Soạn bài Thuyết minh về một phương pháp
Soạn bài lớp 8: Thuyết minh về một phương pháp
Soạn bài lớp 8: Thuyết minh về một phương pháp dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8. Mời các bạn tải soạn bài thuyết minh về một phương pháp, môn Văn lớp 8 dưới đây về để chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ 2 sắp tới đây của mình.
I. Soạn bài Thuyết minh về một phương pháp
1. Kiến thức cơ bản
- Muốn thuyết minh về một phương pháp (cách làm), trước hết, người viết phải tìm hiểu để nắm chắc phương pháp đó.
- Khi thuyết minh, cần trình bày rõ những điều kiện, cách thức, trình tự,... tiến hành công việc. Nếu công việc cho kết quả là những sản phẩm thì phải nêu cả yêu cầu, chất lượng đối với sản phẩm đó.
- Lời văn thuyết minh cần ngắn gọn, rõ ràng.
2. Rèn luyện kĩ năng
a. Khi nêu cách làm bất cứ một đồ chơi nào đó, cần trình bày cụ thể các bước:
1) Nguyên vật liệu
- Đồ chơi đó được làm bằng gì (giấy, bìa, đất sét...)? Mỗi thứ cần bao nhiêu? Tiêu chuẩn (cứng, mềm, dài, ngắn...) như thế nào?
- Để làm được đồ chơi đó, cần những dụng cụ (kéo, hồ dán, băng dính, kim khâu, ghim...) gì?
2) Cách làm
Hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng bước, từ pha chế, cắt dán, tạo hình cho đến lắp ghép các chi tiết với nhau.
3) Yêu cầu thành phẩm
Nêu các yêu cầu thẩm mỹ, công dụng... của đồ chơi sau khi hoàn thành.
b. Văn bản Phương pháp đọc nhanh được trình bày như sau:
1) Nêu vấn đề
- Để khẳng định vai trò của việc đọc, người viết sử dụng biện pháp phản đề: Nêu sự phát triển của khoa học thông tin cũng như ý nghĩa của nó đối với con người nhưng đồng thời cũng khẳng định máy móc không thể thay thế được con người, chính con người sáng tạo và lập chương trình cho máy móc.
- Từ mâu thuẫn giữa khả năng đọc thực tế (theo cách thông thường) của con người với kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại, tác giả hướng bạn đọc đến yêu cầu bức thiết phải hình thành phương pháp đọc nhanh.
2) Giải quyết vấn đề
Người viết trình bày các cách đọc theo trình tự từ thấp đến cao.
Ở mức thấp có đọc thành tiếng (quá chậm, mất nhiều thời gian).
Ở mức cao có đọc thầm. Đọc thầm lại được chia làm hai loại: đọc theo dòng và đọc theo ý.
- Đọc theo dòng là cách đọc thông thường, đọc từng câu, từng chữ. ở mức chuẩn (150 - 200 từ/phút) vẫn còn quá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Đọc theo ý chính là phương pháp đọc nhanh. Phương pháp này có những đặc điểm và ưu điểm sau:
- Đọc lướt từ trên xuống dưới (cách này làm cho mắt đỡ mỏi).
- Không bám sát các từ mà nắm chắc các ý.
- Trong một thời gian ngắn, có thể thu nhận đầy đủ các thông tin chủ yếu của một trang sách, một cuốn sách.
- Ai cũng có thể vận dụng được nhưng phải tập trung cao, có ý chí.
3) Kết luận
Trong phần kết luận, người viết trình bày hai thông tin :
- Những tấm gương đọc nhanh: Na-pô-lê-ông (2000 từ/phút), Ban-dắc (4000 từ/phút), Mác-xim Go-rơ-ki (đọc mỗi trang sách chỉ mất vài giây)...
- Làm thế nào để đáp ứng yêu cầu đọc nhanh của toàn xã hội? Người viết nêu: các nước tiên tiến (Nga, Mỹ...) mở các lớp dạy đọc nhanh. Hiệu quả: sau khi tham dự, người đọc có thể đạt tốc độ 1500 từ/phút, thậm chí có thể đạt mức 12000 từ/phút với những bài viết nhẹ nhàng.
Các số liệu trong bài (tốc độ đọc trung bình, tốc độ đọc của các vĩ nhân, tốc độ đọc của người đã qua lớp hướng dẫn) với độ chênh lệch rất cao có sức thuyết phục lớn khi nói đến hiệu quả của phương pháp đọc nhanh.
II. Ví dụ thuyết minh về một cách làm
Dàn ý thuyết minh về bánh chưng ngày tết
1. Mở bài
Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh: bánh chưng ngày tết.
2. Thân bài
a. Khái quát chung
Bánh chưng theo dân gian ta có xuất phát từ câu truyện cổ tích “Bánh chưng bánh giầy”, người phát minh là Lang Liêu, con vị vua Hùng thứ 6. Nhờ 2 món bánh này mà chàng đã trở thành vua, từ đó bánh chưng trở thành một món ăn không thể thiếu vào dịp lễ tết.
b. Thuyết minh chi tiết
Bánh chưng có hình vuông, được gói từ lá dong xanh và buộc bằng lá giang hoặc dây lạt.
Nguyên liệu làm bánh chưng: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn (thịt ba chỉ), lá dong, lạt buộc và một số gia vị (muối, tiêu,…).
Chuẩn bị: lá dong rửa sạch, cắt bỏ cuống cho vuông vắn bằng nhau, gạo nếp sau khi ngâm thì rửa sạch, đậu xanh bỏ vỏ, đồ nhuyễn, thịt lợn cắt miếng khoảng hai đột ngón tay, lạt giang chẻ nhỏ.
Quy trình gói bánh: lấy chiếc khuôn hình vuông sau đó xếp lá theo 4 góc vuông của khuôn, đổ lần lượt gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, đậu xanh, gạo nếp vào trong khuôn đã xếp lá cho thật vuông vắn sau đó gấp phần lá còn lại cho chê hết được nguyên liệu bên trong rồi dùng lạt buộc chặt bánh lại.
Để nấu bánh chưng, người ta chuẩn bị một chiếc nồi bên dưới phủ lá dong còn thừa rồi xếp bánh ngay ngắn, đổ nước ngập bánh rồi bắc lên bếp đun trong khoảng 8-12 tiếng tùy kích cỡ to nhỏ của bánh. Trong quá trình đun, cần phải thường xuyên xem nước trong nồi đã cạn chưa và đổ thêm nước để tránh tình trạng bánh bị cháy.
Sau khi bánh chín, vớt ra để ráo rồi lấy khăn lau sạch bề mặt bánh, chỉnh lại dây lạt cho bánh đẹp nhất có thể, để cho bánh nguội là có thể sắp lên bàn thờ, mang đi biếu hoặc ăn luôn.
c. Ý nghĩa của bánh chưng ngày tết
Bánh chưng là nét đẹp văn hóa, là một trong những biểu tượng của ngày tết cổ truyền Việt Nam. Nó không chỉ là món ăn mà còn là tinh thần được lưu truyền bao năm tháng.
3. Kết bài
Khái quát lại những giá trị, ý nghĩa của bánh chưng ngày tết và nêu lên trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn nét đẹp này.
Thuyết minh về cách làm món vịt quay me
* Vật liệu
- 1 con vịt 1,5 kg
- 1 miếng gừng 50 gr
- 3 thìa (muỗng) súp rượu trắng
- Hành ta, tỏi, tiêu, muối, đường, bột ngọt, dấm
- 2 thìa cà phê dầu mè
- 1 quả dừa xiêm
- 2 thìa súp tương hột
- 1 vắt me chín to
- 1 muỗng súp bột năng
- 100gr xà lách xoong
- 2 quả cà chua, 2 quả ớt, hành lá
- 1 củ cà rốt, 1 củ cải trắng
- 2 chiếc bánh mì
*Cách làm
Giai đoạn 1: Chuẩn bị
1. Hành ta, tỏi: băm nhỏ
2. Vịt: làm sạch, moi dưới bụng lấy bộ lòng ra. Gừng giã nhỏ, hoà với rượu, vắt lấy nước, tẩm vào vịt, để độ 1/2 giờ để vịt bớt tanh, rửa sạch, để ráo, ướp vào vịt: hành tỏi băm nhỏ + 1 chút tiêu + muối + đường + bột ngọt + dầu mè cho vừa ăn, cho vịt vào chảo mỡ đã khử tỏi, rán (chiên) vàng, chặt miếng vừa ăn.
3. Tương ớt: băm nhỏ
4. Me chín: cho nước nóng vào, tán cho me ra chất chua.
5. Cà chua, ớt, hành lá: tỉa hoa
6. Cà rốt, củ cải trắng: tỉa hoa, ngâm dấm và đường.
Giai đoạn hai: nấu vịt
- Cho vịt đã chiên vàng vào xoong, chế nước dừa vào cho ngập, bắc lên bếp, nấu cho vịt mềm.
- Bắc chảo mỡ nóng, phi thơm hành tỏi, cho tương hột và nước me vào, nêm chút đường + bột ngọt + tiêu cho vừa ăn, cho vào vịt đang hầm, nấu tiếp cho vịt thật mềm là được, nêm lại cho vừa ăn. Bột năng hoà nước cho vào cho nước nấu được sanh sánh, nhắc xuống.
Giai đoạn 3: Trình bày
Xếp vịt ra đĩa cho ra hình dáng con vịt, miệng vịt cho ngậm ớt, đùi vịt quấn giấy cắt tua, giữa để cà chua + ớt tỉa hoa, xung quanh để xà lách xoong và cà rốt + củ cải trắng tỉa hoa cho xen kẽ, dùng nóng với bánh mì.
b) Cách làm mì xào giòn:
* Vật liệu
- 12 vắt mì tươi
- 1 cái cật heo
- 1 bộ lòng gà
- 100 g nấm rơm búp
- 100g bông cải
- 50g đậu hoà lan
- 1 đùi gà (hoặc ức gà)
- 150g tôm bạc thẻ
- 2 trái cà chua, 2 trái ớt
- 150g xương heo nấu lấy 1 chén nước lèo
- 50g hành ta, 1 củ tỏi
- 1 củ hành tây
- Muối, tiêu, đường, bột ngọt, xì dầu ngò, dấm
- 2 muỗng cà phê dầu mè
- 1 muỗng súp bột năng
- Mỡ nước hoặc dầu ăn
- 1/2 muỗng cà phê thuốc muối
- 100g bột mì hoặc bột năng để rắc mì
*Cách làm
Giai đoạn 1: Chuẩn bị
1. Mì: trụng sơ nước sôi, để ráo, gỡ mì cho rời ra.
2. Cật heo: bổ đôi, lạng bỏ lõm trong của cật rửa sạch, ngâm cật trong nước có pha chút dấm và muối độ 15 phút, vớt ra, rửa sạch, xắt ra từng miếng độ dày 1,5cm.
3. Lòng gà; gan xắt mỏng, mề xắt hoa (khía ngang và khía dọc có bảng 1 ly).
4. Nấm rơm: gọt rửa sạch, trụng sơ nước sôi có cho chút muối cho nấm được giòn
5. Bông cải: cắt miếng vừa ăn, trụng sơ nước sôi.
6. Đậu hoà lan: tước xơ hai bên mép, trụng sơ nước sôi có cho chút muối và thuốc muối cho đậu được xanh (đậu Đà lạt, loại đẹp).
7. Đùi gà: lóc nạc, xắt mỏng
8. Tôm bạc thẻ: rửa sạch, bóc vỏ, rút bỏ chỉ đen, để ráo.
9. Cà chua: 1 trái tỉa hoa, còn lại xắt dọc theo trái độ 8 miếng (xắt theo múi xà).
10. Hành ta + tỏi: băm nhỏ
11. Hành tây: tỉa lá, hoặc xắt dọc theo củ có bảng độ 1 cm.
Giai đoạn hai: Chiên mì, xào thịt, làm nước sốt
1. Chiên mì: rây đều bột mì (hoặc bột năng) vào các sợi mì đã luộc chín, cho mì này vào chảo mỡ đã cho một ít tỏi đập dập, chiên từng cọng cho mì được vàng và giòn.
2. Xào thịt: Bắc chảo mỡ nóng, phi hành tỏi cho thơm, cho thịt gà vào xào, kế cho tô, + cật heo + lòng gà, xào lên cho đều, nêm tiêu + xì dầu + đường + bột ngọt cho vừa ăn. Khi thịt săn, cho nấm rơm + bông cải + đậu hoà lan, sau cùng cho cà chua + hành tây, nêm lại cho vừa ăn, nhắc xuống, cho dầu hào và dầu mè (xào cho rau cải vừa chín tới mới ngon).
Giai đoạn 3: Trình bày
Cho mì ra đĩa, trên cho hỗn hợp rau + thịt, gần ăn hâm sốt lại cho nóng chế lên mì, giữ để cà chua + ớt tỉa hoa, rắc tiêu và ngò cho thơm, dùng nóng với xì dầu + ớt xắt khoanh mỏng (Theo Nghệ thuật nấu ăn - NXB Phụ nữ, 1987).
------------------------------
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Dưới đây là bài soạn bài Thuyết minh về một phương pháp bản rút gọn nế bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn bài lớp 8: Thuyết minh về một phương pháp
Ngoài việc ôn tập đề cương ôn tập chúng tồi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 2 lớp 8 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 8 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới