Tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6
Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Dàn ý Tả cảnh gói bánh chưng ngày tết
a) Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt mà em muốn miêu tả: cảnh gói bánh chưng ngày tết
- Cảnh gói bánh chưng đó diễn ra ở đâu? Vào ngày nào? Nhằm mục đích gì?
- Có những ai cùng tham gia cảnh sinh hoạt này? Tâm trạng, cảm xúc của mọi người như thế nào?
b) Thân bài: Kể lại diễn biến cảnh sinh hoạt gói bánh chưng ngày tết:
- Trước khi diễn ra cảnh sinh hoạt:
- Mẹ đi chợ mua lá dong, ống giang từ hôm trước
- Sáng ngày gói bánh, mẹ đi chợ sớm mua thịt lợn
- Bà dậy sớm vo gạo nếp, rửa sạch đỗ xanh rồi đem ngâm cho mềm ra
- Em và anh trai rửa lá dong cho thật sạch rồi lau khô bằng khăn
- Bố chẻ ống giang thành từng sợi lạt nhỏ, sau đó chuẩn bị củi cho bếp
- Ông quét sân, trải chiếu, sẵn sàng cho việc gói bánh
- Khi diễn ra cảnh sinh hoạt:
- Bố bê chậu đựng nếp, đỗ ra giữa chiếu, rồi gấp lá dong làm tư, cắt thành các hình vuông có kích thước bằng nhau
- Mẹ đi chợ về, lấy thịt lợn ra thái thành từng miếng to như bốn ngón tay, ướp qua với gia vị rồi đưa ra chiếu gói bánh
- Bố ngồi gói bánh chưng vuông, còn mẹ gói bánh chưng dài (bánh tét)
- Bàn tay bố mẹ nhanh thoăn thoắt, khéo léo lót lá, buộc dây, điêu luyện như nghệ nhân
- Mỗi khi bố mẹ cho nhân thịt và đỗ, sẽ cố gắng cho thật nhiều vì em và anh trai thích ăn bánh nhiều nhân, nhưng cũng có những chiếc bánh rất ít nhân vì ông bà thích ăn bánh dày vỏ
- Những chiếc bánh được đánh dấu phần nhân bằng cách buộc dây, thể hiện tình cảm ấm áp dành cho nhau
- Sau khi diễn ra cảnh sinh hoạt:
- Bố đổ nước vào nồi bánh, bắc lên bếp để luộc
- Mẹ chuẩn bị các xiên thịt, hải sản, rau củ để cả nhà cùng ngồi nướng ăn
- Vừa ăn, mọi người vừa bàn về kế hoạch cho những ngày tết, rất vui và rôm rả
c) Kết bài:
- Nêu tình cảm, cảm xúc của em về cảnh sinh hoạt mà mình vừa miêu tả
- Nêu ý nghĩa của cảnh sinh hoạt đó với bản thân em và gia đình em
Tả cảnh gói bánh chưng ngày tết Ngắn gọn
Năm nào cũng vậy, vào ngày 28 tháng Chạp, bố em sẽ gói bánh chưng để đặt lên bàn thờ. Tuy chỉ gói có bốn cặp bánh thôi và nhiều người vẫn bảo là nên mua cho đỡ mất công. Nhưng bố em vẫn cương quyết gìn giữ truyền thống gói bánh chưng ngày Tết này.
Năm nay, ngày 28 trời rét hơn hẳn mọi năm. Đã gần 7 giờ sáng mà trời vẫn còn mịt mờ màn sương giăng. Thấp thoáng ngoài cổng là hình ảnh chiếc xe máy đỏ tươi quen thuộc. Đó là mẹ em vừa đi chợ sớm về. Mẹ mang vào thịt lợn và đỗ xanh để gói bánh. Còn bố thì soạn ra xấp lá dong đã rửa và gạo nếp ngâm từ khuya hôm qua. Chờ mẹ thái thịt và đồ đỗ xanh chín, bố cũng vừa hay cắt xong những chiếc lá dong thành từng miếng vuông vức. Để tăng thêm không khí, em vào nhà, mở một chương trình Nhạc Xuân lên cho cả nhà cùng nghe, sau đó mới ra sân trước để xem bố gói bánh. Đầu tiên, bố xếp hai sợi dây lạt vuông góc với nhau, rồi đặt khuôn gói bánh lên chính giữa. Tiếp theo là gấp bốn mảnh lá dong thành góc vuông, xếp vào khuôn. Chỉnh trang cho lá đúng vị trí xong, bố trải từng lớp nguyên liệu theo thứ tự từ dưới lên là: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, đỗ xanh rồi gạo nếp. Biết em thích ăn nhiều nhân, ít gạo nếp nên bố chỉ dàn một phần gạo nếp vừa đủ để làm vỏ bánh mà thôi. Cuối cùng bố gấp phần lá ở trên mặt bánh lại, rút khuôn ra và buộc chặt dây lạt. Như vậy là đã hoàn thành chiếc bánh bưng rồi. Các công đoạn ấy lặp đi lặp lại cho đến khi hết nhân và lá. Phần nhân thừa còn lại không đủ làm một cái bánh chưng to, nên bố đã gói thành cái bánh chưng nhỏ bằng nắm tay cho em. Xong xuôi, bố đem bánh đi luộc. Còn em thì thu dọn và quét sạch góc nhà vừa gói bánh. Sau đó thì đem nồi, mâm, tô… đi rửa sạch. Phần thưởng cho sự chăm chỉ đó của em là chiếc bánh chưng nhỏ xíu chín đầu tiên trong cả nồi.
Em thích hoạt động gói bánh chưng ngày Tết lắm. Bởi nó giúp em cảm nhận rõ hơn không khí Tết trong gia đình. Đồng thời cũng giúp em cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm của bố với mình qua từng chiếc bánh.
Tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6
Theo thông lệ hằng năm, cứ vào sáng 29 Âm Lịch, bố em sẽ gói bánh chưng để thắp hương ông bà và cho cả gia đình ăn trong dịp Tết Nguyên Đán.
Gói bánh chưng là việc mà em luôn ngóng đợi mỗi mùa Tết, bởi lúc này không khí Tết đã sôi sục lắm rồi. Sáng đó, em dậy từ sớm, ăn sáng và chạy theo bố ra sân gói bánh. Nào lá dong, gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lạt mềm đều đã được bố chuẩn bị từ tối trước, giờ chỉ việc gói thôi. Trước đó, bố không quên bảo em vảo nhà, mở mấy bài nhạc xuân lên nghe cho càng thêm có không khí Tết.
Bố em gói bánh điệu nghệ lắm, chẳng cần khuôn đâu. Từ mấy chiếc lá xếp lên nhau, bố cho nhân vào đầy ú ụ. Một lớp nếp mỏng, dàn đều, đổ lên nắm đỗ xanh, thêm lớp thịt lợn nạc mỡ có đủ dày, rồi lại đỗ xanh, gạo nếp. Sau đó, bố khéo léo gấp lá lại, buộc thật chặt bằng dây lạt tước mỏng. Bố vuốt gập mấy cái, thế mà thành cái bánh chưng vuông vức, thần kì vô cùng. Vừa gói, bố vừa kẻ cho em nghe chuyện Tết ngày xưa. Rằng bố đi học thì mong Tết thế nào. Bánh chưng ngày ấy có phần nhân ra sao. Kẹo mứt hồi đó bà nội tự làm như thế nào. Ôi, cuốn hút vô cùng. Đến cuối, còn dư một phần nhân và lá, bố đã làm cho em ba chiếc bánh chưng nhỏ bằng bàn tay, thích lắm. Chỉ mong sao, bánh chín thật nhanh, để em được ăn thử ngay mấy chiếc bánh nhỏ xíu đó. Phải công nhận rằng, những cái bánh nhỏ được ăn thử trước ấy, luôn là những chiếc bánh chưng ngon nhất.
Buổi gói bánh chưng của nhà em là như thế đó. Tuy bình dị, nhưng vui vẻ, ấm cúng vô cùng. Chính nhờ có những dịp như thế, mà em và bố được ngồi tâm sự với nhau lâu hơn và càng thêm thấu hiểu, yêu thương nhau thêm.
Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết
Tết năm vừa rồi, nhà em cùng về quê ngoại để đón Tết với ông bà sau hai năm xa cách vì dịch Covid, thế là em lại được ngồi gói bánh chưng với ông bà.
Như thường lệ, tối 28 Âm lịch, bà ngoại đem gạo nếp, đỗ xanh ra rửa sạch, ngâm sẵn với nước, rồi thái thịt lợn, tẩm ướp sẵn sàng. Còn ông thì rửa sạch lá dong, lá chuối rồi lau khô nước, rải đều lên mẹt cho ráo nước. Xong xuôi, ông quay qua tỉa ống giang thành từng sợi lạt mỏng và dài, đều như là máy cắt ấy.
Sáng hôm sau, trời vừa tờ mờ sáng, ông bà đã dậy để gói bánh. Tầm này mọi hôm mẹ gọi mãi em chẳng dậy ngay được, thế mà nghe tiếng ông bảo gói bánh thôi nào, em tỉnh ngay. Ông trải một cái chiếu ở sân trước, chỗ có mái che, rồi bắt đầu di chuyển dụng cụ gói bánh ra. Em cũng lóc cóc xách đồ phụ ông bà, xếp gọn gàng. Thấy vậy, bà cười khen em đã lớn rồi khiến em ngại ngùng lắm. Xong xuôi, bà ngoại tranh thủ lên chợ, mua đồ để nấu cơm trưa, còn em với ông thì ngồi gói bánh. Theo sự chỉ dẫn của ông, em cắt lá, gấp nếp rồi xếp lạt để phụ ông gói nhanh hơn. Rõ là em đã lớn, mà trong mắt ông thì vẫn còn nhỏ lắm. Đến chỗ cho đậu xanh vào, ông cứ nhắc: “Cháu thích ăn bánh nhiều đỗ xanh, nên cái này ông ưu tiên, cho đỗ xanh thật nhiều, ăn cho thỏa thích nhé!”. Cái nào ông cũng bảo vậy, rồi vun cho thêm nhiều thịt lợn, khiến phần nhân đầy ú ụ. Tình thương của ông dành cho con cháu thể hiện như thế đấy. Nhìn bàn tay ông gói từng lớp lá, rồi dặn dò em ra Tết nhớ mang về nhà để ăn, bánh này ngon lắm đấy, lòng em vui sướng như cá gặp nước mát. Chao ôi, thật là thích biết bao khi đã lớn thế này rồi, mà vẫn được ông yêu thương, chiều chuộng. Đến cuối cùng, khi đã xong xuôi, ông ngoại còn gói thêm những chiếc bánh mini chỉ bằng bàn tay thôi. Nhìn chúng, em lại nhớ hồi mới lớp 1. Tết năm đó, em nằng nặc đòi ông phải gói cho cái bánh bé xíu để đi khoe với bạn bè. Đã nhiều năm trôi qua, lần nào gói bánh, ông cũng gói dư ra những chiếc bánh chưng nhỏ như thế cho em cả. Thời gian làm thay đổi nhiều thứ, nhưng chắc chắn, tình thương ông dành cho em thì mãi vẹn nguyên như thế.
Gói bánh xong, ông xếp bánh vào chiếc nồi lớn để chuẩn bị đi nấu. Còn em thì dọn dẹp sân cho sạch sẽ. Một buổi sáng gói bánh chưng trôi qua không có gì đặc biệt, mới mẻ, nhưng em vẫn vui lắm. Vì em được ngồi với ông thân yêu của mình, được tiếp nối truyền thống của gia đình suốt mấy chục năm qua. Thật đáng quý biết bao những khoảnh khắc tuyệt vời như thế này.
Tả cảnh sinh hoạt ngày Tết lớp 6
>> Xem các bài văn hay tại đây Văn mẫu lớp 6: Tả không khí ngày Tết quê em Hay nhất