có. Và điều đó khiến người anh vô cùng ganh tị. Khi biết chuyện, hắn đòi đổi bằng được cây khế của em trai. Rồi bắt chước em than thở với chim thần, hòng được đưa ra đảo vàng. Khi chim thần đồng ý, hắn bí mật mang theo cái túi rộng những mười hai gang. Nên khi nhồi nhét vàng vào đầy túi, và cố nhét thêm vào áo quần, người anh trở thành một ngọn núi nhỏ. Chim thần cố gắng mãi mới bay lên được. Ngờ đâu, trên đường về có bão quét qua làm chim chao đảo, rơi xuống biển. Chim thần vùng vẫy rồi bay vụt lên cao nên thoát nạn, còn người anh thì bị số vàng trên người kéo xuống đáy biển sâu.
Từ kết thúc đó, em nhận được bài học mà ông cha nhắn nhủ. Rằng ở đời chớ nên tham lam, lười biếng, cần biết chăm chỉ làm việc, yêu thương, quan tâm mọi người. Khi đó, chúng ta sẽ gặp được may mắn và hạnh phúc.
Kể lại một truyện cổ tích lớp 6 Ngắn gọn Mẫu 2
Một câu chuyện cổ tích nước ngoài mà em rất yêu thích chính là truyện Non-bu và Heng-bu.
Truyện kể về hai anh em ruột nhưng lại có tính cách trái ngược nhau. Người anh lười biếng lại tham lam, còn người em thì tốt bụng, chăm chỉ. Một ngày nọ, Heng-bu gặp một chú chim nhạn nhỏ bé bị gãy chân, rơi xuống trước thềm nhà. Thấy thương con vật tội nghiệp, Heng-bu đưa chú vào nhà và chăm sóc chu đáo đến khi chú khỏi bệnh mới thả đi. Mùa xuân năm sau, chim nhạn trở về mang theo cho Heng-bu một hạt bầu thần kì. Những quả bầu mọc ra từ cây này cho anh nhiều vàng bạc châu báu. Từ đó vợ chồng anh sống cuộc sống giàu có. Người anh biết tin, vội đến hỏi thăm câu chuyện. Nghe xong, hắn liền tìm một chú chim nhạn rồi bẻ chân của nó. Xong xuôi hắn giả vờ chăm sóc chú chim tội nghiệp và đòi nó phải báo ơn. Lần này, chim nhạn cũng mang cho Non-bu một hạt bầu. Nhưng nhưng trái bầu khi bổ ra chỉ đem đến cướp bóc, tai họa cho hắn mà thôi. Kết cục, hắn mất đi tất cả, trở thành một kẻ ăn mày.
Câu chuyện với cách kể rất thú vị và các chi tiết thần kì đã thu hút em ngay từ lần đọc đầu tiên. Bài học mà câu chuyện muốn gửi gắm cũng thật sâu sắc và ý nghĩa vô cùng.
>> Xem thêm các bài văn mẫu ngắn gọn khác tại Kể một câu chuyện cổ tích Ngắn gọn
3. Kể lại một truyện cổ tích lớp 6 Hay nhất
Bài văn kể lại một truyện cổ tích mẫu 1
Những câu truyện cổ tích được sáng tác không đơn thuần chỉ nhằm giải trí. Mà hơn hết, đó còn là nơi các tác giả dân gian gửi gắm những bài học ý nghĩa, sâu sắc về đạo lý làm người. Trong số đó, có rất nhiều những câu chuyện cổ tích được sáng tác nhầm ngợi ca, hướng con người tới lòng trung thực. Nổi bật và quen thuộc nhất, chính là câu chuyện “Ba lưỡi rìu”.
Câu chuyện kể về một anh tiều phu có hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Hằng ngày, anh chăm chỉ lên núi đốn củi về bán, nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày. Tài sản lớn nhất của anh là lưỡi rìu bằng sắc mà cha để lại. Một ngày nọ, khi anh đang tập trung đốn một gốc cây lớn ở cạnh bờ sông, thì lưỡi rìu tuột khỏi tay và rơi xuống nước. Anh vội đuổi theo, nhưng lưỡi rìu đã biến mất trong dòng nước chảy xiết. Vốn không biết bơi, anh tiều phu tội nghiệp loay hoay mãi vẫn không tìm được cách nào lấy lại lưỡi rìu. Nhưng nếu không có nó, anh chẳng thể đốn củi được, vậy thì lấy gì kiếm sống qua ngày đây? Đúng lúc đó, bỗng một ông cụ đột ngột xuất hiện trên mặt nước với dáng vẻ hiền từ, phúc hậu. Ông hỏi anh tiều phu tại sao lại cứ ngồi mãi bên bờ sông vậy, thì được anh giải thích về chuyện đánh rơi lưỡi rìu. Nghe xong, ông liền bảo anh chớ lo lắng, vì ông sẽ giúp anh tìm lại lưỡi rìu.
Nói rồi, ông liền lặn xuống dòng nước sông đang chảy xiết. Một lát sau, ông xuất hiện với một lưỡi rìu bằng vàng sáng chói. Ông đưa nó cho anh tiều phu và bảo anh nhìn xem đây có phải lưỡi rìu mà anh đánh rơi không. Ngay lập tức, anh lắc đầu từ chối. Nghe vậy, ông lão gật đầu rồi lại lặn xuống nước. Chờ khi ông xuất hiện lần thứ hai, thì trên tay cầm theo một lưỡi rìu bằng bạc. Cũng như lần thứ nhất, anh tiều phu lắc đầu từ chối. Thế là ông lão lại lặn xuống sông lần thứ ba. Khi xuất hiện lần nữa, trên tay ông là một lưỡi rìu bằng sắt đã cũ, được mài nhẵn bóng. Lúc này, anh tiều phu mới vui sướng xin nhận lại lưỡi rìu. Sự vui vẻ của anh khiến ông lão bật cười. Sau khi đưa lưỡi rìu bằng sắt cho anh, ông đưa tay biến ra hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc lúc nãy đem tặng cho anh luôn. Anh tiều phu ngơ ngác nhìn hai lưỡi rìu đó, định đưa lại cho ông. Thì ông đã vội biến mất trong làn sương mờ ảo. Trước khi biến mất, ông để lại lời nhắn rằng, đó là phần thưởng cho sự trung thực của anh tiều phu.
Câu chuyện “Ba lưỡi rìu” vừa là một câu chuyện hay, vừa truyền tải bài học ý nghĩa cho người đọc. Tình tiết thử thách lòng trung thực trong câu chuyện cũng rất hấp dẫn và thú vị. Thật xứng đáng là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nước ta.
Bài văn kể lại một truyện cổ tích mẫu 2
Trong dân gian ta, những nhân vật thông minh, tài trí luôn được yêu thích hơn cả. Vì vậy, câu chuyện Em bé thông minh đã thu hút em ngay từ lần đọc đầu tiên.
Câu chuyện xoay quanh những lần giải đố nhanh trí của cậu bé thông minh. Lúc ấy, nhà vua cử người đi khắp cả nước để tìm người tài giúp nước. Thế là, viên quan đã gặp cậu bé đang cùng cha cày ruộng. Viên quan đưa ra một câu hỏi hóc búa là “Con trâu kia một ngày cày được bao nhiêu đường?”. Cậu bé lập tức đố ngược lại ông ta rằng “Ngựa của ông một ngày đi được mấy bước?”. Điều đó khiến viên quan tin rằng cậu chính là nhân tài, vội về bẩm tấu cho đức vua.
Nghe báo, vua mừng lắm, nhưng chưa tin hẳn, nên quyết định thử thách cậu bé. Ông sai người ban cho làng cậu ba thúng xôi nếp, ba con trâu đực, yêu cầu phải nuôi làm sao có nghé con nộp lên. Nhận lời đố, cậu bé không hoang mang, mà mời dân làng đồ xôi, thịt trâu ăn uống. Sau đó lên kinh gặp vua. Đến đó, cậu khóc lóc um sùm đòi vua bảo bố sinh em trai cho mình. Hành động ấy khiến vua tin tưởng tài trí của cậu.
Lần thử thách tiếp, nhà yêu cầu cậu làm thịt một con chim sẻ để làm cỗ. Ngay lập tức, cậu bé đưa cho viên quan một cái kim, nhờ vua rèn kim thành dao để mổ thịt chim. Lần này, thì vua thực sự tin tưởng vào tài trí hơn người của cậu bé rồi.
Đúng lúc ấy, nước láng giềng sang nước ta dò thám xem có người tài hay không, bằng một câu đố siêu hóc búa: xâu sợi chỉ qua đường ruột của vỏ ốc. Điều này cả triều đình đều bó tay. Ấy thế mà cậu bé nghĩ ra cách giải ngay, lại còn hát lên thành ca khúc nữa. Thật là thông minh, thật là tài tình. Lần này, cả triều đình và sứ giả, ai cũng nể phục trí tuệ của cậu bé.
Qua những thử thách thú vị, câu chuyện Em bé thông minh vừa khẳng định được trí tuệ dân gian, lại vừa đem đến những tiếng cười giải trí, thú vị cho người đọc.
Bài văn kể lại một truyện cổ tích mẫu 3
Sọ Dừa là câu chuyện cổ tích đầu tiên em được đọc, và đó cũng là câu chuyện em yêu thích nhất.
Chuyện kể về một người đàn bà, vì uống nước trong cái gáo dừa, mà mang thai và sinh ra đứa con có ngoại hình xấu xí, kì lạ. Thế là bà đặt tên cho con là Sọ Dừa. Tuy vẻ ngoài xấu xí, đi lại bất tiện, nhưng Sọ Dừa vẫn rất chăm chỉ, chịu khó. Chàng đã nhờ mẹ xin cho được đi chăn bò của nhà phú ông. Đáp lại sự nghi ngờ của mọi người, chàng không chỉ trông được đàn bò, mà còn chăm chúng béo tốt. Trong thời gian ấy, con gái út của phú ông không ngại vẻ ngoài của Sọ Dừa, mà vẫn mang cơm đến cho chàng. Cảm động, chàng nhờ mẹ đến hỏi cưới cô. Ngày cưới, Sọ Dừa trở về hình dáng bình thường, khôi ngô tuấn tú, lại có nhà rộng, gia nhân tấp nập khiến ai cũng ngạc nhiên. Không chỉ thế, sau khi kết hôn, Sọ Dừa còn chăm chỉ dùi mài kinh sử, thi đỗ Trạng Nguyên. Điều đó khiến cho hai chị gái của vợ chàng hết sức ghen ghét.
Nhân lúc Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị rủ cô em ra biển chơi, rồi đẩy cô xuống nước, hòng cướp đoạt vị trí vợ Trạng Nguyên. Nhưng may mắn, nhờ vào hòn đá lửa, con dao và mấy quả trứng gà Sọ Dừa dặn mang theo, mà cô em gái sống sót được. Cuối cùng, khổ tận cam lai, hai vợ chồng đoàn tụ được với nhau, sống hạnh phúc đến cuối đời. Còn hai cô chị xấu xa thì tủi hổ mà bỏ đi biệt xứ.
Qua câu chuyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã gửi gắm chúng ta bài học về cách đối nhân xử thế, không nên quan trọng vẻ bề ngoài, mà phải chú trọng đến phẩm chất. Một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng, thông minh thì mới là người đáng quý.
Bài văn kể lại một truyện cổ tích mẫu 4
Trong những câu chuyện cổ tích đã được đọc, được nghe, em thích nhất là chuyện Thạch Sanh.
Truyện kể về về một đôi vợ chồng già, sau bao năm tháng mong ngóng, cũng sinh được một người con là Thạch Sanh. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn ngủi, Thạch Sanh sớm phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cảnh tứ cố vô thân, trong túp lều rách nát dưới gốc đa. Cả gia tài của chàng chỉ là một chiếc rìu sắt. Sau này, chàng được thiên thần dạy cho nhiều phép biến hóa thần thông.
Thấy Thạch Sanh chăm chỉ, hiền lành, Lý Thông lừa chàng về sống cùng để làm việc cho hắn. Vốn khao khát tình thân, Sanh đồng ý ngay. Nào ngờ, lại bị hắn lừa đi nộp mạng cho Chằn Tinh. Chưa hết, khi Thạch Sanh tiêu diệt được kẻ ác, thì Lý Thông lại lừa chàng thêm lần nữa để cướp công. Nhờ vậy, Lý Thông được vua ban thưởng hậu hĩnh, còn Thạch Sanh thì lại trở về sống lầm lũi dưới gốc đa.
Một lần đi hội, Thạch Sanh nhìn thấy con đại bàng tinh bắt cóc một người con gái. Vội đuổi theo giải cứu hết mình. Khi đang loay hoay, chàng gặp Lý Thông, và đề nghị cùng hắn phối hợp giải cứu công chúa. Ngờ đâu, sau khi cứu được công chúa, Lý Thông gian xảo lại lần nữa cướp công chàng, cho lấp cửa hang lại. Bị nhốt, Thạch Sanh vẫn không nản chí, chàng cố tìm lối ra ngoài, nhờ vậy mà cứu được con trai vua Thủy Tề đang bị nhốt. Sau lần đó, chàng nhận được một món quà là cây đàn thần kì.
Hoạn nạn qua đi, vừa trở lại nhà, thì Thạch Sanh lại bị nhốt vào ngục tối, do hồn Chằn Tinh và đại bàng tinh hãm hại. Đau buồn, chàng lấy đàn ra và trút hết nỗi lòng mình. Tiếng đàn bay xa, bay vào cung cấm, giúp công chúa bị câm có thể nói lại được. Nhờ vậy, Thạch Sanh có cơ hội minh oan cho mình, còn mẹ con Lý Thông gian ác bị vạch mặt. Chàng có cho mẹ con chúng được về quê, nhưng giữa đường chúng bị sét đánh chết. Sau này, Thạch Sanh trở thành phò mã. Khi chư hầu mười tám nước đem quân sang đánh, chàng đã thông minh, dũng cảm dùng chiếc đàn thần và niêu cơm thần để đánh bại sĩ khí của kẻ địch. Giúp quân ta chiến thắng mà không có ai phải hi sinh. Thế là, dưới sự tin phục của bao người, Thạch Sanh lên ngôi vua.
Câu chuyện cổ tích Thạch Sanh không chỉ hay và hấp dẫn. Mà nó còn ẩn chứa những bài học quý giá về cách sống, cách làm người.
Bài văn kể lại một truyện cổ tích mẫu 5
Em đã từng được đọc rất nhiều câu chuyện cổ tích thú vị. Nhưng câu chuyện khiến em ấn tượng nhất, vẫn là câu chuyện Cây tre trăm đốt.
Truyện kể về một anh chàng nông dân chăm chỉ lại thật thà. Vì đem lòng yêu mến con gái phú ông, mà anh làm việc quần quật hết lòng cho ông ta, không lấy tiền công. Thế mà đến lúc cô gái chuẩn bị lấy chồng, phú ông lại bắt anh phải tìm được một cây tre trăm đốt. Tuy biết khó khăn, anh vẫn phải đồng ý đi tìm. Suốt bao ngày vất vả, khó khăn lặn lội trong rừng tre, anh nông dân tội nghiệp vẫn chẳng tìm được cây tre nào có đủ trăm đốt cả. Bất lực, buồn đau, anh ngồi bệt xuống đất mà khóc.
Thấy vậy, bụt hiện lên và hỏi thăm anh. Biết rõ ngọn nguồn sự tình, bụt bảo anh đi chặt đủ một trăm khúc tre về đây, rồi sẽ dạy anh thần chú. Nghe vậy, anh mừng lắm, vội vàng đi chặt tre ngay. Đủ khúc tre, bụt dạy anh hai câu thần chú “khắc nhập khắc nhập” và “khắc xuất khắc xuất” để ghép các đốt tre lại với nhau. Mừng rỡ vô cùng, anh cảm ơn bụt và vội vàng trở về nhà. Ngờ đâu, ở nhà, tên phú ông lại đang làm đám cưới cho con gái mình và một tên phú ông khác. Tức giận quá, chàng liền đọc thần chú, dính tên địa chủ và tên nhà giàu vào khúc tre, không sao gỡ được. Phải đến lúc ông ta chịu thực hiện lời hứa, anh mới thả ra. Cuối cùng, sau bao nhiêu cực khổ, anh nông dân cũng cưới được người mình thương.
Câu chuyện Cây tre trăm đốt đã được các tác giả dân gian gửi gắm vào ước mơ về một xã hội công bằng. Những người hiền lành, chăm chỉ thì chắc chắn sẽ được hạnh phúc, còn kẻ tham lam thì sẽ bị trừng trị thích đáng.
4. Kể lại truyện Thạch Sanh bằng lời văn của em (8 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể truyện cổ tích Thạch Sanh bằng lời văn của em
5. Kể lại truyện Sọ Dừa bằng lời văn của em (6 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể truyện cổ tích Sọ Dừa bằng lời văn của em
6. Kể lại truyện Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em (6 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em
7. Kể lại truyện Con Rồng cháu Tiên bằng lời văn của em (12 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể truyện Con Rồng cháu Tiên bằng lời văn của em
8. Kể lại truyện Sơn Tinh Thủy Tinh bằng lời văn của em (22 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể truyện Sơn Tinh Thủy Tinh bằng lời văn của em
9. Kể lại truyện Thánh Gióng bằng lời văn của em (11 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể truyện Thánh Gióng bằng lời văn của em
10. Kể lại truyện Tấm Cám bằng lời văn của em (6 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể chuyện Tấm Cám bằng lời văn của em
11. Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em (2 mẫu)
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tại đây Kể lại truyện cổ tích Cây khế bằng lời văn của em