Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em lớp 6
Kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của em Cây khế
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm các hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Dàn ý Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em
a) Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện cổ tích mà em muốn kể lại bằng lời văn của mình: truyện cổ tích Cây khế
b) Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện Cây khế theo trình tự thích hợp:
- Một gia đình nọ có hai anh em trai có tính cách đối lập nhau (người anh độc ác, lười biếng, tham lam, dối trá >< người em hiền lành, chăm chỉ, trung thực, tốt bụng)
- Khi cha mất, người anh dành hết toàn bộ gia sản, chỉ chia cho em trai một cây khế già và một túp lều cũ
- Người em hằng ngày đi làm thuê chăm chỉ, thường xuyên giúp đỡ bà con nên được mọi người yêu quý
- Cây khế già của người em ra hoa, kết quả, cho rất nhiều trái ngọt, thu hút một con chim thần đến ăn
- Người em kể cho chim nghe về hoàn cảnh khó khăn của mình, xin chim đừng ăn khế nữa
- Nghe xong lời người em, chim thần cất tiếng người dặn người em may túi ba gang mang theo đựng vàng
- Chim thần chở người em bay qua biển rộng núi cao, tới đảo vàng cho người em lấy đầy một túi ba gang rồi chở người em về nhà
- Người em trở nên giàu có, nhưng vẫn sống chan hòa, thường giúp đỡ bà con nên nhanh chóng trở nên nổi tiếng
- Người anh biết chuyện, liền lân la sang nhà hỏi thăm, rồi đòi đổi nhà cửa của mình lấy cây khế già của em
- Người anh giả vờ than thở với chim để được chim chở ra đảo vàng
- Khi được chim chở ra đảo vàng, người anh lén mang theo một chiếc túi mười hai gang, rồi nhồi nhét đầy vàng trong đó, sau đó nhét thêm cả vào túi áo, túi quần
- Lượng vàng nặng nề khiến chim thần cố gắng mãi mới bay lên cao được, nhưng lại vô tình gặp phải bão lớn, bị thổi bay xuống biển
- Chim thần vỗ cánh bay lên cao nhanh chóng, còn người anh do số vàng buộc trên người quá nặng nên đã chìm xuống đáy biển
c) Kết bài: Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về câu chuyện cổ tích vừa kể
Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em Ngắn gọn
Câu chuyện cổ tích đầu tiên mà em được đọc, chính là truyện Cây khế.
Câu chuyện kể về hai anh em trong một gia đình nhưng có tính cách đối lập nhau. Anh trai tham lam, độc ác bao nhiêu thì em trai lại hiền lành, chăm chỉ bấy nhiêu. Cha mất, anh trai dành hết gia sản, chia cho em mình mỗi túp lều nhỏ và một cây khế già. Người em không một lời oán than, chấp nhận dọn ra ngoài. Ngờ đâu, nhờ cây khế già đó sai trái, thu hút một con chim thần đến ăn quả. Mà người em được chim thần chở ra đảo vàng để lấy vàng trả cho tiền khế. Nhờ vậy, người em trở nên giàu có. Biết chuyện, người anh liền đòi đổi nhà cửa lấy cây khế. Rồi anh ta bắt chước em mình than thở với chim thần. Nhưng khi ra đảo, hắn lại mang theo chiếc túi mười hai gang. Đã vậy, còn nhét thêm vàng vào túi áo, túi quần. Điều đó, làm chim thần mãi mới chở hắn bay lên được. Ngờ đâu trên đường về gặp bão lớn, chim bị xô ngã xuống biển. Chim thần thì nhanh chóng vùng lên được, còn người anh thì bị số vàng trên người nhanh chóng kéo xuống biển sâu.
Từ kết cục đó, chúng ta nhận được bài học rằng: sống ở đời không nên quá tham lam, độc ác. Nếu không sẽ phải gánh lấy hậu quả khó lường.
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu ngắn gọn tại đây Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em Ngắn gọn
Kể lại truyện Cây khế bằng lời văn của em lớp 6
Truyện Cây khế là một trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam mà em yêu thích nhất. Em đã đọc đi đọc lại câu chuyện này rất nhiều lần, lần nào cũng thấy truyện rất hay và ý nghĩa.
Câu chuyện kể về hai anh em trai trong cùng một gia đình nhưng tính cách trái ngược hoàn toàn. Người anh trai vừa keo kiệt, bủn xỉn lại độc ác, nên chẳng được mấy ai yêu quý. Ngược lại, người em rất chăm chỉ làm ăn, thường xuyên giúp đỡ bà con nên ai ai cũng yêu quý. Sau khi kết hôn, hai gia đình vẫn sống cùng người bố già yếu. Tuy nhiên, khi bố vừa qua đời, người anh trai lập tức lấy danh nghĩa anh cả, đuổi vợ chồng người em ra khỏi nhà rồi độc chiếm gia sản. Hắn lấy hết ruộng đất, nhà cửa về phần mình rồi chia cho người em một cây khế già và túp lều tranh cạnh đó.
Dù bị anh trai đối xử tệ bạc, người em vẫn không hề oán trách hay hậm hực. Anh ta cùng vợ dọn ra túp lều nhỏ và tiếp tục cuộc sống bình dị. Hằng ngày, anh cùng vợ đi làm thuê trong làng kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tối đến lại tưới nước, bón phân, chăm sóc chu đáo cho cây khế già. Trời không phụ lòng người, năm đó, cây khế cho ra rất nhiều quả. Quả nào cũng to, thơm ngon và mọng nước. Vì vậy, hai vợ chồng người em vui mừng khôn xiết.
Ngờ đâu, một ngày nọ, có con chim lạ từ xa bay về, đậu trên cây rồi ăn khế chín. Chim to nên ăn khỏe, lại ngày nào cũng đến, khiến quả trên cây vơi dần đi. Thấy vậy, người em hết sức buồn rầu, bền ra tâm sự với chim, mong chim đừng ăn khế nữa. Thật bất ngờ, con chim lớn ấy lại biết nói tiếng người. Nó quay ra trả lời người em, rằng mình sẽ dùng vàng để trả cho những quả khế đã ăn, dặn người em may túi ba gang mang theo để đựng. Sáng hôm sau, như lời hứa, chim lớn đến đưa người em bay đến đảo vàng. Đứng trước cả hòn đảo ngập vàng bạc, người em chỉ lấy đúng số vàng bằng chiếc túi chim đã dặn. Khi trở về nhà, người em và vợ dùng số vàng đó để làm ăn, nhanh chóng trở nên giàu có.
Còn người anh, thấy em trai như vậy, liền lân la đến hỏi bí quyết. Người em thật thà liền chia sẻ hết với anh mình. Hay tin, người anh liền đòi đổi nhà cửa của mình để lấy cây khế của em trai. Thấy anh kiên quyết, người em bèn gật đầu. Sau khi người anh làm chủ cây khế, chim lại đến ăn và hứa với hắn ta như đã hứa với người em. Tuy nhiên người anh tham lam đã làm trái lời hứa với chim lớn. Hắn may chiếc túi to gấp bốn lần, đã vậy còn cố bốc vàng bạc cho vào túi áo, đeo lên cổ để có thể mang về nhiều hơn. Điều đó khiến cho chim thần chật vật mãi mới bay lên được. Trên đường về băng qua biển rộng, có cơn bão lớn quét qua, chim không trụ được đã rớt xuống biển. Nhưng ngay lập tức, chim bay vọt lên và thoát chết. Còn người anh độc ác thì vì trên người nặng trịch toàn vàng bạc đã bị nước biển nhấn chìm.
Kết cục ấy thật xứng đáng cho một kẻ độc ác và tham lam như người anh. Còn người em trai thì được sống cuộc sống bình yên, hạnh phúc ở quê nhà. Từ kết thúc ấy, ông cha ta nhắn nhủ một bài học ý nghĩa, rằng ở hiền thì ắt sẽ gặp lành.