Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Để bổ sung kiến thức về Ngữ văn và nâng cao kỹ năng viết văn cho các bạn học sinh VnDoc chia sẻ cho các bạn bài Tài liệu Giải thích câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đây cũng là nguồn tài liệu phong phú hỗ trợ cho các bạn học sinh học tốt Ngữ văn lớp 7. Mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn

1. Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ "đi một ngày đàng học một sàng khôn”

Mẫu: Kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Đó là những kinh nghiệm đúc kết từ thời xa xưa của ông bà ta về những kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày. Ca dao, tục ngữ không những phản ánh những kinh nghiệm trong cuộc sống mà còn những hầm ý chúng ta ít ai biết được. Trong đó có câu tục ngữ "đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Không phải ai cũng hiểu rõ về câu tục ngữ này, sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu về câu tục ngữ này.

2. Thân bài

a. Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ “đi một ngày đàng học một sàng khôn”

- Nghĩa đen

  • Đi: đi là đi đây đi đó, đi nhiều nơi, nhiều chỗ,… và tham gia nhiều hoạt động trong xã hội
  • Sàng khôn: nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống, trong xã hội, sự tiếp thu kiến thức mới mẻ và nhiều.

- Nghĩa bóng

  • Bên ngoài xã hội có nhiều điều cần phải học tập
  • Kiến thức vô cùng phong phú nên chúng ta nên không ngừng học tập
  • Luôn biết mở mang kiến thức mọi lúc mọi nơi
  • Luôn biết nắm bắt, đúc kết kinh nghiệm học được
  • Biết được tầm quan trọng của việc học tập và việc tự học

b. Bình luận về câu tục ngữ "đi một ngày đàng học một sàng khôn”

  • Câu tục ngữ có ý nghĩa hoàn toàn đúng
  • Nên đi đây, đi đó để trau dồi kiến thức, hiểu biết
  • Đi càng nhiều càng tốt,nhưng phải đi đúng cách
  • Hiểu biết càng nhiều thì cách xử sự luôn tốt
  • Hiểu biết nhiều vấn đề thì rất tốt cho bản thân
  • Việc học như vậy sẽ có nhiều kinh nghiệm và giúp sức được cho xã hội

c. Phê phán những phương pháp học sai lầm

  • Học vẹt, học tủ,…
  • Không có hướng trong học tập, không biết học để làm gi
  • Luôn ngại học tập, không có tinh thần học tập

3. Kết bài

  • Khẳng định sự đúng đắn của câu tục ngữ
  • Xác định mục tiêu học đúng đắn
  • Có phương pháp học đúng đắn

Mẫu: Câu tục ngữ "đi một ngày đàng học một sàng khôn” là một câu tục ngữ khuyên chúng ta phải thường xuyên học hỏi và đúc kết kinh nghiệm. đó là một trong những kinh nghiệm rất có ích và hữu ích cho mỗi chúng ta. Bạn cần nên học hỏi và làm theo câu tục ngữ để có một kết học tập hiệu quả hơn.

Giải thích Đi 1 ngày đàng học 1 sàng khôn ngắn gọn

Chứng minh câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn ngắn nhất

Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam, em rất thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh “sàng khôn” để ẩn dụ cho một khối lượng tri thức, kinh nghiệm phong phú và dồi dào. Đó chính là thành quả, thành công đạt được sau cả con đường di chuyển. Từ đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ chúng ta là để tăng vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, chúng ta cần phải bước ra thế giới ngoài kia, gặp gỡ, va chạm để biết thêm nhiều hơn những điều chỉ viết trên sách vở. Bởi chỉ có thực hành và trải nghiệm mới giúp ta tích lũy được vốn kiến thức của riêng mình.

Câu tục ngữ đã đề cập đến phương pháp học - một vấn đề vô cùng quan trọng. Kiến thức trong sách vở là rất nhiều, nhưng chỉ là lý thuyết. Chúng ta cần phải thực hành trong cuộc sống thực tiễn mới có thể hoàn thiện bản thân hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta cũng cần phải cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Không nên chỉ nghiêng về một phía để tránh những kết quả tiêu cực.

Hiện nay, trong nhà trường đã rất thành công khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực hành và lý thuyết, giúp học sinh phát triển toàn diện. Đó chính là phương pháp học tập mà cha ông ta vẫn luôn mong muốn và hướng đến từ xa xưa. Dù vậy, vẫn có một bộ phận học sinh quá thiên về lý thuyết, với phương pháp học tủ, học vẹt, dẫn tới kiến thức bị sáo rỗng, khiếm khuyết. Đây là một sai lầm cần phải chấn chỉnh và thay đổi ngay.

Như vậy, câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn đã giúp chúng ta hiểu thêm về tầm quan trọng của phương pháp học. Từ đó, hiểu được sự quan tâm của thế hệ cha ông ta về việc giáo dục cho con cháu.

Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn ngắn gọn

Ông cha ta thường nói rằng “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

“Sàng khôn” được nhắc đến trong câu tục ngữ chính là một kho tàng tri thức phong phú và giá trị. Khối lượng tri thức ấy không chỉ giới hạn trong sách vở, mà còn là những kinh nghiệm, những đúc rút, những cảm nhận trực tiếp. Theo cha ông ta, thì để chiếm lĩnh được kho tàng đó, chỉ đọc sách vở, trên ghế nhà trường là chưa đủ. Mà ta cần phải bước chân ra thế giới ngoài kia, gặp được nhiều điều, thấy được nhiều chuyện, đối mặt với nhiều tình huống. Có như vậy mới học hỏi và biết thêm nhiều điều không có trong sách vở. Đồng thời trau dồi, rèn luyện thêm cho bản thân về cách ứng xử, giải quyết vấn đề.

Từ đó, ông cha ta phê phán những cách học chưa hợp lí. Như học tủ học vẹt. Hay chỉ thiên về lý thuyết sách vở mà không chú trọng thực hành, và ngược lại. Đó là những cách học hỏi sai lầm. Cùng với đó, là chê trách cách học thụ động, chỉ muốn ngồi một chỗ, tiếp thu lượng kiến thức nhất định trong sách vở, mà không chủ động tiến ra, tìm kiếm nguồn tri thức mới cho bản thân mình.

Qua đó, ta thấu hiểu được quan niệm về học tập của cha ông ta. Rằng việc học không bao giờ là đủ. Ta phải không ngừng tìm kiếm ở khắp nơi để trao dồi bản thân. Bài học ấy, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị với thế hệ con cháu mai sau.

Hãy giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn dài nhất

Trong kho tàng ca dao dân ca của dân tộc ta, có một câu tục ngữ rất hay và ý nghĩa về phương pháp học. Đó chính là câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Từ “sàng khôn” là từ chỉ một khối lượng tri thức vô cùng to lớn. Vốn kiến thức thì không thể nhìn hay cân đo đong đếm, nhưng để khẳng định về sự nhiều của nó, người ta đã mượn hình ảnh cái sàng, vật dụng đựng đồ đạc có kích thước lớn để minh họa. Qua đó, tác giả dân gian nhắn nhủ rằng, đi ra ngoài một ngày sẽ học thêm rất nhiều điều mới lạ, bổ ích.

Câu tục ngữ đã nhắc đến một phương pháp, một cách thức, một địa điểm học khác với việc học truyền thống. Theo truyền thống, thì người học sẽ đến trường, đọc sách, nghe thầy giảng bài, truyền thụ tri thức. Nhưng ông cha ta đã rất tiến bộ và khai sáng, khi nhận ra rằng, bên ngoài sách vở, bên ngoài ghế nhà trường, ta còn có thể học thêm những điều tuyệt vời khác, từ những người khác. Ta có thể học hỏi thêm về các kĩ năng sống, về cách ứng xử nói năng, về cách xử lí tình huống. Ta có thể biết thêm về các loài cây cỏ, muông thú, biết thêm về sự lao động vất vả của người nông dân mà thêm trân quý hạt gạo, biết thêm sự vất vả của người thợ mộc mà giữ gìn bộ bàn ghế… Từ đó, có thể thấy được rằng, ta cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình, bước chân ra ngoài xã hội, để được trải nghiệm, được va chạm, được thất bại, được rút ra những bài học ý nghĩa cho riêng bản thân mình. Có như vậy, ta mới có thể trưởng thành, chín chắn hơn được.

Thứ mà ta nhận được sau những chuyến đi ấy là sự thay đổi, dồi dào hơn cả về tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận giới trẻ hiện nay lại chưa nhận thức được điều đó. Họ cho rằng việc học trên ghế nhà trường, học trong sách giáo khoa là đã đủ. Họ thu mình trong bốn bức tường với màn hình máy tính, để dần trở nên chậm chạp, thiếu sự nhanh nhẹn và trải nghiệm. Họ như những bông hoa trong lồng kính, chỉ biết về bầu trời màu xám của lý thuyết nhưng chẳng biết về màu xanh của thực hành. Đáng buồn hơn nữa, là những người học kiến thức ở sách vở, nhà trường cũng không tới nơi tới chốn. Chỉ học tủ, học vẹt, học để đối phó với các kì kiểm tra. Hệ quả là chẳng có chút kiến thức nào đọng lại trong trí óc cả.

Điều đó thật đáng buồn. Để thay đổi hiện trạng đó, trước hết chúng ta phải thay đổi từ chính phương thức giáo dục - điều cần sự kết hợp của cả gia đình và nhà trường, xã hội. Tiếp đó, quan trọng hơn, ta cần phải đánh thức được từ trong tâm hồn của mỗi học sinh niềm đam mê học tập, khiến các bạn nắm được tầm quan trọng của việc học và thay đổi bản thân. Đó là một quá trình dài, nhưng chỉ cần ta có đủ kiên trì và quyết tâm, thì chắc chắn sẽ thành công.

Như vậy, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn thực sự là một câu nói mang nhiều giá trị sâu sắc. Những giá trị ấy đến tận ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.

Giải thích Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Giải thích Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 1

Để khuyến khích con cháu chủ động bước ra thế giới bên ngoài để học hỏi và rèn luyện, ông cha ta thường nói rằng “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Câu tục ngữ sử dụng biện pháp phóng đại để tạo nên sự hấp dẫn cho câu nói. Trí tuệ và kiến thức là những thứ khó mà đong đếm được, nhưng để định hình và tạo nên sự hấp dẫn, tác giả dân gian đã cụ thể hóa nó trong một “sàng”. Ở đây ý chỉ là rất nhiều kiến thức hay và bổ ích. Từ đó, khẳng định rằng, phải đi ra ngoài, gặp gỡ nhiều điều, tiếp xúc nhiều thứ thì mới có thêm nhiều kinh nghiệm, tri thức, mới trưởng thành lên được.

Ý kiến này là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì kiến thức trong sách vở, trong trường học không phải là tất cả. Còn rất nhiều những kiến thức về thế giới rộng lớn, về các kĩ năng, về các bài học ứng xử, đạo đức nữa. Không chỉ vậy, thế giới bên ngoài sách vở còn mang một giá trị to lớn đó chính là thực hành. Mọi lý thuyết trong nhà trường sẽ mãi chỉ là màu xám nếu không được thực hành trong thực tiễn. Vậy nên, để trưởng thành và cứng cáp hơn, để mở rộng tầm hiểu biết của mình hơn, chúng ta cần phải bước ra ngoài và chủ động học hỏi.

Từ đó, câu tục ngữ ý nhị phê phán những trường hợp học không đúng phương pháp. Chỉ chú trọng vào lý thuyết, vào giới hạn trong sách vở, mà không chịu thực hành hay mở rộng phạm vi học hỏi thêm. Đồng thời, câu tục ngữ còn phê phán những trường hợp học tủ, học vẹt, học về hình thức chứ không thực sự khám phá hay thu nạp được chút kiến thức gì cho bản thân.

Như vậy, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đã thực sự thể hiện được cái tầm và cái tâm của ông cha ta đối với vấn đề học hành của con cháu. Vì vậy, để không phụ lòng ông cha, chúng ta cần phải học tập nghiêm túc và chủ động hết mình.

Chứng minh câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 2

Ông cha ta vẫn thường dạy dỗ con cháu rằng “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Câu tục ngữ sử dụng biện pháp tu từ nói quá (một biện pháp tu từ dân gian phổ biến) để ngụ ý một bài học về việc tiếp thu thêm kiến thức. Rằng, chỉ cần đi một ngày đường xa xôi, thì sẽ học được thêm nhiều điều mới lạ, nhiều kiến thức bổ ích.

Đây là một phương pháp học tập vô cùng đúng đắn dù là trong quá khứ hay hiện tại. Ai cũng quen với việc học ở trường lớp, với các kiến thức đã được biên soạn sẵn trong sách giáo khoa và được thầy cô giải thích lại. Thế nhưng đó đâu phải là tất cả của biển tri thức. Chỉ học tập ở lớp, ở trường thì chưa bao giờ là đủ cả. Chúng ta phải bước ra ngoài kia, gặp gỡ, nhìn ngắm những điều mới lạ khác. Bắt gặp những vấn đề khác để giải quyết và rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình. Theo đó, khối lượng hiểu biết của chúng ta sẽ ngày càng nhân rộng hơn. Vốn hiểu biết ấy không chỉ giới hạn ở kiến thức bình thường, mà còn cả về cách ứng xử, cách thực hiện các kĩ năng của cuộc sống hay đơn giản chỉ là cách ta chủ động tìm kiếm cho bản thân các tri thức mới.

Như vậy, câu tục ngữ đã nhấn mạnh về sự chủ động tích cực trong việc học tập. Chúng ta không nên chỉ chờ đợi sự dạy dỗ của thầy cô, mà nên chủ động tìm hiểu thêm những điều mới bên ngoài quyển sách giáo khoa. Đồng thời, câu tục ngữ còn khẳng định sự quan trọng của phần “hành”. Rằng học thì phải đi đôi với hành. Ta học được điều đó trên giấy vở, thì phải bước ra ngoài kia để nhìn ngắm sự thật, cảm nhận sự thật. Đó mới là điều nên làm, chứ không phải suốt ngày giam mình trong bốn bức tường cùng những quyển sách. Cách học ấy không thể khiến ta hoàn toàn chinh phục được kho tàng tri thức.

Qua đó, ông cha ta đã phê phán những người lười học, học thụ động. Chỉ học tập khi bị yêu cầu, bắt buộc và trong một giới hạn rõ ràng. Đồng thời, còn thể hiện sự không đồng tình với những trường hợp gò bó bản thân lại trong giới hạn lý thuyết, mà không giải phóng bản thân, tìm kiếm thêm những kiến thức mới, những chân trời mới.

Như vậy, ngay từ thời xa xưa, ông cha ta đã rất tiến bộ trong cách nhìn nhận về việc học tập và phương pháp học của con cháu. Vì thế, ông cha ta vẫn nhấn mạnh rằng “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 3

Người nông dân Việt Nam xưa quanh năm bó mình trong lũy tre xanh, tầm mắt hạn hẹp, khó mà có thể hiểu hết được mọi điều trong cuộc sống. Vì thế mà trong dân gian mọi người vẫn thường nói với nhau câu tục ngữ: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" để khẳng định rằng để có thể vững vàng bước trên đường đời, chúng ta cần học hỏi thêm nhiều điều từ mọi người, từ cuộc sống xung quanh.

Câu tục ngữ ngắn gọn được chia làm hai vế đã đúc kết một kinh nghiệm vô cùng quý báu của ông cha ta. Vế thứ nhất "đi một ngày đàng" nghĩa là đi xa, đi ra ngoài xã hội, đến những nơi ta có thể chưa tới hoặc đã tới ngang qua. Còn vế thứ hai "học một sàng khôn" chỉ kết quả thu được sau những ngày đi xa như thế, là thành quả mà con người có được ở nơi mới. Như vậy, qua câu tục ngữ này, ông cha ta muốn nhấn mạnh rằng con người có học hỏi, có tìm tòi, hiểu biết thì mới hiểu được đời, hiểu được cuộc sống, bởi cuộc sống này là bao la, còn nhiều điều chờ ta khám phá.

Quả thực rằng "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Câu tục ngữ đã nêu lên một kinh nghiệm hoàn toàn đúng đắn. Vì sao vậy? Bởi một trong những cách con người ta mở rộng vốn hiểu biết là đi ra khỏi, thay đổi môi trường sống của mình để học hỏi, tăng thêm vốn hiểu biết ở những nơi khác, những người khác. Điều này có thể được chứng minh qua việc hàng ngày là bước ra đường, có thể là ngay trên con đường đi học, ta bắt gặp hình ảnh một cụ già đáng thương đến tội nghiệp đang xòe bàn tay run lẩy bẩy ra cầu xin sự giúp đỡ của người qua đường và chợt nhìn thấy một em bé nhỏ, nắm lấy bàn tay cụ đưa cho cụ những đồng tiền lẻ mà em lục tìm hết trong các túi áo. Nhìn cảnh ấy, trái tim ta chẳng lẽ lại không thông cảm hay sao? Chúng ta sẽ thấy thương biết bao và bỗng nhiên trách những người con vô tâm đã để bà cụ khổ đến thế này.

Bước chân và cuộc sống hay bước trên con đường học tập, chúng ta đều có thể học hỏi được rất nhiều điều. Ta biết yêu, biết hờn, biết khóc cho những số phận khổ đau. Hay cùng một nội dung với câu tục ngữ trên, người xưa cũng có câu ca dao đầy chí lí chí tình để khẳng định và chứng minh điều trên: "Đi cho biết đó biết đây / Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn". Ở nhà với mẹ thì sướng đấy bởi ta được mẹ chăm sóc, chở che nhưng con người nếu cứ suốt ngày, suốt năm chỉ biết chôn chân nơi bốn bức tường hạn hẹp thì sẽ trở nên lạc hậu và thiển cận biết bao. Vì thế mỗi người cần phải biết tự học hỏi từ xung quanh để mở mang tầm hiểu biết về cuộc sống, để tự đắp bồi những kiến thức mình chưa có hoặc có mà chưa sâu sắc, đủ đầy.

Cùng với quá trình mở rộng vốn hiểu biết thì câu tục ngữ còn là một kinh nghiệm đúng đắn. Bởi việc đi xa con người mới có thể tự hoàn thiện được mình trên bước đường đời, ta sẽ khó có thể đứng vững được nếu suốt ngày giam mình trong căn nhà nhỏ bé. Hãy nhìn vào tấm gương tiêu biểu vị Cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt hơn ba mươi năm, Bác đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, học hỏi từ nhiều nước, nhiều nơi để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than. Đó là kết quả cho ngày đàng học hỏi không ngừng ấy của Bác, là độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. "Sàng khôn" mà Bác có được, Bác đã dành tặng cho Tổ quốc thân yêu, cho người dân đất Việt thương mến. Thành quả ấy, kết quả ấy làm người sáng lên nhân cách của Người - một vị lãnh tụ tài ba trọn lòng vì nước, hết sức vì dân. Như thế, giữa cuộc đời có nhiều vất vả, khó khăn, có đầy rẫy sự bon chen đi nữa thì đó cũng là nơi ta học được nhiều hơn hết thảy, để đúc rút những kinh nghiệm, để hoàn thiện nhân cách bản thân.

Câu tục ngữ không chỉ đúc rút những kinh nghiệm của cha ông mà còn chính là ước vọng thầm kín được gửi gắm về ước mơ chinh phục thiên nhiên, chinh phục những gì còn là mới mẻ, xa lạ để mở rộng tầm hiểu biết cho mình. Khi đi ra ngoài xã hội, chúng ta có thể bắt gặp được rất nhiều điều hay và cho đến một lúc nào đó dù ta không có ý định học thì vẫn cứ "học" và được "khôn" ra. Những gì đã thu lượm được trên đường đi sẽ là nguồn kiến thức vô cùng quý giá giúp ta trưởng thành hơn trong cuộc sống sau này, ta sẽ có niềm tin để theo đuổi ước mơ, chinh phục thiên nhiên, chinh phục những điều mới lạ. Cuộc sống sẽ mở ra trước mắt ta những thế giới đa sắc màu, nhiều cảm xúc để ta đặt chân tới và khám phá.

Lời khích lệ, ước mong của cha ông ta thật cao đẹp một phần nào đã cho ta tự tin bước vào cuộc sống học hỏi và khám phá. Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy sàng khôn mà cuộc sống dạy chúng ta là rất rộng và có ý nghĩa sâu sắc. Tuy nhiên một điều quan trọng hơn thế đó là khi được tiếp xúc và va chạm nhiều với cuộc sống thực tế, ta phải biết phân biệt được việc làm, hành động nào là sai trái để mà tránh. Đi xa không có nghĩa là đi học thói xấu về khiến quê hương đất nước trở thành nơi người người ai cũng sợ, cũng muốn xa lánh. Hãy biết học hỏi, biết sống sao cho tốt với xã hội, đất nước yêu dấu này. Ngày nay khi cái mới xuất hiện từng giờ, từng phút, đất nước có nhu cầu hội nhập thế giới thì "đi" để "khôn" càng trở nên cần thiết, nhất là đối với giới trẻ. Đối với học sinh - mầm non của đất nước, cơ hội đi đây đi đó để học lấy cái khôn là rất nhiều và thuận lợi. Vì thế hãy biết tận dụng thời gian, sức lực, điều kiện để mở rộng tầm hiểu biết của mình. Nếu chỉ biết sống khép mình, tự thỏa mãn với những gì mình đã có, đó chính là việc mà bạn đang tự tách mình ra khỏi nhịp sống của xã hội sôi nổi.

Ngày nay câu tục ngữ trên vẫn là một chân lý đúng đắn, một lời khuyên chân tình, bổ ích cho những ai muốn mở rộng tầm hiểu biết. Có thể ngày nay cuộc sống hiện đại hơn, nhịp sống phát triển nhanh hơn, nhiều người tự mở rộng hiểu biết của mình thông qua các trang mạng xã hội mà không cần phải đi đâu xa nhưng ý nghĩa của câu tục ngữ trên vẫn không hề thay đổi bởi câu trên chính là một chân lý vững chắc tạc vào thế kỷ, đi sâu vào lòng người.

Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 4

Ông cha ta từ xưa đã có có rất nhiều câu tục ngữ hay, đúc rút thành bài học sâu sắc để lại cho con cháu đời sau. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là câu tục ngữ ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, răn dạy con cháu phải đi đó đây, va chạm vào cuộc sống để tiếp thu học hỏi, nâng cao sự hiểu biết cho bản thân mình.

Để hiểu được ý nghĩa sâu sắc trong câu tục ngữ, trước tiên chúng ta cần cắt nghĩa được hình ảnh trong câu. Nhân dân ta đã sử dụng những hình ảnh rất trừu tượng nhưng lại khá cụ thể “ngày đàng”, “sàng khôn” để truyền tải thông điệp tới mọi người. “Đàng” là một cách nói của nhiều vùng miền trên cả nước, đồng nghĩa với “đường”. Người xưa thường nói khoảng cách bằng ngày đường, một ngày đường hoặc hai ngày đường để tới một địa điểm nào đó. “Sàng” là một vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình người nông dân. “Sàng” to gần bằng cái mâm ăn cơm, được đan bằng tre, nứa dùng để sàng lúa gạo, phục vụ trong lao động, sản xuất và đời sống hàng ngày. Ở đây, tác giả dân gian có một cách nói rất thú vị là “sàng khôn”. Thường thì trí khôn là thứ khó có thể cân, đo, đong, đếm nhưng với cách nói “sàng khôn” khiến cho người đọc người nghe dễ hình dung về số lượng. Bởi lẽ, nhân dân ta từ xa xưa chủ yếu làm nông nghiệp nên cách nói “sàng khôn” phù hợp, dễ hiểu và mang tính chất dân dã đối với mọi người. “Sàng” dùng để sàng lọc lúa gạo, ngũ cốc nên cách nói “sàng khôn” cũng ám chỉ sự chắt lọc, sàng lọc kiến thức, thu nhận kiến thức một cách có chọn lọc chứ không vơ cả. Bởi vậy, nhân dân ta mới nói “sàng khôn”, chứ không nói “rổ khôn” hay “túi khôn”. Câu tục ngữ mang ý nghĩa, con người cứ đi “một ngày đàng” thì sẽ học được cả “một sàng khôn”, còn loanh quanh mãi lũy tre làng thì không khôn lên được.

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Từ việc cắt nghĩa hình ảnh trong câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ông cha ta muốn răn dạy con cháu phải luôn không ngừng học hỏi, đi khắp đó đây, từng trải cuộc sống để nâng cao tầm hiểu biết của bản thân. Ông cha ta từ xa xưa đã nhận thức được sự rộng lớn của tri thức là mênh mông, vô bờ, nếu không chịu học hỏi sẽ tự làm mình trở nên kém hiểu biết, bởi vậy luôn đề cao sự chăm chỉ học hỏi, mở rộng kiến thức.

Câu tục ngữ làm ta nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” có con ếch cả đời chẳng đi đâu, chỉ quanh quẩn trong cái giếng nên tầm nhìn hạn chế, kém hiểu biết. Đến khi được ra khỏi cái giếng thì vẫn giữ thái độ huênh hoang, không sợ ai cả, không chịu nhìn nhận thế giới rộng lớn bên ngoài nên đã bị có trâu dẫm bẹp.

Trong xã hội phát triển hội nhập như ngày nay, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” lại càng có một ý nghĩa lớn lao hơn. Khoa học kỹ thuật, y học…trên thế giới ngày càng phát triển tiến bộ bượt bậc, công nghệ thông tin ngày càng phát triển và thay đổi không ngừng, điều đó càng cần chúng ta phải nỗ lực không ngừng, chịu khó học hỏi, đi khắp năm châu các nước tiên tiến trên thế giới để học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất. Có thế thì đất nước ta mới trở nên giàu mạnh, nhân dân mới ấm no, hạnh phúc. Nếu không chịu học hỏi, tiếp thu thì đất nước sẽ bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh này, thì câu tục ngữ cùng lời răn dạy của cha ông ta là bài học quý báu hơn bao giờ hết.

Qua câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ông cha ta muốn răn dạy con cháu đời đời phải luôn không ngừng nỗ lực học tập, đi đó đây để nâng cao tầm hiểu biết. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ ngày nay, mùa xuân tương lai của đất nước đang nằm trong tay tuổi trẻ, những người nhiệt huyết và hăng hái cần trau dồi tri thức để đưa đất nước phát triển và đi xa hơn nữa.

Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 5

Dù con người luôn chịu khó học hỏi thì vẫn còn đó nhiều điều chúng ta chưa hề biết đến. Nếu bản thân chịu khó đi đây đó để tìm tòi, khám phá sẽ biết được thêm nhiều điều mới lạ. Vì vậy, khi xưa ông cha ta có câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

“Một ngày đàng” là một khoảng thời gian mang tính chất tượng trưng. Tương tự như vậy, “một sàng khôn” cũng là một lượng kiến thức ta tiếp nhận được và không thể đem ra cân, đo , đong, đếm. “Một ngày đàng” – “một sàng khôn” – câu tục ngữ mang hai vế đăng đối rất cân xứng nhau, thể hiện sự tăng tiến đồng đều. Cả câu tục ngữ toát lên rằng nếu bản thân càng chịu khó thoát khỏi vỏ bọc chật hẹp, đi ra ngoài thế giới, tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau, sẽ càng có hiểu biết rộng về xã hội xung quanh. Hơn thế nữa “Sàng khôn” còn có ý thể hiện sự chắt lọc, tiếp nhận kiến thức bên ngoài sẽ càng đem lại hiệu quả cao.

Ngày nay, câu tục ngữ vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đất nước ta đang trong thời kì hội nhập với thế giới. Chính vì vậy, như cầu cấp thiết hiện nay chính là nâng cao kiến thức của con người. Đất nước phát triển đòi hỏi con người phải luôn tiếp thu, học hỏi. Khi đang là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường thì nhà trường chính là một xã hội thu nhỏ, là nơi ta có thể dễ dàng tiếp cận với trí thức của nhân loại một cách bài bản, có chọn lọc. Bởi thế, để có một hành trang vững vàng bước vào đời, học sinh chúng ta cần phải nỗ lực học tập không ngừng nghỉ như lời Lê-nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Hơn nữa, chúng ta cần học những điều bổ ích, thiết thực cho bản thân, tránh tiếp thu những thói hư tật xấu.

Việc học là cả một quá trình dài. Bởi thế bên cạnh ý thức học tập, bản thân chúng ta cũng nên tự đề ra phương pháp học tập hợp lý, có định hướng để đạt được hiệu quả như mong muốn. Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” chính là một bài học quý báu dành cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Đất nước có phát triển được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nền trí thức của các thế hệ mai sau.

Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 6

Kiến thức luôn là thứ vô tận đối với mỗi người. Chúng ta càng tìm hiểu thì càng thấy có nhiều thứ chưa biết và muốn biết. Sự tìm tòi, học hỏi từ mọi người, từ thế giới bên ngoài luôn rất cần thiết. Vì thế mới có câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là kinh nghiệm mà cha ông ta đã đúc rút để truyền cho thế hệ đi sau. Kiến thức mà chúng ta muốn tìm hiểu tựa như đại dương bao la, những gì chúng ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ mà thôi. Bởi vậy không ngừng tìm kiếm, không ngừng học hỏi là điều mà bạn nên biết, nên làm.

Câu tục ngữ có hai vế, hiểu theo nghĩa tường mình thì “Đi một ngày đàng” có nghĩa là đi một ngày ở trên đường, “học một sàng khôn” là chúng ta biết thêm được một điều gì đó bắt gặp ở trên đường

Xét về nghĩa hàm ý thì câu tục ngữ muốn nhắn gửi đến mọi người rằng hãy ra ngoài để tìm hiểu kiến thức, bổ sung cho mình hiểu biết để không tụt hậu. Thế giới bên ngoài luôn có rất nhiều thứ hay ho, nếu cứ mãi ở nhà, mãi ngồi yên một chỗ thì kiến thức cũng sẽ chỉ dậm chân một chỗ mà thôi.

Câu tục ngữ vừa nói đến thời gian vừa nói đến không gian. Chúng ta học hỏi từ mọi người, học hỏi từ văn hóa của vùng miền đó.

Thực sự câu tục ngữ này có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người. Ai cũng muốn bản thân mình hiểu nhiều, biết nhiều, được đi đó đi đây để am hiểu thêm nét văn hóa vùng miền. Vốn sống sẽ được bồi đắp sau mỗi chuyến đi. Không nhất thiết phải đi xa, đi bao lâu, chỉ cần bạn bước chân ra khỏi nhà và nhìn thế giới giới này đang trôi. Bạn sẽ cảm nhận được sự chuyển động bất ngờ của kiến thức, nếu bạn không chịu tìm hiểu thì bạn sẽ mãi không trưởng thành được.

Có rất nhiều người bảo rằng bây giờ lên mạng Internet tìm kiếm thì đầy rẫy ra, cần gì phải đi cho mệt, cho tốn thời gian. Nhưng bạn có biết rằng những thông tin đó chỉ một chiều người đi họ cảm nhận được, còn bạn, bạn chỉ biết đọc và thấy rằng ừ nó đúng hoặc ừ nó sai thôi sao. Cùng một sự việc đó nhưng sự khác nhau giữa việc ngồi nhà đọc báo và ra ngoài nghe ngóng, tận mắt chứng kiến thì điều bạn nhận lại sẽ khác hẳn đó. Đây chính là sự khác biệt giữa thông qua người khác và việc trực tiếp nhìn nhận đánh giá sự việc

Kiến thức như biển cả mênh mông, đi rồi sẽ đến, đến rồi sẽ biết cần phải làm gì, học gì để có thể tồn tại. Không ngừng học hỏi từ người khác, từ mảnh đất khác để trau dồi thêm kiến thức của bản thân mình. Đây là điều mà rất nhiều người vẫn “ngại” học hỏi.

Việc đi nhiều, tìm hiểu nhiều nguồn kiến thức không những bổ sung thêm cho bạn một hệ thống kiến thức lớn mà còn khiến bạn có thể tự tin để xử lý mọi chuyện. Kinh nghiệm luôn được đúc rút từ những va vấp, từ những chuyến đi như vậy. Chúng ta rồi sẽ trưởng thành khi va chạm nhiều, còn chúng ta chỉ mãi mãi nhỏ bé khi cứ nhốt mình trong một căn phòng, và ôm mớ kiến thức có được trên mạng như thế

Đối với những người trẻ thì việc đi và tìm hiểu thông tin, kiến thức lại là rất cần thiết. Vì các bạn đang ở lứa tuổi sống để trải nghiệm, để trưởng thành. Môi trường học đường, bạn bè, và rất nhiều người nữa sẽ khiến cho bạn học hỏi được rất nhiều điều

Xã hội đang ngày càng phát triển, nhu cầu cần những người hiểu biết ngày càng nhiều. Bởi vậy hãy trải nghiệm bằng những chuyến đi, bằng việc học tập người khác

Giải thích Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 7

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" Với câu tục ngữ này, ông cha ta đã mách bảo, khuyên dạy rằng, muốn nên người, muốn hiểu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải lăn lộn với cuộc sống, phải đi nhiều, phải đi đây đó để thu lượm, học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.

Ở câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn, xét về mặt chữ nghĩa, các từ đều khá rõ ràng. Ở đây chỉ có từ đàng là hơi khó hiểu vì nó là từ địa phương miền Trung và miền Nam với nghĩa là đường. Cái khó của câu tục ngữ này là ở chỗ, các từ ngữ kết hợp với nhau tạo nên những đơn vị định danh vừa cụ thể lại vừa rất trừu tượng. Ngày đàng vừa có ý nghĩa không gian vừa có ý nghĩa thời gian. Khi ngày đàng kết hợp với từ chỉ số lượng một tạo thành chỉnh thể một ngày đàng vẫn không tạo nên một đại lượng cụ thể, dễ nắm bắt được. Dẫu vậy, cả vế thứ nhất đi một ngày đàng cũng toát lên cái ý “có sự ra đi trong một khoảng thời gian và không gian nhất định dù là ngắn”. Đây là tiền đề, là cơ sở để tạo nên kết quả học một sàng khôn.

Trong sự đối ứng với vế thứ nhất, đi một ngày đàng thì vế thứ hai học một sàng khôn hàm chỉ kết quả học hỏi, thu nhận được rất lớn. Sàng khôn trong câu tục ngữ này có tính biểu trưng và tạo nên những liên tưởng rất lí thú. Dân gian hay dùng sàng với nghĩa đen chỉ một loại đồ đan bằng tre, hình tròn, nông và thưa có tác dụng làm sạch trấu và tấm cho gạo, để làm danh từ chỉ đơn vị. Đơn vị được đong, đo, đếm bằng sàng trong quan niệm dân gian là lớn và nhiều. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp là cách đối lập giữa số ít và số nhiều. Vậy, học một sàng khôn là học được nhau cái hay, cái tốt của thiên hạ để cho mình khôn lớn hơn, hiểu biết về cuộc sống xã hội.

Nếu thả mình vào trong sự liên tưởng, thì ít nhiều chúng ta lại nghĩ tới một sự biểu trưng khác của từ sàng khôn này. Thông thường, nói đến sàng người ta nghĩ tới cái được giữ lại ở trên sàng là thứ to hơn, ngược lại cái lọt xuống, lọt qua sàng là thứ nhỏ. Lọt sàng xuống nia mà lại! Sàng khôn có lẽ vì thế mà gợi nên sự liên tưởng tới những điều khôn không chỉ có số lượng nhiều nói chung, mà còn là cái số lượng nhiều đã được chọn lọc. Không hiểu cha ông ta có gửi gắm điều này không, nhưng đứng về phía người thưởng thức và sử dụng ngôn ngữ, những liên tưởng như vậy là hoàn toàn có lý. Trở lại câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn, hai vế câu tục ngữ được hỗ trợ của phép đối và điệp dễ gây liên tưởng có tính khẳng định: hễ cứ đi ra là có thể học được điều hay lẽ phải và càng đi nhiều càng khôn lớn trưởng thành. Đó là thông điệp của cha ông gửi lại cho đời sau.

Câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn còn có một dạng thức nữa là đi một quãng đàng, học một sàng khôn. Dạng thức này hình thành trên cơ sở cụ thể hóa việc đi lại bằng đơn vị không gian (quãng đường) chứ không phải là đơn vị thời gian (ngày đàng) như dạng đang xét. Sự thay đổi này không làm phương hại gì đến ý nghĩa của câu tục ngữ.

Gần với câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn về cả ba phương diện cấu tạo và ý nghĩa là câu tục ngữ đi một buổi chợ, học một mớ khôn. Câu tục ngữ này khuyên bảo người đời cần phải tiếp xúc nhiều người, càng tiếp xúc rộng rãi, càng học hỏi được nhiều, và do đó càng hiểu biết, khôn lớn trong cuộc sống.

Giải thích Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 8

Trong cuộc sống, có những điều mà chúng ta chưa hề biết. Những kiến thức đơn giản thì hiển hiện xung quanh chúng ta, còn những điều mới lạ, hấp dẫn thì lại ẩn chứa trong xã hội. Chính vì vậy để có được kiến thức thì chúng ta phải biết tìm hiểu, học hỏi, khám phá. Đó cũng chính là ước nguyện của ông cha ta nên tục ngữ mới có câu rằng: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”

Câu tục ngữ này mang hai vế đối xứng với nhau. “Một” đối với “một”, đó chính là hình thức đối xứng độc đáo. Câu tục ngữ này ý khuyên nhủ chúng ta hãy biết đi đây, đi đó để được mở mang, tích lũy kiến thức, tầm nhìn về xã hội. “Ngày đàng” ở đây là một phép ẩn dụ. Nó không phải là con số cụ thể quy ước mà chỉ một khoảng thời gian mà chúng ta tiếp nhận những điều hay lẽ phải ngoài xã hội. Không chỉ vậy, ngụ ý của tác giả dân gian còn được bộc lộ rằng không phải bất kì cái mới mẻ nào cũng có thể tiếp nhận mà hãy chắt lọc, thấm hiểu để nhận ra sự mới mẻ nào có ích, sự mới mẻ nào có hại mà biết đường đề phòng tránh hay học tập. Điều đó được thể hiện qua từ “sàng khôn”. Không chỉ vậy câu tục ngữ này còn nói lên thế giới đa dạng và phong phú, nếu biết tiếp nhận nó một cách khéo léo thì kết quả thu được sẽ rất lớn.

Thật vậy. Ngoài xã hội có rất nhiều những điều hấp dẫn đối với những người mới tiếp xúc. Đó là nơi văn minh, là nơi giao lưu học hỏi của các tầng lớp, cũng là nơi trao đổi, buôn bán, có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, những công nghệ độc đáo, hay những kiến thức khoa học huyền bí. Từ những cách ăn nói ngoài xã hội đến những hình thức ứng xử, tất cả đều là kiến thức, được khoác nhiều bộ áo trên nhiều phương diện. Mặt tích cực không nhỏ nhưng mặt tiêu cực cũng không phải là ít. Những tệ nạn xã hội, những trò đùa lôi kéo sự đam mê của con người dẫn đến sự lu mờ về đạo đức, nhân phẩm. Có nhiều người mặc dù biết được tác hại của nó nhưng đã dấn chân vào rồi thì khó lòng rút ra được. Do đó ý thức của chúng ta trong việc tiếp nhận kiến thức tốt đẹp là hoàn toàn cần thiết.

Ngày xưa, thời kì vật chất còn xơ xài, ông cha ta ăn vất vả cực nhọc nên ý thức đã nhận ra rằng sự học hỏi là thiết yếu trong việc thay đổi cuộc sống thêm tiến bộ, nhưng có mấy khi có điều kiện để vượt khỏi lũy tre làng. Vì vậy đó là một ước vọng lớn lao của ông cha ta. Không chỉ thời bấy giờ mà ngày này, xã hội ngày một văn minh, đất nước đổi mới, con người đang bước sang kỉ nguyên hiện đại, yếu tố học hỏi là không thể không tồn tại. Để theo kịp những tiến bộ khoa học, con người cũng phải tìm hiểu, học tập lẫn nhau để xứng đáng là một phần tử của đất nước, xứng đáng là một con người văn minh, lịch sự. Chính những sự giàu đẹp của đất nước ngày một tăng cao đã là sự thúc giục trong ý thức học hỏi ngoài đời của mỗi con người. Trong tất cả các môi trường học tập thì dường như xã hội là một nơi sâu thẳm về kiến thức, là nơi chứng kiến biết bao kinh nghiệm của con người và cũng là kho tàng để chúng ta tích lũy. Có biết bao nhiêu điều hay lẽ phải đang chờ chúng ta. Chắc chắn mỗi người đi ra ngoài xã hội đều vấp phải những trở ngại, khó khăn, nhưng chính những điều đó lại càng tăng thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên thì không phải học tập ngoài xã hội chỉ đơn thuần như vậy mà còn cần phải học khôn, học chọn lọc những tinh túy, còn những điều tiêu cực thì lại là mặt trái để chúng ta biết tránh xa.

Nói tóm lại câu tục ngữ trên khuyên răn chúng ta về cách mở rộng hiểu biết, mở rộng vốn kiến thức để tạo nên những thành quả vượt bậc và cách sống cao đẹp

Giải thích Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 9

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn Ông cha ta thường khuyên con cháu phải biết giao thiệp rộng, tiếp xúc với nhiều người để học hỏi, nâng cao tầm hiểu biết của mình, đặc biệt cần phải tránh, không nên thu mình một chỗ, một xó kẻo rồi khi ra cáng đáng việc đời lại bỡ ngỡ, choáng ngợp trước một cuộc sống đa dạng, muôn màu muôn sắc mà hoàn cảnh hạn hẹp theo lối ếch ngồi đáy giếng chưa cho phép một lần được trông thấy, nghĩ tới. Câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn là một trong những lời khuyên sâu sắc và quý giá đó.

Với câu tục ngữ này, ông cha ta đã mách bảo, khuyên dạy rằng, muốn nên người, muốn hiểu biết nhiều, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải lăn lộn với cuộc sống, phải đi nhiều, phải đi đây đó để thu lượm, học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.

Ở câu tục ngữ đi một ngày đàng, học một sàng khôn, xét về mặt chữ nghĩa, các từ đều khá rõ ràng. Ở đây chỉ có từ đàng là hơi khó hiểu vì nó là từ địa phương miền Trung và miền Nam với nghĩa là đường. Cái khó của câu tục ngữ này là ở chỗ, các từ ngữ kết hợp với nhau tạo nên những đơn vị định danh vừa cụ thể lại vừa rất trừu tượng. Ngày đàng vừa có ý nghĩa không gian vừa có ý nghĩa thời gian. Khi ngày đàng kết hợp với từ chỉ số lượng một tạo thành chỉnh thể một ngày đàng vẫn không tạo nên một đại lượng cụ thể, dễ nắm bắt được. Dẫu vậy, cả vế thứ nhất đi một ngày đàng cũng toát lên cái ý “có sự ra đi trong một khoảng thời gian và không gian nhất định dù là ngắn”. Đây là tiền đề, là cơ sở để tạo nên kết quả học một sàng khôn.

Trong sự đối ứng với vế thứ nhất, đi một ngày đàng thì vế thứ hai học một sàng khôn hàm chỉ kết quả học hỏi, thu nhận được rất lớn. Sàng khôn trong câu tục ngữ này có tính biểu trưng và tạo nên những liên tưởng rất lí thú. Dân gian hay dùng sàng với nghĩa đen chỉ một loại đồ đan bằng tre, hình tròn, nông và thưa có tác dụng làm sạch trấu và tấm cho gạo, để làm danh từ chỉ đơn vị. Đơn vị được đong, đo, đếm bằng sàng trong quan niệm dân gian là lớn và nhiều. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp là cách đối lập giữa số ít và số nhiều. Vậy, học một sàng khôn là học được nhau cái hay, cái tốt của thiên hạ để cho mình khôn lớn hơn, hiểu biết về cuộc sống xã hội. Nếu thả mình vào trong sự liên tưởng, thì ít nhiều chúng ta lại nghĩ tới một sự biểu trưng khác của từ sàng khôn này. Thông thường, nói đến sàng người ta nghĩ tới cái được giữ lại ở trên sàng là thứ to hơn, ngược lại cái lọt xuống, lọt qua sàng là thứ nhỏ. Lọt sàng xuống nia mà lại! Sàng khôn có lẽ vì thế mà gợi nên sự liên tưởng tới những điều khôn không chỉ có số lượng nhiều nói chung, mà còn là cái số lượng nhiều đã được chọn lọc. Không hiểu cha ông ta có gửi gắm điều này không, nhưng đứng về phía người thưởng thức và sử dụng ngôn ngữ, những liên tưởng như vậy là hoàn toàn có lý. Trở lại câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn, hai vế câu tục ngữ được hỗ trợ của phép đối và điệp dễ gây liên tưởng có tính khẳng định: hễ cứ đi ra là có thể học được điều hay lẽ phải và càng đi nhiều càng khôn lớn trưởng thành. Đó là thông điệp của cha ông gửi lại cho đời sau.

Câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn còn có một dạng thức nữa là đi một quãng đàng, học một sàng khôn. Dạng thức này hình thành trên cơ sở cụ thể hóa việc đi lại bằng đơn vị không gian (quãng đường) chứ không phải là đơn vị thời gian (ngày đàng) như dạng đang xét. Sự thay đổi này không làm phương hại gì đến ý nghĩa của câu tục ngữ.

Gần với câu tục ngữ đi một ngày đàng học một sàng khôn về cả ba phương diện cấu tạo và ý nghĩa là câu tục ngữ đi một buổi chợ, học một mớ khôn. Câu tục ngữ này khuyên bảo người đời cần phải tiếp xúc nhiều người, càng tiếp xúc rộng rãi, càng học hỏi được nhiều, và do đó càng hiểu biết, khôn lớn trong cuộc sống.

Giải thích Đi một ngày đàng học một sàng khôn mẫu 10

Tri thức của loài người là đại dương mênh mông rộng lớn, muốn tiếp thu được khối lượng tri thức khổng lồ ấy không cách gì tốt hơn đó chính là học. Trong cuộc sống mỗi người không chỉ học trên sách vở, học lý thuyết mà cần học rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày từ những điều nhỏ nhặt, học từ những chuyến đi trải nghiệm mới có thể trưởng thành và hiểu biết về mọi thứ. Cũng bởi vậy mà ông cha ta có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Để hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, trước hết chúng ta phải hiểu nghĩa đen của câu, "đi" là hoạt động di chuyển, "một đàng" tức là đi xa, đến một địa phương, một làng khác, "một sàng khôn" tức là học hỏi được những điều mới, có thêm nhiều hiểu biết, biết thêm những kinh nghiệm, trưởng thành hơn, khôn hơn. Câu tục ngữ ý muốn nhấn mạnh một ngày đi ra ngoài chúng ta sẽ học được thêm nhiều điều mới lạ, có nhiều kiến thức mới, văn hóa mới, cách ứng xử, giao tiếp... và chính những điều học hỏi đó sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Nếu chỉ biết ở nhà thì tự gò bó, tự thu hẹp bản thân mình lại. Bởi vậy. Câu tục ngữ khuyên chúng ta nên bước ra thế giới bên ngoài để trau dồi cho mình thêm những kiến thức bổ ích cho bản thân.

Câu tục ngữ "Đi một đàng học một sàng khôn" được vận dụng nhiều trong thực tế như hàng năm nước ta có nhiều đợt phân chia các cán bộ, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sang các nước tiên tiến học hỏi khoa học kĩ thuật về ứng dụng trong nước. Cuối năm học, nhà trường thường hay tổ chức các buổi tham quan dã ngoại, đến các khu di tích lịch sử, viện bảo tàng, viện nghiên cứu để củng cố kiến thức thực tế cho học sinh, hay để nâng cao khả năng thực hành bên cạnh những lý thuyết được học ở trường. Hay những đợt nghỉ hè, phụ huynh hay tạo điều kiện đưa con em đi du lịch để khám phá và được trải nghiệm văn hóa nhiều vùng miền, nâng cao hiểu biết và đó cũng như một phần thưởng nghỉ ngơi sau một năm học vất vả và lời động viên của bố mẹ để bước vào năm học mới để học tốt hơn. Mỗi vùng đất ta bước chân đến sẽ cho ta những cảm nhận mới mẻ, đầy thú vị về cảnh sắc, con người, văn hóa, ẩm thực để ta có thêm hiểu biết. Mỗi nơi lại có một nền văn hóa riêng, mỗi nơi lại chọn cho mình một tín ngưỡng riêng. Việc “đi” sẽ tạo điều kiện cho chúng ta được đến gần hơn với những giá trị nhân loại ấy. Để minh chứng cho điều đó, chúng ta không thể không nghĩ đến tấm gương sáng là chủ tịch Hồ Chí Minh, người không những ham học mà còn ham trải nghiệm nhiều nơi, nhiều đất nước điều đó giúp Bác hấp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại, sàng lọc và tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.

Cuộc sống có trở nên thú vị, đa dạng, tuyệt vời và đầy màu sắc hay không phụ thuộc vào chính bạn. Một cuộc sống mà vĩnh viễn chỉ thu hẹp trong những bức tường, hay chỉ nhìn ngắm qua những trang báo thì thật buồn tẻ. Làm cho con người mình bị thu hẹp đi, thiếu kỹ năng giao tiếp, cuộc sống như vậy liệu có thực sự có ý nghĩa. Vậy nên, ngay từ bây giờ, hãy định hướng và lên kế hoạch cho bản thân về những hành trình, những cuộc trải nghiệm. Tất nhiên, đi đây đi đó cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, mỗi điều kiện và học, tích lũy những cái hay, cái tốt, cái tinh túy có chọn lọc chứ không phải cái gì cũng học, học một cách bừa bãi. Phê phán thói quen học vẹt, học tủ, lười biếng, ngại vận động, ngại di chuyển, không có tinh thần phấn đấu học tập vươn lên. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi đất nước ngày càng phát triển nếu bản thân không cố gắng học tập, đi nhiều học hỏi, nâng cao hiểu biết thì rất dễ lạc hậu, không bắt kịp sự phát triển của đất nước, của xã hội.

Mỗi câu tục ngữ luôn đúc kết những kinh nghiệm của ông cha, bởi vậy nó hàm chứa những bài học sâu sắc, ý nghĩa khái quát. Câu tục ngữ "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" như đã khái quát một chân lí mang tính quy luật. Chúng ta còn trẻ chẳng có gì ngoài thời gian và sức trẻ vậy tại sao không học hỏi, đi đây đi đó để mở mang tri thức, mở mang tầm nhìn, nâng cao sự hiểu biết, bồi đắp cho mình thêm lỗ hổng kiến thức, Đó đều là những thứ bổ ích, là hành trang theo ta trong suốt cuộc đời.

-------------------------------------------------------------------------------

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Dàn ý và 13 bài văn mẫu cho đề bài Giải thích câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Hy vọng tài liệu sẽ giúp các bạn hiểu hơn về ý nghĩa câu tục ngữ này, từ đó biết cách xây dựng cho mình một bài văn hoàn chỉnh, đủ ý và có tính thuyết phục hơn.

Ngoài tài liệu trên, mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 7 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 7 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 7:

Để chuẩn bị cho kì thi học kì 2 sắp tới, mời các bạn tham khảo các đề thi học kì 2 mới nhất trên VnDoc

Đánh giá bài viết
740 357.757
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm