Suy nghĩ về Lục Vân Tiên thời nay qua hai câu thơ: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
Suy nghĩ về Lục Vân Tiên thời nay qua hai câu thơ: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng lớp 9
Suy nghĩ về Lục Vân Tiên thời nay qua hai câu thơ: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp các bạn học sinh chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 9 một cách dễ dàng nhất. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây
- Soạn bài lớp 9: Lục Vân Tiên gặp nạn
- Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
- Phân tích đoạn trích Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh của Phạm Đình Hổ
Khái quát về tác giả Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Lục Vân Tiên
1. Khái quát về Tác giả Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu 1822 - 1888), tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù), quê ở phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ có quan niệm văn chương nhất quán. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Vì vậy, mỗi vần thơ của ông đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi, và đều bộc lộ một tấm lòng thương dân yêu nước của ông.
Ông thường dùng chữ Nôm, và bằng ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu sức gợi cảm khiến cho tác phẩm của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc. Ông là nhà thơ đầu tiên xây dựng thành công hình ảnh những người nông dân trong văn học Việt, đắp tô tượng đài vĩnh cửu về người anh hùng Nam Bộ tiên phong trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược.
2. Khái quát về Lục Vân Tiên
Bố cục: Đoạn trích được chia làm hai phần.
- Phần 1: 14 câu đầu: Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, tiêu diệt tên cầm đầu Phong Lai.
- Phần 2: 44 câu còn lại: Cuộc trò chuyện giữa Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga sau trận đánh
Nội dung: Thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc hoạn những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
Nghệ thuật:
- Nhân vật được miêu tả qua hành động, cử chỉ, lời nói.
- Truyện kể mang tính chất dân gian.
- Nghệ thuật so sánh độc đáo.
- Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, giản dị gần gũi với nhân dân lao động, phối hợp với diễn biến tâm lí nhân vật.
Hình ảnh người anh hùng Lục Vân Tiên qua lời nói: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
Mở bài:
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ xuất sắc, nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ông dùng ngòi bút sắc bén của mình để chiến đấu chống cái xấu, cái ác trong xã hội, mong ước xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ. Lục Vân Tiên là nhân vật lý tưởng, được ông trau chuốc và gửi gắm vào nhân vật này biết bao tình cảm và khát vọng lớn lao. Phẩm chất anh hùng và hiệp nghĩa của Lục Vân Tiên thể hiện rõ nét qua lời giải bày với Kiều Nguyệt Nga khi nàng có nguyện vọng báo đáp ơn cứu giúp của chàng:
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Từ nghĩa khí của chàng Lục Vân Tiên, chúng ta suy nghĩ về lối sống của con người thời nay thật khó phân giải.
Thân bài:
Khi ra tay đánh tan bọn cướp hung bạo Phong Lai, Lục vân Tiên chỉ nghĩ đến việc giải nguy cứu người và dạy cho bọn cướp một bài học đích đáng, bảo vệ dân lành chứ không hề nghĩ đến chuyện ơn nghĩa đáp đền. Lục Vân Tiên là đại diện cho công lí, đại diện của lý tưởng sáng ngời về lẽ công bằng ở đời. Đối với chàng “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Chàng đại diện cho những bậc anh hùng trong xã hội phong kiến, đề cao dũng khí, cam trường ra tay hành hiệp trượng nghĩa cứu người yếu đuối trừng phạt kẻ hung bạo:
“Kiến ngãi bất vi vô dũng giả
Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”.
Với nhân vật Lục Vân Tiên nhà thơ đã xây dựng một mẫu người lý tưởng trong xã hội phong kiến đương thời trên nền tảng đạo đức Nho giáo. Cũng qua nhân vật này, ông muốn xây dựng một xã hội lý tưởng. Ở đó, cái tốt đẹp được coi trọng và ngưỡng mộ, người tài đức được trọng dụng, các oan khuất được giải minh.
Bằng việc khắc họa hành động anh hùng, hiệp nghĩa của Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình chiểu mạnh mẽ khẳng định rằng muốn xây dựng một xã hội lý tưởng phải tiêu diệt những hạng người xấu xa, độc ác. Tác phẩm thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời thông qua kết thúc có hậu của tác phẩm là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà. Lục Vân Tiên là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa, xem thường danh lợi, vì nhân dân mà hành động.
Ngày nay, tinh thần hiệp nghĩa ấy vẫn còn tỏa sáng trong cuộc sống, trở thành tấm gương điển hình của hành động dũng cảm cứu người khi lâm nguy, hoạn nạn, được nhân ca ngợi và đề cao.
Báo chí đã đưa tin rất nhiều về hành động cứu giúp người hoạn nạn, bảo vệ tài sản của người gặp nạn của các “hiệp sĩ” ở Bình Dương. Họ xuất thân là những người chạy xe thồ, những người lao động bình thường. Họ không có chức năng thi hành pháp luật, cũng không có trách nhiệm phải bảo vệ người khác được nhà nước quy định.
Thế nhưng, bất bình trước hành động ngang ngược, phạm pháp của bọn cướp, các anh đã ra tay trấn áp chúng, bảo vệ tính mệnh và tài sản trước nhân dân. Không những thế, các anh còn tham gia đuổi bắt và truy tố chúng trước pháp luật để kẻ ác bị trừng trị, dân lành được bảo vệ, công lí được thực thi. Nhiều lần, bị bọn cướp hăm dọa, thậm chí là tấn công gây thương tích nhưng các anh vẫn giữ vững lí tưởng. Các anh chính là những Lục Vân Tiên can trường, dũng khí, quyết chiến đấu để bảo vệ lẽ công bằng trong thời đại mới.
Chúng ta cũng không quên hình ảnh của MC Phan Anh rong ruổi trên khắp nẻo đường, tìm đến và hỗ trợ, cứu giúp đồng bào các vùng thiên tai lũ lụt. Ở đâu có người khó khăn, anh đều tìm cách giúp đỡ họ vượt qua hoạn nạn. Không những thế, anh còn kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, cá nhân có chung nguyện vọng cùng chung tay giúp sức tạo nên một phong trào tương trợ nhân ái rộng lớn trên khắp cả nước.
Nhiều khi, các chương trình hành động của anh bị nhiều người soi mói, chỉ trích, vu khống, cố tình bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của anh nhưng Phan Anh đã dũng cảm vượt qua. Anh đã đứng vững và tiếp tục hành động. Phan Anh xứng đáng được ca ngợi như một Lục Vân Tiên trong thời đại ngày.
Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn lắm người thờ ơ trước nghịch cảnh khổ đau của người khác. Cuộc sống tiện nghi khiến họ ngày càng trở nên vô cảm, vô tình. Họ chỉ biết lợi ích của bản thân mà bỏ rơi người khác trong khó khăn hoạn nạn. Thậm chí là còn tiếp tay cho kẻ ác.
Trong thời gian qua, báo chí cũng đưa tin rất nhiều về những vụ “hôi của” của nhân dân khi các xe hàng gặp tai nạn trên địa bàn. Vụ tai nạn xảy ra khiến cho nhiều hàng hóa trên xe đổ ra đường. Người dân vô tình vô cảm, không những không chung tay cứu giúp mà còn thản nhiên lấy đi hàng hóa mặc cho tài xế van nài thảm thiết. Đến khi lực lượng chức năng đến hỗ trợ người bị nạn, họ vẫn cứ tiếp tục hành động mà không chút xấu hổ. Đó là một thực trạng đau lòng, đáng tủi nhục.
Cũng có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra để lại cho ta nhiều suy nghĩ. Khi nạn nhân bất tỉnh, nhiều kẻ cơ hội cũng vây quanh nạn nhân, tranh thủ lấy đi những đồ vật đáng giá rồi bỏ mặt nạn nhân trong thương tích, không cần quan tâm họ sống chết thế nào. Đó là một hành vi tàn nhẫn, vô nhân đạo.
Cũng có nhiều bạn trẻ, chỉ vì một xích mích nhỏ mà kéo bè kéo đảng đi đánh một người, gây cho họ nhiều thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí là mất mạng. Đó là hành động hèn hạ của kẻ tiểu nhân, ỷ mạnh hiếp yếu thật không đáng mặt anh hùng.
Cũng có nhiều bạn trẻ không chăm lo học hành mà lêu lổng, sống cuộc sống buông thả, hèn kém, trụy lạc trong các tệ nạn xã hội, thiếu ý chí, thiếu lý tưởng trong sáng. Họ chỉ biết đến bản thân, thậm chí là sống bản năng, tàn ác, dẫm đạp lên các giá trị đạo đức chuẩn mực của xã hội để thỏa mãn đời sống thấp kém của mình. Đó là những ung nhọt trong xã hội cần phải sớm được gỡ bỏ để xây dựng một cuộc sống trong sạch, vững mạnh, tiến bộ.
Xã hội càng văn minh, con người cần phải biết tôn trọng và thực hiện những nguyên tắc chung, biết sống vì mọi người, đề cao lòng nhân ái và tinh thần hiệp nghĩa. Phải tuân thủ và bảo vệ pháp luật, hướng đến bảo vệ cộng đồng.
Tuổi trẻ cũng cần nỗ lực rèn luyện mình, ra sức học tập và nâng cao bản lĩnh sống. Biết đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái bất công, bảo vệ lẽ phải hướng đến lý tưởng cao cả.
Kết bài:
Không còn nghi ngờ gì nữa, để bảo vệ chính mình, bảo vệ cuộc sống của chúng ta, để công lí được thực thi và kẻ ác không có cơ hội gây ra điều ác thì mỗi người phải tự hoàn thiện bản thân mình, tăng cường đoàn kết tạo nên nguồn sức mạnh to lớn kiên quyết quét sạch cái xấu xa ra khỏi cộng đồng. Mỗi các nhân hãy là một Lục Vân Tiên đem sức mình xây dựng quê hương đất nước.
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu Ngữ văn lớp 9, Soạn văn lớp 9, Học tốt Ngữ Văn lớp 9, Soạn Văn lớp 9 (ngắn nhất), Tài liệu học tập lớp 9