Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê (Khuê oán) của Vương Xương Linh

Bài văn mẫu lớp: Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê (Khuê oán) của Vương Xương Linh là tài liệu văn mẫu lớp 10, tổng hợp các bài tham khảo hay giúp các bạn học sinh hoàn thành tốt bài kiểm tra sắp tới đây của mình, với chủ đề phân tích bài thơ nêu lên tâm trạng của người con gái, nỗi oán hận của người phòng khuê trong bài thơ Khuê oán do tác giả Vương Xương Linh sáng tác. Mời các bạn tham khảo.

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê mẫu 1

Vương Xương Linh (698 – 757), tự là Thiếu Bá, quê ở Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ông nổi tiếng rất sớm về tài văn chương. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông ra làm quan nhưng con đường hoạn lộ của ông gặp nhiều trắc trở. Rời chốn kinh đô về làng được một thời gian, ông bị tên thứ sử ở địa phương hãm hại. Thơ ông vừa giàu tính hiện thực, vừa đậm đà chất trữ tình, phản ánh những vấn đề lớn của thời đại như chiến tranh, thương đau, mất mát... Đặc biệt, ông thường đi sâu phân tích và thể hiện tâm lí, tình cảm của nhiều loại người như tầng lớp trí thức, tướng sĩ, binh lính, những thiếu phụ có chồng ngoài mặt trận... Trong số những kiệt tác của ông thì bài Khuê oán (Nỗi oán của người phòng khuê) được người đời hâm mộ và truyền tụng rộng rãi bởi nó được coi là tiêu biểu cho tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa của dân chúng thời Thịnh Đường.

Phiên âm chữ Hán:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tố mịch phong hầu.

Dịch thơ tiếng Việt:

Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.
Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu.

(Nguyễn Khắc Phi dịch)

Hai câu thơ đầu giới thiệu nhân vật trữ tình trong bài thơ này là thiếu phụ thuộc tầng lớp quý tộc phong kiến, có chồng đang tham gia chinh chiến nơi xa. Có lẽ do sinh ra và lớn lên giữa cảnh xa hoa, nhung lụa nên cô chưa biết thế nào là cảnh hòn tên mũi đạn và những đau thương tang tóc của chiến tranh. Cũng vì thế mà tâm trạng cô vô tư, hồn nhiên như trẻ nhỏ. Ngày ngày, cô trang điểm thật đẹp đẽ, xinh tươi rồi lên lầu cao ngóng về phương xa, mong người chồng trở về thỏa mộng công danh:

Phân tích bài thơ Khuê oán

Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.

Ở đây có sự hòa hợp, tương đồng giữa người với cảnh. Giữa thiên nhiên mùa xuân xanh tươi tràn đầy sức sống, hình ảnh thiếu phụ trẻ trung, kiều diễm lại càng thêm lộng lẫy. Ấy thế nhưng điều éo le, trớ trêu cũng lại nằm ngay trong sự hòa hợp, tương đồng ấy bởi mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi; mà khuê phụ thì lại đang sống trong cảnh phòng khuê chiếc bóng. Cho nên, tâm trạng của nàng chắc cũng không ngoài tâm trạng chung của những người vợ trẻ có chồng ra trận. Thái độ vui vẻ, hồn nhiên nếu là có thật thì cũng rất mong manh. Chỉ cần một yếu tố nào đó của ngoại cảnh tác động vào là nó sẽ tan nhanh như màn sương dưới ánh mặt trời.

Hai câu thơ sau nói đến yếu tố làm thay đổi đột ngột tâm trạng của khuê phụ:

Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu.

Cái màu dương liễu xanh mơn mởn mà khuê phụ chợt thấy lúc vừa bước lên lầu cao đã làm cho dòng cảm xúc của nàng nhanh chóng đổi chiều. Màu dương liễu tượng trưng cho mùa xuân, tuổi trẻ và gợi lên khát vọng hạnh phúc. Nó cùng khơi dậy nỗi buồn biệt li trong lòng khuê phụ. Buổi chia tay, theo phong tục, nàng tặng chàng một nhành dương liễu để biểu thị tình cảm lưu luyến và ước mong ngày chàng sớm trở về đoàn tụ. Nay chàng đang ở nơi đâu? Sống chết ra sao? Đã hay chưa thỏa chí tang bồng?

Cảnh ấy gợi tình này mà tình này (tức nỗi nhớ thương) thì cứ dâng lên mãi. Nhớ thương pha lẫn hối tiếc và ân hận. Nàng hơi tiếc là đã để chồng đi tòng quân, cố lập chiến công để rồi được làm quan, kiếm tước hầu vua ban cho. Bản thân và gia đình, gia tộc sẽ được vẻ vang, nở mày nở mặt... Nhưng suy ngẫm kĩ thì tất cả những cái đó chỉ là ảo tưởng mà thôi; còn thực tế là nỗi sinh li, mà sinh li nhiều khi còn xót xa, đau đớn hơn tử biệt.

Thời gian qua mau, tuổi trẻ cũng qua mau, hạnh phúc lứa đôi dang dở. Tương lai gắn với chiến tranh lại là thứ tương lai bấp bênh, lành ít, dữ nhiều. Và cái giá phải trả cho "giấc mộng công hầu" của những trang nam nhi thời loạn là quá đắt, có khi bằng cả mạng sống.

Bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt trong bài Khuê oán có cấu trúc ngắn gọn nhưng nội dung hàm súc, ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả. Trong mỗi câu thơ, tình và điệu hòa quyện với nhau, tạo nên âm hưởng nhịp nhàng, du dương, dễ đi sâu vào lòng người.

Bằng bút pháp miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, nhà thơ Vương Xương Linh đã mượn tâm trạng của một khuê phụ trẻ để thông qua độ lên án chiến tranh phi nghĩa gây đau thương, mất mát cho mọi gia đình, cướp đi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc của bao người. Trải qua hàng ngàn năm, bài thơ vẫn sống mãi trong lòng những thế hệ yêu mến và hâm mộ phong cách thơ trữ tình thanh tao, sâu nặng của Vương Xương linh – một trong những thi sĩ nổi tiếng thời Thịnh Đường.

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê mẫu 2

"Khuê oán" - một tác phẩm nổi tiếng của Vương Xương Linh đồng thời cũng là một đề tài luôn được chú tâm trong xã hội phong kiến bấy giờ. Đó là cảnh vợ chồng phải chia tay vì người chồng phải đi nơi xa xôi chinh chiến. Đã có nhận định cho rằng: "Khuê oán là một đề tài thường gặp trong thơ. Những cấu từ đặc biệt của bài thơ này đã thể hiện quá trình tâm lý, bộc lộ được cả phần "tiềm ý thức" của người khuê phụ khiến bài thơ 28 chữ này rất tinh tế, đầy gợi cảm và đầy thuyết phục.

Vì vậy đây là một bài thơ tiêu biểu cho tiếng nói phản đối chiến tranh". Đi sâu vào từng câu chữ, ta có thể thấy rõ điều đó. Một bài thơ vô cùng ngắn gọn và được mở đầu bằng hai câu thơ khiến độc giả không khỏi bất ngờ:

"Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.

(Trẻ trung nàng biết chi sầu

Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương.)

Người phụ nữ xuất hiện ngay đầu bài thơ là người chinh phụ, có người chồng phải ra nơi biên ải xa xôi chiến đấu. "Bất tri sầu"- kỳ thay, người chinh phụ này lại không mang trong mình một chút buồn tủi nào, cô ấy vẫn cứ vô tư mà đưa chồng ra chiến trận. Mở đầu bài thơ đã là một tình huống ngược với nhan đề, quả là một nghệ thuật đặc sắc của tác giả. Ngày ngày, người thiếu phụ ấy, vẫn chăm chỉ quen với công việc thường ngày dù có thiếu bóng dáng của người chồng.

Nàng biết tận hưởng những ngày xuân đẹp đẽ, luôn biết làm đẹp cho mình "ngưng trang", biết lên lầu ngắm cảnh du xuân. Dường như lúc này, "sầu" của thiếu phụ chưa xuất hiện. Nhưng rồi cảm xúc gì đến rồi cũng đến:

"Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu."

(Nhác trông vẻ liễu bên đường"

Phong hầu", nghĩ dại, xui chàng kiếm chi!).

Một sự xáo trộn, đảo lộn trong tâm trạng người thiếu phụ ấy. Hạnh phúc là khi có chồng ở bên cạnh, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay, và giờ đây, nàng chợt nhận ra, nàng chỉ có một mình cô đơn lẻ bóng. "Màu dương liễu" - một hình ảnh ẩn dụ gợi hình, gợi tả khiến cho người thiếu phụ không khỏi suy ngẫm khi bắt gặp cành liễu xanh.

Những cành liễu xanh rờn trước gió, uyển chuyển thướt tha, khiến người thiếu phụ nghĩ về những năm tháng tuổi trẻ của mình, đáng lẽ mình phải có chồng ở bên tận hưởng ngày tháng tươi đẹp ấy, mà mình lại đã lỡ để chàng đi tham gia trận chiến nơi xa xôi mà đeo đuổi "phong hầu". Đồng ý cho chàng đi bởi muốn chàng lập công lao lớn, nhưng người vợ ấy đã hối hận vì để cho chàng đi, ở nơi biên ải xa xôi đầy hiểm nguy đó, không biết bao giờ chàng mới có thể trở về mà đoàn tụ với nàng.

"Khuê oán" - một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật chỉ vẻn vẹn với 28 chữ đã làm nổi bật lên nỗi ân hận của người chinh phụ đã để chồng đi tham gia chinh chiến. Với biện pháp nghệ thuật như hình ảnh ẩn dụ "dương liễu" kết hợp với phép đối trong tâm trạng của người phụ nữ đã khiến cho bài thơ trở nên đặc sắc hơn mà đầy sự tinh tế.

Có thể thấy nhận định "Khuê oán là một đề tài thường gặp trong thơ. Những cấu từ đặc biệt của bài thơ này đã thể hiện quá trình tâm lý, bộc lộ được cả phần "tiềm ý thức" của người khuê phụ khiến bài thơ 28 chữ này rất tinh tế, đầy gợi cảm và đầy thuyết phục. Vì vậy đây là một bài thơ tiêu biểu cho tiếng nói phản đối chiến tranh" là hoàn toàn đúng đắn.

Bài thơ của Vương Xương Linh là một bài thơ hay, ý nghĩa, là tiếng nói tố cáo những trận chiến phi nghĩa khiến cho người người, nhà nhà trong cảnh chia ly phân tán. Hơn thế nữa, bài thơ còn nói lên khát vọng một cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc bên gia đình trên mọi miền đất nước từ quá khứ cho đến tương lai.

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê mẫu 3

Vương Xương Linh là một trong những nhà thơ thời Thịnh Đường. Thơ ông hiện còn 186 bài, trong đó đặc sắc nhất là thơ thất ngôn tuyệt cú. Vương Xương Linh với phong cách tinh tế, trong trẻo, thường đề cập đến cuộc sống của tướng sĩ nơi biên cương, nỗi oán hờn của người cung nữ, nỗi li sầu biệt, hận của người thiếu phụ khuê các, tình bằng hữu chân thành trong sáng.

"Khuê oán" của Vương Xương Linh là một bài thơ hay viết về đề tài chiến tranh, về công danh, tình yêu và tuổi trẻ, những vấn đề luôn luôn day dứt trong tâm hồn con người mọi thời đại trước Vương Xương Linh, cùng thời với Vương Xương Linh và cả sau Vương Xương Linh. ‘‘Khuê oán" là một đề tài thường gặp trong thơ nhưng cấu tứ đặc biệt của bài thơ này đã thể hiện được quá trình tâm lí, bộc lộ được cả phần "tiềm ý thức" của người khuê phụ, khiến bài thơ 28 chữ này rất tinh tế, đầy gợi cảm và đầy tính thuyết phục. Vì vậy nó đã trở nên một bài thơ tiêu biểu cho tiếng nói phản đối chiến tranh".

Cái độc đáo của bài thơ này là ở cấu tứ của nó thể hiện qua quá trình chuyển biến tâm trạng của người khuê nhu từ vô tư (bất tri sầu) sang hối hận. Nhan đề là Khuê oán mà câu thơ mở đầu lại là: Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu. Đây là một phản đề. Chồng ra trận mà người thiếu phụ lại "không buồn" vì thời Thịnh Đường, Trung Quốc là một nước giàu mạnh và có lãnh thổ rộng lớn nhà Đường đã phái quân đội ra trấn thủ biên cương và nếu thuận lợi thì "mở mang bờ cõi".

Nhiều người ra biên cương và nếu thuận lợi thì "mở mang bờ cõi". Nhiều người ra biên cương với hi vọng lập công để được phong hầu. Bởi vậy, người thiếu phụ có chồng ra trận mà vẫn thanh thản và vẫn làm công việc "muôn thuở" của người phụ nữ khuê các: trang điểm. Trang điểm rồi lên lầu ngắm cảnh cũng là chuyện bình thường. Lên lầu rồi, "chợt thấy màu dương liễu đầu đường"; "Màu dương liễu" trong thơ Đường (và thơ cổ Trung Quốc) là hình ảnh tượng trưng cho nỗi biệt li.

Mùa đang xuân, người đang trẻ tuổi mà phải biệt li, nàng chợt cảm thấy hối tiếc tuổi xuân, hối hận vì đã để chồng đi tìm kiếm ấn phong hầu. Ấn phong hầu chẳng biết có tìm được không nhưng sự thực thì chồng vợ phải sinh li. Mà sinh li này cũng có thể là tử biệt, vì "Xưa nay chinh chiến mấy ai về" (Vương Hàn, Lương Châu từ). Chính niềm hối hận ấy cho nàng nhận thấy cái "ấn phong hầu" thật vô nghĩa so với hạnh phúc bình dị trong sự sum vầy. Cũng chính niềm hối hận ấy khiến nàng "oán" cái ấn phong hầu, oán chiến tranh phi nghĩa đã gây nên bao cảnh sinh li tử biệt.

Muốn giải thích vì sao khi thấy "màu dương liễu" người khuê phụ lại hối hận đã để chồng đi tìm kiếm "ấn phong hầu", cần phải biết ý nghĩa tượng trưng của "màu dương liễu". Ở Trung Quốc người ta trồng rất nhiều cây liễu. Mùa xuân màu liễu xanh biếc khắp nơi. Bởi vậy màu dương liễu thường tượng trưng cho mùa xuân và tuổi trẻ. Trong tiếng Trung Quốc, từ liễu và từ lưu phát âm gần giống nhau.

Do đó mỗi khi chia tay nhau, người ở lại thường bẻ một cành dương liễu tặng cho người ra đi với ngụ ý tặng nhau niềm tin lưu luyến. "Chiết liễu tặng biệt" từ lâu đã thành một phong tục. Bởi vậy trong thơ cổ Trung Quốc, đặc biệt là trong thơ Đường, "cành liễu", "màu dương liễu" hay động tác "bẻ liễu" đã trở thành một hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho sự li biệt.

Khi thấy "màu dương liễu", người khuê phụ bỗng nghĩ đến tuổi trẻ của mình đang trôi qua mà vợ chồng thì xa cách mãi vì chồng đang đi ra trận lập công để kiếm "ấn phong hầu". Bởi vậy người thiếu phụ "Hối hận đã để chồng đi tòng quân để tìm kiếm ấn phong hầu".

Trong 28 chữ của bài thơ, động từ hối (hối tiếc và hối hận) là quan trọng nhất, thể hiện thái độ oán ghét chiến tranh. Nhưng phó từ hốt (bỗng, chợt) cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Trước cái khoảnh khắc "chợt (hốt) thấy màu dương liễu" là sự vô tư (bất tri sầu), sau khoảnh khắc "chợt thấy màu dương liễu" là nỗi hối hận và hờn oán. "Màu dương liễu" như một giọt chất xúc tác nhỏ vào tâm lí của người khuê phụ khiến phản ứng tâm lí lập tức xảy ra, từ vô tư đột biến thành "hối hận". Phó từ "hốt" chính là chiếc bản lề của sự đột biến ấy.

Với 28 chữ, bài "Khuê oán" tiêu biểu cho tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa của nhân dân thời Đường, cũng là của toàn nhân loại. Bởi bài thơ đề cập đến một vấn đề mang tính quy luật: chiến tranh phi nghĩa chỉ đem những điều sinh li tử biệt đến con người. Đó cũng là giá trị nhân đạo và ý nghĩa hiện đại của bài thơ Khuê oán. Nó nói lên ước vọng hòa bình, ước vọng hạnh phúc muôn thuở của con người trong mọi thời đại.

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê mẫu 4

Có những bài thơ Trung Quốc mà đã để lại cho chúng ta những bạn đọc Việt Nam biết bao nhiêu cảm xúc và suy nghĩ về cuộc đời của những người xưa. Thơ Đường có nhiều kiệt tác về đề tài chiến tranh. Tuy không nói trực tiếp đến sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng từ nỗi sầu biệt hận của người thiếu phụ phòng khuê.

Nếu như Việt Nam ta có bài thơ Chinh Phụ Ngâm thể hiện được nỗi lòng chinh phụ có chồng đi đánh giặc thì văn học Trung Quốc có Nỗi oán của người phòng khuê. Bài thơ đã cất lên tiếng nói căm ghét oán hờn đối với chiến tranh. Với một bài thơ như Khuê oán thì hàng trăm mũi tên phản chiến ắt còn phải chịu thua xa.

Bài thơ vẻn vẹn chỉ có bốn câu thơ nhưng Vương Xương Linh vẫn thể hiện được quá trình chuyển biến tâm trạng của người khuê phụ. Bài thơ đã thể hiện rõ được tâm trạng của người thiếu phụ ấy vì sự trôi chảy của thời gian khiến cho cô phải suy nghĩ trăn trở. Đồng thời qua bài thơ thể hiện sự phản đối chiến tranh ngay giữa đời Thịnh Đường.

Về tri thức văn hóa thì ta thấy được quá trình phát triển của thơ Đường người ta chia ra làm bốn giai đoạn lớn. Thứ nhất là sơ Đường: Đây là thời kì chuẩn bị, bao gồm cả việc tiếp nhận truyền thống thơ của các thời đại khác với phong vị "phong, tuyết, nguyệt, hoa" kết hợp với việc đổi mới thơ ca với tên tuổi của Trần Tử Ngang. Thơ Sơ Đường có tứ kiệt là Vương Bột, Lạc Tân Vương, Lô Chiếu Lân, Dương Quýnh.

Thứ hai là thời Thịnh Đường: đây là thời đại phát triển rực rỡ gắn liền với những cái tên nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ hay Vương Xương Linh… Thứ ba là thời Trung Đường: Đặc điểm của thời kì này là nhà Đường đi vào suy thoái cho dù loạn An – Sử đã được dẹp tan. Tiêu biểu cho thơ ca thời Trung Đường là Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên. Thứ tư là từ thời Thái Hòa trở đi, nhà Đường suy sụp không cứu vãn được. Các nhà thơ tiêu biểu là Lí Thương Ẩn, Đỗ Mục.

Về thể loại thì đây là thể loại phái thơ biên tái ra đời trong thời kì này với nhiều cách thức phản ánh và nhìn nhận khác nhau về cuộc chiến đó. Vương Xương Linh qua các bài thơ của mình không ủng hộ cuộc chiến đó. Thơ ông là tiếng lòng sầu bi ai oán, là nỗi đau đòi hạnh phúc bình yên, là tiếng nói phản đối chiến tranh. Về nội dung thì mở đầu bài thơ với hai câu thơ mang đến cho chúng ta một tâm trạng của người thiếu phụ ấy. Đó là một tâm trạng vui vẻ ngay cả khi chồng đi chinh chiến phương xa:

"Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,

Xuân nhật ngưng trang thương thúy lâu"

(Cô gái phòng the chửa biết sầu

Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu)

Cô gái ấy chưa biết sầu buồn là gì bởi vì cô vẫn còn vô tư hồn nhiên lắm. người chồng của cô đang đi chinh chiến nhưng cô không lấy làm buồn. Cô vẫn ngày đêm vui vẻ vô tư như thế. Hai từ "khuê các" thể hiện sự giàu sang phú quý của những bậc tiểu thư. Cô gái ấy vẫn thức dậy và trang điểm một cách tỉ mỉ dạo lên lầu. Tâm trạng cô vui vẻ như bao giờ hết, thế nhưng đến hai câu thơ sau tâm trạng cô bỗng nhiên thay đổi.

Không cần nói thêm một điều gì, không cần một câu thơ để chuyển ý tâm trạng nhà thơ cứ thế thể hiện theo trình tự mà vẫn làm cho người đọc thấy được sự chuyển biến tâm trạng ấy:

"Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu."

(Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu

Hối để chồng đi kiếm tước hầu.)

Cây liễu ở đây thể hiện cho tuổi thanh xuân của một đời người hay cụ thể hơn là một người con gái. Tâm trạng của cô đang vui bỗng nhiên chuyển thành buồn. Cô nghĩ đến tuổi trẻ của mình và không cần ai nói gì không cần nghe gì mà bản thân cô tự nhận ra và từ tâm trạng vui cô thấy buồn. Và từ sự nhận thức ấy khiến cô không thể vô tư được nữa. Cô nhớ thương đến chồng mình và đã hối hận khi để chồng lâm vào cảnh chiến tranh để phong hầu phong tước. qua đây nhà thơ thể hiện sự phản đối chiến tranh vì chính nó đã làm cho những người vợ chồng phải xa nhau cách trở.

Về nghệ thuật, bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Cách đặt vấn đề có vẻ khác lạ với tiêu đề bài thơ, tạo ra một kiểu phản đề. Người thiếu phụ chẳng biết sầu vì cho rằng chồng ra trận là hợp với thời đại, là đúng tư cách nam nhi và cũng có thể coi là lí tưởng đối với các gia đình quyền quý.

Cách suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề của người thiếu phụ có vẻ thụ động, đơn giản một chiều. Qua đây ta thấy những nhà văn Trung Quốc cũng thật tài giỏi và hiểu được tâm trạng của người phụ nữ khi có chồng đi xa. Không những đồng cảm với tình yêu đôi lứa bị cách trở mà nhà thơ còn thể hiện sự phản đối chiến tranh của mình.

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê mẫu 5

Tác giả Vương Xương Linh - một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời Thịnh Đường, nổi tiếng với những bài thơ nói về cuộc sống của tướng sĩ nơi biên cương, nỗi oán hờn của người cung nữ, nỗi sầu của người thiếu phụ khuê các... ở chủ đề nào cũng có những kiệt tác. Đặc biệt trong chủ đề về nỗi sầu li biệt của người chinh phụ có bài thơ "Khuê oán", bài thơ không chỉ nói lên nỗi sầu muộn, nhớ thương của người vợ nhớ chồng mà còn thể hiện khao khát hạnh phúc lứa đôi và gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa.

Những năm diễn ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, biết bao người chồng, người cha đã phải rời xa mái ấm, xa rời vợ con và đành dang dở hạnh phúc để làm theo nghĩa vụ. Người chồng của chinh phụ trong bài thơ cũng nằm trong số đó, tuy nhiên những ngày đầu khi chồng mới đi tòng quân, người chinh phụ vẫn chưa cảm nhận được sự đau thương, mất mát, ngược lại vẫn hồn nhiên và vô tư sống rất bình thản:

"Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,

Ngày xuân chải chuốt bước lên lầu."

Sự vô tư hồn nhiên thể hiện rất rõ qua từng hành động của người khuê phụ, đó là trang điểm, chải chuốt và lên lầu ngắm cảnh mùa xuân. Trong khi chồng đang chinh chiến nơi chiến trường biên ải xa xôi, đối mặt với hiểm nguy và cái chết, nàng vẫn chưa nhận thức được mối nguy đó. Mới thiếu vắng bóng dáng người chồng chưa lâu có lẽ nàng chinh phụ vẫn chưa biết sầu mặc, vẫn bình thản với cuộc sống hàng ngày, làm việc bình thường và vui vẻ.

Nhà thơ tuy tả rất ít nhưng lại gợi lên rất rõ tâm trạng của người khuê phụ, nàng hiện lên với vẻ yêu kiều, tiểu thư đài các phong lưu, bởi đã quen cảnh sống trong êm ấm, trướng rủ màn che. Khi chồng đi tòng quân, nàng chưa nghĩ đến được những cái mất mát mà chỉ nghĩ đến khao khát ấn phong hầu cho chồng khi lập được công trên chiến trường. Nàng đâu biết rằng trên chiến trường đao kiếm kẻ thù vô tình, giữ được mạng sống và bình an trở về đã là điều may mắn, chưa nghĩ đến chức tước công hầu. Để rồi khi ngồi trên lầu, nhìn thấy cành dương liễu nàng mới chợt tỉnh ngộ, bừng tỉnh về hoàn cảnh của mình:

"Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,

Hối để chàng đi kiếm tước hầu."

"Màu dương liễu" là màu đại diện cho mùa xuân và tuổi trẻ, màu sắc xanh tươi mơn mởn của dương liễu gợi lên những khát vọng hạnh phúc, không chỉ vậy, cành dương liễu còn là biểu tượng của sự chia li, lưu luyến. "Cành liễu" hay "bẻ liễu" là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho sự li biệt. Chính vì những ý nghĩa này của "màu dương liễu" mà khi người khuê phụ nhìn thấy lại ngộ ra nhiều điều, nàng nhìn dương liễu mà nhớ đến giây phút tiễn biệt chồng ra trận, cảm xúc và tâm trạng của nàng đã hoàn toàn thay đổi.

Đến lúc này nàng đã thấu nỗi buồn li biệt, chồng đi rồi chẳng biết đến khi nào mới trở về và liệu có thể bình an trở về hay không. Nàng nhìn cành dương liễu cũng như đang nhìn hạnh phúc từng ngày dần héo mòn, tuổi xuân của người phụ nữ đâu thể tồn tại mãi mãi, rồi cũng phải phai dần theo năm tháng. Nàng chợt nhận ra hạnh phúc và tuổi xuân đang từ từ tuột khỏi tầm tay mà không thể níu giữ lấy, để rồi nàng ân hận, trách cứ chính bản thân mình khi đã để chồng đi tòng quân.

Khao khát hạnh phúc và mái ấm gia đình giờ đây rất xa vời và ngoài tầm tay của nàng, giờ đây dù nhớ thương chồng da diết cũng chẳng cách nào xoa dịu nỗi nhớ mong ấy, càng không thể gọi chồng trở về, chỉ còn cách chờ đợi trong mỏi mòn, lo lắng. Tương lai tước hầu mà nàng nghĩ đến khi chồng ra trận giờ đây hóa hiện thành khó khăn, hiểm nguy, và cái chết, nàng không dám nghĩ nhiều chỉ biết oán hận cho cái tước hầu ấy, căm ghét chiến tranh phi nghĩa đã đẩy người chồng phải ra trận.

Có thể nói, bài thơ "Khuê oán" của Vương Xương Linh trải qua hàng ngàn năm vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị, sống mãi trong lòng người đọc và được truyền bá rộng rãi. Người đời hâm mộ thơ ông không chỉ vì nội dung gắn liền với cuộc sống, phản ánh hiện thực xã hội mà còn vì sự trong trẻo, tinh tế, thanh tân trong từng câu chữ của phong cách thơ.

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê mẫu 6

Vương Xương Linh, tự là Thiếu Bá; là nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường. Ông làm nhiều thơ hay, được người đời gọi là Thi thiên tử, là Thi gia phu tử Vương Giang Ninh. Ông có nhiều tác phẩm kiệt xuất trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm “Khuê Oán”.

Phiên âm chữ Hán:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tố mịch phong hầu.

Dịch thơ tiếng Việt:

Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,

Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.

Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,

Hối để Chàng đi kiếm tước hầu.

(Nguyễn Khắc Phi dịch)

Mở đầu bài thơ tác giả đã giới thiệu cho người đọc thấy được hình ảnh của một người phụ nữ rất xinh đẹp thuộc dòng dõi quý tộc. Hiện người phụ nữ này có một người chồng đang chiến đấu nơi phương xa. Vì lẽ sinh ra trong nhung gấm lụa là nên người phụ nữ này không hiểu được những đau thương của chiến tranh. Chính điều đó mà tác giả viết người phụ nữ này rất là hồn nhiên và vô lo vô nghĩ vẫn còn trau chuốt làm đẹp cho bản thân của mình.

“Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,

Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.”

Phòng khuê là tổ ấm hạnh phúc gia đình. Suốt một thời son trẻ, mỗi lần trang điểm xong, nàng bước lên lầu đẹp để ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên và cũng như để mong chờ nhìn ra phía xa xăm mong người chồng phương xa trở về với mình. Ở đây tác giả tả đồng thời cả cảnh lẫn người trong mùa xuân xanh non tươi mát ấy là hình ảnh của một người phụ nữ xinh đẹp trẻ trung lại càng thêm lộng lẫy trang hoàng hơn.

Vậy mà ông trời như đang trêu đùa với lòng người, mùa xuân là sự tươi đẹp của hạnh phúc lứa đôi còn người phụ nữ này lại phòng khuê chiếc bóng một mình. Mặc dù vô tư hồn nhiên đến vậy nhưng ắt hẳn tâm trạng của người phụ nữ có chồng ở phương xa cũng buồn và nhớ thương như những người phụ nữ khác.

Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,

Hối để chàng đi kiếm tước hầu.

Màu dương liễu xanh mơn mởn biểu trưng cho tuổi trẻ đầy tình yêu và sức sống. Theo tục lệ thì lúc chia tay tiễn người yêu ra chiến trường người phụ nữ phải tặng người đàn ông một nhành dương liễu để mong đến ngày đoàn tụ. Người phụ nữ ngồi thẫn thờ nhìn về phía xa xăm mà tự nhủ với bản thân không biết chồng mình đang ở chốn nào? Sống chết ra sao rồi? Cảnh ấy mà gợi tình, tâm trạng của người phụ nữ pha lẫn những nhớ thương và nuối tiếc. Người phụ nữ tiếc rằng mình sao lúc đó không giữ chồng ở lại mà cứ để chồng đi như vậy.

Rồi sau đó người phụ nữ chợt nhận ra tuổi xuân đã trôi đi thật nhanh đến mức người chẳng hay, giờ đây nhan sắc xinh tươi đã bị phai nhạt dần theo thời gian sau những năm tháng mong mỏi đợi chờ chồng đầy cô đơn và hưu quạnh. Thực tế đầy phũ phàng ấy người phụ nữ tự trách mình, trách duyên phận của mình là khuê oán.

Đồng thời qua đây tác giả muốn nói lên hạnh phúc mỏng manh của đôi lứa khi đất nước gặp chiến tranh loạn lạc. Thương yêu đến mấy cũng phải cách xa. Mà khi đi ra chiến trường nào ai biết ngày trở về. Cuộc sống thật trớ trêu cứ ngỡ tưởng được hạnh phúc bên nhau vậy mà giờ đây chỉ còn mình người phụ nữ cô đơn lẻ loi suốt ngày ngóng trông chồng trở về.

Tác giả thật độc đáo và tinh tế chỉ với bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt mà đã bao hàm hết nội dung súc tích, ngôn ngữ giàu sức gợi. thể hiện tình yêu hòa quyện giữa cảnh và người để người đọc dễ cảm nhận được ý thơ sâu sắc.

Qua bài thơ này ta thấy rõ được nỗi buồn, cô đơn của người người phụ nữ có chồng đi tòng quân. Ngày ngày người phụ nữ chỉ mong ước chồng trở về để gia đình đoàn tụ. Đồng thời tác giả cũng nên án tố cáo chiến tranh khiến gia đình, hạnh phúc lứa đôi bị chia xa.

-------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê (Khuê oán) của Vương Xương Linh. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các bạn học tập tốt.

Mời các bạn tham khảo bài tiếp theo:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 10

    Xem thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ TwitterSao chép liên kếtQuét bằng QR Code
    Mã QR Code
    Đóng