Nêu nguyên tắc cải tạo vườn tạp
VnDoc xin trân trọng giới thiệu bài Nêu nguyên tắc cải tạo vườn tạp được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Sinh học lớp 11. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Nguyên tắc cải tạo vườn tạp
Câu hỏi: Nêu nguyên tắc cải tạo vườn tạp
Trả lời:
Nguyên tắc cải tạo vườn tạp là:
- Chọn cây, con có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện ở địa phương.
- Cải tạo tu bổ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và trình độ người làm vườn.
- Tuyệt đối không vì cải tạo mà làm giảm hiệu quả kinh tế.
1. Khái niệm về vườn tạp
Vườn tạp là vườn quảng canh, là vườn đầu tư lao động, vật tư, hàm lượng kỹ thuật ít, hiệu quả kinh tế thấp. Vườn tạp là vườn trồng nhiều loại cây ăn quả theo kiểu “mùa nào thức ấy” để cải thiện dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình.
Vườn tạp có thể là vườn trồng một loại cây nhưng nhiều giống khác nhau, tuổi cây khác nhau dẫn đến trái to nhỏ khác nhau, màu sắc quả không đồng nhất, năng suất khác nhau và giá trị kinh tế kém.
2. Đặc điểm của vườn tạp ở nước ta
- Đa số vườn tự sản, tự tiêu là chủ yếu. Vườn là nơi cung cấp rau củ, quả...
- Cơ cấu giống cây trồng trong vườn được hình thành một cách tùy tiện, tự phát.
- Cây trồng trong vườn phân bố, sắp xếp không hợp lý gây ra sự lấn chiếm không gian của nhau.
- Giống cây trồng thiếu chọn lọc kém chất lượng, năng suất kém.
3. Mục đích cải tạo vườn
- Tùy vào điều kiện, gia đình địa phương mà việc cải tạo vườn có mục đích khác nhau.
- Tăng giá trị sản phẩm của vườn thông qua các sản phẩm sản xuất ra.
- Tạo vườn đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.
- Sử dụng triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên.
4. Các loại hình vườn tạp
Theo kết quả điều tra khảo sát thực trạng vườn tạp ở các tỉnh phía Bắc và ở các tỉnh phía Nam cho thấy có các loại hình vườn tạp sau đây:
- Vườn trồng lẫn lộn nhiều loại cây ăn quả (có từ 3 giống hoặc loài trở lên). Vị trí trồng bố trí tùy tiện, sử dụng không gian không hợp lý. Trong quần thể cây trồng ở các vườn mối tương hỗ giữa các cây cùng loài và khác loài diễn biến theo chiều nghịch hơn là thuận, có sự cạnh tranh gay gắt về ánh sáng, độ ẩm và nguồn dinh dưỡng.
- Vườn chỉ có 1 – 2 chủng loại cây ăn quả, nhưng chất lượng giống không tốt. Do thiếu chuyên môn, ham giá rẻ nên rất nhiều chủ vườn mua cây giống của người bán buôn, bán rong nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng cây giống và có sạch bệnh hay không. Có trường hợp họ tự chiết lấy từ các cây đã mang bệnh để trồng (cam, quýt).
- Vườn đã được trồng 1 - 2 chủng loại cây ăn quả đủ tiêu chuẩn về giống song việc đầu tư, chăm sóc, bón phân, tưới nước, quản lý vườn cây không đúng kỹ thuật, dẫn đến cây trong vườn sinh trưởng kém, chậm ra hoa, kém đậu quả, sâu bệnh phát sinh không được phòng trừ kịp thời dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém. Vì vậy thu nhập hàng năm trên vườn thấp.
- Vườn trồng cây ăn quả xen với nhiều loại cây trồng khác như sắn, cây lấy gỗ (xoan, lát hoa, gió trầm, keo) hoặc các cây khác như tre, mây…Trong vườn không nhận thấy cây trồng nào là chủ lực. Loại vườn này thường cho thu nhập rất thấp.
5. Cách cải tạo vườn tạp
+ Cải tạo cấu trúc của vườn gắn cải tạo giống
Thay thế cây tạp bằng một số loại cây mới có tính chọn lọc cao. Không nôn nóng chặt hết các loại cây cũ mà từng bước trồng xen thay dần những cây mới vào. Cây mới phát triển đến đâu tỉa cành cây cũ đến đó để cây mới phát triển. Đến khi cây mới đủ sức mới loại bỏ hẳn. Nên ghép những cây cùng loại còn tốt lên gốc những cây cũ mọc khoẻ. Về cải tạo giống và chọn cây trồng phải đạt các yêu cầu: cây cho năng suất và chất lượng, có khả năng chống chịu thời tiết bất lợi và sâu bệnh. Nên chọn những cây chiết ghép có chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
+ Cải tạo đất và tưới - tiêu
Đất vườn tạp ít được cải tạo nên thường bị chai cứng, thiếu dinh dưỡng, mưa dễ bị úng. Nên cày xới, rải thảm thực vật, bón phân chuồng hoai và phân vô cơ cân đối cho cây. Đất thấp bị úng nên trồng cây chịu úng. Đất cao trồng cây chịu hạn. Đất vườn có nhiều cát giữ màu kém, bị nén chặt cần đổ thêm bùn ao, phù sa, trộn thêm vôi; vườn đất thịt nặng cần đổ thêm cát, cát pha, bón thêm phân chuồng, vôi, lân để giảm độ chua.
+ Bố trí cây trồng
Bố trí cây trồng theo quy hoạch. Khu đất thấp, cao nên bố trí cây trồng mới với cây trồng cũ thành hàng - nanh sấu theo mô hình nông - lâm kết hợp, bố trí cây ăn quả (cây lấy gỗ) ở khu đất có độ dốc cao song song với đường bình độ. Phần đất thấp tiếp theo bố trí những băng cây nông nghiệp. Giữa băng nông nghiệp nên trồng những hàng cây xanh cải tạo đất như: cây đậu săn (đậu triều), cây cốt khí. Có thể trồng xen canh cây họ đậu dưới những cây ăn quả chưa phủ tán. Sau thời gian ngắn, thu hoạch cây họ đậu mà không ảnh hưởng đến cây ăn quả. Tầng cây, tán cây đan xen vừa phải cũng có tác dụng, ví dụ băng cây xoài xen băng cây nhãn, hạn chế được sâu bệnh lây lan. Cách trồng gối cũng được áp dụng, ví dụ: vườn na, đu đủ, mía sắp cỗi, ta có thể trồng vải, nhãn (hoặc một số cây ăn quả khác) bên cạnh để chờ thời gian loại bỏ na, đu đủ, mía, rồi sẽ thu hoạch vải, nhãn (hoặc một số cây ăn quả khác). Cũng có thể trồng những hàng dứa ta, sả, nghệ, gừng dưới tán rừng cây ăn quả (cây lấy gỗ) có tác dụng chống xói mòn và cải tạo đất.
--------------------------
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Nêu nguyên tắc cải tạo vườn tạp. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm môn Sinh học lớp 11, Giải bài tập Sinh học 11, Giải SBT Sinh 11, Chuyên đề Sinh học lớp 11, Tài liệu học tập lớp 11, ngoài ra các bạn học sinh có thể tham khảo thêm đề học kì 1 lớp 11 và đề thi học kì 2 lớp 11 mới nhất được cập nhật.